Vận dụng tư duy doanh nghiệp trong quản trị trường ĐH

GD&TĐ - Trên thế giới, khái niệm "ĐH theo mô hình doanh nghiệp" đã xuất hiện từ thập niên cuối của thế kỷ trước. ĐH theo mô hình doanh nghiệp được phát triển tại cả những trường ĐH có bề dày và uy tín lâu năm cũng như tại các cơ sở giáo dục ĐH hiện đại và ít tuổi hơn tại các quốc gia mới phát triển và đang phát triển.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Giải pháp phát triển kĩ năng mềm, kích thích sáng tạo

Tham luận tại Hội thảo giáo dục 2018 mới đây, GS Đinh Xuân Khoa – Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh – cho rằng: Hiện nay, các trường ĐH ở Việt Nam đang dần dần chuyển hướng từ giáo dục tinh hoa sang giáo dục đại chúng gắn kết với thực tiễn.

Các trường ĐH lớn của Việt Nam cũng đang dần dần tìm cách dấn thân vào thực tiễn với những mô hình gắn kết giữa trường ĐH với giới công nghiệp - doanh nghiệp - dịch vụ như là Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh.

 Nếu lựa chọn ĐH theo mô hình doanh nghiệp thì sẽ có những lợi ích sau: Đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội; giải quyết bài toán về chi phí đào tạo cho các trường ĐH; hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở trường ĐH; tạo cơ hội để các trường ĐH liên kết và hội nhập quốc tế; thực hiện trách nhiệm xã hội của trường ĐH; hướng đến mục tiêu cá nhân khởi nghiệp và quốc gia khởi nghiệp. 
GS Đinh Xuân Khoa 

ĐH theo mô hình doanh nghiệp không chỉ đào tạo thực tiễn, giàu tính ứng dụng và "kích thích" tinh thần sáng tạo mà còn là giải pháp phát triển kỹ năng mềm một cách toàn diện. 

Trong đó, nhiệm vụ của trường ĐH là xây dựng một môi trường giáo dục cởi mở, năng động, tạo nhiều sân chơi dành cho sinh viên; doanh nghiệp trở thành "chặng đường thứ hai" - vừa như một "bài kiểm tra" để sinh viên biết mình thiếu gì, cần gì, vừa như một đích đến để sinh viên xây dựng mục tiêu phấn đấu và đại học theo mô hình doanh nghiệp còn được quan tâm đến vì việc quản lý của trường ĐH còn được thực hiện theo mô hình quản lý của doanh nghiệp.

Các chiến lược để vận hành hiệu quả

Để vận hành hiệu quả mô hình này, GS Đinh Xuân Khoa cho rằng, cần quan tâm các chiến lược sau đây:

Thứ nhất, mô hình doanh nghiệp ĐH cho phép các trường ĐH được quyền tự chủ rất lớn, rất linh hoạt, mềm dẻo, có tính thích nghi cao, gắn chặt với thực tiễn sản xuất và xã hội.

Quyền quản lý giáo dục ĐH không thuộc về nhà nước, quản lý cấp nhà nước chủ yếu là vấn đề cấp ngân sách và thanh tra - kiểm tra chất lượng đào tạo của nhà trường, còn lại thuộc quyền quản lý của mỗi địa phương.

Tuy nhiên, quản lý ở cấp địa phương cũng là một phần mang tính chất đặc thù, phần lớn còn lại là các trường gần như có toàn quyền quyết định mọi việc của mình.

Đây là cơ hội cho các trường chủ động phát huy thế mạnh, gắn đào tạo với thực tiễn phát triển của địa phương, khu vực và quốc tế, gắn đào tạo với sản xuất kinh doanh đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và tạo ra giá trị kinh tế.

Với cơ chế tự chủ về nhiều mặt, trường ĐH có thể thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nhà trường, thành lập các cơ sở, trung tâm sản xuất chuyển giao công nghệ để tạo ra giá trị kinh tế ngay trong trường ĐH hoặc hợp tác với các doanh nghiệp, địa phương thực hiện các nhiệm vụ đào tạo và phi đào tạo.

Thứ hai, một bước tiến quan trọng về thể chế quản lý giáo dục ĐH là việc thành lập Hội đồng trường đối với trường ĐH công lập, hội đồng quản trị đối với trường ĐH tư thục là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục.

Hội đồng trường trong các trường ĐH đảm bảo tính minh bạch cao, đặc biệt là việc giám sát hoạt động của ban giám hiệu, vì thế mà hoạt động điều hành của các trường trở nên hiệu quả hơn rất nhiều.

Ngoài ra việc phân quyền quản lý trong trường ĐH có thể khai thác hết thế mạnh của từng cá nhân, tổ chức trong các bộ phận của trường ĐH do việc phân tán nhiệm vụ liên kết doanh nghiệp về cho từng khoa/bộ môn là giải pháp hiệu quả hơn là chỉ tập trung ở một bộ phận của trường ĐH hoặc ban giám hiệu.

Các khoa /bộ môn có cơ hội chủ động mời các doanh nghiệp/tổ chức tuyển dụng liên quan đến từng chuyên ngành đào tạo về từng khoa/bộ môn để cung cấp thông tin về các cơ hội việc làm cho sinh viên.

Mặt khác, mối quan hệ thường xuyên giữa nhà tuyển dụng và trường ĐH đảm bảo gắn kết được thực tiễn với tri thức khoa học hàn lâm, phát huy và tận dụng được nguồn lực từ xã hội. Với cơ cấu tổ chức bao gồm các hội đồng tư vấn, hội đồng trường, ban giám hiệu, các phòng ban, khoa, viện, trường trực thuộc.

Ngoài ra, điểm mấu chốt ở các trường ĐH theo mô hình doanh nghiệp ĐH là ngoài cơ cấu tổ chức truyền thống, còn có các trung tâm, phòng, công ty không đào tạo. Các đơn vị này có nhiệm vụ thực hiện chuyển giao công nghệ, tạo ra các sản phẩm trí tuệ, sử dụng các thành tựu nghiên cứu của trường ĐH để tạo ra giá trị kinh tế cho trường và cho xã hội.

"ĐH theo mô hình doanh nghiệp đang là xu thế phát triển hiện nay của nhiều trường ĐH hàng đầu trên thế giới, trong đó nhấn mạnh sự tham gia tích cực và chủ động của các trường ĐH vào quá trình đổi mới sáng tạo và tạo ra các giá trị kinh tế, thúc đẩy phát triển xã hội. Trường ĐH với sứ mệnh phát triển tri thức và đào tạo nguồn nhân lực bậc cao phục vụ cho xã hội cần có sự chuẩn bị và thích nghi với các xu hướng vận động mới của nền kinh tế" - GS Đinh Xuân Khoa.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ