Trẻ vị thành niên băn khoăn trước câu hỏi “học để làm gì?”

GD&TĐ - Báo cáo của Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp về đào tạo nghề, hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho trẻ vị thành niên đã chỉ ra những rào cản khi nhóm tuổi này mong muốn tiếp cận thị trường lao động. 

Trẻ vị thành niên vùng đồng bào dân tộc vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các chương trình đào tạo nghề.
Trẻ vị thành niên vùng đồng bào dân tộc vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các chương trình đào tạo nghề.

Báo cáo đã phân tích thực trạng, nhu cầu đào tạo nghề, hướng nghiệp, giải quyết việc làm của nhóm tuổi này tại các địa phương Hà Nội, Điện Biên, An Giang và Kom Tum. 

“Học để làm gì?”

Nghiên cứu cho thấy, băn khoăn về tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm sau tốt nghiệp là một nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên không tiếp tục đi học.

Phụ huynh và các em nhận thấy nhiều người tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng cũng khó khăn trong tìm và tự tạo việc làm. Nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển dụng lao động đủ 18 tuổi mà không cần bằng cấp.

Thực tế đó khiến hình thành suy nghĩ “học để làm gì?”. Do vậy, nhiều em đã tham gia thị trường lao động (TTLĐ) sớm. Hoặc ở nhà phụ gia đình, chờ đủ 18 tuổi vào khu công nghiệp làm bất cứ việc gì theo yêu cầu của doanh nghiệp, hoặc lao động tự do.

Không tìm được trường, thiếu thông tin về khóa học là nguyên nhân khiến các em không đến với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Các cơ sở GDNN cũng chưa đa dạng ngành nghề đào tạo, phù hợp với đặc thù lứa tuổi 15 đến dưới 18, phù hợp với địa phương và nhu cầu của TTLĐ. Nghề của các trường chưa đủ sức hút với học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.

Kết quả công tác tư vấn về nghề còn hạn chế. Việc hướng nghiệp cho nam chú trọng hơn cho nữ.

Nam giới thường được định hướng các nghề có tính kỹ thuật như sửa chữa ô tô, xây dựng, cơ khí, điện, điện lạnh. Nữ được định hướng các nghề như du lịch, kế toán, giáo viên, hoặc các nghề may, nấu ăn… Những em chưa tốt nghiệp hoặc sau THCS không đi học tiếp thì rất khó thu hút đến với tổ chức tư vấn nghề, hướng nghiệp.

Khuyến nghị về chính sách

Có việc làm ổn định là mong muốn chung lớn nhất của các em từ đủ 15 đến dưới 18. Tiếp đến là việc làm có thu nhập cao, đúng với nghề được đào tạo, có khả năng thăng tiến, gần nhà… Tìm kiếm việc làm thông qua người thân, bạn bè là cách thức phổ biến…

Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đã đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng, trong đó, đối với ngành LĐ-TB&XH: Ban hành chính sách hỗ trợ sau đào tạo nghề, giúp các em tự tạo việc làm, khởi nghiệp tại nơi thường trú. Phát triển mô hình đào tạo nghề tại cộng đồng cho các em ngoài nhà trường, với thời gian, chương trình linh hoạt.

Các khóa đào tạo hướng đến việc tự tạo việc làm sau khi kết thúc khóa học. Cung cấp thường xuyên, kịp thời thông tin về các cơ sở GDNN, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm,…

Phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, các địa phương tổ chức tuyên truyền về các chính sách ưu tiên đối với các trẻ từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi trong học nghề; tổ chức hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp.

Phối hợp với địa phương thành lập và tổ chức thực hiện các câu lạc bộ định hướng hoạt động như: khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vì cộng đồng…

Báo cáo thực trạng và xác định nhu cầu đào tạo nghề, hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho trẻ vị thành niên được thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam” do Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tài trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ