(GD&T Đ) – Tết cổ truyền đang đến gần, trên bàn mỗi gia đình thường bày các loại bánh mứt kẹo, trái cây và không thể thiếu món hạt nhâm nhi. Tuy nhiên các bậc phụ huynh cần lưu ý vì những món này có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Hiểm họa từ những loại hạt
PGS-TS Nguyễn Văn Lộc, Nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Nhi TƯ, Trưởng phòng khám Hen phế quản cho biết: số trẻ em bị hóc dị vật đường thở dịp Tết tăng gấp 3-4 lần ngày thường, nguyên nhân do ăn kẹo, các loại quả, các loại hạt, đặc biệt là tiền mừng tuổi bằng tiền xu...Nhiều trẻ vừa ăn vừa đùa nghịch khiến dị vật vào rơi đường thở làm tắc nghẽn gây tử vong hoặc viêm phổi kéo dài nếu không xử trí kịp thời. Dị vật đường thở thường xảy ra ở trẻ nhỏ, tuổi ăn dặm đến 3 tuổi do độ tuổi này trẻ thường tò mò, thích cho vào miệng những vật cầm chơi.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Dinh, Trưởng phòng khám tai Mũi họng, bệnh viện Hồng Hà cảnh báo, khi phát hiện thấy trẻ bị hóc dị vật, tuyệt đối không được dùng cách chữa mẹo, ăn cơm nóng, uống nước hoặc cho tay vào miệng trẻ để móc ra. Nếu trẻ nói được, khóc được, đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được khám và gắp dị vật ra. Nếu trẻ khó thở nặng, tím tái, vật vã, hôn mê, thực hiện ngay thao tác đặt trẻ nằm đầu thấp, sấp trên một tay, tay kia vỗ mạnh vào lưng trẻ tạo áp lực trong lồng ngực để đẩy dị vật ra. Với trẻ lớn hơn, các bậc phụ huynh ôm lấy ngang bụng trẻ, ép bụng trẻ lại, dị vật vọt ra dễ dàng, sau đó đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất.
Sơ cứu và phòng ngừa
Khi trẻ bị nghẹn, trước tiên hãy nói trẻ cố gắng ho để đẩy dị vật ra ngoài. Nếu không được, bạn hãy tiến hành các bước tiếp theo. Không được cố gắng lấy dị vật khi không thấy rõ nó. Cho trẻ ngồi vào ghế và yêu cầu trẻ ngồi hơi gập người về phía trước. Vỗ vào giữa lưng trẻ 5 lần, sau mỗi lần bạn nên kiểm tra xem dị vật đã bật ra ngoài chưa.
- Nếu chưa, bạn đặt một tay vào giữa xương ức của trẻ, tay còn lại đặt vào giữa lưng trẻ.
- Dùng cổ tay ấn mạnh (không quá mạnh) và dứt khoát vào xương ức 5 lần, sau mỗi lần đều phải kiểm tra xem dị vật đã thoát ra chưa.
Nếu không thành công, bạn hãy đưa trẻ đến bệnh viện. Trong lúc chờ thì tiếp tục thực hiện xen kẽ 2 phương pháp trên.
Đối với trẻ đã lớn, cha mẹ cần đứng sau ôm bụng sốc mạnh người trẻ lên. Sai lầm dễ thấy là nhiều bậc phụ huynh hay vuốt xuôi khi con bị hóc. Tuy nhiên, hành động này vô tình khiến dị vật chui sâu vào phổi khiến tình trạng trở nên nguy hiểm hơn.
Đặc biệt đối với các vật hóc có tinh dầu như hạt hướng dương rất dễ gây biến chứng, viêm phổi hoặc tử vong nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Sau khi làm mọi thao tác như trên mà dị vật không bắn ra được thì phụ huynh cần khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để các bác sĩ tiến hành lấy vật gây hóc ra.
Các bậc phụ huynh cần lưu ý:
- Không để những loại hạt này ở vị trí mà trẻ có thể lấy được.
- Chỉ cho bé ăn hạt sau khi đã bóc vỏ, làm mềm.
- Khi ăn không để trẻ đùa giỡn hay khóc, giành giật nhau.
- Nếu thấy trẻ có dấu hiệu sặc, ho thì không nên dùng tay cố móc họng bé mà nên bình tĩnh để xử lý theo các cách trên
Hải Hà