Thử nghĩ lại xem trong ngày hôm nay bạn có làm những hành động này với con không?
- Thay đổi tư thế trẻ nhanh đột ngột như: trẻ đang năm được bế thốc dậy, xốc nách nhấc trẻ lên cao rồi hạ xuống...
- Bỗng dưng khi vui vẻ, bế thốc trẻ tung lên cao và hạ xuống.
- Đung đưa võng, hoặc nôi để trẻ dễ đi vào giấc ngủ.
- Để con lên chân và chơi trò chơi: "Máy bay cất cánh"...
- Bế trẻ nằm ngửa đung đưa, lắc qua lắc lại cho trẻ dễ ngủ hoặc nín khóc...
Nếu câu trả lời là có thì bạn cần thay đổi thói quen rung lắc trẻ sai lầm này.
Đừng xem thường những cái rung, lắc
Hội chứng trẻ bị lắc (Shaken Baby Syndrome – SBS) hay đôi khi được gọi là chấn thương đầu kiểu ngược đãi (Abusive Head Trauma) là dạng nặng của chấn thương đầu và não gây ra khi trẻ bị rung, lắc mạnh.
Ở trẻ sơ sinh, kích thước đầu và trọng lượng chiếm khoảng 1-4 so với toàn cơ thể. Trong đầu, có những khoảng trống giữa não và xương sọ cho phép não tiếp tục lớn và phát triển. Não của trẻ khá mềm với màng não mỏng. Khối cơ của cổ lại quá yếu không đủ sức nâng đỡ đầu, nên khi bị rung lắc sẽ có khuynh hướng gập tới gập lui hay xoay qua xoay lại một cách không kiểm soát được.
Việc rung, lắc trẻ sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Khi bị rung lắc, xương sọ mềm và dẻo của trẻ không chịu được những lực này, sẽ chuyển lực tới não, khi não không có sự di chuyển đồng bộ và gây ra sự va đập trở lại tới xương sọ, làm dập não, tăng áp lực, phù và chảy máu trong não. Các tĩnh mạch lớn dọc theo phía ngoài não cũng mỏng manh và dễ rách, gây chảy máu, máu tụ dưới màng cứng, ngoài màng cứng, dưới màng nhện, tăng áp lực nội sọ.
Các nghiên cứu của các chuyên gia y tế Hàn Quốc cho thấy những tổn thương có thể xảy ra chỉ trong với 5 giây rung lắc. Rung lắc mạnh có thể gây ra những tổn thương não vĩnh viễn.
Giáo sư Chae Soo- Ahn – Khoa Nhi Bệnh viện Đại học Chung- Ang, Hàn Quốc.
Giáo sư Chae Soo- Ahn – Khoa Nhi Bệnh viện Đại học Chung- Ang, Hàn Quốc: "Biểu hiện tổn thương não khi trẻ bị rung lắc không rõ rằng nên khó để bố mẹ phát hiện được. Những trẻ có biểu hiện nhẹ thì sẽ hay cáu gắt hơn bình thường, một số trẻ khác thì bị rối loạn tiêu hóa. Thường trẻ sẽ biếng ăn, ngủ lịm hoặc không chịu chơi đùa. Hoặc nặng hơn trẻ sẽ bị khó thở, cứng cổ, thậm chí là co giật”.
Nguy hại khôn lường từ một cái lắc vô tâm của cha mẹ
Những tổn thương này sẽ để lại nhiều di chứng thần kinh lâu dài cho đứa trẻ, nhẹ có thể chậm phát triển tinh thần, mất khả năng nói năng, học tập.... việc rung lắc trẻ còn gây ra những tổn thương khác rất thường gặp ở mắt, do chảy máu võng mạc, có thể gây nên giảm thị lực hoặc mù. Các chấn thương khác có thể gặp ở cổ hay cột sống, hay xương sườn.
Những tổn thương lâu dài bao gồm chậm phát triển trí tuệ, thị lực kém, rối loạn hành vi nói và nghe, động kinh, tổn thương kỹ năng định hướng, và nhận thức, và cũng có thể tử vong.
Những dấu hiệu báo động:
Rung lắc trẻ có thể gây ra những tổn thương não vĩnh viễn.
Tùy theo mức độ nặng nhẹ của tổn thương, những dấu hiệu của bệnh sẽ xuất lộ khác nhau:
- Trẻ sẽ giảm linh hoạt, lờ đờ, ngủ gà ngủ gật, không mỉm cười;
- Trẻ sẽ không nhìn thấy, co giật, nôn mửa;
- Da xanh tái, nhìn thấy rõ nhất vùng trán
- Ăn, bú khó, khó nuốt hoặc nôn không có lý do rõ ràng.
- Khó thở, ngừng thở hoặc co giật.
- Những dấu hiệu cho thấy chấn thương cổ, sưng nề, cứng cổ, nghẹo về một bên
- Trẻ sẽ ngừng thở, tím tái, hôn mê...
Các bác sỹ khuyến cáo, cha mẹ hoàn toàn không được rung lắc trẻ trong bất cứ trường hợp nào và nên cho con đi khám định kỳ để kiểm soát tình trạng sức khỏe của bé.
Theo Afamily