Chưa bàn đến những giải pháp từ nhiều chính quyền mới sẽ có hiệu quả ra sao, dư luận băn khoăn trước làn sóng chủ nghĩa dân túy gây ảnh hưởng mạnh mẽ trên nhiều khu vực.
Thế giới sẽ khó đoán...
Trở về từ Berlin (Đức) trong chuyến công du nước ngoài cuối cùng tại châu Âu, thay vì trấn an những đồng minh thân thiết nhất trên thế giới của Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã đưa ra nhiều cảnh báo về một sự thay đổi lớn sắp xảy ra với trật tự chính trị toàn cầu. Nhà lãnh đạo lo ngại trước nguy cơ toàn thế giới phải đối diện với một tương lai "khắc nghiệt, khó khăn hơn và ích kỷ hơn" giữa toàn thể cộng đồng.
"Mọi lãnh đạo, Tổng thống hay Thị trưởng của các nước Châu Âu lẫn nhiều khu vực khác cần nhận ra, nếu chúng ta không tăng cường hợp tác ở nhiều lĩnh vực trên quy mô xuyên đại dương, thế hệ sau có thể sẽ phải sống dưới thời đại tồi tệ nhất. Đây là điều mà mọi công dân cũng như các nhà chính trị phải "khắc cốt ghi tâm". Không bao giờ có thể để thế giới quay trở về thời điểm trước khi toàn cầu hóa", ông Barack Obama nói.
Dự đoán trên được đưa ra trong bài phát biểu của nhà lãnh đạo này tại Berlin cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tổng thống Mỹ và bà Merkel đồng thời kêu gọi thế giới ủng hộ thỏa thuận tự do thương mại và nỗ lực liên kết duy trì xây dựng nền tảng hòa bình giữa các quốc gia. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO với các nguyên tắc bảo vệ lẫn nhau giữa các nước thành viên dù Tổng thống đắc cử Donald Trump mới đây đe dọa sẽ rút khỏi liên minh. Không những vậy, thỏa thuận Paris về cắt giảm khí thải toàn cầu được Tổng thống Barack Obama đặc biệt quan tâm như "nền tảng để bảo vệ hành tinh" cũng đứng trước nguy cơ bị "thờ ơ" khi ông Trump đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận này.
Công dân Mỹ lựa chọn ông Trump với mong muốn có sự thay đổi.
Mặc dù không trực tiếp nhắc đến nhưng dường như ông Barack Obama vẫn lên tiếng trấn an, bác bỏ những tuyên bố ban đầu về chính sách của tỷ phú Donald Trump. Nhà lãnh đạo cũng đưa ra lời khuyên khi nhắc đến chính quyền Tổng thống đắc cử của Mỹ: "Tôi không mong đợi Tổng thống đắc cử sẽ làm theo chính xác kế hoạch chi tiết của chúng tôi, nhưng hy vọng, ông Trump sẽ trọng khi thương thảo các thỏa thuận với Nga. Cần xây dựng, tìm kiếm những lĩnh vực mà hai bên đều tương đồng về lợi ích và giá trị. Mỹ sẵn sàng phản kháng nếu có thỏa thuận nào đi chệch khỏi chuẩn mực quốc tế".
Nữ Thủ tướng Merkel cũng tuyên bố, bà sẵn sàng làm việc với Tổng thống đắc cử Donald Trump và giành nhiều lời khen ngợi cho tài lãnh đạo của ông Barack Obama, đối tác ngoại giao thân thiết của Đức. Hiện vẫn chưa rõ thông tin bà Merkel có tái tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo trong cuộc bầu cử năm tới hay không, nhưng nhiều giới chức Berlin đã hé lộ dấu hiệu xác nhận thông tin này. Sau 11 năm "chèo lái" nước Đức, bà Merkel ghi dấu là nữ chính trị gia cứng rắn, vượt qua nhiều áp lực nặng nề. Giống như các nhà lãnh đạo ở Anh, Pháp, Mỹ... hay các nước khác, bà Merkel sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng hơn từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở các phong trào chính trị hiện giờ.
Chủ nghĩa dân túy trỗi dậy
Chủ nghĩa dân túy (đại chúng) được hiểu là những tư tưởng và hoạt động chính trị đại diện cho nguyện vọng và nhu cầu của người dân. Năm 2016 đã đánh dấu
nhiều sự kiện chính trị thay đổi đáng kể cho thấy chủ nghĩa dân túy chính trị đang lên ngôi và có nhiều sức ảnh hưởng nhất định.
Mới đây nhất là chiến thắng của tỷ phú Donald Trump tại Mỹ. Dù ông Trump chưa từng nắm giữ chức vụ gì trong chính quyền cũng như hoạt động chính trị nhưng ông vẫn giành chiến thắng. Chiến thắng bất ngờ này được ghi nhận do phần lớn người dân Mỹ mong muốn có một sự thay đổi thực sự. Dường như với sự thành công trong việc kinh doanh và làm ăn, ông Trump đã thu hút được nhiều sự hoan nghênh của công dân Mỹ hơn so với những lo lắng về tình trạng khủng hoảng nhập cư và việc làm mà ông đã tuyên bố trong thời gian tranh cử.
Cuộc bầu cử đầy bất ngờ ở Mỹ được giới bình luận so sánh với kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit). Khoảnh khắc lịch sử mà cử tri Anh rũ bỏ hoàn toàn sự ổn định để lựa chọn rời khỏi châu Âu, thoát khỏi làn sóng nhập cư và nhiều lệ thuộc với EU trái ngược hẳn với thăm dò luôn cho thấy, phe ở lại thắng thế. Hệ quả của việc thoát khỏi sự ổn định đó là Thủ tướng Theresa May vẫn chưa vạch ra được kế hoạch, phương hướng cụ thể nào sau nhiều tháng nhậm chức.
Kể từ kết quả đó, thế giới và châu Âu phải chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy khi làn sóng lan sang các nước khác như Italia, Hà Lan, Áo hay Pháp, Đức... Ngày 4/12 tới đây, người dân Italia sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc thay đổi Hiến pháp nhằm giúp Chính phủ trở nên ổn định với cơ cấu tổ chức hợp lý hơn. Điều này cũng đồng nghĩa đây là cuộc trưng cầu ý dân về "chiếc ghế" của Thủ tướng Matteo Renzi, ông cam kết sẽ từ chức nếu thua cuộc. Cũng thời điểm đó, người Áo sẽ bỏ phiếu để bầu chọn ra Tổng thống mới. Với Hà Lan, mùa bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào tháng 3/2017, sự kiện được coi là "thí nghiệm" cho nền chính trị châu Âu bởi có tới 13 đảng cùng đấu tranh để "chen chân" vào Quốc hội trong năm tới. Các đảng phái từng đứng bên rìa chính trị đang dần mạnh lên và nhận được nhiều sự ủng hộ với đồng quan điểm chống người nhập cư, bài xích Hồi giáo, thái độ bất mãn của người dân về chênh lệch giàu nghèo...
Còn tại đất nước hứng chịu nhiều mất mát với an ninh bất ổn như Pháp, các đảng cũng sẽ tổ chức bầu cử sơ bộ để lựa chọn ứng viên tham gia mùa bầu cử tháng 4/2017. Tổng thống Pháp Francois Hollande, nhà lãnh đạo hiện có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất trong lịch sử nước này vẫn chưa chính thức tuyên bố có tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ tới hay không. Tuy nhiên, nhiều thăm dò cho thấy, ông Hollande có nguy cơ bị loại sớm nếu nằm trong danh sách ứng viên. Trong khi đó, ứng viên "nặng ký" trong cuộc đua tới là bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận quốc gia đã sẵn sàng tâm thế tranh cử. Bà là người ngay lập tức chúc mừng ông Trump sau chiến thắng áp đảo tại Mỹ.
Nổi bật nhất cho chủ nghĩa dân túy tại Châu Á là trường hợp của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Nhà lãnh đạo dân túy Duterte đã bị phản đối mạnh mẽ bởi giới tinh anh trong nước khi còn tranh cử nhưng ông lại chiến thắng vì được phần lớn cử tri coi là "người của nhân dân". Ông Duterte từng tuyên bố, ông sẵn sàng đánh đổi để tiêu diệt triệt để tội phạm ma túy tại nước này. Bất chấp những chỉ trích từ quốc tế và phe đối lập, ông Duterte vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân Philippines. Họ hy vọng sự cứng rắn của ông Duterte sẽ đưa đất nước thoát khỏi đe dọa bạo lực trong nước và những bất ổn đè nặng lên cuộc sống bao lâu nay.
Những chiến thắng khó tin của các nhân vật gây nhiều tranh cãi cùng nhiều sự kiện "khó lường" đều xảy ra đã khiến thế giới không còn nhiều kỳ vọng cụ thể với cục diện hiện tại. Các nhân vật theo chủ nghĩa dân túy ở châu Âu hoàn toàn có thể giành chiến thắng sau nhiều làn sóng gây ảnh hưởng mạnh mẽ từ phía người dân các nước. Liệu châu Âu thực sự đứng trước nguy cơ tan rã như nhiều lời tiên đoán trong quá khứ hay không? Mọi áp lực xã hội và thực tế chính trị đều ảnh hưởng mạnh đến các lá phiếu của cử tri, kéo theo là nhiều hệ quả không dễ dàng dự đoán.