Yếu tố sáng tạo riêng trong bài làm văn của học sinh và ứng xử của thầy

GD&TĐ - Yếu tố mới, riêng chính là những nội dung  tư tưởng và hình thức thể hiện không có trong đáp án, nói cách khác, nó vượt ra ngoài khuôn khổ, nằm ngoài nội dung của đáp án. nó là sản phẩm trí tuệ của riêng cá nhân học sinh.

Yếu tố sáng tạo riêng  trong bài làm văn của học sinh và ứng xử của thầy
Thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW, ngày 6/3/2014 Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch số 103/KH-BGDĐT về việc tổ chức hội thảo “Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn trong trường phổ thông”.

Hội thảo nhằm nghiên cứu cơ sở lý luận và xây dựng kế hoạch triển khai việc đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực người học với cách thức xây dựng đề thi/kiểm tra và đáp án theo hướng mở; tích hợp kiến thức liên môn; giải quyết vấn đề thực tiễn.

Để chuẩn bị cho Hội thảo (dự kiến được tổ chức tại Hà Nội trung tuần tháng 4/2014), báo Giáo dục và Thời đại giới thiệu một số bài thảo luận về vấn đề nêu trên.

Xin mời các ý kiến trao đổi, góp ý cho bài viết này gửi về các địa chỉ sau: nthoan@moet.edu.vn;

ttkdung@moet.edu.vn;

pthien@moet.edu.vn  

Trân trọng cảm ơn!  


I. Đặt vấn đề

Có ý kiến cho rằng, khó hoặc không thể tìm thấy cái mới trong bài làm của học sinh phổ thông hiện nay, nhất là đối với các bài làm văn, dù viết trên lớp hay viết ở nhà. 

Bởi lẽ hiện học sinh hầu hết làm văn theo văn mẫu trong các sách báo, trên các trang mạng internet... 

Thế là các học trò thông minh – láu cá của chúng ta chỉ việc mở sách, lật báo, vào mạng mà lựa chọn lấy bài phù hợp, hoặc đoạn phù hợp, rồi nhanh nhất là chép nguyên si, hoặc kèm với một vài thao tác cắt dán, chỉnh sửa, thay đổi chút ít là xong.

Tuy nhiên, đó chỉ là một số rất nhỏ. Dòng chảy chính vẫn là việc tìm hiểu, dạy - học Ngữ văn rất nghiêm túc trong các nhà trường, xuất phát từ cả giáo viên và học sinh.

Bản chất sâu xa của việc học tập trong nhà trường là quá trình tìm hiểu – nhận thức – thực hành kỹ năng, quá trình tư duy tiếp cận chân lý và thực hành vận dụng một cách sáng tạo. 

Bởi vậy, trong tầm mức, phạm vi của mình, mỗi bài làm văn trong nhà trường phải là một bài viết thể hiện sự sáng tạo của tư duy, ngôn từ, hình tượng, kết quả của một quá trình học tập và rèn luyện nào đó của học sinh, dù nhiều hay ít. 

Điều mới mẻ mang tính chất sáng tạo ấy cần được hiểu trong một giới hạn hẹp, cụ thể với phạm vi nhà trường. Nghĩa là mới mẻ với học sinh là chủ yếu chứ không nhất thiết là phải hoàn toàn mới mẻ với cả thầy cô, thậm chí lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam hay trên thế giới! 

Hiểu như thế thì học Ngữ văn nói chung, viết bài Làm văn nói riêng, về bản chất, đã là những quá trình tìm tòi, tiếp nhận và sáng tạo văn bản tác phẩm văn chương trên những mức độ, bình diện nào đó được xác định. Đó là một trong những quy luật của học tập trong nhà trường xưa nay, nhưng không phải ai cũng thức nhận một cách triệt để và đầy đủ. 

Vấn đề còn lại là ở chỗ chúng ta – những giáo viên đang trực tiếp dạy Ngữ văn ở nhà trường phổ thông – cần hiểu rõ về những nội dung và hình thức của yếu tố riêng, mới mẻ trong các bài Làm văn của học sinh như thế nào; đặc biệt là thái độ ứng xử của chúng ta trước những cái mới ấy ra sao để giúp cho quá trình dạy học Ngữ văn của chúng ta mang lại hiệu quả thiết thực và lâu dài.

Phần viết dưới đây, xin được trình bày một vài ý kiến cá nhân, xuất phát từ kinh nghiệm học tập và giảng dạy Ngữ văn hơn nửa thế kỷ qua của chúng tôi, mong được đổi trao với quý vị đồng nghiệp.

II. Về khái niệm yếu tố sáng tạo riêng trong bài làm văn của HS phổ thông

Chúng tôi quan niệm rằng yếu tố sáng tạo riêng trong bài Làm văn của học sinh phổ thông là những ý kiến, tư tưởng, cách đặt vấn đề, kiến giải vấn đề trong các văn bản nghị luận (xã hội, văn học) mang tính chất phát hiện, riêng biệt, mới mẻ, có ý nghĩa nhất định về tư tưởng và thẩm mỹ; 

Chúng có thể là những cốt truyện mới, bất ngờ, hấp dẫn người đọc, là những chi tiết, hình ảnh nghệ thuật, cảm xúc mang tính chất sáng tạo riêng của người viết, đối với các kiểu văn bản sáng tạo nghệ thuật (kể chuyện, miêu tả, biểu cảm). Tiêu chí để phát hiện, đánh giá yếu tố mới, riêng ấy chính là đáp án của đề bài do giáo viên sọan thảo.

Như vây, yếu tố mới, riêng chính là những nội dung  tư tưởng và hình thức thể hiện không có trong đáp án, nói cách khác, nó vượt ra ngoài khuôn khổ, nằm ngoài nội dung của đáp án. Nó là sản phẩm trí tuệ của riêng cá nhân học sinh – người viết chứ hoàn toàn không phải là sản phẩm copy, sao chép hay mô phỏng, xào nấu của người khác, dù thô thiển, lộ liễu hay kín đáo, tinh vi.

Theo chúng tôi quan sát, điều này cực hiếm khi xảy ra trong những bài viết Làm văn của học sinh trung bình trở xuống; rất hiếm đối với học sinh khá, hiếm đối với học sinh giỏi và không thường gặp với học sinh khá giỏi lớp chọn, trường chuyên.

Trong thực tế, đã và đang có những mức độ mới, riêng như thế nào nơi các bài viết Làm văn của học sinh phổ thông?

1. Những cấp độ và hình thức biểu hiện của yếu tố sáng tạo riêng

Về cơ bản, có thể có những cấp độ và hình thức biểu hiện sau:

a) Cấp độ toàn bài:

Thường chỉ gặp ở những kiểu văn bản sáng tạo nghệ thuật (kể chuyện, miêu tả, biểu cảm). Một câu chuyện hoàn toàn mới mẻ, lạ lùng, hấp dẫn trong cuộc sống đời thường hay hoàn toàn do người viết tưởng tượng, sáng tạo (kể chuyện). Một bức tranh kỳ ảo về thiên nhiên, cuộc sống và con người bằng ngôn từ nghệ thuật (miêu tả). Một tình cảm, cảm xúc sâu sắc, tinh tế về đối tượng (biểu cảm).

Các văn bản nghị luận, từ những đặc trưng riêng biệt của nó trong phương pháp tư duy , nêu và giải quyết vấn đề, rất khó đạt được ở cấp độ này.

b) Cấp độ đoạn: Trong đoạn văn có những ý mới, luận điểm hoặc luận chứng mới hoặc toàn đoạn toát lên một ý mới, một tình cảm hay cảm xúc mới.

c) Cấp độ câu: Mới về nội dung hoặc về hình thức biểu hiện, có thể sử dụng thành công những biện pháp tu từ nghệ thuật về câu.

d) Cấp độ từ ngữ, hình ảnh, chi tiết: trong bài có từ một đến một vài từ ngữ, hình ảnh, chi tiết do người viết tự mình sáng tạo mang ý nghĩa thẩm mỹ.

Tất nhiên, sự phân chia cấp bậc, mức độ trên chỉ là tương đối và đó là những cấp độ điển hình, tiêu biểu, phổ biến hơn cả. Trong thực tiễn những yếu tố mới riêng của học sinh xuất hiện đa dạng và phức tạp hơn nhiều.

2. Ứng xử của giáo viên trước những yếu tố riêng trong bài làm văn của học sinh phổ thông

Đây là trọng yếu của vấn đề. Thái độ ứng xử đúng đắn của giáo viên không chỉ  đem lại sự công bằng trong kiểm tra, đánh giá mà còn động viên, khuyến khích tinh thần tìm tòi, sáng tạo của các nhân học sinh được khen. 

Hơn thế, có thể tạo nên phản ứng dây chuyền, lây lan niềm phấn khích, tin tưởng vào con mắt xanh và tấm lòng biệt nhỡn liên tài của thầy, cô trong toàn lớp học. Điều đó sẽ có ảnh hưởng và tác dụng lâu dài trong việc hình thành tâm hồn và nhân cách học sinh. 

Thực chất, đây không chỉ là vấn đề dạy học, vấn đề kiến thức hay kỹ năng mà là vấn đề giáo dục nhân cách, bồi dưỡng tài năng trẻ, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của giáo dục trong nhà trường.

Chúng tôi cho rằng, có thể có những cách ứng xử khác nhau dưới đây của thầy cô khi đối mặt với những yếu tố mới, riêng trong bài làm văn của học sinh phổ thông:

a) Kỳ thị, dị ứng, vùi dập, phủ nhận

Không nên cấm và phủ nhận một ý kiến trái chiều, mang tính phản biện cao, dù cách trình bày còn nông nổi, vụng về, chưa kín kẽ. Cần có niềm tin vào lớp trẻ vào học sinh của mình, và hơn cả là độ mở của cảm nhận từ mỗi giáo viên.

b) Tán dương, khen ngợi thái quá

Ngược lại với cách ứng xử nghiệt ngã, vùi dập là thái độ tán dương, ngợi khen quá mức. Thái độ này lợi bất cập hại. Nó có thể dung dưỡng, ươm mầm tính chủ quan, tự kiêu, coi thường người khác của học sinh khá giỏi, dẫn đến chúng sẽ tự mãn về mình, không cần khiêm tốn học hỏi, nỗ lực và kết quả là tài năng chớm hé sớm bị mai một, thui chột và thường là tắt ngấm sau thành công đột xuất, vang dội đầu tiên. 

c) Trân trọng, nâng niu, khách quan đúng mức

Đó là thái độ đúng đắn, cần thiết đối với những kết quả bài làm có tính phát hiện mới, riêng của học sinh; là sự kết hợp lý trí tỉnh táo khi xem xét, đánh giá với tình cảm nồng nhiệt, chân thành, trân trọng, nâng niu, khích lệ.

d) Phát hiện đúng, phân tích sâu

Khó nhất có lẽ là ở khâu này. Trước bài viết của học sinh, không phải bất cứ giáo viên nào cũng có thể làm tốt việc đó. Vấn đề còn tùy thuộc vào trình độ thẩm văn, kinh nghiệm sư phạm ít/ nhiều và thái độ, tình cảm vô tư/thiên kiến của ông thầy. 

Có khi thoạt đọc tưởng là phát hiện mới, riêng đáng chú ý; nhưng đọc kỹ, hoặc trao đổi với đồng nghiệp mới nhận ra ra đó là đoạn văn, ý kiến…copy,  xào nấu từ sách này, sách nọ của ông nhà văn A, bà nhà thơ B. .. 

Muốn phân tích sâu, giáo viên phải có dự kiến trong đáp án, khi chấm bài phải đọc thật kỹ, phải vận dụng, có khi cả con người văn hóa, nghề nghiệp của ông thầy, phải đặt mình vào tâm thế của người viết trẻ (học sinh)  để thẩm định… 

Phân tích sâu nghĩa là có thể chứng giải được cái mới, cái riêng của học sinh ở chỗ nào, có giá trị đến đâu, còn hạn chế gì…? Đó cũng là vấn đề chuyên môn không hề đơn giản thử thách năng lực và cái tâm của thầy cô.

e) Nhận xét, đánh giá khách quan, tỷ mỷ, công bằng và độ lượng

Thể hiện qua lời nhận xét và điểm số. Chúng tôi nghĩ rằng trong cấu trúc nội dung lời nhận xét toàn bài viết của học sinh nên và cần có 1 đoạn nêu cụ thể ý kiến đánh giá, phẩm bình yếu tố mới, riêng trong bài viết ấy. 

Ưu điểm, nhược điểm rõ ràng. Đặc biệt chỉ rõ và đánh giá về cái mới và cái riêng mà bài viết đạt được. Bên cạnh đó là điểm số đánh giá thích đáng (có thể cộng điểm thưởng tới mức điểm tối đa). Tránh những lời động viên chung chung, vô bổ: kiểu rất có khả năng, triển vọng. Cố lên!... 

Đặc biệt: điểm số phải tương ứng với mức độ lời đánh giá. Để tăng thêm sự khách quan và công bằng có thể chấm tập thể trong nhóm, tổ chuyên môn những ca đặc biệt như thế.

f) Khen thưởng, động viên, khuyến khích

Xin đề xuất một vài hình thức và mức độ phổ biến như sau:

+ Bằng điểm số, điểm thưởng.

+ Bằng lời biểu dương trong bài, trước lớp, thông báo với gia đình.

+ Bằng photo sao chụp, tuyên truyền trong lớp, khối, trong toàn trường.

+ Bằng đưa lên trang mạng internet…

III. Kết luận

1. Ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề yếu tố sáng tạo riêng trong bài làm văn trong dạy học Ngữ văn phổ thông hiện nay

Chúng tôi cho rằng vấn đề đặt ra trong nội dung này không chỉ có ý nghĩa và tầm quan trọng trước mắt và lâu dài với các trường chuyên, lớp chọn mà còn với giáo dục đại trà trong chiến lược phát hiện và bồi dưỡng, giáo dục tài năng trẻ của đất nước, góp phần thiết thực vào thực thi chiến lược giáo dục tài năng và nhân cách con người Việt Nam thế kỷ 21 của Đảng và nhà nước ta.

2. Cái tầm, cái tâm và nghiệp vụ sư phạm của người Thầy

Để nhiệm vụ có thể thực hiện thành công, phát triển bền vững, trước hết và cơ bản phụ thuộc vào sự kết hợp hài hòa cái tầm, cái tâm và nghiệp vụ sư phạm của ông thầy, điều mà mỗi giáo viên chúng ta không những rèn luyện, phấn đấu, học tập  suốt đời.

Thiếu một trong những thành tố đó, khó có thể đem lại thành công trước một trong những vấn đề giáo dục cổ điển mà hiện đại, cập nhật mà thường xuyên: phát hiện và bồi dưỡng hiền tài – nguyên khí của quốc gia trong thế kỷ 21, với một môn học cụ thể, môn Ngữ văn, với những bài làm văn cụ thể của học sinh phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ