Tinh thần dân tộc trong Cung oán ngâm khúc: Nhìn từ nghệ thuật sử dụng điển cố

GD&TĐ - Lựa chọn ngôn ngữ dân tộc (tiếng Việt chữ Nôm), thể loại văn học dân tộc (khúc ngâm song thất lục bát), Cung oán ngâm khúc của thi hào Nguyễn Gia Thiều đã thể hiện một tinh thần dân tộc sâu sắc.

Sách giáo khoa Cung oán ngâm khúc của dịch giả Văn Bình Tôn Thất Lương, xuất bản năm 1973 trong đường sách Nguyễn Văn Bình, TPHCM. Ảnh minh họa (từ VNE)
Sách giáo khoa Cung oán ngâm khúc của dịch giả Văn Bình Tôn Thất Lương, xuất bản năm 1973 trong đường sách Nguyễn Văn Bình, TPHCM. Ảnh minh họa (từ VNE)

Trên phương diện sử dụng điển cố, tinh thần dân tộc cũng được thể hiện một cách đậm nét qua hai biểu hiện chính: Chuyển dịch điển cố ngoại lai theo khuynh hướng Việt hóa và tìm về điển cố nội sinh trong kho tàng văn hóa dân tộc.

Tích cực việt hóa điển cố ngoại lai

Sáng tác trong môi trường văn hóa trung đại, Nguyễn Gia Thiều trong Cung oán ngâm khúc thường xuyên sử dụng điển cố như một thủ pháp nghệ thuật đặc thù của văn chương cổ điển. Ông không đi ra ngoài truyền thống dẫn điển Hán học của văn học trung đại.

Tuy nhiên, bằng nhãn quan văn hóa tinh tường cùng sự am hiểu, yêu quý tiếng Việt, nhà thơ sớm nhận ra những giới hạn của lớp điển Hán học vốn xa lạ với tâm thức thẩm mĩ và đời sống ngôn ngữ của người Việt. Với tinh thần dân tộc mãnh liệt, ông chủ động chuyển dịch lớp điển này để mang đến cho chúng những hình thức biểu đạt mới cũng như những nội dung thẩm mĩ mới mang đậm tính dân tộc.

Trong Cung oán ngâm khúc, điển cố gốc Hán gồm hai bộ phận là điển nguyên dạng và điển chuyển dịch. Trong đó, điển chuyển dịch không chỉ chiếm số lượng áp đảo, mà còn là lớp điển đặc sắc, thành công hơn cả, đồng thời giữ vai trò chủ đạo trong việc kiến tạo các giá trị thẩm mĩ cho tác phẩm. Điều này cho thấy, ý thức chủ động chuyển dịch điển Hán học của tác giả cũng như sự đúng đắn của khuynh hướng đưa điển cố ngoại lai trở về gần gũi với tiếng Việt trong tác phẩm, một hướng đi mang tinh thần dân tộc cao độ mà Nguyễn Gia Thiều cùng các tác giả văn học chữ Nôm khác đã lựa chọn.

Điển cố gốc Hán trong Cung oán ngâm khúc được chuyển dịch bằng nhiều phương thức khác nhau để mang nhiều hình thức đa dạng, sinh động. Nguyễn Gia Thiều luôn chủ động diễn giải, Việt hóa lớp điển cố ngoại lai này ở nhiều cấp độ, trên nhiều phương diện. Dưới đây là một số phương thức chính mà nhà thơ đã sử dụng để chuyển dịch điển cố Hán học trong tác phẩm.

Thay đổi ngữ âm. Nhà thơ chuyển dịch điển từ hình thức từ/ngữ Hán Việt sang từ/ngữ thuần Việt hoặc có yếu tố thuần Việt. Các điển gốc Hán được chuyển dịch từ âm Hán Việt sang âm thuần Việt rõ ràng mang hình thức ngữ âm quen thuộc, gần gũi hơn, thậm chí nhiều điển còn đánh mất dần tư cách điển cố, dần đồng nhất với một đơn vị từ ngữ trong tiếng Việt. Trong Cung oán ngâm khúc, nhiều điển cố Hán học mang hình thức toàn Nôm, với những người ít am hiểu văn hóa Hán hẳn sẽ không nhận ra chúng là các điển cố trong câu thơ, chẳng hạn: Mây mưa, bắn sẻ, mong sao, xe dê, bãi bể nương dâu…

Thay đổi cấu trúc ngữ pháp. Điển cố Hán học trong văn học trung đại nước ta phần lớn đều giữ nguyên cấu trúc ngữ pháp tiếng Hán (như hồng diệp, xích thằng, nguyệt lão, băng nhân). Vào tay Ôn Như Hầu, ông chuyển dịch về cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt, chẳng hạn: Điện Tô, đình Trầm hương, gác Xuân Lâm, lầu Tần…

Đáng chú ý trong phương thức thay đổi cấu trúc ngữ pháp điển cố Hán học của Nguyễn Gia Thiều là thủ pháp giáng cấp cấu trúc điển. Thủ pháp này đưa điển cố từ một đơn vị độc lập trở thành một đơn vị phụ thuộc, làm định ngữ cho một yếu tố mới (chủ yếu là yếu tố từ/ngữ Việt) mà tác giả đưa vào, tạo thành một cấu trúc mới lớn hơn là một cụm danh từ theo ngữ pháp tiếng Việt. Công thức như sau: Từ/ngữ + điển -> cụm từ.

Trong Cung oán ngâm khúc, phần lớn điển Hán học đều được thay đổi cấu trúc ngữ pháp theo thủ pháp này. Chẳng hạn: Điển vân vũ chỉ chuyện ái ân nam nữ được tác giả vừa thay đổi hình thức ngữ âm vừa giáng cấp cấu trúc ngữ pháp thành điển tình mây mưa (tình là yếu tố chính, mây mưa giáng cấp trở thành yếu tố phụ, định nghĩa cho tình; trong câu Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa); điển khuynh quốc khuynh thành -> mùi hương khuynh thành (vừa bị rút gọn vừa bị giáng cấp; Thâm khuê còn rấm mùi hương khuynh thành) và sóng khuynh thành; (Khóe thu ba rợn sóng khuynh thành); thương hải tang điển ->trò bãi bể nương dâu (vừa thay đổi hình thức ngữ âm vừa bị giáng cấp; Ai bày trò bãi bể nương dâu); tri âm -> làng tri âm (Lưu Linh, Đế Thích là làng tri âm); quần thoa-> khách quần thoa (Khách quần thoa mà để lạnh lùng); tang thương -> người tang thương (Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương); nguyệt lão -> tay nguyệt lão (Tay nguyệt lão chẳng xe thì chớ)…

Đối với những điển gốc Hán có hình thức cố định (chủ yếu là các điển nhân danh, điển địa danh), khó có thể thay đổi cấu trúc ngữ pháp, nhà thơ chuyển dịch chúng bằng cách thêm yếu tố giải thích, diễn dịch theo nguyên tắc ngữ pháp tiếng Việt. Chẳng hạn: Tiêu Lang -> gã Tiêu Lang (Địch lầu thu dường gã Tiêu Lang); Tề Tuyên -> bệnh Tề Tuyên (Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng); xích thằng -> sợi xích thằng (Sợi xích thằng chi để vướng chân); Nam Kha -> giấc Nam Kha (Giấc Nam Kha khéo bất bình); Tây Tử -> cái thân Tây Tử (Cái thân Tây Tử lên chừng điện Tô); Tây Uyển -> vườn Tây Uyển (Vườn Tây Uyển khúc trùng Thanh dạ); cù mộc -> một cây cù mộc (Một cây cù mộc biết bao nhiêu cành); hồng băng -> giọt hồng băng (Giọt hồng băng thấm ráo làn son)…

Với việc đưa điển Hán học trở về với hình thức ngữ âm và cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt, Nguyễn Gia Thiều đã chuyển dịch thành công lớp điển này, đưa chúng trở về gần với đời sống ngôn ngữ người Việt. Điển cố không chỉ là nơi thi nhân thể hiện sự uyên bác, tài hoa trong khuynh hướng bác học, mà còn được liên tục chuyển dịch một cách đầy ý thức theo khuynh hướng bình dân để trở về với tâm thức văn hóa, ngôn ngữ dân tộc. Đây là một trong những biểu hiện quan trọng của tinh thần dân tộc của thi hào Nguyễn Gia Thiều trong kiệt tác Cung oán ngâm khúc.

Thay đổi ngữ nghĩa, sắc thái biểu cảm của điển. Đây cũng là một phương thức quan trọng để xóa mờ dần tính chất xa lạ, trừu tượng, ước lệ của điển cố gốc Hán, gia tăng cho chúng những lớp ngữ nghĩa, sắc thái biểu cảm mới, làm mới đời sống của mỗi điển cố để chúng trở nên phù hợp đời sống ngôn ngữ và tâm thức văn hóa người Việt.

Khuynh hướng chung của Nguyễn Gia Thiều đối với phương thức này là diễn giải, nhấn mạnh, thay đổi giá trị ngữ nghĩa và biểu cảm của điển. Chẳng hạn: Điển khuynh quốc khuynh thành (nghiêng nước nghiêng thành) được nhà thơ nhấn mạnh bằng cách thêm yếu tố “muốn” và diễn đạt một cách ấn tượng bằng biện pháp nhân hóa: Nước kia muốn đổ, thành này muốn long; điển trầm ngư lạc nhạn (chim sa cá lặn) được diễn giải một cách đầy hình ảnh trong hai câu thơ: Chìm đáy nước cá lừ đừ lặn/ Lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa; điển nhất tiếu thiên kim (một nụ cười bằng nghìn vàng) được gia thêm thành phần tình thái “dẫu”: Dẫu vàng nghìn lạng dễ cười một khi. Tiêu biểu nhất cho phương thức này là đoạn thơ từ dòng 20 đến dòng 26. Trong 7 dòng thơ này, để nhấn mạnh tài sắc của người cung nữ, tác gia huy động đến 8 điển nhân danh và 1 điển tích truyện. Trong đó, các điển nhân danh đều được diễn dịch hết sức độc đáo bằng các thủ pháp so sánh, phóng đại:

Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình

Câu cẩm tú đàn anh họ Lý

Nét đan thanh bậc chị chàng Vương

Cờ tiên rượu thánh ai đang

Lưu Linh, Đế Thích là làng tri âm

Cầm điếm nguyệt phỏng tầm Tư Mã

Địch lầu thu dường gã Tiêu Lang.

Bằng việc chuyển dịch một cách chủ động, linh hoạt phần lớn điển cố Hán học, mang đến cho chúng những hình thức mới và giá trị biểu đạt mới phù hợp với tâm thức thẩm mĩ của người Việt, Nguyễn Gia Thiều không chỉ thể hiện rõ ý đồ Việt hóa điển cố gốc Hán với một tinh thần dân tộc mãnh liệt mà còn cho thấy, ông là một trong những nhà thơ dụng điển chủ động, linh hoạt, tài hoa của nền văn học trung đại.

Tìm về điển cố nội sinh

Cùng với nỗ lực chuyển dịch điển cố ngoại lai, cảm hứng dân tộc trong Cung oán ngâm khúc còn được thể hiện rõ ở ý thức tìm về điển cố nội sinh.

Điển cố nội sinh là điển cố có nguồn gốc từ lịch sử, văn hóa, văn chương dân tộc. Đây là lớp điển ra đời cùng khuynh hướng thoát li ảnh hướng của văn hóa Hán, trở về với các giá trị nội tại của văn học trung đại. Trong văn học trung đại Việt Nam, điển cố nội sinh tuy ra đời sau, chiếm số lượng nhỏ hơn nhưng thực sự đã trở thành đối trọng của điển cố Hán học. Cùng với sự phát triển rực rỡ của văn học chữ Nôm, điển cố nội sinh ngày càng được nhiều tác gia sử dụng với niềm yêu quý, trân trọng và đạt được nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc. Điển cố nội sinh là một trong những biểu hiện sinh động nhất cho tinh thần dân tộc trên phương diện lựa chọn thi liệu của thơ ca trung đại.

Trong thơ trung đại nước ta, điển cố nội sinh được dẫn dụng một cách linh hoạt, đa dạng về hình thức, tiểu loại, không thua gì điển cố ngoại lai. Có thể nêu ra một số trường hợp như: Về điển cố địa danh, Nguyễn Du trong bài Độ Phú Nông giang cảm tác dẫn điển Nông thủy (sông Phú Nông)1.Về điển cố nhân danh, trong bài Đề Ngọc Sơn đình, Nguyễn Thượng Hiền dẫn điển Phương Đình2. Về điển cố thơ ca, trong bài Thầy đồ ve gái góa, Nguyễn Khuyến dẫn hai điển bắt cầu và cầm kính có nguồn gốc từ ca dao3.

Trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều dẫn một số điển cố có nguồn gốc từ kho tàng văn học dân gian. Tiêu biểu là điển hạt mưa, trong câu: Hạt mưa đã lọt miền đài các/ Những mừng thầm cá nước duyên may. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng dẫn điển này: Hạt mưa sá nghĩ phận hèn/ Liều đem tấc cỏ quyết đền ba sinh. Điển hạt mưa chỉ thân phận người phụ nữ bắt nguồn từ các bài ca dao Thân em như hạt mưa sa/ Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày; Thân em như hạt mưa rào/ Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa. Dùng điển hạt mưa của ca dao để ví cho thân phận người cung nữ, lời thơ đạt được những hiệu quả diễn đạt, liên tưởng mới mẻ, độc đáo mà không phải điển cố ngoại lai nào cũng có thể làm được.

Điển cố nội sinh trong Cung oán ngâm khúc tuy có số lượng không nhiều nhưng là minh chứng rõ nhất cho ý thức tăng cường các giá trị nội sinh từ kho tàng văn hóa dân tộc vào tác phẩm, hạn chế những ảnh hưởng một chiều của văn hóa Hán học. Cùng với việc sử dụng nhiều từ láy, khẩu ngữ, hình ảnh dân dã, việc tích cực tìm về với văn học dân gian, đưa điển cố, thi liệu có nguồn gốc nội sinh vào tác phẩm đã thể hiện ở Nguyễn Gia Thiều một tinh thần dân tộc sâu sắc.

* * *

Càng am hiểu về điển cố Hán học, Nguyễn Gia Thiều càng nhận ra những giới hạn của chúng trong việc thể hiện những cung bậc cảm xúc, tâm hồn người Việt. Với tinh thần dân tộc mãnh liệt, bên cạnh ý thức tích cực chuyển dịch điển cố ngoại lai, đưa chúng trở về gần với tiếng Việt, nhà thơ còn tìm về với các giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc, trong đó có điển cố nội sinh, và đã chứng minh được lựa chọn trên là hoàn toàn đúng đắn. Có thể nói, trên một phương diện rất nhỏ trong thế giới nghệ thuật rộng lớn của Cung oán ngâm khúc là nghệ thuật sử dụng điển cố, thi hào Nguyễn Gia Thiều đã thể hiện một tinh thần dân tộc đậm nét.

Cung oán ngâm khúc là kiệt tác của thể loại ngâm khúc song thất lục bát, đỉnh cao của văn học Việt Nam. Một trong những giá trị cốt lõi làm nên sự thành công rực rỡ và sức sống lâu bền của tác phẩm là tinh thần dân tộc sâu sắc được thể hiện trên nhiều phương diện, trong đó có nghệ thuật sử dụng điển cố. Điển cố được dẫn dụng một cách linh hoạt, tài tình với tinh thần dân tộc sâu sắc đã mang đến cho tác phẩm nhiều giá trị thẩm mĩ độc đáo, quan trọng. Tích cực Việt hóa điển cố Hán học, chủ động tìm về điển cố nội sinh và thành công với điều này, Nguyễn Gia Thiều đã chứng minh khuynh hướng dân tộc trong việc lựa chọn thi liệu của các tác giả văn học trung đại Việt Nam, trong đó có ông, là hướng đi hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật vận động và phát triển của văn học dân tộc. 

1. Nguyên văn: Nông thủy đông lưu khứ/ Thao thao cánh bất hồi/ Thanh sơn thương vãng sự/ Bạch phát phục trùng lai (Sông Phú nông chảy về đông/ Cuồn cuộn không trở lại/ Núi xanh đau lòng chuyện cũ/ Bạc đầu [ta] lại về đây). Phú Nông giang hay sông Luộc là con sông chảy qua Quỳnh Côi, quê bà Nguyễn Thị Lộ là tiểu thiếp người hùng dân tộc Nguyễn Trãi. “Thương vãng sự” gắn liền với địa danh sông Luộc mà Nguyễn Du muốn nói ở đây chính là vụ thảm án Lệ chi viên.

2. Nguyên văn: Nhất đại Phương Đình bút/ Thiên thu Kiếm thủy ba (Một đời nét bút Phương Đình/ Nghìn thu sóng nước hồ Hoàn Kiếm). Phương Đình là hiệu của Nguyễn Văn Siêu, người cùng Cao Bá Quát được người đương thời xưng tụng là “thần Siêu thánh Quát”.

3. Trong câu: Bắt cầu, câu cũ không hờ hững/ Cầm kính, tình xưa vẫn đắng cay. Điển bắt cầu lấy từ bài ca dao Muốn sang thì bắt cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu mến thầy. Điển cầm kính (gương) bắt nguồn từ bài Trách người quân tử vô tình/ Cầm gương mà để bên mình chẳng soi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ