Xây dựng Chuẩn hiệu trưởng các trường phổ thông, trường sư phạm vào cuộc

GD&TĐ - Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đòi hỏi các trường sư phạm đồng hành cùng các trường phổ thông ngay từ bây giờ. 

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Theo các chuyên gia, trường sư phạm cần quan tâm, chú trọng đến bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.

Qua đó góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ đổi mới mà Bộ GD&ĐT đang triển khai chứ không phải đợi đến lúc có sách giáo khoa mới thực tế.

Chủ động ký kết hợp tác với các Sở GD&ĐT

Là một trường được đánh giá khá tốt trong hoạt động bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; Trường Đại học Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực gắn với nhu cầu thực tiễn ở cơ sở.

Theo tiến sỹ Phạm Minh Giản – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp, nhà trường đã chủ động phối hợp và ký kết hợp tác với các sở GD&ĐT trong vùng.

Cụ thể là phối hợp với các Sở GD&ĐT khảo sát nắm bắt các thông tin, nhu cầu cần thiết để thực hiện nội dung, hình thức bồi dưỡng phù hợp; giới thiệu, triển khai những mô hình, những ứng dụng phần mềm mới trong công tác quản lý, nhận đặt hàng của Sở GD&ĐT về các nội dung cần bồi dưỡng cho cán bộ quản lý theo nhu cầu thực tế.

Ngoài ra, định kỳ hằng năm, trường có ký kết hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng hiệu trưởng theo Chuẩn hiệu trưởng.

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phối hợp ký kết hợp tác với các Sở GD&ĐT, tiến sỹ Giản cho biết: Cần làm rõ nhiệm vụ của các chủ thể liên quan; giữa cơ sở bồi dưỡng với các sở GD&ĐT, các trường phổ thông, với các cán bộ học bồi dưỡng, từ đó tạo hành lang pháp lý để thực hiện đạt hiệu quả. Đặc biệt, cần cải tiến nội dung chương trình bồi dưỡng theo hướng tăng cường năng lực và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trước hết cần khắc phục cách nhìn cứng nhắc và duy ý chí về chương trình bồi dưỡng. Nội dung chương trình bồi dưỡng phải bám sát nhu cầu phát triển giáo dục trong xu thế hội nhập, chuẩn hiệu trưởng các cấp học và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Song cũng cần bổ sung những kết quả nghiên cứu như: vai trò mới của nhà quản lý, yêu cầu của khoa học quản lý và giáo dục, lãnh đạo giáo dục, yêu cầu thực tiễn quản lý, lãnh đạo nhà trường.

Những phẩm chất, năng lực cần có…

Đồng tình với quan điểm trên, tiến sỹ Phạm Hữu Ngãi cho rằng, cần xây dựng lực lượng giảng viên quản lý giáo dục phổ thông đảm bảo về phẩm chất và năng lực.

Theo đó, lực lượng giảng viên giảng dạy bồi dưỡng cán bộ quản lý cần mở rộng đối tượng, không thu hẹp giảng viên của trường đại học, học viện mà còn bao gồm các nhà quản lý trường phổ thông, quản lý giáo dục của phòng và sở GD&ĐT.

“Về phẩm chất của giảng viên quản lý giáo dục cũng giống như giảng viên của các trường đại học, học viện, song cần có thêm những phẩm chất tâm lý như: có tri thức đa dạng, sâu sắc các bộ môn giáo dục học nói chung, hướng dẫn người học trở thành người có tài, có đức, xây dựng bầu không khí thoải mái trong giờ học và tích cực hóa tính tự học của người học” – Tiến sỹ Ngãi trao đổi, đồng thời nhấn mạnh:

Giảng viên tham gia giảng dạy, bồi dưỡng cán bộ quản lý cần đáp ứng ba năng lực cơ bản đó là: Năng lực giảng dạy, năng lực nghiên cứu và năng lực thích ứng môi trường đa văn hóa; kế tiếp giảng viên quản lý giáo dục cần có năng lực của nhà quản lý, cần nắm thật vững kiến thức lý luận quản lý hiện đại và có được các kỹ năng quản lý; sau cùng giảng viên quản lý giáo dục cần có năng lực của nhà lãnh đạo, đó là khả năng tạo ra tầm nhìn, khả năng truyền cảm hứng, khả năng gây ảnh hưởng đến học viên theo học.

Các trường sư phạm cần đổi mới

Còn theo tiến sỹ Hoàng Thị Hạnh – Giám đốc Trung tâm Nghiệp vụ Sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2), để góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục các cơ sở đào tạo giáo viên cần đổi mới một cách toàn diện hoạt động bồi dưỡng, trong đó chú trọng các lĩnh vực như:

Đổi mới việc xây dựng, chương trình, tài liệu, học liệu phục vụ công tác bồi dưỡng. Theo đó, cần xác định bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nền tảng nâng cao năng lực theo Chuẩn hiệu trưởng.

Lựa chọn chuyên gia, tổ chức biên soạn tài liệu, học hiệu bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu tự học, tự bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, bổ sung những chương trình còn thiếu; trong đó chú ý tới bồi dưỡng năng lực quản lý.

Tài liệu bồi dưỡng cần đa dạng, phong phú, có thể là tài liệu bản in, bài giảng word, video clip, đĩa VCD, cẩm nang hỏi đáp, giáo trình điện tử …

Các chương trình bồi dưỡng phải phát huy thế mạnh của việc tự học và nhu cầu học tập suốt đời, mọi nơi, mọi lúc; Chú trọng sử dụng phù hợp các hình thức bồi dưỡng tập trung, trực tuyến qua mạng, thực hành trực tiếp tại chỗ, hoặc phối hợp giữa bồi dưỡng tập trung và trực tuyến qua mạng;

“Bồi dưỡng phải phù hợp với các nhu cầu mới của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, các tài liệu bồi dưỡng không thể lặp lại giáo trình dạy cho sinh viên” - tiến sỹ Hoàng Thị Hạnh lưu ý, đồng thời khuyến nghị:

Các trường sư phạm cũng cần tính đến đổi mới cách thức tổ chức, phương pháp và hình thức bồi dưỡng. Theo đó, có thể bồi dưỡng theo hình thức tập trung, trực tiếp cho các nội dung bồi dưỡng hoặc cần trao đổi, bàn bạc thống nhất như: Các vấn đề mới, khó, những kỹ năng thực hành về phương pháp giảng, kỹ thuật dạy học.

Ngoài ra, có thể tổ chức bồi dưỡng qua mạng internet nhằm phát huy tinh thần tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp của giáo viên và cán bộ quản lý.

Phối hợp với các cơ sở giáo dục lựa chọn, tập huấn và hướng dẫn đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cốt cán, họ không phải là những người nói lại các nội dung được bồi dưỡng từ giảng viên mà là những người tổ chức, hướng dẫn các cán bộ quản lý cơ sở cấp dưới sinh hoạt chuyên môn trong điều kiện mới.

“Các trường sư phạm cần xây dựng kế hoạch thường xuyên, mời cán bộ quản lý giỏi ở các trường mầm non, phổ thông thỉnh giảng, hướng dẫn nghiệp vụ trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo giáo viên, điều động giảng viên sư phạm tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu, thử nghiệm khoa học giáo dục ở các trường mầm non, phổ thông”- Tiến sỹ Hoàng Thị Hạnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.