Tôi tự hào về các học viên Việt Nam!

GD&TĐ - Các giảng viên của Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Tây Bắc sau khi trở về từ khóa học 3 tháng “Nâng cao năng lực của giảng viên nhằm hỗ trợ học tập cho sinh viên khó khăn” trong khuôn khổ chương trình Úc cùng Việt Nam hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực (Aus4skills) tổ chức đều bày tỏ cảm xúc yêu mến, ngưỡng mộ GS.TS Howard Nicholas – ĐH La Trobe (Australia).

GS.TS Howard Nicholas và các học viên nữ trong thời gian tập huấn
GS.TS Howard Nicholas và các học viên nữ trong thời gian tập huấn

Biết tin thầy đến Việt Nam tháng 12/2018, các học viên đều thu xếp công việc, thời gian đến gặp thầy để chia sẻ những trải nghiệm, ứng dụng thực tế. Sau buổi gặp, GS Howard chia sẻ: Tôi tự hào về các học viên của mình!

Nguyên tắc: Không phê phán khi SV làm điều sai

Tôi tự hào về các học viên Việt Nam! ảnh 1GS.TS Howard Nicholas 

* Sau một thời gian tập huấn cho học viên, lần quay trở lại Việt Nam này, gặp lại các học viên, GS thấy họ có gì đổi khác?

- Tôi thấy họ tự chủ khi áp dụng các kiến thức học được vào mỗi giờ giảng dạy của mình. Mỗi người dạy theo cách riêng, sáng tạo theo bối cảnh. Có thể thấy mọi người đã gắn kết việc giảng dạy trong giai đoạn cụ thể với mục đích lớn hơn. Tôi rất hài lòng với cách mọi người chỉ ra những điểm cụ thể như thế.

* Các học viên khóa 1 ấn tượng cách GS chia sẻ, giảng dạy, ông không bao giờ bảo họ phải làm thế nào mà để họ tự giải quyết vấn đề. GS có thể chia sẻ tại sao ông chọn cách giảng dạy này?

- Nguyên tắc của tôi là chúng ta không thể làm được một cách tốt nhất khi có người nói phải làm gì, nên làm thế nào... Mỗi người đều có khả năng nói với chính bản thân mình nên làm gì một cách tốt nhất. Chương trình của chúng tôi được thiết kế để học viên chủ động tham gia, phát hiện vấn đề, đưa ra ý tưởng sẽ làm gì… Nhiệm vụ của tôi là tạo ra không gian để các học viên – giảng viên chủ động đưa ra sáng kiến, trình bày ý tưởng. Tôi cũng tạo ra không gian để học viên được thử nghiệm ý tưởng của họ.

* Cách thức ông hướng dẫn học viên Việt Nam giúp đỡ sinh viên khó khăn có khác gì so với cách thức các giảng viên Australia hướng dẫn SV khó khăn không?

- Tôi tin rằng về mặt nguyên tắc, cách tiếp cận là giống nhau. Tuy nhiên, những thực hành cụ thể phụ thuộc vào bối cảnh nên sẽ khác nhau, không thể nào có một công thức chung cho các lớp học ở Úc và Việt Nam. Nguyên tắc là dựa vào điểm mạnh, những điều SV sẵn có, tận dụng tối đa những điểm SV đã biết, không phê phán khi SV làm điều sai. Tôi cho rằng đó là nguyên tắc mà dù ở đâu chúng tôi cũng áp dụng.

Cách làm việc, sự trông đợi SV như thế nào trong mỗi nền văn hóa lại khác nhau. Ví dụ như Việt Nam rất tôn trọng thầy/cô giáo, điều này có thể dẫn đến nỗi e ngại khiến SV không dám đặt câu hỏi. Tôi nhận thấy đây là điểm có thể thay đổi.

Có một điểm mà một giảng viên Việt Nam nói với tôi khi tham gia khóa học, đó là: “Chúng tôi tìm ra cách hiểu nhau tốt  hơn”. Với tôi, điều này rất thú vị, bởi một mặt các bạn rất gần gũi, nhưng mặt khác các bạn hiểu kỹ hơn về nhau ở một khía cạnh khác, góc nhìn khác. Là người nước ngoài, tôi không thể nói các bạn nên làm điều này, điều kia, vì tôi không thể hiểu bối cảnh Việt Nam bằng chính các bạn. Nhưng tôi có thể tạo ra một không gian để sự thay đổi diễn ra ngoài ý thức của những người đang thực hiện sự thay đổi đó.

GS.TS Howard Nicholas trao đổi với các học viên là giảng viên Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên)
 GS.TS Howard Nicholas trao đổi với các học viên là giảng viên Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên)

Giảng viên kết nối trái tim, trí óc với SV

* Có cảm giác những gì ông truyền lại cho các giảng viên Việt Nam không chỉ là kỹ thuật giảng dạy – bởi nội dung này có thể tìm được bởi các kênh thông tin khác nhau. Phải chăng điều ông muốn giảng viên ghi nhớ là sự kết nối từ trái tim tới trái tim với sinh viên?

- Tôi cho rằng kết nối trái tim và kết nối cả tư duy, trí óc nữa! Để mọi người hiểu rằng họ có nhiều điều để chia sẻ với người khác. Chúng ta hãy thử nghĩ bao nhiêu lần những người phụ nữ thiệt thòi, phụ nữ dân tộc thiểu số, những người tật nguyền bị người khác bị tổn thương bởi một lời nói vô tình. Chúng tôi khiến cho những người thiệt thòi trở nên không thiệt thòi nữa. Các học viên của tôi tự tin nhập cuộc và họ thấy rằng mình có thể làm được nhiều điều để giúp sinh viên khó khăn vượt khó, học tốt.

* GS truyền cảm hứng cho nhiều giảng viên, vậy các giảng viên Việt Nam truyền cảm hứng gì cho GS?

- Các giảng viên Việt Nam truyền cảm hứng cho tôi theo rất nhiều cách khác nhau. Có học viên đã đứng lên ngay trong buổi tập huấn đầu tiên và nhấn mạnh: “Đừng quên có rất nhiều nhóm người dân tộc thiểu số, mỗi người trong họ đều có điểm mạnh riêng.” Hay trong nhiều trường hợp, các học viên nữ đã thực sự đứng lên, tự tin phản biện lại: Không phải như thế! Tôi cũng biết rằng, tôi có rất nhiều nguồn lực hỗ trợ để thực hiện công việc của mình, còn các học viên của tôi thì không có được những nguồn lực đầy đủ như thế, nhưng mọi người vẫn làm việc chăm chỉ, đạt kết quả tốt đẹp. Tôi rất khâm phục họ!  

Buổi tập huấn đầu tiên, tôi đề xuất mọi người thử nghiệm một số kiến thức đã học, nhưng thực tế các học viên đã đi xa hơn sự kỳ vọng của tôi. Họ đã quay phim, chụp ảnh, chia sẻ những phản hồi của sinh viên…lên trang thông tin của lớp trên mạng xã hội. Các giảng viên đã làm được rất nhiều điều so với đề xuất ban đầu của tôi. Thật tuyệt vời khi có các học viên như vậy!

* Sau khi tiếp xúc với học viên, dự giờ, thăm lớp…, theo ông, còn những kỹ năng, kiến thức gì ông muốn chia sẻ với các học viên giảng viên của mình?

- Nghe và chứng kiến những gì các học viên chia sẻ và triển khai, tôi cảm thấy các anh chị vẫn còn có điều chưa vừa lòng với bản thân mình, mong muốn được làm tốt hơn nữa, làm nhiều hơn nữa. Tôi đã lưu ý các học viên: Nên có chừng mực trong mong muốn của mình. Tôi muốn họ hiểu rằng không cần thiết phải cố gắng làm tất cả mọi  thứ một mình. Như thế này cũng đủ làm tôi tự hào về các học viên của mình rồi.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Chúng tôi sắp mở khóa tập huấn các giảng viên các môn khoa học thực nghiệm trường ĐH.  Trong khóa học này, chúng tôi sẽ tìm hiểu sâu, đặt câu hỏi với từng giảng viên: Công việc giảng dạy có nghĩa như thế nào với các anh/chị? Lần này, chúng tôi muốn đi sâu vào lớp học. Tôi rất hào hứng vì sẽ được dự giờ của giảng viên nhiều hơn - GS.TS Howard Nicholas.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.