TS. Vũ Thu Hương: Đừng biến kỳ thi THPT quốc gia 2019 của con thành sự kiện bất thường

GD&TĐ - Hôm nay (24/6), gần 1 triệu thí sinh cả nước chính thức khởi động kỳ thi THPT quốc gia 2019. Là một phụ huynh có con tham gia kỳ thi năm 2018, TS. Vũ Thu Hương gửi các bậc phụ huynh thông điệp “Đừng biến kỳ thi của con thành sự kiện bất thường” cùng những lý lẽ đầy thuyết phục.

Học sinh trường THPT Phan Huy Chú - Hà Nội (Ảnh minh họa).
Học sinh trường THPT Phan Huy Chú - Hà Nội (Ảnh minh họa).

MỜI XEM GỢI Ý LỜI GIẢI ĐỀ THI THPT QUỐC GIA 2019 TẠI ĐÂY

Thông thường, tâm lý thí sinh trước ngày thi thường rất hồi hộp và căng thẳng. Tuy nhiên, thay vì động viên con hãy bình tĩnh, đừng lo lắng quá,… TS. Vũ Thu Hương dùng cách “lên dây cót tinh thần” cho con với những câu rất “tưng tửng”: “Kỳ thi là một việc nhỏ, nếu con thấy lo lắng quá thì hãy đi ngủ hoặc ra chơi bài với mọi người”, hay “Làm bài kiểm tra mà lo thế thì làm được việc gì lớn” cùng với những tiếng cười và chuyện trò rôm ra quanh kỳ thi với toàn điều chẳng có gì to tát.

TS. Vũ Thu Hương cho rằng, nếu cha mẹ tự xác định kỳ thi THPT quốc gia là sống – còn, là quá quan trọng sẽ vô tình trút thêm gánh nặng và lo âu cho con. Đó là điều rất bất lợi đối với tâm lý của thí sinh.

Và để các em cảm nhận kỳ thi là một sự kiện bình thường như bao sự kiện khác trong cuộc đời, phụ huynh hãy dành cho con không gian để trải nghiệm điều bình thường đó.

Không cần quan tâm đặc biệt về chuyện ăn uống, đừng chú ý nhắc nhở con liên tục việc cố gắng học tập, chẳng cần lo lắng đưa con đi thi hay bỏ công việc để “chầu chực” chỉ để hỏi: “Con làm bài thế nào” sau mỗi buổi thi.

Trong suốt thời gian ôn tập và chuẩn bị thi, cha mẹ đừng dành phần làm hết việc nhà chỉ vì nghĩ rằng con cần tập trung hơn cho kỳ thi. Vì thực chất, với việc làm này cha mẹ đang “quan trọng hóa vấn đề” khiến con tự nhiên thấy kỳ thi trở nên nghiêm trọng.

Thực hiện các công việc và nghĩa vụ thường ngày trong sinh hoạt cũng là một cách giúp các con thư giãn, thay đổi không khí sau những giờ làm bạn với đèn sách.

Ở lứa tuổi cuối bậc THPT, các con hoàn toàn đủ điều kiện thể lực và suy nghĩ để xác định nhiệm vụ và mục tiêu của bản thân. Cha mẹ hãy để con tự sắp xếp việc học, tự lập kế hoạch và thực hiện mục tiêu cho từng chặng đường phấn đấu của mình.

Tự lập sẽ kéo theo tự tin, tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Đó mới là đích đến quan trọng trong quá trình giáo dục con cái của các bậc phụ huynh.

Con có thể đề xuất món ăn yêu thích trong các bữa cơm gia đình, đặt vấn đề nhờ bố mẹ hỗ trợ đưa đón hoặc tự đến địa điểm thi.

Một trong những điểm lợi của kỳ thi “2 trong 1” là thí sinh được thi tốt nghiệp THPT kết hợp sử dụng kết quả để dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ, Trung cấp chuyên nghiệp mà không phải di chuyển quá xa đến địa điểm thi, thậm chí có em thi ngay tại ngôi trường mình đã từng theo học.

Điều này giúp phụ huynh hoàn toàn yên tâm cũng như tự tin giao phó cho con tự chịu trách nhiệm với vận mệnh tương lai của mình.

“Sau mọi bình thường của cuộc sống, khi kỳ thi qua đi, nếu con không thi đỗ như nguyện vọng, thì đó cũng chỉ là cái giá của việc học hành chưa thật sự hết lòng. Điều này sẽ giúp con nhận ra sai lầm mà phấn đấu lấp đầy những khiếm khuyết, có gì đâu mà khổ”, TS Vũ Thu Hương nêu quan điểm.

Tuy nhiên, trong những ngày thi, điều cha mẹ nên hỗ trợ con là hạn chế cung cấp hoặc cho con tiếp cận các thông tin liên quan đến “sức nóng” của kỳ thi, ngoại trừ các thông tin về thời tiết để chủ động bảo vệ sức khỏe. Bới các thông tin bủa vây và dồn dập sẽ khiến thí sinh cảm thấy căng thẳng và áp lực tâm lý nặng nề.

Sức ép tâm lý sẽ đến khi các bố mẹ biến kỳ thi thành sự kiện khác thường. Nếu cuộc sống vẫn diễn ra như nó vốn có, sinh hoạt trong gia đình bình thường, chẳng có gì thay đổi, ai đi làm vẫn đi làm, ai đi học vẫn đi học, tối về vẫn “chém gió” với nhau.... thì chắc chắn chẳng có thí sinh nào bị “áp lực” với kỳ thi nữa!.

MỜI XEM GỢI Ý LỜI GIẢI ĐỀ THI THPT QUỐC GIA 2019 TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ