Chọn nghề - việc làm

GD&TĐ - Góp phần nâng cao đời sống cho người khuyết tật, tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện chi trợ cấp xã hội hàng tháng cho hơn 11.150 người khuyết tật với mức 350 nghìn đồng/tháng.

Ảnh: laodong.vn
Ảnh: laodong.vn

Quảng Ninh: Nhiều chính sách hỗ trợ người khuyết tật

Tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 19 nghìn người khuyết tật, trong đó có tới trên 15.900 người không có khả năng lao động, chiếm 82,5%. Số người khuyết tật không có việc làm là 16.406 người, chiếm 85,07%.

Góp phần nâng cao đời sống cho người khuyết tật, tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện chi trợ cấp xã hội hàng tháng cho hơn 11.150 người khuyết tật với mức 350 nghìn đồng/tháng. 100% người khuyết tật đang hưởng trợ cấp hàng tháng đều được cấp thẻ BHYT đầy đủ, kịp thời.

Mỗi năm, Quảng Ninh bố trí kinh phí hỗ trợ lao động học nghề từ 10 - 15 tỷ đồng, toàn tỉnh hiện có 10 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật, tạo việc làm cho hơn 200 lao động là người khuyết tật với mức thu nhập hàng tháng từ 2,5 - 3,5 triệu đồng.

Thừa Thiên - Huế: Tuyển dụng hơn 5.000 vị trí việc làm

Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Ngày Hội tuyển sinh, tuyển dụng lao động lần thứ nhất năm 2019. Tham gia Ngày hội, có 62 đơn vị đăng ký tuyển sinh và tuyển dụng lao động với trên 5.000 vị trí việc làm, xuất khẩu lao động và du học.

Nhu cầu tuyển lao động tập trung vào các ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi giải trí, dệt may và lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đối với tuyển sinh nghề tại các trường ĐH, CĐ và các cơ sở đào tạo nghề, nhu cầu tuyển sinh khoảng trên 8.000 vị trí. Với tiêu chí “Kết nối, hợp tác, chia sẻ, hiệu quả”, Ngày hội nhằm tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề.

Đào tạo lái xe bằng thiết bị mô phỏng 3D

Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa ký thoả thuận hợp tác ứng dụng công nghệ tiến tiến trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) và hoạt động quản lý vận tải, bảo đảm ATGT, nâng cao hiệu quả quản lý về giao thông đường bộ.

Một trong những nội dung đáng chú ý là Tập đoàn Viettel sẽ xây dựng thiết kế hệ thống mô hình mô phỏng trong đào tạo, sát hạch cấp GPLX. Hệ thống này sử dụng thiết bị và công nghệ mô phỏng hiện đại, mang lại trải nghiệm và cảm giác chân thực cho học viên, cung cấp chương trình đào tạo từ cơ bản đến nâng cao cho nhiều đối tượng học khác nhau.

Hệ thống cũng tích hợp cơ cấu mô phỏng chuyển động đa dạng từ 3D đến 6D giúp nâng cao độ chân thực với người tập. 

Thay đổi phương thức thi tiếng Hàn cho lao động xuất khẩu

Thực hiện nội dung Bản ghi nhớ giữa Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc và Bộ LĐ,TB&XH Việt Nam về chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS), Bộ LĐ,TB&XH tổ chức kỳ thi tiếng Hàn năm 2019 đối với các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng và ngư nghiệp.

Từ kết quả của kỳ thi này, Bộ LĐ,TB&XH sẽ tuyển chọn 2.600 lao động ngành ngư nghiệp, 1.000 lao động ngành sản xuất chế tạo và 300 lao động ngành xây dựng đi làm việc tại Hàn Quốc.

Theo Trung tâm lao động ngoài nước, kể từ năm 2019, Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) sẽ áp dụng phương thức tính điểm thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề, năng lực để tuyển chọn lao động tham gia Chương trình EPS.

Năm nay, người lao động đăng ký tham gia chương trình EPS sẽ phải tham dự 2 vòng thi, bao gồm vòng 1 thi năng lực tiếng Hàn (EPS-TOPIK) và vòng 2 là kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực. Chỉ những người đạt yêu cầu qua cả 2 vòng thi mới đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

Vòng 1 thi tiếng Hàn trên máy tính sẽ chia theo ngành nghề. Ngành sản xuất chế tạo và xây dựng thi từ ngày 2/7 đến ngày 31/7. Ngành ngư nghiệp thi từ ngày 23/9 đến ngày 11/10.

Vòng 2 kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực cũng được chia theo ngành nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ