Chàng từ điển của lòng tôi

GD&TĐ - Truyền thuyết kể rằng, trong lúc chiến đấu chẳng may chàng rơi xuống hồ nước, chết đuối. Sau đó, hồ nước cạn khô trơ lại những hòn đá tảng, đặc biệt có một hòn mang hình dáng như quả tim. Ngày đêm, người yêu của chàng ôm trái tim đá ấy vào lòng và hết bệnh. Tại sao từ câu chuyện truyền thuyết tình yêu đó, Dũng lại nghĩ đến tôi? 

Chàng từ điển của lòng tôi

Nhớ Dũng từng nói, mọi việc với Dũng đều bình thường, không nhớ, không thương, không bao giờ để cảm xúc lên đến cao trào kia mà. Chẳng lẽ, Dũng muốn đóng vai chàng trai có tình yêu cao thượng, còn tôi là cô gái đang mắc bệnh nặng sao? 

1. Dũng đang là nghiên cứu sinh. Tôi đang ở giai đoạn cuối bậc cao học. Ngành học của Dũng gần với ngành học của tôi, nên chúng tôi có thể liên kết với nhau để tận dụng các nguồn ngữ liệu.

Tôi hẹn Dũng để nhờ phiên dịch lại một số câu khó trong đoạn tóm tắt. Dũng nói rề rà để kéo dài các cuộc thoại với tôi: “Ừ, thì muốn gọi lúc nào thì cứ gọi, muốn đến lúc nào thì cứ đến, muốn dịch gì cũng được…”. Tôi thầm cảm ơn sự dễ dãi của Dũng. Lúc này công việc của tôi đang vào giai đoạn chạy nước rút, nên không thể trực tiếp gặp Dũng được. Tôi cố uốn giọng đàn em nhờ vả cho thật mềm mại, thật dễ thương:

- Em đã chụp lại những câu cần dịch và gửi qua mạng internet cho anh Dũng rồi ạ.

Qua màn hình điện thoại trực tiếp, tôi nhìn thấy Dũng đang ngồi một mình trên bàn với một đống sách và giấy bừa bộn. Dũng nhìn tôi chăm chắm, hất hàm hỏi:

- Có bây nhiêu đây thôi hả?

Tôi khấp khởi mừng thầm, đổi giọng nịnh nọt:

- Dạ! Anh cứ dịch từ từ giữ sức khỏe.

Dũng cười. Tự nhiên tôi nghĩ, nhìn Dũng cũng không đến nỗi dữ tướng như gương mặt mọi ngày vẫn quen thấy.

Chỉ trong buổi sáng ấy, Dũng mau chóng dịch xong các phần tôi đưa.

- Còn gì cần dịch và hỏi thì hỏi nốt luôn đi, vì anh sẽ đi nghỉ dưỡng xa đấy.

Vì vậy, tôi lại tiếp tục nhờ vả. Căn phòng rộng ở hai đầu dây điện thoại dường như thu nhỏ lại. Trong khoảng từ tối đến khuya và sáng sớm, lúc nào tôi và Dũng cũng nhìn thấy nhau. Một đối một. Phải nói rằng làm việc với Dũng tôi cảm thấy vui hẳn ra. Dũng chịu khó và nhiệt tình. Dũng trầm tĩnh, nhẹ nhàng trong lời nói đến nỗi cái tính “sồn sồn” của tôi cũng ngại và dịu hẳn đi từ khi quen biết Dũng.

Cũng từ đó, tôi bỗng ghiền nghe ngữ điệu nói như rủ rỉ đọc truyện đêm khuya của Dũng. Dũng chủ động điện thoại, nhắn tin cho tôi nhiều hơn, đôi khi chả có lí do gì. Các cuộc thoại của tôi với Dũng ngoài việc trao đổi học thuật, tôi còn tranh thủ dặn dò đủ thứ xen lẫn ít cảm tình nọ kia. Nào là con cá bảy màu bơi trong hồ sau lưng anh cần ăn một tuần mấy hạt thức ăn. Nào cây trầu bà đến lúc thay nước cho căn phòng của anh xanh hơn…

Bù lại, Dũng bảo tôi:

- Anh đăng kí khuyến mãi gọi điện cặp đôi với số điện thoại của em rồi đó. Em cần thì cứ nhá máy hoặc nhắn tin. Anh sẽ gọi lại.

 Từ nơi nghỉ dưỡng, Dũng gọi điện thoại: “Anh khám phá ra cái hồ nước giống y như cái hồ trong truyền thuyết của người Mạ vì cái hồ ấy cạn khô đến tận đáy. Lòng hồ chỉ trơ lại đá tảng và anh nghĩ đến em”. Rồi Dũng hỏi:

- Em đã có được tình yêu cao thượng chưa?

Câu hỏi này khiến tôi choáng váng đến nỗi không biết trả lời thế nào, đành “Em cũng không biết nữa”. Đêm đó, tôi mất ngủ. Đó là một truyền thuyết về tình yêu cao thượng mà tôi và Dũng đã cùng nghiên cứu.

Sao hôm nay Dũng lại nhắc chuyện chàng trai đánh nhau với con thủy quái để lấy thuốc trị bệnh nan y cho người yêu? Truyền thuyết kể rằng, trong lúc chiến đấu chẳng may chàng rơi xuống hồ nước, chết đuối. Sau đó, hồ nước cạn khô trơ lại những hòn đá tảng, đặc biệt có một hòn mang hình dáng như quả tim. Ngày đêm, người yêu của chàng ôm trái tim đá ấy vào lòng và hết bệnh.

Tại sao từ câu chuyện truyền thuyết tình yêu đó, Dũng lại nghĩ đến tôi? Nhớ Dũng từng nói, mọi việc với Dũng đều bình thường, không nhớ, không thương, không bao giờ để cảm xúc lên đến cao trào kia mà. Chẳng lẽ, Dũng muốn đóng vai chàng trai có tình yêu cao thượng, còn tôi là cô gái đang mắc bệnh nặng sao?

Hay là tại Dũng đã vốn rất uyên bác về những vấn đề văn học dân gian? Bởi tất cả những điều tôi hỏi, Dũng giải đáp ngay tức thì. Chẳng những thế Dũng còn giải thích rất cặn kẽ và tỉ mỉ. Tôi đặt tất cả niềm tin vào sự hiểu biết của Dũng. Dũng nói ra điều gì tôi không cần tra cứu lại. Trong suy nghĩ của tôi, Dũng đã là một quyển từ điển sống lâu rồi. Thôi, cứ nghĩ vậy đi, cho nó yên tâm.

2. Đi nghỉ dưỡng về, Dũng vui vẻ ra mặt khi nghe tôi nói:

- Em đã giải thích xong các hình ảnh ẩn dụ.

- Giỏi! Mà hình ảnh nào? Trái tim đá hay là hồ nước cạn khô?

Dũng hỏi bằng một thái độ ỡm ờ và nụ cười có vẻ như sắp trêu chọc. Nhưng tôi đang có vấn đề khác cần quan tâm hơn.

- Dạ! Cảm ơn anh. Em nói về tài liệu của vấn đề em đang phải giải thích ạ.

Mắt Dũng nhấp nháy:

- Anh sẽ thưởng cho công sức đọc tài liệu của em bằng một bài hát mà chiều nay anh mới sáng tác.

Nói rồi Dũng với tay lấy chiếc đàn ghi ta trên vách, bắt đầu vừa đệm vừa hỏi:

- Em không thích nghe đàn à?

- Em thích nghe đàn lắm chứ!

- Đúng rồi! Đàn gì em cũng thích, duy nhất mỗi đàn ông là không! Đúng không?

Không để tôi kịp trả lời phản đối, Dũng nhanh chóng dạo đàn và hát một bài hát thiếu nhi. Dũng ơi là Dũng! Sao cứ đẩy tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.

Chuyện gì thế này? Vừa mới nói năng chớt nhã như một gã đàn ông nham nhở chọc ghẹo đàn bà con gái, ngay sau đó lại hát nhạc con nít? Tâm hồn Dũng trẻ thơ hay Dũng muốn “xóa tội” vừa phạm phải với tôi? Bài hát Dũng viết có chim chích chòe đang nhảy nhót, có mặt trời màu hồng, có nước suối róc rách… Nội dung trong trẻo không ngờ.

Trước đây, khi đọc những luận văn mà Dũng hướng dẫn, tôi nghĩ Dũng đơn thuần là nhà khoa học thôi. Những ý tưởng Dũng định hướng, khơi nguồn sáng tạo cho sinh viên cứ ngồn ngộn như những đợt mắc- ma phun trào, hết đợt này đến đợt khác, từ ý tưởng này nảy sinh tiếp ý tưởng kia.

Thực sự những luận văn ấy hay, có ý tưởng mới và mang tính ứng dụng cao. Nay, tôi lại có thêm một phát hiện khác, Dũng còn là một nghệ sĩ tài hoa. Tôi buột miệng thán phục “Chàng bách khoa từ điển”.Nhưng tôi chỉ nói thầm trong bụng thôi. Tôi thấy mắc cỡ khi gọi Dũng là chàng.

Hát xong, Dũng hỏi:

- Không đi chơi à cô gái? Sao cặm cụi làm mãi vậy?

Gọi tôi là cô gái, ý gì đây? Muốn nhắc tới cô gái trong truyền thuyết cái hồ khô cạn mà Dũng có vẻ rất thích, hay chỉ là một cách dùng từ ngữ thân mật thông thường?Thôi kệ đi. Tôi cứ nghĩ sao nói vậy:

- Có, đi hội thảo với anh 2 tháng trước đó.

- Suỵt! Đi hội thảo vất vả muốn điên mà gọi là đi chơi?

- Thì với em, đó là cuộc dạo chơi để gặp gỡ bạn bè, trao đổi về những điều mình nghĩ, mình tâm đắc, thắc mắc. Em được xem thiên hạ làm gì, nói gì, mục đích ra sao để học hỏi thêm, rút kinh nghiệm…

Đụng tới chuyện đi hội thảo là tôi cứ như được gặp tri âm tri kỷ, tôi còn muốn nói nữa, hội thảo này hay, hội thảo kia chán… thì Dũng đột ngột bảo có chuyện bận rồi, hẹn hôm khác.

Điện thoại tắt rồi, còn lại một mình, tôi mới thấy hơi băn khoăn. Có lẽ Dũng hỏi như vậy vì muốn rủ tôi đi chơi chăng? Có lẽ do tôi trả lời không như ý định của Dũng, nên Dũng đã cắt ngang cuộc nói chuyện đang vui vẻ chăng?

Và hình như… chẳng lẽ… tôi không cùng suy nghĩ với Dũng ở việc tham gia những cuộc hội thảo?Tôi sực nhớ, mỗi lần có hội thảo nào đó là Dũng rất căng thẳng và hầu như luôn miệng rên rỉ “Anh làm không kịp”. “Anh cố gắng hết sức rồi mà vẫn chưa xong. Em giúp sửa câu cú và bổ sung bài cho anh nhé”.

Với tôi, được Dũng nhờ, tôi cảm thấy vui và luôn cố gắng hết sức. Nhờ những lần giúp Dũng mà tôi đã tự trả lời được những vướng mắc trong hướng nghiên cứu của mình. Thậm chí, tôi còn can đảm tranh luận nảy lửa với các đồng nghiệp trong hội thảo về vấn đề của Dũng.

Còn Dũng lúc ấy, cứ có vẻ rụt rè. Tôi được biết Dũng học nhiều thứ, biết nhiều ngoại ngữ, có nhiều bằng cấp. Sao anh không trưng dụng các tài năng ấy ra vậy nhỉ? Hay tại Dũng khiêm tốn? Dũng muốn biến mọi việc đều trở nên bình thường như từng tuyên bố với tôi?

3. Cứ phải còng lưng giúp Dũng mà thực chất là làm dùm mãi, tôi đến phát ngán, phát ngấy. Không ngán ngấy sao được khi mà Dũng còn nhờ tôi sửa luôn bài vở cho những học trò Dũng hướng dẫn làm luận văn! Số tiền thù lao thực sự chẳng bõ công tôi đọc miệt mài đến hoa cả mắt, mò mẫm chỉnh sửa đến nhức đầu bưng bưng, chóng mặt như đến thời kỳ tiền mãn kinh, và triền miên thiếu ngủ.

Thấy phiền quá, tôi tế nhị đề nghị với Dũng:

- Em sẽ giới thiệu cho anh một người bạn. Người ấy rất giỏi nên sẽ cộng tác tốt cho hướng nghiên cứu của anh.

Không ngờ, Dũng từ chối thẳng thừng:

- Những người học chắp vá như anh làm sao kiến thức có hệ thống bằng người học trường lớp chính quy được? Tại em không biết chứ, ngoài chuyện giúp được anh, ở em còn tương đồng với anh nhiều thứ nữa. Em lại là người tận tâm.

Sao Dũng có vẻ như kể khổ thế nhỉ? Tôi cố vật nài:

- Bởi vậy mới nói. Dạo gần đây, đề tài sắp xong nên em phải đọc rất nhiều tài liệu. Em thực sự rất bận. Thời gian đầu tư sửa bài cho anh không nhiều, nên chưa chỉn chu lắm đâu. Anh cứ thử làm việc với người này xem sao.

Dũng à ừ với thái độ miễn cưỡng. Và ngay lập tức gởi mail cho tôi:

- Trước mắt, em cứ sửa giúp anh cái này đã. Lần này, ba người đứng tên trên hai bài, mỗi bài hai người nhé. Cũng bình thường như trước đây anh và em cũng cùng đứng tên chung trên bài đó mà.

Tôi nhìn cái màn hình máy tính trắng nhợt, cứng đờ, chỉ muốn gởi trả lại ngay bức thư vừa đến. Trong lúc kiềm chế những ngón tay mình lướt trên bàn phím, tôi thấy mình cũng còn hên khi chưa kịp nói ra cái tên gọi chàng từ điển ngấm ngầm ngưỡng phục đã đặt riêng cho Dũng trong những ngày ngô nghê quen biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.