Xác định các năng lực chuyên biệt có thể hình thành cho học sinh thông qua học tập môn Địa lí

GD&TĐ - Đổi mới chương trình, SGK theo định hướng phát triển năng lực của người học là một quan điểm chỉ đạo quan trọng, đồng thời cần thiết phải xác định các mức độ đạt được của từng năng lực, gợi ý các cách thức kiểm tra, đánh giá các năng lực của HS.

Xác định các năng lực chuyên biệt có thể hình thành cho học sinh thông qua học tập môn Địa lí

I. Đặt vấn đề

Quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế có viết: "Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội…".

Nhằm đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình phát triển đất nước, đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực của người học là một quan điểm chỉ đạo quan trọng;

Đồng thời cần thiết phải xác định các mức độ đạt được của từng năng lực, cũng như việc gợi ý các cách thức kiểm tra đánh giá các năng lực của HS để từ đó thúc đẩy trở lại việc đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục.

II. Các năng lực chuyên biệt của môn Địa lí ở bậc trung học

1.1. Các năng lực chuyên biệt: môn Địa lí ở trường phổ thông có ưu thế trong việc hình thành các năng lực sau:

Một số năng lực chuyên biệt môn Địa lí

2.2. Các mức độ cần đạt của một số năng lực chuyên biệt môn Địa lí

Với mỗi năng lực trên, chúng tôi xác định các mức độ cần đạt được từ thấp đến cao và mô tả từng mức độ đó như sau:


Năng lực

Mức 1

Mức 2

Mức 3

Mức 4

Mức 5

Tư duy tổng hợp theo lãnh thổ

Xác định được mối quan hệ tương hỗ giữa hai thành phần tự nhiên, kinh tế - xã hội trên một lãnh thổ

Xác định được mối quan hệ tương hỗ giữa nhiều thành phần tự nhiên, kinh tế - xã hội trên một lãnh thổ

Xác định được hệ quả của mối quan hệ tương hỗ giữa các thành phần tự nhiên và kinh tế - xã hội trên một lãnh thổ

Giải thích được hệ quả của mối quan hệ tương hỗ giữa các thành phần tự nhiên và kinh tế - xã hội trên một lãnh thổ

Phân tích được mối quan hệ tương hỗ giữa các thành phần tự nhiên và kinh tế - xã hội cũng như hệ quả của mối quan hệ đó trong thực tiễn

Học tập tại thực địa

Quan sát và ghi chép một số yếu tố tự nhiên hoặc kinh tế - xã hội đơn giản ở quanh trường học hoặc nơi cư trú

Quan sát và ghi chép được một số đặc điểm khó nhận biết hơn của các yếu tố tự nhiên và kinh tế - xã hội ở khu vực quanh trường học hoặc nơi cư trú

Thu thập các thông tin được về các đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội ở phạm vi một phương/xã

Phân tích các thông tin thu thập được về các đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội ở phạm vi một quận/huyện hoặc tỉnh/thành phố

Đánh giá về hiện trạng của các đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội ở phạm vi một quận/huyện hoặc tỉnh/thành phố

Sử dụng bản đồ

Đo đạc, tính toán được một số yếu tố sơ đẳng như độ cao, độ sâu, chiều dài, xác định được phương hướng, tọa độ địa lí của các đối tượng tự nhiên và kinh tế - xã hội trên bản đồ

Mô tả được đặc điểm về sự phân bố, quy mô, tính chất, cấu trúc, động lực của các đối tượng tự nhiên và kinh tế - xã hội được thể hiện trên bản đồ

So sánh được những điểm tương đồng và khác biệt giữa các yếu tố tự nhiên và kinh tế - xã hội trong một tờ bản đồ hay giữa nhiều tờ bản đồ

Giải thích được sự phân bố hoặc mối quan hệ của các yếu tố tự nhiên và kinh tế - xã hội được thể hiện trên bản đồ

Sử dụng bản đồ để phục vụ các hoạt động trong thực tiễn như khảo sát, tham quan, thực hiện dự án… ở một khu vực ngoài thực địa

Sử dụng số liệu thống kê

Nêu các nhận xét về quy mô, cấu trúc và xu hướng hiến đổi của các đối tượng tự nhiên và kinh tế - xã hội thông qua đọc số liệu thống kê

So sánh về quy mô, cấu trúc và xu hướng biến đổi của các đối tượng tự nhiên và kinh tế - xã hội thông qua đọc số liệu thống kê

Giải thích được quy mô, cấu trúc, xu hướng biến đổi hoặc nét tương đồng hay khác biệt của các đối tượng thể hiện qua số liệu thống kê

Phân tích mối quan hệ của đối tượng tự nhiên và kinh tế - xã hội được thể hiện qua số liệu thống kê với lãnh thổ chứa đựng số liệu

Sử dụng số liệu thống kê để chứng minh, giải thích cho các vấn đề tự nhiên hay kinh tế - xã hội của một lãnh thổ nhất định

Sử dụng tranh, ảnh địa lí (hình vẽ, ảnh chụp gần, ảnh máy bay, ảnh vệ tinh)

Nhận biết được các đặc điểm của các đối tượng tự nhiên và kinh tế - xã hội được thể hiện trên tranh, ảnh

Tìm ra được những điểm tương đồng, khác biệt giữa các đối tượng tự nhiên và kinh tế - xã hội được thể hiện trên tranh, ảnh

Nhận biết được mối quan hệ giữa các yếu tố tự nhiên và kinh tế - xã hội được thể hiện trên tranh, ảnh

Giải thích được mối quan hệ của các yếu tố tự nhiên và kinh tế - xã hội và hệ quả của nó tới lãnh thổ thể hiện trên tranh ảnh

Sử dụng tranh, ảnh để chứng minh hay giải thích cho các hiện tượng tự nhiên hay kinh tế - xã hội của một lãnh thổ cụ thể

III. Hướng dẫn cách thức kiểm tra, đánh giá năng lực chuyên biệt môn Địa lí

Để hình thành và phát triển năng lực cho HS thông qua môn học thì kiểm tra, đánh giá là một khâu then chốt. Việc kiểm tra, đánh giá năng lực của HS được tiến hành thông qua đánh giá quá trình/tiến trình, đánh giá tổng kết/định kì và các kì thi.

1. Đánh giá quá trình

- Đánh giá quá trình phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình dạy học, thông qua các bài học, bài thực hành, bài ôn tập.

- Trong đánh giá quá trình, có rất nhiều hình thức có thể áp dụng như:

+ Quan sát: Thái độ, hành vi và mức độ hoàn thành công việc được yêu cầu.

+ Kết hợp trong các hoạt động học tập trong tiết học: trả lời câu hỏi, hoàn thành bài tập, hoạt động nhóm, giải quyết vấn đề, …

+ Các bài kiểm tra nhanh vào đầu giờ, giữa giờ, cuối giờ: trả lời nhanh các câu hỏi, phiếu trắc nghiệm, kĩ thuật 3-2-1, kĩ thuật tia chớp, điền nhanh thông tin vào phiếu thăm dò…

- Đối tượng đánh giá: nên kết hợp giữa đánh giá cá nhân và đánh giá theo nhóm; kết hợp giữa đánh giá của GV, đánh giá của HS khác và tự đánh giá.

- Kết quả đánh giá nên kết hợp giữa cho điểm với nhận xét bằng lời của giáo viên và HS

- Khi sử dụng đánh giá quá trình cần chú ý những yêu cầu sau:

+ Chia sẻ cho HS về năng lực GV mong muốn HS sẽ hình thành được, Ví dụ: Khi dạy Chương trình Địa lí lớp 11 chuẩn, Bài 10 – Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tiết 1, mục II – Điều kiện tự nhiên, GV chia sẻ với HS: “Khi học phần này, các em sẽ biết cách sử dụng bản đồ để so sánh về những điểm khác nhau giữa hai khu vực miền Đông và Tây của Trung Quốc”.

+ Phương pháp đánh giá và hình thức đánh giá phải phù hợp với nội dung học tập, mục tiêu của quá trình dạy học, năng lực và mức độ cần đạt được, phương pháp dạy học,... GV có thể thiết kế dự kiến kiểm tra, đánh giá trong một bài học bằng cách xác định các thành phần liên quan chính như sau:

Ví dụ:

Các thành phần liên quan trong quá trình thiết kế hoạt động kiểm tra, đánh giá quá trình

Nội dung học tập

Mục tiêu

Năng lực cần hình thành

Đầu ra

PPDH

Hình thức, đối tượng đánh giá và được đánh giá, thời điểm đánh giá, kết quả đánh giá

Chương trình Địa lí 11 chuẩn, Bài 10, Tiết 2, Mục II

So sánh được sự khác biệt về điều kiện tự nhiên của hai miền Đông và Tây của Trung Quốc

- Tư duy theo lãnh thổ (mức 2)

- Sử dụng bản đồ (mức 2)

Biết sử dụng bản đồ hình 10.1 (SGK tr. 87) để điền các thông tin so sánh về đặc điểm địa hình, đất đai, khí hậu, khoáng sản, sông ngòi vào phiếu học tập do giáo viên chuẩn bị

- Làm việc theo nhóm

- Đàm thoại

- Giảng giải

- Hình thức:

+ Quan sát tiến trình và mức độ hoàn thành công việc của các nhóm.

+ Dựa vào kết quả hoạt động nhóm thu được (bao gồm cả những nhóm không trình bày).

- Đối tượng được đánh giá: Cá nhân và nhóm

- Đối tượng đánh giá: GV và HS khác

- Kết quả đánh giá: Điểm và nhận xét bằng lời của GV và HS

+ Kết quả đánh giá phải được thông báo kịp thời, chính xác, đúng đối tượng.

Ví dụ khi thu thập thông tin thông qua:

Quan sát, GV sẽ nhận biết được cá nhân nào tham gia/không tham gia, thái độ tham gia tích cực/không tích cực, mức độ thực hiện công việc là biết làm/không biết làm/biết làm nhưng còn lúng túng để chỉnh sửa ngay trong khi hoạt động nhóm đang diễn ra và nhận xét sau khi hoạt động nhóm kết thúc. 

Với những sai lầm hoặc khó khăn HS hay mắc phải (ví dụ như khó khăn trong khâu xác định đặc điểm đất đai, sinh vật, sông ngòi do HS chưa biết phân tích mối quan hệ tác động qua lại giữa các yếu tố tự nhiên) thì phải uốn nắn và giải thích ngay.

Dựa vào kết quả làm việc nhóm, GV có thể nhận xét ngay tại lớp về mức độ hoàn thành công việc của nhóm. Những nhóm chưa có cơ hội lên trình bày, GV phải nhận xét (bằng hình thức trực tiếp hoặc nhận xét gián tiếp) vào tiết sau.

+ Kết quả của đánh giá phải được lưu giữ và phân tích để làm cơ sở cho những thay đổi trong quá trình dạy học sau này. Ví dụ: Những kết quả bằng điểm số và nhận xét bằng lời của GV và HS ở ví dụ trên được GV ghi lại dưới hình thức sau:

Bảng lưu giữ kết quả đánh giá năng lực lớp ……

Ghi nhận kết quả đánh giá theo từng tiết học

Tên bài học: ...................... Lớp: ....... Ngày thực hiện: ...../......./........

1. Giảng dạy

- Những điểm thành công:.................................................................................

- Những điểm chưa thành công: .......................................................................

- Cần lưu ý gì:....................................................................................................

2. Học tập

- Đa số HS có đạt được những mục tiêu GV đề ra hay không?.........................

- Những HS có kết quả học tập tốt: Tên HS......................................................

- Những HS có kết quả học tập chưa tốt, lí do: Tên HS ..........., Lí do:……….

Một số gợi ý các dạng bài tập và câu hỏi sử dụng trong đánh giá các năng lực chuyên biệt trong quá trình dạy học:

Một số ví dụ cách xây dựng câu hỏi và bài tập đánh giá năng lực chuyên biệt của môn Địa lí.

Năng lực

Mức 1

Mức 2

Mức 3

Mức 4

Tư duy theo lãnh thổ

-Giải thích mối quan hệ giữa địa hình với sự phân bố dân cư trên thế giới (Địa lí 7, Bài 2).

- Giải thích mối quan hệ giữa đặc điểm địa hình bờ biển Việt Nam với sự phát triển ngành du lịch biển (Địa lí lớp 12 chuẩn, Bài 42).

- Giải thích mối quan hệ giữa địa hình, khí hậu, sự phát triển kinh tế với sự phân bố dân cư trên thế giới (Địa lí 7, Bài 2).

- Giải thích mối quan hệ giữa đặc điểm vùng biển Việt Nam với những định hướng phát triển kinh tế biển (Địa lí lớp 12 chuẩn, Bài 42).

- Xác định hệ quả của sự tác động giữa các nhân tố tự nhiên và kinh tế - xã hội đến sự phân bố dân cư trên thế giới (Hệ quả: Phân bố dân cư không đồng đều) (Địa lí 7, Bài 2).

- Xác định hệ quả của sự tác động giữa các nhân tố đặc điểm vùng biển nước ta với định hướng phát triển kinh tế (Hệ quả: Việt Nam có điều kiện khai thác tổng hợp kinh tế biển) (Địa lí lớp 12 chuẩn, Bài 42).

- Xác định những nhân tố ảnh hưởng đến sự phân bố dân cư ở Hà Nội và hệ quả của sự tác động này.

Khảo sát địa lí địa phương

- Quan sát và ghi chép mật độ của các phương tiện giao thông vào các thời điểm trong ngày ở một tuyến phố gần nơi cư trú vào lúc 7 giờ, 11 giờ 30 phút, 17 giờ và 21 giờ (Dự án ngoại khóa)

- Quan sát và ghi chép về mức độ ô nhiễm không khí ở một tuyến phố gần trường học hoặc nơi cư trú: Mức độ khói bụi, tác nhân gây ra khói bụi, thời điểm diễn ra ô nhiễm khói bụi nhiều nhất trong ngày (Dự án ngoại khóa)

- Quan sát, tìm kiếm, thu thập và phân tích về vấn đề ô nhiễm không khí ở quận Nam Từ Liêm: Quận Nam Từ Liêm có bao nhiêu phương và cơ quan, công ty lớn nào, tuyến phố nào có nhiều phương tiện giao thông, tuyến phó đó chạy qua những phường nào, cơ quan, công ty nào, tuyến phố nào có không khí bị o nhiễm nhất, nguyên nhân tại sao?... (Dự án ngoại khóa)

- Đưa ra kết luận về vấn đề ô nhiễm không khí ở quận Nam Từ Liêm về: Nguyên nhân chính, hậu quả và đề xuất một vài ý kiến nhằm làm giảm ô nhiễm không khí ở khu vực này (Dự án ngoại khóa)

Sử dụng bản đồ

Mô tả được đặc điểm địa hình của châu Phi thông qua hình 26.1 (Địa lí 7, Bài 26)

So sánh về độ cao địa hình giữa khu vực Bắc Phi và Nam Phi (Địa lí 7, Bài 26)

Giải thích được sự phân bố dân cư không đồng đều giữa miền Đông và Tây của Trung Quốc (Địa lí 11 chuẩn, Bài 10, Tiết 1)

Sử dụng bản đồ du lịch Hà Nội để khảo sát về cơ sở hạ tầng du lịch, tài nguyên du lịch nhân văn và tự nhiên ở thành phố, trên cơ sở đó đề xuất các tuyến du lịch của thành phố (Địa lí lớp 12 chuẩn, phần địa lí địa phương)

Sử dụng số liệu thống kê và biểu đồ

Nhận xét về giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Trung Bộ thời kì 1995 – 2002 qua hình 24.2 (Địa lí 9, Bài 24)

So sánh về sự thay đổi về giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Trung Bộ cũng như xu hướng biến đổi của giá trị này qua hình 24.2 (Địa lí 9, Bài 24)

Phân tích mối quan hệ giữa xu hướng biến đổi giá trị sản xuất công nghiệp với những ngành công nghiệp then chốt đóng góp nhiều vào giá trị sản xuất công nghiệp (Địa lí 9, Bài 24)

Tìm kiếm số liệu để minh chứng cho hiện trạng sản xuất công nghiệp ở thành phố Hà Nội (Địa lí 9, phần địa lí địa phương)

Sử dụng tranh, ảnh địa lí (hình vẽ, ảnh chụp gần, ảnh máy bay, ảnh vệ tinh)

- Nhận xét về hình thái của đỉnh núi, sườn núi và thung lũng giữa núi già và núi trẻ trong hình 35 (Địa lí 6, Bài 13)

- So sánh về hình thái của đỉnh núi, sườn núi và thung lũng thông qua quan sát hình 35 (Địa lí 6, Bài 13)

- Đưa ra nhận xét về việ hình thành cơ cấu nông – lâm – ngư nghiệp theo thế liên hoàn thông qua quan sát hình 35.1 (Địa lí 12 chuẩn, bài 35)

- Thông qua ảnh vệ tinh chụp các khu công nghiệp ven quốc lộ 5, giải thích về sự hình thành các khu công nghiệp ở khu vực này (Địa lí 12 chuẩn, Bài 28)

- Tìm kiếm ảnh chụp hoặc ảnh vệ tinh để chứng minh cho sự phân bố dân cư ở Hà Nội (Chương trình Địa lí 12 chuẩn, phần địa lí địa phương)

2. Đánh giá định kì

Kết hợp với đánh giá quá trình, đánh giá định kì cũng cần phải có những thay đổi để HS thực sự được đánh giá dựa trên năng lực, dựa trên những đặc trưng của môn Địa lí. Sau đây là một số yêu cầu đối với một đề kiểm tra, đánh giá định kì đối với môn Địa lí như sau:

- Xây dựng ma trận đề kiểm tra với những yêu cầu về kiến thức, kĩ năng và năng lực cần kiểm tra đánh giá HS.

- Đánh giá được các năng lực chung và năng lực chuyên biệt. GV cần xác định rõ ràng mỗi câu hỏi sẽ hướng tới đánh giá năng lực nào và mức độ cần đạt được.

- Chú trọng đánh giá dựa trên những tình huống gắn với thực tiễn. Việc chú trọng vào các tình huống thực tiễn sẽ làm cho quá trình đánh giá không quá tập trung vào đánh giá việc ghi nhớ và tái hiện kiến thức mà đòi hỏi HS vận dụng kiến thức và thực tiễn, đem thực tiễn để soi sáng lý thuyết.

- Kết hợp sử dụng các phương tiện dạy học đặc trưng của môn Địa lí như bản đồ, biểu đồ, số liệu thống kê, tranh ảnh trong đánh giá. Việc sử dụng kết hợp các phương tiện này vào quá trình đánh giá không chỉ đơn thuần xem xét năng lực sử dụng phương tiện đơn thuần mà cao hơn là HS phải thấy được mối quan hệ, đặc trưng của sự vật, hiện tượng tự nhiên và kinh tế - xã hội trong mối quan hệ về không gian và thời gian.

- Kết hợp đa dạng các hình thức đánh giá: Bài kiểm tra cá nhân (trắc nghiệm, tự luận), đánh giá nhóm (bài tập nhóm, bài tập dự án).

Ví dụ 1: Xây dựng một số câu hỏi kiểm tra, đánh giá nội dung kiến thức “Thời tiết, khí hậu và nhiệt độ không khí” trong chương trình Địa lí 6 dựa vào tình huống thực tiễn như sau:

Đây là bản tin dự báo thời tiết của hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tại thời điểm 08h41’ ngày 02/03/2014 và dự báo thời tiết của 2 ngày kế tiếp (nguồn: http://hn.24h.com.vn/ttcb/thoitiet/thoitiet.php cập nhật ngày 02/03/2014)

 

Câu hỏi:

1. (Trả lời ngắn) Con số chỉ nhiệt độ của TP. Hồ Chí Minh (23oC) và Hà Nội (21oC) vào ngày 02/03/2014 có ý nghĩa gì? Em hãy mô tả sơ lược cách tính toán để có thể ra được kết quả này?

………………………………………………………………………………………

2. (Viết đoạn văn) Hãy biên tập bản tin dự báo thời tiết 02 ngày thứ hai và thứ ba tại Hà Nội và TPHCM.

Ví dụ 2: Câu hỏi kiểm tra kiến thức liên quan đến dòng biển nóng, dòng biển lạnh trong chương trình Địa lí 6.

Câu hỏi: (Trả lời ngắn) Ở phía Tây Bắc của châu Phi, hoang mạc hình thành sát biển, em có thể sử dụng kiến thức về dòng biển nóng và lạnh để giải thích sơ lược về hiện tượng này?

……………………………………………………

……………………………………………………

……………………………………………………

……………………………………………………

……………………………………………………

……………………………………………………

……………………………………………………

Xác định các năng lực chuyên biệt có thể hình thành cho học sinh thông qua học tập môn Địa lí  ảnh 3 

Ví dụ 3: Bài tập dự án đánh giá nhóm yêu cầu HS tìm hiểu các tổ chức liên kết kinh tế ở các khu vực và trình bày bằng Powerpoint hoặc poster khi dạy Bài 2 – Xu hướng toàn cầu hóa, khu vực hóa kinh tế trong chương trình Địa lí lớp 11 chuẩn.

3. Đối với kì thi tốt nghiệp THPT

Trong nhiều năm qua đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa lí được dư luận xã hội đánh giá khá cao về tính thời sự và tính mở và về cơ bản đã đánh giá được trình độ HS về kiến thức, kĩ năng sau khi học xong chương trình GDPT môn Địa lí. 

Nội dung đề thi đảm bảo được chuẩn kiến thức, kĩ năng trong chương trình GDPT môn Địa lí. Trong vài năm gần đây đề thi đã xuất hiện các câu hỏi mở, giúp cho HS được biểu đạt chính kiến của mình về các vấn đề tự nhiên, kinh tế-xã hội của đất nước.

Ví dụ đề thi TNTHPT năm 2012 Câu II.2. Ở nước ta hiện nay, việc đánh bắt hải sản xa bờ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng?

Hoặc đề thi năm 2013 Câu III.1. Việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề về biển đảo có ý nghĩa như thế nào?

Các kĩ năng Địa lí được tập trung vào vẽ biểu đồ, phân tích số liệu thống kê và đọc Át lát Địa lí Việt Nam, giúp cho HS hình thành được một số năng lực nhất định: năng lực sử dụng số liệu thống kê, năng lực sử dụng bản đồ.

Tuy nhiên, việc đánh giá các năng lực của HS còn hạn chế, nhiều năng lực được hình thành trong quá trình học tập nhưng chưa được kiểm tra đánh giá: năng lực khảo sát địa lí địa phương, năng lực tư duy tổng hợp và ngay cả năng lực sử dụng số liệu thống kê và sử dụng bản đồ có được đề cập song cũng rất mờ nhạt và vẫn thiên về việc sử dụng các kĩ năng, kĩ thuật rời rạc. 

Tỉ lệ điểm số cho các câu hỏi mở còn thấp, khoảng 10-20%. Đặc biệt câu hỏi thi mở song đáp án và hướng dẫn chấm thi lại rất chi tiết, đến 0,25 điểm và với nội dung của các ý được trích lại trong sách giáo khoa Địa lí 12.

Khi chấm bài thi giám khảo thường so sánh các nội dung HS thể hiện trong bài làm với các ý chi tiết của đáp án chấm, với cách thi và chấm bài thi như vậy đã không đánh giá và khuyến khích tính sáng tạo của HS, buộc HS phải ghi nhớ máy móc và chi tiết. 

Cách thi này đã tác động không nhỏ đến phương pháp dạy của GV và phương pháp học của HS, HS sẽ duy trì cách học vẹt, học tủ, học sao cho nhớ được nhiều ý để không bỏ sót ý trong quá trình làm bài thi.

Với tình hình trên, để góp phần phát triển được tính độc lập, sáng tạo trong tư duy và trình bày các vấn đề Địa lí của HS, vận dụng linh hoạt kiến thức, kỹ năng đã học vào những tình huống thực tế, được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, đồng thời hình thành được những phẩm chất cần thiết của một người công dân trong cuộc sống hiện đại, đề thi tốt nghiệp THPT cần thiết thay đổi theo các hướng sau:

Một là: Việc thay đổi trước hết thể hiện ở ma trận đề thi, tỉ lệ điểm số ở các nội dung cần thay đổi, tăng tỉ lệ điểm số ở phần Địa lí tự nhiên, tăng tỉ lệ điểm số cho phần vận dụng, thông hiểu và có thể được phân bố như ở ví dụ về ma trận đề thi sau:

Xác định các năng lực chuyên biệt có thể hình thành cho học sinh thông qua học tập môn Địa lí  ảnh 4Nội dung Mức độ

Biết

Thông hiểu

Vận dụng

Địa lí tự nhiên

30% (3,0 điểm)

Địa lí dân cư và Địa lí ngành kinh tế

40% (4,0 điểm)

Địa lí vùng kinh tế

30% (3,0 điểm)

Điểm số

30% 3,0 điểm)

70%, 7,0 điểm

Tùy theo việc lựa chọn kiến thức, kĩ năng, năng lực cần đánh giá người ra đề sẽ cân đối điểm số ở các nội dung và mức độ nhận thức sao cho phù hợp.

Hai là: tăng cường các câu hỏi mở trong đề thi, các câu hỏi mở trong đề thi có thể bám sát vào việc phát huy các năng lực: tư duy tổng hợp theo lãnh thổ; năng lực khảo sát địa lí địa phương; năng lực sử dụng số liệu thống kê,… Có thể tham khảo một số dạng câu hỏi mở sau:

-  Câu hỏi mở phát huy năng lực tư duy tổng hợp theo lãnh thổ:

Ví dụ 1: Dựa vào nhận định sau:

" Một lãnh thổ giàu đẹp, có núi, đồng bằng kết hợp theo một tỉ lệ hợp lí, có nguồn nhiệt ẩm phong phú đến mức thừa thãi, có sông ngòi rậm rạp và nhiều nước, có biển liền kế bao quanh thông ra các đại dương, trên đất nổi và dưới đáy biển giàu các loại khoáng sản, có lớp phủ sinh vật nhiều tầng lớp phân hóa theo cả vĩ độ lẫn độ cao, đấy là Việt Nam, Tổ quốc của chúng ta"

(Trích Thiên nhiên Việt Nam-Lê Bá Thảo-NXBGDVN 2006)

Bằng kiến thức đã học hãy phân tích nhận định trên.

Ví dụ 2. Dựa vào nhận định sau:

"Mỗi người Việt Nam, dù sống ở đâu, ngay cả trên miền núi, hình như bao giờ cũng nghe được tiếng rì rào của biển cả không mỏi ngày đêm vỗ sóng vào bờ. Đấy là vì đất nước ta là một bán đảo, có chiều dài lãnh thổ gấp bốn lần chiều rộng nhất, do đó mà không nơi nào ở nước ta lại xa biển đến hơn 500km theo đường chim bay. Ngay cả cây rựng cũng mọc rậm rạp hơn ở hướng nhìn ra Biển Đông và hướng nhà đâu đâu cũng quay về phía gió biển đến".

(Trích Thiên nhiên Việt Nam-Lê Bá Thảo-NXBGDVN 2006)

Bằng kiến thức đã học hãy phân tích nhận định trên.

-  Câu hỏi mở phát huy năng lực sử dụng các kĩ năng tổng hợp

Ví dụ 1. Dựa vào bảng số liệu sau:

Dân số và cơ cấu dân số Việt Nam theo nhóm tuổi, 1979-2009

Năm

Số người (triệu người)

Tỷ lệ (% tổng dân số)

Tổng

0-14

15-59

60+

0-14

15-59

60+

1979

53,74

23,40

26,63

3,71

41,8

51,3

6,9

1989

64,38

24,98

34,76

4,64

39,2

53,6

7,2

1999

76,33

25,56

44,58

6,19

33,0

58,9

8,1

2009

85,85

21,03

57,09

7,73

24,5

66,5

9,0

Nguồn: Tổng điều tra dân số 1979, 1989, 1999, 2009

Phân tích bảng số liệu từ đó rút ra các đặc điểm về dân số ở nước ta.

Ví dụ 2. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy phân tích ý nghĩa của quốc lộ 1 đối với sự phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta. Vì sao Hà Nội là đầu mối giao thông vận tải quan trọng nhất cả nước.

-  Các câu hỏi mở cũng có thể là dạng liên hệ, hay phát huy năng lực khảo sát một vấn đề tự nhiên, dân cư, kinh tế, xã hội ở địa phương, vùng, miền.

Ví dụ 1: Hãy phân tích tác hại của bão, ngập lụt. Nêu các kĩ năng phòng chống bão mà em biết.

Ví dụ 2. Hãy trình bày nội dung của các bước tìm hiểu một vấn đề Địa lí kinh tế-xã hội của địa phương.

- Câu hỏi mở là sự nhận định, dự báo của HS về một vấn đề kinh tế xã hội nào đó của một ngành kinh tế hay vùng kinh tế.

Ví dụ: Trung du và miền núi nước ta có tầm quan trọng như thế nào đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội nước ta? Hãy lấy dẫn chứng từ vùng núi Đông Bắc.

Ba là: Khi cho HS các dữ liệu về số liệu thống kê, cần phải cập nhật số liệu thống kê mới nhất, dựa trên trang web chính thống của Chính phủ: Tổng Cục thống kê. Số liệu thống kê trong sách giáo khoa được cập nhật đến năm 2005, 2006 đến nay đã lạc hậu, việc cập nhật số liệu thống kê mới đảm bảo tính cập nhật, hiện đại, phản ánh chân thực nhất các thực trạng kinh tế, xã hội nước ta, đồng thời phát huy được tính hứng thú và tích cực hóa của HS trong quá trình làm bài thi.

Bốn là: Việc xây dựng đáp án và hướng dẫn chấm: đề thi các các câu hỏi mở đòi hỏi phải có đáp án mở, quan niệm về đáp án mở là vấn đề hiện nay còn gây tranh cãi nhiều. Theo quan điểm của một số cá nhân đáp án mở chỉ nên quy định khung nội dung HS cần phải trình bày được và nó đảm bảo được tính mở, linh hoạt, tính lôgic của vấn đề.

Ví dụ: Vì sao vùng Trung du miền núi Bắc Bộ lại có diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước?

Đáp án

Mức đầy đủ

HS đánh giá được điều kiện tự nhiên trong vùng có thuận lợi cho phát triển cây chè: khí hậu, đất đai,…

HS đánh giá được các điều kiện khác: kinh tế, xã hội, truyền thống sản xuất,…

Mức không đầy đủ: HS đánh giá thiếu điều kiện cốt lõi để sản xuất: khí hậu

Mức không tính điểm: Các đánh giá khác ngoài các ý trên.

Năm là: Việc chấm thi, chấm các câu hỏi mở là một khâu khó khăn đối với GV, vì câu hỏi mở không có đáp án duy nhất và cụ thể, để đánh giá bài viết của HS một cách chính xác, khách quan, đòi hỏi GV phải có trình độ hiểu biết rộng, không chỉ ở lĩnh vực môn học của mình đang giảng dạy, mà đòi hỏi GV có kiến thức nền rộng. 

Trong quá trình chấm bài GV cần phát huy tinh thấn cởi mở, chấp nhận quan điểm trái chiều của HS, nếu bài viết của HS có lí luận lôgic, sắc sảo và thuyết phục. Việc chấm bài GV cần linh hoạt, dân chủ, tôn trọng HS, biết chấp nhận những hiểu biết khác biệt của HS, thu nhận những ý tưởng mới lạ.

4. Minh họa ma trận đề và đề thi TNTHPT

4.1. Ma trận

Mức độ nhận thức

Nội dung

Biết

Hiểu

Vận dụng

Địa lí tự nhiên

Trình bày được đặc điểm cơ bản của tự nhiên Việt Nam

Phân tích được các thành phần tự nhiên (địa hình) để thấy được các đặc điểm cơ bản của tự nhiên Việt Nam.

30%, 3 điểm

1,5 điểm

1,5 điểm

Địa lí dân cư; địa lí kinh tế và các ngành kinh tế

Trình bày được một số đặc điểm của nguồn lao động ở nước ta.

Hiểu được tình hình phân bố một số vật nuôi chính của nước ta.

Sử dụng bản đồ, Atlat phân tích và gới thiệu tài nguyên du lịch nước ta.

40%, 4 điểm

1,5 điểm

0,5 điểm

2,0 điểm

Địa lí các vùng kinh tế

Phân tích số liệu thống kê để hiểu sự phát triển kinh tế ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

30%, 3 điểm

3,0 điểm

Tổng số điểm: 10

3 điểm = 30%

7 điểm = 70%

           MINH HỌA ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT MÔN ĐỊA LÝ

Câu 1 (3,0 điểm)

Trình bày đặc điểm chung của địa hình nước ta. Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa ở nước ta biểu hiện qua thành phần địa hình như thế nào?

Câu 2 (2,0 điểm)

a) Nguồn lao động của nước ta có những mặt mạnh và hạn chế nào.(1,5)

b) Tại sao chăn nuôi lợn và gia cầm tập trung nhiều nhất ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long? (0,5)

Câu 3 (2,0 điểm)

Dựa vào Bản đồ dưới đây và kiến thức đã học, hãy viết một báo cáo ngắn gọn (khoảng 10 đến 15 dòng) để giới thiệu về tài nguyên du lịch của nước ta.

Câu 4 (3,0 điểm)

Dựa vào bảng số liệu và kiến thức đã học, hãy so sánh và giải thích về diện tích và sản lượng lương thực ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng.

Diện tích và sản lượng lương thực ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long thời kì 2005-2010

Vùng

2005

2010

Diện tích(nghìn ha)

Đồng bằng sông Hồng

1220,9

1196,4

Đồng bằng sông Cửu Long

3861,2

4008,3

Sản lượng(nghìn tấn)

Đồng bằng sông Hồng

6517,9

7012,9

Đồng bằng sông Cửu Long

19488,2

21769,5

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ