Tránh trượt tuyển dụng vì yếu kỹ năng mềm

GD&TĐ - Hiện, nhiều đơn vị tuyển dụng “chê bai” sinh viên còn yếu và thiếu kỹ năng mềm. Có sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi, có trình độ tay nghề cao nhưng vẫn trượt tuyển dụng.

Kỹ năng mềm nhiều khi đơn giản chỉ là giao tiếp với khách hàng hoặc đồng nghiệp. Ảnh minh họa
Kỹ năng mềm nhiều khi đơn giản chỉ là giao tiếp với khách hàng hoặc đồng nghiệp. Ảnh minh họa

Nâng cao hiệu quả công việc từ kỹ năng mềm

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Thành – CEO công ty du học và tuyển dụng lao động nước ngoài chia sẻ: Nhiều sinh viên tốt nghiệp có bằng cấp rất ổn nhưng lại thiếu trầm trọng về kỹ năng mềm. Đây là điều vô cùng đáng tiếc khi phải loại những hồ sơ này. Kể cả sinh viên ở các cơ sở GDNN, việc tăng cường kỹ năng mềm càng cần thiết. Bởi, ngay cả các lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật, kỹ năng mềm giúp tạo ra sự khác biệt, nâng cao hiệu quả công việc và tăng khả năng thích ứng trước những thay đổi.

Ông Thành cũng cho biết thêm: Là đơn vị tuyển dụng nhân lực xuất khẩu lao động nước ngoài nên ưu tiên chọn nhân lực không chỉ giỏi về kiến thức chuyên môn, có tay nghề mà phải có cả kỹ năng mềm cơ bản. Ở một số quốc gia, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp tốt… giúp cho công việc đạt hiệu quả tối ưu. Hơn nữa, người có kỹ năng mềm tốt sẽ xử lý linh hoạt các vướng mắc, có kỷ luật lao động và trách nhiệm trong công việc. Điều này đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng khắt khe của thị trường lao động quốc tế.

Ông Nguyễn Nhất Linh – Phó Trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam cho rằng: Kỹ năng mềm được xem như một trong những nhân tố quan trọng giúp sinh viên thành công trong việc chinh phục nhà tuyển dụng và kiểm soát cuộc sống. Kỹ năng mềm sẽ quyết định bạn là ai, bạn làm việc như thế nào và hiệu quả từ công việc bạn sẽ mang lại.

Tuy nhiên, thông qua quá trình học tập trên lớp và chương trình ngoại khóa thì kỹ năng mềm được truyền đạt cho sinh viên chưa đáp ứng được hết nhu cầu đặt ra. Một số sinh viên có tư duy nhạy bén và khả năng thích nghi tốt sẽ bắt kịp được đòi hỏi về kỹ năng mềm trong cuộc sống hàng ngày. Phần còn lại chậm hơn sẽ bộc lộ nhiều thiếu sót, loay hoay trong công việc.

Ông Nguyễn Nhất Linh cho biết thêm, hiện, có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra có hàng trăm kỹ năng mềm dành cho sinh viên nói riêng và thanh niên nói chung cần tích luỹ trong cuộc sống. Tuy nhiên theo một số nghiên cứu phổ biến thì các bạn sinh viên hiện nay mới chỉ tập trung tích luỹ được một số kỹ năng mềm thiết yếu như: Kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm.

Những nhóm kỹ năng cơ bản khác vẫn chưa được chú ý rèn luyện như: Kỹ năng học và tự học, kỹ năng thích nghi và thích ứng, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng lập kế hoạch và quản trị mục tiêu, kỹ năng lắng nghe và quan sát…

Một phần của nguyên nhân này là do các em còn chưa chủ động tiếp nhận, học tập nghiêm túc. Bởi Trung ương Đoàn, Trung ương Hội đã có rất nhiều sân chơi, cuộc thi tạo môi trường để các bạn thanh niên chủ động rèn luyện các kỹ năng.

Đặc biệt Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã ban hành Khung kỹ năng thực hành xã hội là tài liệu quan trọng giới thiệu một số kỹ năng thiết yếu dành cho sinh viên để các bạn sinh viên có thể nghiên cứu và rèn luyện.

Tuy nhiên, lượt tương tác và quan tâm của người trẻ chưa thực sự cao như mong đợi. Điều đó chứng tỏ, các em còn thờ ơ với việc tích lũy các kỹ năng mềm cần thiết cho tương lai, cuộc sống của chính mình. Hơn hết, bản thân sinh viên cũng chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc tăng cường kỹ năng mềm.

Ông Nguyễn Nhất Linh – Phó Trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam.
Ông Nguyễn Nhất Linh – Phó Trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam.

Luôn cần sự chủ động

Ông Nguyễn Nhất Linh nhấn mạnh: Đây được xem như chiếc chìa khóa vạn năng để giúp các bạn sinh viên giao tiếp, hợp tác và thể hiện năng lực cá nhân một cách hiệu quả nhất. Việc yếu kỹ năng mềm sẽ dẫn đến hiệu quả công việc thấp. Các mối quan hệ mờ nhạt, năng lực chuyên môn không được đánh giá đúng mức, khả năng phát triển và khẳng định bản thân rất thấp. Điều này sẽ dẫn đến việc mất động lực, ý chí và không xác định được con đường phát triển trong tương lai. Lâu dần sẽ tạo nên một con người trì trệ, thiếu sức sống và suy nghĩ tiêu cực.

Nguyễn Hương Giang – cựu sinh viên Trường Cao đẳng nghề chia sẻ: “Em từng được đánh giá là một sinh viên ưu tú về kỹ năng nghề. Trong hầu hết các lần kiểm tra, đánh giá chất lượng năng lực nghề nghiệp, em đều thuộc tốp đầu. Tuy nhiên, khi xin việc, hầu hết các doanh nghiệp lớn không đánh giá cao em ở những lần phỏng vấn. Họ nói hồ sơ của em rất tốt, em có trình độ. Nhưng kỹ năng mềm còn quá yếu, nhất là khả năng thích nghi với cái mới và kỹ năng giao tiếp vốn có sẽ khó giúp em thành công”.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Nhất Linh nói: Kỹ năng mềm là thứ không thể hình thành thông qua việc chỉ đọc lý thuyết. Đó là kết quả của quá trình nghiên cứu, đọc, tìm hiểu các kiến thức lý thuyết rồi tìm cách ứng dụng, cải tiến vào cuộc sống thường ngày.

Theo ông Nguyễn Nhất Linh, để tăng cường kỹ năng mềm cho sinh viên cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản như:

Nhà trường, địa phương, gia đình cần tích cực tuyên truyền và giáo dục nhằm khẳng định, nhấn mạnh và làm rõ tầm quan trọng của những kỹ năng mềm cho sinh viên. Nếu tư tưởng đã thông suốt thì quá trình học tập mới kiên trì và hiệu quả.

Đồng thời, cần chủ động tạo ra môi trường cho các bạn sinh viên rèn luyện thông qua các hoạt động ngoại khóa, hoạt động tình nguyện. Thường xuyên tổ chức các chương trình, cuộc thi gắn với quá trình học tập. Việc rèn luyện phải diễn ra hàng ngày, hàng giờ và gắn liền với những hoạt động cơ bản trong cuộc sống.

Nhà trường và các đơn vị cần có cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá, khuyến khích và tôn vinh những bạn sinh viên có kỹ năng mềm tiêu biểu. Điều này giúp lan tỏa tinh thần chủ động học tập và tích luỹ kỹ năng mềm trong sinh viên.

Hơn hết vẫn là sự chủ động của mỗi người. Đối với sinh viên nói chung, sinh viên tại các cơ sở GDNN hay người lao động... cần tích lũy kiến thức cơ bản, biết quan sát, học hỏi để tăng cường các kỹ năng mềm cho bản thân, cho tương lai của chính mình. Nếu môi trường xung quanh đã có đủ sân chơi cho các bạn học tập nhưng không chủ động thì không ai có thể cầm, nắm, đem kỹ năng mềm về trao cho bạn được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ