Trẻ mất mạng chỉ sau bữa ăn sai cách

Sự ra đi bất ngờ của bé gái xấu số 10 tháng tuổi ở Hoàng Mai (Hà Nội) một lần nữa nhắc nhở những bà mẹ đang nuôi con nhỏ rằng, những nguy hiểm có thể xảy đến với con bạn bất kỳ lúc nào. Cẩn trọng và cảnh giác là điều cần thiết khi con bạn chưa có đủ khả năng phản kháng.

Trẻ mất mạng chỉ sau bữa ăn sai cách

Theo lời người nhà kể lại, trẻ bị rối loạn tiêu hóa, nôn trớ. Sáng 17/3 bé được mẹ cho nằm bú bình (trẻ vừa bú, vừa ngủ). Sau đó, mẹ bé dậy đi làm việc vặt trong nhà. Vài giờ sau, mẹ bé đi nấu cháo cho con ăn rồi đi đánh thức con dậy. Vào đến giường, chị tá hỏa khi thấy toàn thân con tím tái. Chị vội vàng gọi taxi đưa con đến viện cấp cứu.

Bé được nhập viện trong tình trạng ngưng thở, ngừng tim. Dù đội ngũ y bác sĩ của khoa đã đặt nội khí quản, nỗ lực cấp cứu nhưng không kịp.

Theo BS Nguyễn Thành Nam, nhiều khả năng trẻ bị trào ngược trong khi nằm ngủ. Đây là bệnh lý có thể gặp ở trẻ nhỏ. Bé được mẹ cho bú no, khi đó hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện có thể gây trào ngược sữa gây ngạt thở nhưng không được phát hiện kịp thời.

Đối với trẻ bú bình cha mẹ cần luôn giữ bình sữa hơi nghiêng để đầu núm vú cao su luôn đầy sữa.

Đối với trẻ bú bình cha mẹ cần luôn giữ bình sữa hơi nghiêng để đầu núm vú cao su luôn đầy sữa. Ảnh minh họa.

Trước đó đã có nhiều trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra. Nguy hiểm không chỉ với trẻ bú bình mà còn trẻ bú mẹ cũng đã từng thiệt mạng do tai nạn hy hữu xảy ra.

Vào năm 2010, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cũng phải chứng kiến sự ra đi của cháu bé hơn 10 ngày tuổi. Khi nhập viện, bé trong tình trạng ngạt thở, toàn thân tím tái, đồng tử giãn. Dù được bác sĩ tận tình cấp cứu nhưng cháu bé đã tử vong. Theo nhận định của các bác sĩ, cháu bé bị ngạt do sặc sữa khi bú và có dấu hiệu của bệnh về hô hấp.

Chị Nguyễn Thị T (26 tuổi), mẹ đẻ cháu bé vừa tử vong cho biết, khi đang cho con bú, thấy cháu bị khó thở, khóc nhiều, nên vợ chồng vội đưa bé đến Bệnh viện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cấp cứu nhưng không kịp.

May mắn hơn 2 cháu bé trên, năm 2011, cháu bé 12 tháng tuổi đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần cũng vì sặc sữa. Bé nhập viện trong tình trạng sặc sữa nặng, toàn thân tím tái, co lõm ngực, tim đập nhanh… Sau gần một tuần tích cực điều trị, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM đã giành giật lại sự sống cho cháu bé.

Người mẹ cho biết, chị cho bé bú sữa bình, bé vừa bú vừa khóc, ho sặc sụa rồi gồng cứng. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị thiếu oxy máu nặng, X-quang phổi cũng cho thấy hai lá phổi bị viêm do ngạt vì sặc sữa.

Sơ cứu ban đầu khi trẻ có dấu hiệu sặc sữa

Khi trẻ có dấu hiệu ho sặc sụa, cần ngay lập tức phải làm thông thoáng đường thở cho trẻ. Có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút hoặc không có thì dùng miệng. Lưu ý cần hút kỹ những sữa còn đọng ở họng và mũi càng nhanh càng tốt. Hút miệng trước, mũi sau. Nếu để chậm, sữa sẽ vào trong khí quản gây tắc nghẽn đường hô hấp trực tiếp vào mũi bé.

Tiếp sau đó, đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên cánh tay. Dùng lòng bàn tay vỗ mạnh liên tiếp vào lưng trẻ, ở giữa hai xương bả vai. Sau đó, lật bé lại quan sát. Nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái thì đặt trẻ nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, dùng hai ngón tay trỏ và giữa đột ngột ấn mạnh xuống nửa dưới của xương ức. Lặp lại đến 10 lần cho đến khi trẻ không còn dấu hiệu tím tái.

Sau khi sử dụng tất cả các phương pháp trên mà trẻ vẫn có biểu hiện ngưng thở, các bậc phụ huynh có thể áp dụng phương pháp thổi ngạt bằng cách ngậm mũi và miệng trẻ thổi vào cho đến khi thấy lồng ngực hơi nhô lên. Sau đó phải đưa ngay đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Cho bé bú đúng cách để phòng tai nạn

Để hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, các chuyên gia khuyến cáo, đối với trẻ còn đang bú mẹ nên cho bú vú trái trước (bé mới bú nên lượng sữa trong dạ dày còn ít, có thể nằm nghiêng phải). Sau đó, chuyển bé sang bú vú bên phải (lúc này dạ dày bé đã nhiều sữa, cần nằm nghiêng trái). Như vậy, sữa sẽ dễ dàng xuống dạ dày mà không gây trào ngược.

Đối với trẻ bú bình cha mẹ luôn giữ bình sữa hơi nghiêng để đầu núm vú cao su luôn đầy sữa. Không để bình sữa nằm ngang trong khi bú, tránh tình trạng bé bú hơi trong bình sữa. Khi cho bú, không nên để bé quấy khóc vì như vậy, bé có thể nuốt nhiều hơi, gây căng dạ dày.

Sau khi bú xong, cần bế bé theo tư thế thẳng, ngực áp vào một bên ngực mẹ, mặt kê lên vai mẹ rồi vỗ lưng cho ợ hơi. Sau đó, hãy nhẹ nhàng đặt bé nằm nghiêng bên trái, kê gối hơi cao. 

Lưu ý các bà mẹ không nên để trẻ nằm bú vì tư thế này khiến trẻ rất dễ bị sặc và trớ sữa. Sau khi bé bú xong, không nên đặt bé nằm ngay, cũng không đùa giỡn, tâng bồng lên xuống.

Theo GiadinhNet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ