Trẻ bị nôn - Dấu hiệu bệnh gì?

Nôn là hiện tượng thức ăn bị đẩy ra ngoài do sự co bóp của dạ dày phối hợp với co bóp của cơ hoành và thành bụng. 

Trẻ bị nôn - Dấu hiệu bệnh gì?

Đây là triệu chứng thường gặp ở trẻ em và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Sau đây là những nguyên nhân gây nôn hay gặp ở trẻ:

Nôn đột xuất: Nhiều triệu chứng nôn như viêm dạ dày ruột, viêm màng não, u não, áp-xe não, một số bệnh ngoại khoa như tắc ruột, lồng ruột, viêm ruột thừa...

Sai lầm về ăn uống: ăn quá nhiều, dị ứng thức ăn, ngộ độc thức ăn…

Do rối loạn thần kinh thực vật: rối loạn co bóp dạ dày hoặc do trẻ nuốt nhiều hơi nên túi dạ dày bị phình ra. Chẩn đoán dựa vào Xquang.

Dị tật ở đường tiêu hóa: Hẹp thực quản, thực quản có túi thừa, trào ngược dạ dày, phì đại môn vị. Cần chẩn đoán sớm để phẫu thuật kịp thời.

Đặc điểm: Trước khi nôn, trẻ có những biểu hiện vật vã, mặt tái; Nôn xuất hiện rất sớm, vài ngày sau khi sinh hoặc chậm hơn. Chất nôn có thể có sữa dịch dạ dày hay dịch dạ dày có lẫn mật. Nếu nôn nhiều, trẻ sẽ bị mất nước và điện giải.

Điều trị nguyên nhân là chủ yếu. Nếu do dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa, giải quyết bằng phẫu thuật. Nếu do sai lầm về ăn uống, điều chỉnh chế độ ăn. Nôn do các bệnh viêm màng não, viêm não phải điều trị tích cực theo phác đồ… 

Ngoài ra, các bà mẹ cần chú ý với trường hợp nôn không do tổn thương thực thể mà co thắt do thần kinh thực vật thì sau khi cho bú, bế trẻ đứng thẳng trong 10-15 phút. Không nên quấn rốn cho trẻ quá chặt. 

Trường hợp nôn nhiều có thể dùng thuốc chống co thắt dạ dày theo chỉ định của bác sĩ trực tiếp điều trị và theo dõi. Chú ý, cần theo dõi trọng lượng của trẻ, nếu không tăng hoặc bị sút cân, phải kiểm tra lại chẩn đoán.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ