Vận dụng tốt kiến thức tâm lý học vào nhà trường

GD&TĐ - Triển khai Thông tư 31 của Bộ GD&ĐT về công tác tư vấn học đường, trong đó, bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông và công tác tư vấn cho học sinh là vấn đề cấp thiết được đặt ra trước thềm năm học mới. Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với TS Hoàng Trung Học, Chuyên gia Tư vấn tâm lý học đường, Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục xung quanh vấn đề này.

Muốn công tác tư vấn tâm lý đạt hiệu quả, đòi hỏi người tư vấn phải nắm vững kiến thức và am hiểu tâm lý mọi lứa tuổi
Muốn công tác tư vấn tâm lý đạt hiệu quả, đòi hỏi người tư vấn phải nắm vững kiến thức và am hiểu tâm lý mọi lứa tuổi

Chú trọng đến nền tảng kiến thức tâm lý học

Thưa TS Hoàng Trung Học, ông đánh giá vai trò của công tác tư vấn tâm lý học đường trong trường phổ thông hiện nay như thế nào?

Nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực Tâm lý học, Giáo dục học, Xã hội học đã chỉ ra rằng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện đại, đời sống tâm lý của mỗi cá nhân cũng đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là trẻ em, học sinh – những cá nhân đang trong giai đoạn định hình và phát triển nhân cách. Trong nhà trường, hiện có một số vấn đề tâm lý nổi cộm như: Bạo lực học đường, sức ép học tập, rối nhiễu hành vi, nghiện game, mất hứng thú học tập, khủng hoảng giá trị sống… đang có ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng của quá trình giáo dục.

Bên cạnh những vấn đề tâm lý phức tạp có xu hướng ngày càng phổ biến ở học sinh, những vấn đề của hệ thống giáo dục như: Chưa chú trọng đến giáo dục đạo đức, hướng nghiệp cho học sinh; việc phân luồng học sinh chưa phù hợp; phương pháp dạy học còn mang tính kinh viện, giáo điều… chỉ có thể được giải quyết triệt để bằng việc vận dụng tốt những tri thức tâm lý học vào nhà trường. Ở đây, chuyên gia tâm lý học đường không chỉ làm công tác tư vấn cho học sinh mà còn cố vấn về nghiệp vụ sư phạm và quản lý cho giáo viên, Ban giám hiệu. Nói cách khác, với nền tảng là kiến thức tâm lý học trường học, vai trò của các chuyên gia tâm lý rất quan trọng trong việc tháo gỡ các vướng mắc cho học sinh và cố vấn về nghiệp vụ giảng dạy, giáo dục cho giáo viên.

Học viện Quản lý Giáo dục là nơi đào tạo bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông, ông có thể cho biết, trong nội dung chương trình tập huấn, vấn đề cơ bản nhất đặt ra là gì?

Triển khai Thông tư 31 của Bộ GD&ĐT về công tác tư vấn học đường, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến nền tảng kiến thức tâm lý học về những vấn đề tâm lý của học sinh và những kiến thức về hoạt động tư vấn trong nhà trường. Đây là cơ sở quan trọng để bồi dưỡng các kỹ năng tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho cán bộ tư vấn tâm lý. Tuy nhiên, tư vấn tâm lý là một nghề, một nghiệp vụ rất phức tạp, để làm tốt đòi hỏi mỗi cán bộ tư vấn phải luôn tự học, tự bồi dưỡng những kiến thức về tâm lý học trong suốt quá trình hoạt động nghiệp vụ sau này.

Trong các giải pháp được đề cập, cách tiếp cận tâm lý – giáo dục với tư vấn tâm lý là một hình thức căn bản, chính là một lựa chọn phù hợp với xu hướng hiện đại trên thế giới, mang tính nhân văn cao. Vì vậy, vai trò của tư vấn tâm lý có ý nghĩa rất quan trọng. TS Hoàng Trung Học
  • Trong các giải pháp được đề cập, cách tiếp cận tâm lý – giáo dục với tư vấn tâm lý là một hình thức căn bản, chính là một lựa chọn phù hợp với xu hướng hiện đại trên thế giới, mang tính nhân văn cao. Vì vậy, vai trò của tư vấn tâm lý có ý nghĩa rất quan trọng.
  • TS Hoàng Trung Học

Kết nối với các chuyên gia lâm sàng hỗ trợ tâm lý

Khi các GV được tham gia bồi dưỡng đều là các GV chuyên trách (có thể là GV chủ nhiệm, GV hoạt động Đoàn, Đội…), qua quá trình bồi dưỡng, tập huấn họ sẽ đạt được những yêu cầu gì?

Theo mô hình tâm lý học trường học trên thế giới, những người làm công tác tư vấn trong nhà trường là những chuyên gia được đào tạo một cách chuyên nghiệp về tâm lý học giáo dục, học chuyên sâu về Tâm lý học lâm sàng. Hiện tại, Học viện Quản lý giáo dục là nơi đào tạo các chuyên gia Tâm lý học giáo dục và Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng hướng tới mô hình chuyên nghiệp này.

Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển giao, theo Thông tư 31, các nhà trường sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ Đoàn, Đội hiện có, kiêm nhiệm thêm công tác tư vấn học đường. Theo tôi, đây là những người có thể làm công tác hỗ trợ tâm lý cho học sinh một cách bán chuyên nghiệp, mang tính chức năng. Chương trình bồi dưỡng sẽ giúp cán bộ tư vấn có những hiểu biết về những khó khăn tâm lý của học sinh và các phương pháp tư vấn, hỗ trợ giải quyết vấn đề.

Thông qua chương trình này, chúng tôi kỳ vọng, các học viên có thể triển khai các chương trình phòng ngừa những vấn đề tâm lý cho học sinh; có thể triển khai các buổi tư vấn nhóm cho nhóm học sinh có chung vấn đề cần hỗ trợ và bước đầu có thể tiến hành ca tư vấn cá nhân cho những học sinh bị rỗi nhiễu tâm lý. Riêng đối với những trường hợp trầm trọng, các cán bộ tư vấn học đường phải có khả năng phát hiện, kết nối với các chuyên gia lâm sàng tại các cơ sở hỗ trợ cao hơn. Tại đây, các chuyên gia sẽ tiến hành các kỹ thuật trị liệu chuyên biệt để can thiệp, trợ giúp học sinh.

Điều kiện đảm bảo cho cán bộ, giáo viên trong hoạt động tư vấn cho học sinh là gì?

Điều kiện tối thiểu để cán bộ, giáo viên của các nhà trường có thể đảm nhận công tác tư vấn tâm lý cho học sinh là cần được bồi dưỡng theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, đây chỉ là yêu cầu tối thiểu. Để làm tốt công việc, cán bộ tư vấn tâm lý cần thường xuyên tự học, có tinh thần nhân văn, có mong muốn hỗ trợ học sinh. Đây là điều kiện tối quan trọng, là đạo đức nghề nghiệp của người làm công tác tư vấn tâm lý.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các nhà trường cũng cần nhận thức được tầm quan trọng của công tác tâm lý học đường trong việc giải quyết các vấn đề giáo dục, cải tiến chất lượng giảng dạy. Cần tạo điều kiện về cơ sở vật chất và quan tâm đúng mức đến đội ngũ cán bộ tư vấn học đường. Cần tạo ra những mạng lưới liên kết theo chiều dọc với các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ