(GD&TĐ) - Một buổi sáng chủ nhật, tôi ngạc nhiên khi thấy cậu con trai đang học trung học của mình dậy sớm hơn nhiều so với thường lệ và gọi to: “Mẹ ơi, cho con tiền đi đá banh!”. Ngẫm lại một chút, thì điều đó lại không đáng ngạc nhiên chút nào vì bây giờ không còn chỗ đá banh (đá bóng) miễn phí trong thành phố. Đáp ứng yêu cầu cho con một lần thì không phải là khó nhưng giải quyết vấn đề một cách triệt để hơn thì lại đưa đến một vấn đề xã hội không nhỏ, cần có sự định hướng và giải quyết của nhiều cấp chính quyền.
Muốn chơi phải mất tiền
Điểm qua ở thành phố Huế, mãi đến những năm 90 của thế kỷ trước, vẫn còn nhiều sân đá bóng công cộng và tất nhiên là miễn phí. Ngay trung tâm thành phố, trước mặt Hoàng Thành là sân Cột Cờ, một sân cỏ rất rộng, nơi sinh viên các trường đại học chúng tôi tổ chức giải bóng đá hằng năm. Sân này bây giờ đã được lát gạch bằng phẳng và đẹp đẽ, trở thành quảng trường Cột Cờ, không còn cho phép xe cộ đi tới và cũng chẳng còn cho đá bóng.
Qua phía bờ nam sông Hương là sân Xuân Phú, một sân cũng rất lớn, nằm giữa một cánh đồng rộng, xung quanh nhà cửa thưa thớt. Sân này thì không “vui” bằng sân Cột Cờ nên chúng tôi ít tới đó đá bóng hơn, tuy rằng mặt cỏ cũng chẳng có gì để phàn nàn lắm. Hiện tại thì chẳng mấy ai có thể định vị lại được chính xác vị trí của sân này. Tại nơi đó, một trung tâm thể thao với một nhà thi đấu rất hoành tráng được xây dựng lên, có cả sân đá bóng rất đẹp, rất hiện đại nhưng thuộc quyền một đơn vị quản lý và tất nhiên, không thể tự do vào chơi.
Xa hơn chút nữa, ở rìa thành phố, có sân vận động Thủy Xuân, một sân bóng rất đẹp và bằng phẳng nằm lọt giữa những quả đồi thấp là nơi giới trẻ trong vùng tha hồ đá bóng. Sân bóng này bây giờ là nơi tọa lạc của một nhà rượu saké Nhật Bản, dẫu cũng an ủi đôi chút là vẫn còn một diện tích, tuy nhỏ hơn nhiều để làm chỗ chơi tự do. Ở những địa bàn khác, tuy không có sân vận động chính thức nhưng lại có những cánh đồng lúa và sau mùa gặt, dù còn nhấp nhô gốc rạ, chúng trở thành những sân bóng với các cuộc chơi đầy hào hứng. Những cánh đồng đó hiện tại hầu hết đã bị lấp đầy bởi những công trình xây dựng, để lại sự luyến tiếc cho một thời gian vui thú.
Ước mơ tuổi thơ bên dòng Hương Giang Ảnh: Bắc Việt |
Giải pháp nào?
Thật ra, nếu không tính đến phương diện miễn phí thì trong thành phố bây giờ cũng có nhiều chỗ để chơi thể thao. Nhỏ như Huế cũng có vài bể bơi, thu phí khoảng mười ngàn đồng trở lên một lượt. Các sân cầu lông trong nhà cũng có dăm bảy cái, thường thì cho thuê bao tháng trên từng sân, mỗi người chơi trả chi phí một vài trăm ngàn một tháng.
Sân đá bóng mini, mặt trải cỏ nhân tạo cũng có hơn chục nơi, cho thuê với giá vài trăm ngàn một giờ. Những câu lạc bộ thể thao khác cũng mở ra khá nhiều và hầu như tất cả đều có thu phí cả. Nếu như thu nhập của người dân là đủ cao để những khoản phí đó trở nên nhỏ bé thì tình hình cũng không đến nỗi tệ. Thực tế thì vẫn còn rất nhiều người, không chỉ là trẻ con, muốn tập luyện thể thao, nhất là đá bóng, nhưng vì khó khăn về mặt tiền nong nên đành chịu nhịn.
Có thể tạo dựng trong công viên và các địa điểm công cộng những sân chơi miễn phí. Sân bóng thì không hẳn cứ phải đủ rộng theo tiêu chuẩn mà có thể bé hơn với hàng rào chắn xung quanh. Các sân bóng rổ hay cầu lông (ngoài trời) thì đơn giản hơn nhiều vì chỉ cần lắp đặt vài dụng cụ đơn giản, lại không đòi hỏi diện tích lớn. Các dụng cụ như xà đơn, xà kép có thể lắp đặt bất kỳ nơi nào trong các không gian công cộng. Các dụng cụ chơi cho trẻ con như vòng đu, bập bênh, vách tập leo núi… cũng cần được thiết lập thật nhiều để các em có thể vừa chơi giải trí vừa làm quen với các dạng vận động. Những điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngoài trời sẽ thu hút các em chơi, góp phần tránh được tình trạng các em mê mải với các trò chơi điện tử hay những trò giải trí không lành mạnh khác như thực trạng đáng báo động hiện nay.
Ở một khía cạnh khác, nhà trường, nhất là các trường có tổ chức bán trú, cũng có thể góp phần quan trọng trong việc tăng cường các hoạt động thể chất. Chuẩn trường học quốc gia hiện tại, ngoài điều quy định phải có nhà tập luyện đa năng cho học sinh thì quy định cho sân bãi tập luyện thể dục thể thao chỉ mới ở mức chung chung là phải có. Phải khẳng định rằng, một nhà tập luyện đa năng thì không đủ chỗ để học sinh tập thể thao. Các sân chơi ngoài trời phải được quy định rõ hơn, với diện tích tối thiểu trên mỗi học sinh, như quy định về diện tích học tập vậy. Các hoạt động thể thao trong trường cũng nên được sắp xếp nhiều hơn, ngoài các tiết học chính khóa thì nên động viên, tạo điều kiện để các em chơi và tập luyện các môn mà mình yêu thích.
Hà Viết Hải