Trang bị kĩ năng trước thách thức mới

GD&TĐ - Sự phát triển của khoa học công nghệ khiến vai trò, vị trí của GV trong thời đại CMCN 4.0 có những thay đổi.

Một buổi dạy học trực tuyến của cô Hồ Tịnh Văn - GV Văn Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP Biên Hòa, Đồng Nai). 	Ảnh: C.Chương
Một buổi dạy học trực tuyến của cô Hồ Tịnh Văn - GV Văn Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP Biên Hòa, Đồng Nai). Ảnh: C.Chương

Xung quanh vấn đề này, Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trò chuyện với GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học XH Việt Nam.

Cần phẩm chất và năng lực cơ bản 

- Cuộc CMCN 4.0 tác động lên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và giáo dục cũng không ngoại lệ. Vậy, những kỹ năng nào giúp GV thành công trong thời đại này, thưa ông?

- Có thể khẳng định ở bất kỳ bối cảnh nào, GV cũng cần có những chuẩn kỹ năng để làm việc đạt hiệu quả. Trước hết, cần bảo đảm các phẩm chất và năng lực cơ bản trong tiêu chuẩn nghề nghiệp GV, Bởi đây là những yếu tố nền tảng rất quan trọng để GV có thể thực hiện yêu cầu nghề nghiệp một cách nghiêm túc và hiệu quả. 

Nếu đặt trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0 với hàng loạt sự thay đổi, có thể đề cập đến một số kỹ năng quan trọng để GV thành công. Đó là:

Kỹ năng xây dựng kế hoạch phát triển người học. Kỹ năng này dựa trên khả năng nhạy cảm của GV với từng HS, nhóm HS; phát hiện tiềm năng và những vấn đề của các em, đánh giá được biểu hiện về năng lực, phẩm chất cũng như khả năng tự học, các tác động của môi trường để có thể gợi mở, định hướng phát triển. 

Kỹ năng tổ chức dạy học và giáo dục thông qua kế hoạch phát triển người học. Thực sự kế hoạch hiệu quả khi và chỉ khi GV tổ chức một cách khoa học kế hoạch ấy, vì thế kỹ năng tổ chức dạy học và giáo dục thông qua hay dựa trên kế hoạch phát triển người học là quan trọng. Kỹ năng này bao gồm nhiều thành phần như kỹ năng lựa chọn và sử dụng các phương pháp dạy học, giáo dục; kỹ năng đánh giá người học; kỹ năng xây dựng môi trường giáo dục... 

Kỹ năng tư vấn và hỗ trợ HS. Vì sao kỹ năng này trở nên quan trọng, bởi bối cảnh mới đòi hỏi GV phải hiểu HS, tương tác với học trò một cách tích cực. Thực tế cũng cho thấy, đây là kỹ năng cần thiết để cân bằng việc dạy học và giáo dục cũng như bảo đảm tiếp cận HS, tìm hiểu và nâng đỡ tinh thần cho các em.

Kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ trong dạy học. Từ bối cảnh cho thấy việc khai thác các phần mềm để dạy học, giáo dục cũng như làm chủ các thao tác cơ bản như: Chọn hình ảnh, clip, hoàn thiện video clip, tương tác trực tuyến với HS, chuyên gia... và hàng loạt những yêu cầu khác là điều không thể thiếu nếu GV muốn thành công.

Theo tôi, có thể đề cập đến nhiều kỹ năng khác nhau nhưng khảo sát nhóm chuyên biệt thông qua các hoạt động tập huấn, những kỹ năng trên luôn được quan tâm hàng đầu. Đây cũng là những kỹ năng được lựa chọn ưu tiên bằng kỹ thuật nghiên cứu chúng tôi thực hiện trên nhiều nhóm GV phổ thông khác nhau...

- Để có được những kỹ năng này, GV cần phải làm gì?

GS.TS Huỳnh Văn Sơn. Ảnh: NVCC
GS.TS Huỳnh Văn Sơn. 
Ảnh: NVCC

- Đây là hành trình dài mà mỗi GV cần phải trang bị cho mình một cách thường xuyên và liên tục. Bởi thực tế cho thấy, kỹ năng là điều ai cũng có thể dễ nói nhưng chưa chắc hiểu về nó; đồng thời ai cũng có thể nghĩ mình có, nhưng chưa có minh chứng mình đã thật sự sở hữu… 

Có hai vấn đề, tôi xin đề cập ở đây. Một là, các trường sư phạm, từng giảng viên phải thực hiện việc trang bị chuỗi kỹ năng này một cách cụ thể cho SV sư phạm, trong đó có những minh chứng về việc xác định các kỹ năng cần thiết, ưu tiên.

Bên cạnh đó là tích hợp hoặc chuyên biệt hóa từ kế hoạch đến triển khai và đánh giá từng kỹ năng đã xác định trong tiến trình đào tạo giáo sinh. Quan trọng nhất là không chỉ đào tạo phát triển chung mà phải lấy các kỹ năng ưu tiên để tiến hành đánh giá, giúp giáo sinh tự đánh giá và phát triển liên tục bằng những hình thức hoạt động khác nhau. Điều này cần song hành với việc mỗi giáo sinh phải nhìn thấy, hiểu thấu, ý thức cao về những kỹ năng mình cần sở hữu để vào đời và vào nghề...

Hai là, mỗi GV phải tiếp tục tự đánh giá và có kế hoạch tự bồi dưỡng mình để hoàn thiện các kỹ năng này. Thực tế, kỹ năng có thể là người bạn trong tưởng tượng hay là người bạn đồng hành là do chúng ta dưỡng nuôi “tình bạn”. Việc mai một các kỹ năng, quên dần các kỹ năng hay “lạc hậu hóa” kỹ năng là điều hoàn toàn xảy ra. Phải cập nhật, tăng cường ứng dụng, khai thác, hoàn thiện thì kỹ năng mới thúc đẩy chúng ta sử dụng hiệu quả.

Trang bị kỹ năng trước đại dịch Covid-19

- Đại dịch Covid-19 đặt ra hàng loạt thách thức về dạy và học, trong đó có việc dạy học trực tuyến đối với GV. Theo ông, GV cần chuẩn bị những vấn đề gì về mặt kỹ năng để có thể đạt hiệu quả sư phạm tốt nhất?

- Trước hết, chúng ta cần phân tích một số thách thức mà GV phải đối mặt khi triển khai dạy học trực tuyến. Đó là, cần phải có thiết bị dạy học đối với GV, thiết bị tương tác đối với phụ huynh, HS và được kết nối mạng Internet để bảo đảm sự tương tác đa chiều, phối kết hợp. 

Đồng thời, GV cần nghiên cứu nội dung bài học thật kĩ để lựa chọn phần kiến thức trọng tâm. Hiện nay, GV có phần lúng túng khi chưa tiếp cận mục tiêu và yêu cầu cần đạt trong dạy học phát triển năng lực, nên vẫn còn “tham” nội dung, từ đó chưa thể phát triển các kịch bản sư phạm hiệu quả. Điều này có thể làm cho HS bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề khi học trực tuyến.

Ngoài ra, khi triển khai dạy học trực tuyến, công suất làm việc của GV nhiều hơn. Bởi GV phải đầu tư thời gian và tâm trí khá nhiều để tương tác với HS mọi lúc, mọi nơi. Ngoài ra, GV còn phải chấm, trả bài kịp thời (bởi nếu giáo viên dạy nhiều nhiều lớp sẽ có nhiều học sinh gửi bài, hỏi bài). Đây là thách thức nếu tổ chức dạy trực tuyến theo biên chế lớp, tiết thời khóa biểu...

Từ đây, có thể thấy GV cần quan tâm đến một số nội dung có liên quan đến kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến, gồm: Kỹ năng xây dựng kịch bản sư phạm trực tuyến (kế hoạch tổ chức dạy học trực tuyến); Kỹ năng chọn lựa học liệu cho kịch bản dạy học trực tuyến; Cao hơn là kỹ năng xây dựng và phát triển các học liệu trực tuyến theo kịch bản sư phạm trực tuyến; Kỹ năng sử dụng nền tảng công nghệ, phần mềm, các công cụ khác để tổ chức dạy học trực tuyến; Kỹ năng khai thác các kỹ thuật khi tương tác trên hệ thống dạy học      trực tuyến...

- Nhiều ý kiến cho rằng, dạy học online sẽ không dễ dàng chinh phục nếu nhà quản lý chưa hiểu đúng và đủ, nhất là trong bối cảnh 4.0. Vậy đâu là giải pháp hiệu quả, thưa ông? 

- Cần phân tích một vài vấn đề đang diễn ra từ sau đợt áp dụng dạy học trực tuyến của nhiều GV. Trước hết là, nguy cơ phát triển các kỹ năng dạy học trực tuyến sẽ trôi, bởi phát triển kỹ năng là một hành trình khá dài. Điều này cần có các chính sách, các định hướng để hình thức dạy học kết hợp nên được khai thác. Giải pháp này cần dựa trên quan niệm phát triển bền vững cho nhân lực.

Thứ hai, cần có các động thái và biện pháp giải quyết vấn đề chế độ, thù lao, lương bổng cũng như các vấn đề khác có liên quan để tạo ra sự an tâm của đội ngũ, kích thích hứng thú làm việc và dạy học trực tuyến.

Thứ ba, có thể quan tâm đến các chế độ động viên, khen ngợi nhất là với GV dạy trực tuyến trên truyền hình, các ngữ liệu, học liệu được khai thác nhiều hơn. Thứ tư, cần có các giải pháp phát triển dạy học trực tuyến cho HS phổ thông một cách căn cơ, trong đó giải pháp đầu tư về cơ sở hạ tầng đồng bộ, hệ thống và đầu tư về con người là rất quan trọng.

Nếu nhà quản lý chưa hiểu đúng và đủ, nhất là trong bối cảnh CMCN 4.0, sẽ làm cho các kỹ năng của GV khó phát triển đạt hiệu quả cũng như các kỹ năng này phát triển lên xuống thất thường. Vì vậy, chính nhà quản lý phải ý thức cao về vấn đề dạy học trực tuyến cũng như việc phát triển các kỹ năng để GV thành công khi tổ chức dạy học, giáo dục trực tuyến. 

Ngoài ra, chính việc tổ chức cho GV thực thi dạy học trực tuyến, phát triển các kỹ năng có liên quan trong việc học tập đồng nghiệp, sinh hoạt chuyên môn... sẽ làm cho họ phát triển đúng hướng và có điểm rơi. 

Điều quan trọng không kém trong tổ chức, khi đánh giá nhân sự, khi tiến hành các hoạt động có liên quan về chuyên môn, nghiệp vụ, nếu xem đây là yêu cầu quan trọng thì chắc chắn, đội ngũ sẽ chuyển hướng phát triển ưu tiên. Nhân đây, cũng chia sẻ thêm, trong chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý cũng như GV toàn quốc, module: Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, giáo dục phát triển năng lực (tên gọi cho từng nhóm GV, cán bộ quản lý sẽ chỉnh khác nhau) sẽ được triển khai bằng hình thức bồi dưỡng trực tuyến và cả trực tiếp trong chương trình ETEP vào năm 2021. Đây là những gì ngành đã chuẩn bị và có thể khẳng định đội ngũ nhà giáo sẽ dần sở hữu đích thực khả năng, kỹ năng này nếu có lộ trình từ hôm nay. 

Tìm sự đồng điệu với học trò

Trang bị kĩ năng trước thách thức mới ảnh 2

- Theo ông, người thầy thời đại 4.0 làm gì để có sự đồng điệu với học trò trong bối cảnh công nghệ hiện đại chi phối nhiều thứ?

- Để có sự đồng điệu với học trò, đây quả là một bài toán rất khó! Nhất là bối cảnh 4.0 với quá nhiều thông tin, người thầy bị “cạnh tranh” với nhiều nguồn tác động, nguồn tin, nguồn tư vấn khác nhau. Tuy vậy, cũng cần khẳng định, sự đồng điệu với học trò là phương châm sống và làm việc của GV. Nói như thế để thấy, bối cảnh CMCN 4.0 cũng không thể làm cho thầy cô thiếu đi sự nhạy cảm nghề nghiệp để đồng hành, chinh phục HS.

Trên bình diện nghề nghiệp, để đồng hành và đồng cảm với HS, cần phải khai thác các giá trị nhân văn của nghề. Giáo dục phải đi từ nhận thức – thái độ - hành vi, ba mặt này không thể tách rời hay tiến hành một cách riêng lẻ. Mặt nhận thức đề cập đến mặt tri thức, sự hiểu biết vấn đề, trong khi mặt thái độ, thể hiện rõ nhất là yếu tố tình cảm, khiến HS yêu cái cần yêu, ghét cái cần ghét, phản đối cái sai và tán thành với cái đúng... Nếu thiếu mặt thái độ thì mặt hành vi ứng xử được thể hiện ra đời sống thực tế khó diễn ra.

Chính vì vậy, GV chỉ có thể tiến hành hiệu quả việc giáo dục, truyền thụ tri thức khi làm cho HS có tình cảm đúng đắn với những vấn đề mình giảng dạy. Sự tình cảm, tinh tế, nhẹ nhàng, sâu sắc và cả sự dí dỏm của GV sẽ làm cho HS dễ dàng hình thành tình cảm, tin tưởng vào người thầy, tin ở tri thức, đồng điệu về mặt tâm hồn và cuộc sống. 

- Người thầy thời đại mới cần xây dựng hình ảnh nghiêm nghị để tạo cái uy cho mình hay sự gần gũi thân thiện? Vấn đề này sẽ được nhìn nhận thế nào trong bối cảnh hiện nay?

- Chúng ta cần nhìn vào thực tế: Không ít học trò ngày nay luôn mong muốn thầy cô hãy lắng nghe, thấu hiểu học trò. Thậm chí có HS tâm sự, mong thầy cô có thể dành thời gian để nhắn tin, nói chuyện điện thoại, trò chuyện, viết thư, kể cả đi uống cà phê với học trò để lắng nghe và chia sẻ với các em… Hay cũng có không ít HS khát khao, chỉ cần thầy cô cười nhiều hơn, nghe em nói nhiều hơn. Để lúc chới với trong cuộc sống, có thể em còn đủ tự tin để tìm thầy cô làm điểm tựa...

Chúng ta không vì biểu tượng cố hữu hay mặc định là phải oai, phải nghiêm, phải làm cho HS khiếp sợ, nể sợ mới dễ làm việc, dạy dỗ... Chúng ta cần thay đổi bản thân để có chỗ đứng vững vàng trong tâm trí của học trò. Điều đó cũng minh họa thêm một lần nữa về tầm quan trọng của một trong bốn kỹ năng mà chúng tôi đã phân tích về kỹ năng cần có của thầy cô trong thời kỳ CMCN 4.0.

Tôi cho rằng, cần trân quý bất kỳ hiệu quả nào trong sự tìm tòi phong cách của thầy cô. Tuy vậy, nghệ thuật của thầy cô là ở sự thích ứng, sự uyển chuyển và linh hoạt... Không thể áp đặt một phong cách hay một hình ảnh cho tất cả học trò mình giảng dạy, mà với mỗi đặc điểm tâm lý HS, với những trường hợp cá biệt, GV phải linh hoạt thay đổi để tìm được sự kết nối và đồng điệu với người học. 

Cái uy không có được khi bạn cố gồng để chứng tỏ mình khó khăn hay xuất sắc. Cái uy cũng không được tạo lập bởi sự đãi bôi hay ngọt ngào… Mà nó được dựng xây bởi tình thương, trách nhiệm, kỷ cương, khả năng và bản lĩnh đích thực. Chỉ khi GV minh chứng về sự đồng điệu với người học, sự hết lòng, sự quý mến đúng nghĩa thì hình ảnh của thầy cô giáo vẫn đủ sức lấp lánh đáng trân quý. Dù cho bối cảnh có đổi thay, thầy cô giáo vẫn đáng được trân trọng.

Có thể khẳng định, thầy cô luôn là ngọn lửa soi sáng và dẫn đường cho học trò dù bối cảnh CMCN 4.0 với nhiều thách thức đang diễn ra. Vai trò chủ đạo của GV góp phần vẽ nên một bức chân dung mới cho con người hiện đại nơi những yếu tố về năng lực và phẩm chất có những biến đổi mới về chất. Đó cũng là nguồn cảm hứng tuyệt vời và sâu sắc nhất, bền bỉ nhất trong người học. Hình ảnh của thầy cô giáo có thể thay đổi nhất định, nhưng sâu sắc nhất vẫn là bề dày tri thức, độ sâu sắc của tâm hồn và bản lĩnh nghề nghiệp để làm nghề hiệu quả.

- Xin cảm ơn GS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ