Tự chủ tài chính giáo dục ĐH: Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Quản lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục) cho biết: Hiện nay, cơ sở giáo dục ĐH trên thế giới nhận hỗ trợ tài chính từ nhiều nguồn; cơ cấu các nguồn cũng khác nhau ở mỗi nước. Chẳng hạn, hầu hết trường ĐH ở nước đang phát triển có 90% nguồn thu từ phân bổ của nhà nước cho giảng dạy; học phí, lệ phí không đáng kể. Ngay cả ở một vài nước phát triển, trường ĐH nếu không có nhiều hoạt động nghiên cứu cũng sẽ dựa chủ yếu vào hai nguồn thu chính – hỗ trợ từ nhà nước, học phí.

Vương quốc Anh: Tài chính giáo dục ĐH vẫn chịu sự kiểm soát mạnh mẽ của Chính phủ

Nghiên cứu của PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, trong 40 năm qua, giáo dục ĐH ở Vương quốc Anh đã chuyển từ hệ thống được tài trợ công sang một hệ thống công/ tư hỗn hợp, như một thị trường tiêu dùng dựa trên vốn vay.

Tuy nhiên, tài chính giáo dục ĐH Anh vẫn phải chịu sự kiểm soát của Chính phủ mạnh mẽ. Điều này một phần được thực hiện gián tiếp thông qua các đánh giá so sánh về hiệu suất thể chế giúp phân biệt các trường đại học công, xác định các mục tiêu chung và một hệ thống phân cấp dựa trên hiệu suất đo được.

Các trường ĐH vẫn phụ thuộc một phần vào nguồn ngân sách của Chính phủ dưới hình thức hỗ trợ liên quan đến nghiên cứu, trợ cấp giảng dạy và trợ cấp của hệ thống cho vay thông qua việc không trả nợ.

Theo nghiên cứu của Simon Marginson (Simon M, 2018) về tài chính giáo dục đại học Anh, năm 2012 có tài trợ tối đa £ 9000 cho sinh viên toàn thời gian và £ 6750 cho sinh viên bán thời gian tại Anh. Sinh viên bán thời gian bắt đầu trả nợ bốn năm sau khi bắt đầu khóa học của họ.

Sau 15 năm giảm ngân sách cho sinh viên, tổng kinh phí toàn hệ thống tăng 50% trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2015 và mỗi nguồn tài trợ sinh viên cũng tăng. Thông qua các đánh giá nghiên cứu quốc gia định kỳ của Chính phủ, các trường ĐH nghiên cứu được hưởng lợi nhiều nhất từ kinh phí được phân bổ.

Chính sách học phí và xếp hạng ĐH ở các nước Đông Á, Châu Đại Dương

Nghiên cứu của W. James Jacoba, Deane Neubauerb, Huiyuan Yea so sánh các HEI hàng đầu ở Đông Á và Châu Đại Dương dựa trên các hệ thống xếp hạng hàng đầu thế giới - Đại học Shanghai Jiao Tong (AWRU), Giáo dục đại học Times (THE), và Quacquarelli Symonds (QS) - và chi phí cho sinh viên tham dự các tổ chức này.

Chi phí học tập của sinh viên được phân tách theo học phí, lệ phí và chi phí sinh hoạt cho mỗi trường. Nhiều trường đại học hàng đầu ở Đông Nam Á và Châu Đại Dương cung cấp nhiều cách  tài trợ cho sinh viên để tăng cường khả năng chi trả và khả năng cạnh tranh học tập.

Ở Úc, một số trường đại học được xếp hạng cao hơn so với các trường đại học khác ở cùng châu lục. Các trường đại học như ANU và Đại học Melbourne được hưởng các danh tiếng địa phương cũng như toàn cầu, trong khi có khoảng 200-300 trường đại học tầm trung tạo thành xương sống của các dịch vụ giáo dục đại học cho những người có nhu cầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hầu hết các trường đại học ở các khu vực này áp dụng một số hình thức trợ cấp học phí để giảm bớt gánh nặng chi phí học tập cho sinh viên. Ví dụ khung học phí 3 bậc của các trường đại học công lập của Úc cho phép sinh viên trong nước không đủ điều kiện trả đủ học phí được trợ cấp bằng một phần tư toàn bộ học phí của sinh viên quốc tế. Điều này cho thấy sinh viên trong nước ở Úc ít bị cản trở bởi học phí khi học đại học.

Đại học Quốc gia Singapore (NUS) là trường có danh tiếng học thuật trên thế giới, trường NUS đang thực hiện chiến lược tài trợ sáng tạo để giúp sinh viên học tập. Trong năm 2015, NUS được xếp hạng thứ 12 theo QS và thứ 26 theo Times Higher Education World University Rankings; một phần của danh tiếng đó cũng nhờ vào Chương trình Học phí  do chính phủ thực hiện để cắt giảm học phí cực kỳ cao cho một số trường đại học trong nước.

Theo Chương trình này, sinh viên đại học có thể được hưởng trợ cấp học phí đáng kể. Theo GS. Tan Eng Chye (2016), học phí toàn phần tại NUS là  8.000$ Singapore (5,658$ Mỹ), tương đương với học phí tại một trường đại học công lập ở Hoa Kỳ. Sinh viên có thể được hỗ trợ chi phí sinh hoạt 6.000- 7.000$ Singapore (4.244-4.951$ US), như vậy tổng cộng) cho một sinh viên Singapore được trợ cấp để trả hàng năm lên đến 15.000$ Singapore (10.609$ US).

Đối với sinh viên có thu nhập thấp, 60% số tiền được chi trả bởi các khoản học bổng của Bộ Giáo dục cũng như trường đại học, 40% còn lại có thể được chi trả bởi các khoản vay không lãi cho đến khi tốt nghiệp. Học sinh sau đó trả hết các khoản vay cùng với lãi suất trong vòng 20 năm. Con số này thay đổi từ 40% đến 90% khi nói đến những học sinh không thuộc nguồn thu nhập thấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ