Trẻ tị nạn Syria thiệt thòi về giáo dục

GD&TĐ - Tránh xa bom đạn trong cuộc nội chiến tại quê nhà, hàng triệu em nhỏ Syria theo gia đình tị nạn tại các quốc gia láng giềng. Những quốc gia tiếp nhận người tị nạn vốn đều khó khăn về kinh tế và không thể đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ tị nạn. 

Trẻ tị nạn Syria thiệt thòi về giáo dục

Mọi việc trông chờ vào viện trợ quốc tế nhưng thực tế viện trợ nhỏ giọt không như hứa hẹn đã khép chặt cánh cửa học hành với trẻ tị nạn Syria.

Viện trợ không như hứa hẹn

Kể từ khi gia đình tha hương tránh cuộc nội chiến tại Syria 5 năm trước, Ali al-Sbehi 15 tuổi chưa quay lại trường. Cậu bé phải làm việc 12 giờ mỗi ngày tại một siêu thị, rồi chuyển qua một quầy đồ ăn nhanh và hiện là một quán cà phê – chấp nhận bị chủ bóc lột và trả lương thấp để có thêm thu nhập cho gia đình 8 thành viên.

Ali là một trong hơn nửa triệu trẻ tị nạn Syria trong độ tuổi đến trường – chiếm 1/3 tổng số - thất học tại những quốc gia đang oằn lưng đón người tị nạn là Jordan, Libăng, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Iraq.

Lẽ ra toàn bộ số trẻ này được đến trường theo cam kết của các tổ chức quốc tế và quốc gia tài trợ tại một cuộc họp về viện trợ cho Syria diễn ra tại London cách đây 18 tháng.

Vào thời điểm đó, các nhà tài trợ hứa hẹn cấp hàng trăm triệu USD đáp ứng mục tiêu giáo dục – chuyển mục tiêu từ viện trợ khẩn cấp sang phát triển dài hạn quốc gia Syria bị tàn phá nặng nề bởi nội chiến.

Tuy nhiên, viện trợ chỉ nhỏ giọt khi các nhà tài trợ quốc tế đối mặt với khủng hoảng toàn cầu. Cam kết viện trợ 8 tỉ USD đến năm 2017 – trong đó 3,4 tỉ USD dành cho Syria và 4,6 tỉ USD dành cho các nước tiếp nhận người tị nạn Syria – mới chỉ đạt được 25% tính đến tháng 7/2017 – theo số liệu của Liên Hiệp Quốc.

Robert Jenkins, đứng đầu cơ quan UNICEF tại Jordan, cho biết ngân sách giáo dục 96 triệu USD mới chỉ nhận được một nửa và điều này sẽ khiến nhiều trẻ em không thể tới trường. Hiện khoảng 52.000 trẻ được nhận trợ cấp 20 dinar (28 USD)/tháng. Nếu nguồn trợ cấp này cạn thì chắc chắn nhiều em sẽ bỏ học.

“Nếu chúng tôi được nhận đủ viện trợ thì đã có thêm nhiều trẻ em được trở lại trường” – Juliette Touma, phát ngôn viên khu vực của UNICEF, bày tỏ.

Tín hiệu lạc quan

Tín hiệu sáng sủa là nhiều nhà tài trợ đang tăng tốc viện trợ và sự quan tâm hơn của các quốc gia nhận người tị nạn. Tỉ lệ trẻ không được đi học tại các nước tiếp nhận người tị nạn trong khu vực đã giảm từ 45% xuống 34% trong giai đoạn từ 12/2015 – 12/2016.

Theo Cơ quan Phát triển quốc tế Anh, lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu khủng hoảng Syria, số trẻ đến trường nhiều hơn số không được tới trường, tuy nhiên thách thức vẫn vô cùng to lớn.

Tại Jordan, khoảng 126.000 trong 212.000 trẻ tị nạn Syria được đến trường. Kết quả này nhờ chính phủ Jordan tăng gấp đôi số trường học 2 ca lên 200 trường vào mùa thu 2016.

46.000 trẻ khác tham gia giáo dục không chính thức. Trong đó có các chương trình “học đuổi” tại 60 trung tâm – nơi trẻ đã nghỉ học 3 năm có thể học lại chương trình đã mất. Trong quá khứ, những trẻ như vậy không thể trở lại trường.

Thiếu tiền có thể ảnh hưởng cả trực tiếp lẫn gián tiếp cơ hội đi học của trẻ. Sự nghèo khó của người tị nạn khiến các bé trai phải lao động sớm còn bé gái phải kết hôn sớm. Các trường học tại những nước tiếp nhận người tị nạn quá tải. Phụ huynh cũng thường không cho con đi học vì không thể trả tiền phí xe đưa đón con đi học hoặc lo ngại cho an toàn của con cái trên đường tới trường…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.