Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ cần uống một lon nước ngọt, lượng đường trẻ nạp vào cơ thể đã vượt ngưỡng khuyến cáo và tác động xấu đến sức khỏe.
Trong khi đó khảo sát của Viện Dinh Dưỡng về chất lượng vận động của học sinh Việt Nam hiện nay cho thấy rất hạn chế. Chính tình trạng tăng nạp đường và chất béo, lười vận động, ngồi nhiều là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ béo bụng và béo phì.
Báo cáo về thực trạng này, tiến sĩ Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia bày tỏ lo ngại trước xu hướng dùng nước ngọt ngày càng gia tăng ở trẻ em.
Kết quả điều tra về sức khỏe học sinh ở Việt Nam năm 2013 cho thấy 30% trẻ từ 13 đến 17 tuổi uống nước có ga từ một lần trở lên trong ngày và có xu hướng gia tăng.
Theo phân tích của các chuyên gia, nước ngọt cung cấp năng lượng nhanh, nhiều đường mà lại nghèo vi chất dinh dưỡng. Trẻ uống nhiều nước ngọt tức là nạp vào cơ thể nhiều đường đôi, đường đơn có hại (đường có trong bánh kẹo, nước ngọt, thực phẩm chế biến sẵn).
WHO khuyến cáo, mức tiêu thụ đường đôi, đường đơn chỉ nên chiếm không quá 5% năng lượng trong một ngày của mỗi người.
Chẳng hạn một học sinh trung học nhu cầu năng lượng là khoảng 2.000 kcal một ngày thì lượng đường đôi nạp vào chỉ nên ở ngưỡng 25 g. Trong khi đó, một lon nước ngọt chứa36 g đường, một lon bò húc chứa 42 g đường, nước tăng lực là 56 g.
Chỉ cần trẻ dùng đồ uống có ga thì tỷ lệ đường đơn, đường đôi hấp thụ vào cơ thể đã vượt ngưỡng khuyến cáo rất nhiều, chưa kể đường trong các thực phẩm chế biến sẵn và gia vị.
Lượng đường dư sẽ góp phần tạo mỡ, thừa năng lượng gây béo phì và các bệnh rối loạn chuyển hóa. Uống nhiều nước ngọt này còn làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu, trong khi chế độ ăn hàng ngày của trẻ chưa đáp ứng lượng canxi cần thiết dễ dẫn đến còi xương, chậm phát triển chiều cao mà bụng ngày càng to ra.
Hiện nay giá thành một lon nước ngọt tương đối rẻ nên trẻ dễ dàng mua uống. Ở một số gia đình, cha mẹ mua cả thùng nước ngọt để sẵn trong nhà cho con dùng thoải mái. Đặc biệt vào các dịp lễ Tết, trẻ nạp nhiều năng lượng mà ít vận động, ngủ nhiều dẫn đến tăng cân, béo bụng.
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia, hiện nay tỷ lệ béo phì đã xấp xỉ 10% dân số toàn quốc, cá biệt có địa phương lên đến gần 30%. Tình trạng béo phì ở trẻ em tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch gây nguy hại lâu dài cho sức khỏe.
Tiến sĩ Bùi Quang Vinh, giảng viên Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP HCM, khuyến cáo thừa cân béo phì được coi là một đại dịch trên thế giới vì tỷ lệ mắc bệnh tăng rất nhanh, để lại hệ lụy nặng nề qua nhiều thế hệ.
Theo thống kê, số trẻ thừa cân gia tăng nhanh ở các nước nghèo, khu vực thành thị nhiều hơn nông thôn. Tại các quốc gia giàu như Mỹ, tỷ lệ này đã ở mức ổn định, trong khi tại các nước đang phát triển như Việt Nam, con số này tiếp tục tăng cao.
Bệnh viện Nhi đồng 1 thời gian qua tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi béo phì hoặc bệnh do các biến chứng của thừa cân béo phì. Trong một số bệnh lý, trẻ béo phì thường có diễn tiến bệnh nặng hơn và dễ tử vong hơn so với trẻ bình thường.
Theo bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến béo phì bao gồm yếu tố môi trường và di truyền. Trong đó, tình trạng béo bụng hay béo trung tâm là cơ chế gây bệnh chính trong thừa cân béo phì.
Mô mỡ ở bụng là nơi chính sản xuất các hormon leptin và adionectin, kích thích tiết cytokine và gây đề kháng insulin tại tế bào, dẫn đến bệnh tiểu đường, rối loạn lipid máu và xơ vữa động mạch. Ngoài ra còn ảnh hưởng trên tất cả mọi cơ quan khác như gan, cơ xương, thần kinh, phổi, nội tiết, tâm thần kinh...
Trong một số trường hợp đặc biệt, tình trạng béo phì nặng ở trẻ em có thể liên quan với rối loạn ăn uống tâm thần, rối loạn lipid máu, cao huyết áp, suy tim, khó thở tắc nghẽn, hen suyễn, tiểu đường.
Thậm chí thế giới từng ghi nhận một trường hợp bệnh nhân béo phì đột tử ở tuổi 20 liên quan đến biến chứng nhồi máu cơ tim do xơ vữa động mạch.
Để cải thiện tình trạng này, tiến sĩ Vinh cho rằng nên đẩy mạnh phòng ngừa thừa cân, béo phì từ lứa tuổi nhũ nhi và trẻ nhỏ. "Y văn thế giới khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa chính bao gồm bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn uống lành mạnh và duy trì vận động phù hợp trong suốt cuộc đời. Cần kết hợp đồng bộ tất cả các biện pháp trên ở mức độ cá nhân, gia đình, trường học, chính quyền", bác sĩ nói.