Vừa dạy vừa lượng sức học sinh

GD&TĐ - Thực hiện Chương trình GDPT 2018, trẻ học hòa nhập, trẻ ở trường chuyên biệt gặp khó khăn về vận động, trí tuệ đều được các giáo viên có kế hoạch giảng dạy riêng. Theo đó, giáo viên vừa dạy, vừa lượng sức học trò. Mỗi học sinh học hòa nhập là một “giáo án riêng” nên thầy cô phải điều chỉnh phù hợp với khả năng tiếp thu của từng em.

Học sinh lớp 1 của Trường Hy vọng Quận 6, TPHCM trong lễ khai giảng năm học 2020 - 2021. Ảnh: Tuấn Anh
Học sinh lớp 1 của Trường Hy vọng Quận 6, TPHCM trong lễ khai giảng năm học 2020 - 2021. Ảnh: Tuấn Anh

Linh hoạt

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Bình Trị 2, quận Bình Tân (TPHCM) chia sẻ: Mỗi năm cô  tiếp nhận 1 - 2 học sinh học hòa nhập. Mỗi em một dạng tật khác nhau nên giáo viên có “giáo án riêng”, sổ theo dõi cho từng em.

“Thực hiện chương trình mới với học sinh học hòa nhập, giáo viên không đặt nặng vấn đề về thời gian, yêu cầu phải bảo đảm kiến thức như học sinh bình thường. Cô và trò sẽ học từ từ, chia nhỏ kiến thức để các con tiếp nhận dễ dàng”, cô Thanh Huyền nói.

Cô Huyền lấy ví dụ, với bé mắc chứng khó phát âm, khi dạy đọc cô dành nhiều thời gian, kiên nhẫn hơn. Nếu bé tăng động thì giao việc để giải tỏa bớt năng lượng. Nếu bé có tật về vận động sẽ điều chỉnh về bài thể dục, trò chơi… phù hợp.

Về chương trình, nội dung học tập các giáo viên vẫn thực hiện theo Chương trình GDPT mới, nhưng “liệu cơm gắp mắm”, nghĩa là tùy vào từng em để có điều chỉnh phù hợp, chứ không dạy đại trà như các bạn còn lại trong lớp.

“Có học sinh học 2 - 3 năm mới xong lớp 1, trên cơ sở chương trình chung giáo viên sẽ thiết kế riêng bài học. Ví dụ, môn Toán dạy các em biết đếm số, học các phép toán đơn giản trong phạm vi 10. Tập viết cũng tương tự, phải rèn dần từng chữ cái, chứ không thể theo thời khóa biểu của khung chương trình như các bạn khác. Yêu cầu kiểm tra đánh giá học sinh cũng khác, có những bài kiểm tra riêng, đánh giá sự tiến bộ của học sinh”, cô Huyền phân tích.

Theo cô Huyền, với những em học hòa nhập, trước khi vào lớp, giáo viên trao đổi kỹ với phụ huynh để nắm rõ về tình trạng sức khoẻ, khả năng của trẻ. “Việc dạy trẻ hòa nhập ở chương trình mới cũng có những điều chỉnh theo mục tiêu giáo dục chung là chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Tuy nhiên, tùy mức độ tật của từng trẻ giáo viên linh hoạt đưa ra kế hoạch phù hợp, không rập khuôn và không cào bằng giữa các em. Với những em này, việc ưu tiên các kỹ năng vẫn luôn được các giáo viên chú trọng”, cô Huyền nhấn mạnh.

Cô Nguyễn Thị Xuân Mai, Hiệu trưởng Trường Hy vọng Quận 6 (TPHCM) cho hay: Ngay từ dịp hè, giáo viên cùng với ban giám hiệu nhà trường được tập huấn về Chương trình GDPT 2018 và thực hiện SGK mới ở lớp 1.

Học sinh của trường có tật về nghe, nói, vận động, khiếm khuyết về trí tuệ… nên nhà trường phải tùy đối tượng để triển khai dạy học chương trình mới phù hợp. Cô Mai thông tin thêm: Do trình độ nhận thức của trẻ khác nhau, nên có em một năm học tương đương với 1 học kỳ của học sinh bình thường. Như vậy để hoàn thành lớp 1, các em mất 2 năm học, thậm chí có em hơn 2 năm. Vì vậy, nhà trường chia thành lớp 1 K1, K2.

Với hoạt động trải nghiệm nhà trường phải thiết kế riêng cho từng đối tượng, chứ không hoạt động chung. Ngay cả bài thể dục, cũng phải linh hoạt phù hợp giữa em có tật vận động, em có tật về mắt…

Nếu em nào tiến bộ rõ rệt, đủ khả năng hoàn thành chương trình lớp 1, được lên lớp và tiếp tục học tập ở lớp 2, trường sẽ giới thiệu các em ra học hòa nhập ở các trường tiểu học trên địa bàn.

Cô và trò Trường Chuyên biệt Quận 10, TPHCM trong giờ học. Ảnh: P.Nga
Cô và trò Trường Chuyên biệt Quận 10, TPHCM trong giờ học. Ảnh: P.Nga  

Vì sự tiến bộ của học trò

Nhiều năm qua, Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật (Quận 3) tiếp nhận đông trẻ học hòa nhập nhất tại TPHCM. Hiện trường có khoảng 100 trẻ học hòa nhập. Nhà trường tổ chức lớp Dự bị lớp 1 với khoảng 17 em. Các em được giáo viên dạy kỹ năng cơ bản như tự phục vụ, rèn luyện khả năng tập trung, sau đó, sẽ xem xét để cho vào lớp 1 học hòa nhập với các bạn. Riêng ở khối lớp 1 năm nay, có 5 em đang học hòa nhập ở lớp 1 bình thường.

Cô Trần Thị Kim Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật chia sẻ: Năm học 2020 - 2021, trường thực hiện Chương trình, SGK mới như các trường tiểu học khác trong cả nước. Học sinh học hòa nhập cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, nhà trường sẽ điều chỉnh, thiết kế các bài học phù hợp, bảo đảm các em đều được tham gia học tập, các hoạt động trải nghiệm phù hợp với khả năng tiếp nhận của từng em theo chương trình mới.

Theo đó, về khối lượng kiến thức sẽ được giảm, mức độ khó của các phần kiến thức sẽ giảm tối đa. Học sinh được làm những bài kiểm tra riêng, phù hợp với kế hoạch học tập, mức độ. Ví dụ, em có tật trong bài kiểm tra sẽ có 7 phần trắc nghiệm, 3 phần tự luận. Ngược lại học sinh bình thường sẽ 3 phần trắc nghiệm, 7 phần tự luận. 

Tôi thấy sách giáo khoa lớp 1 có nhiều điểm mới, độ mở cao, không đóng khung về mặt nhận thức, cho các em tự nói lên suy nghĩ, ý kiến của mình. Điều này phù hợp với trẻ học hòa nhập, các em bày tỏ suy nghĩ của mình dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, học sinh được chú trọng hơn về giáo dục các kỹ năng, phẩm chất. Như vậy, trò học hòa nhập tiến bộ nhanh mỗi ngày. - Cô  Trần Thị Kim Lan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ