Tích hợp giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh trong dạy học Ngữ văn

GD&TĐ - Cô Phan Thị Hoàn - giáo viên Trường THCS Sài Sơn (Hà Nội) - chia sẻ những nguyên tắc và cách thức tích hợp giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh (TLVM) trong dạy học Ngữ văn; đồng thời đề xuất hướng xây dựng hệ thống câu hỏi để tích hợp nội dung giáo dục này trong giờ dạy học đọc hiểu văn bản truyện - Ngữ văn 8.

Cô giáo Phan Thị Hoàn và học sinh
Cô giáo Phan Thị Hoàn và học sinh

3 nguyên tắc tích hợp giáo dục nếp sống TLVM trong dạy học Ngữ văn

Nguyên tắc đầu tiên thực hiện tích hợp giáo dục nếp sống TLVM trong dạy học Ngữ văn, theo cô Phan Thị Hoàn là phải đảm bảo giữ được đặc trưng bộ môn.

Theo đó, giáo viên thiết kế giáo án giờ học tác phẩm văn chương cần bám chặt vào những giá trị tư tưởng và nghệ thuật vốn có, ổn định của tác phẩm; đồng thời mở ra hướng thu nạp các nhu cầu, thị hiếu, cá tính và phát huy khả năng ngôn ngữ, giao tiếp của cá nhân HS.

Bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho HS” đã được đưa vào giảng dạy đại trà trong các trường học của Hà Nội. Việc lồng ghép nội dung giáo dục này cũng được các giáo viên Thủ đô lưu ý trong các bài giảng.

Không thể biến giờ dạy Ngữ văn dù là giờ tích hợp theo chủ đề thành một giờ giáo dục đạo đức, giáo dục lối sống, giáo dục ý thức công dân mà vẫn phải đảm bảo đó là một giờ học sinh được đọc tác phẩm văn chương từ đó tiếp cận, tìm hiểu, khám phá và lí giải vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Nguyên thứ 2, cô Phan Thị Hoàn cho rằng: Tích hợp đảm bảo sự hợp nhất, kết hợp nhuần nhuyễn. Qua giờ đọc hiểu văn bản học sinh cũng có thể tiếp nhận thêm bài học về cách ứng xử văn hóa từ các nhân vật hoặc ngược lại biết phê phán từ đó sửa những hành vi lệch chuẩn hoặc thái độ suy nghĩ chưa đúng đắn trong giao tiếp ứng xử.

Cuối cùng, tích hợp đảm bảo phát huy tính tích cực của người học. Với yêu cầu này, thiết kế giáo án giờ học tác phẩm văn chương ở THCS phải bảo đảm nội dung và cấu trúc đặc thù nhưng không gò ép vào một khuôn mẫu cứng nhắc mà cần tạo ra những "chân trời mở" cho sự tìm tòi sáng tạo của HS, trên cơ sở bảo đảm được chủ đích, yêu cầu chung của giờ học.

Thiết kế câu hỏi tích hợp

Trong quá trình dạy học, giáo viên thường sử dụng câu hỏi để gợi mở, dẫn dắt học sinh tìm hiểu, khám phá thông tin, kiến thức kĩ năng mới để đánh giá kết quả học tập của học sinh. Sử dụng câu hỏi có hiệu quả đem lại sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dạy và người học.

Theo lưu ý của cô Phan Thị Hoàn, khi đặt câu hỏi phải đảm bảo ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu; đúng lúc, đúng chỗ; phù hợp với trình độ học sinh; kích thích suy nghĩ của học sinh; phù hợp với thời gian thực tế; sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp; không ghép nhiều câu hỏi thành một câu hỏi móc xích; không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc.

Quy trình thiết kế hệ thống câu hỏi được cô Phan Thị Hoàn chia sẻ như sau: Xác định mục tiêu dạy học; phân tích logic nội dung dạy học; xác định tri thức đã có của học sinh liên quan đến câu hỏi; xác định nội dung kiến thức có thể mã hóa thành câu hỏi tương ứng với các khâu của quá trình dạy học; diễn đạt các khả năng mã hóa nội dung kiến thức đó thành câu hỏi; soạn đáp án cho câu hỏi; lựa chọn, sắp xếp câu hỏi thành hệ thống theo mục đích lý luận dạy học.

Liên quan đến câu hỏi nhằm tích hợp giáo dục nếp sống văn hóa, văn minh, thanh lịch cho học sinh, cô Phan Thị Hoàn cho rằng sẽ chủ yếu là câu hỏi phân tích, cảm nhận, liên hệ-liên tưởng, so sánh, khơi gợi, gợi mở.

Những câu hỏi tích hợp thường đặt sau câu hỏi phát hiện, nhận diện, phân tích, đánh giá. Hay nói cách khác để tích hợp giáo dục hành vi ứng xử văn hóa cho học sinh, học sinh cần phải có kiến thức nền về văn bản, đó là biết, hiểu một cách có cơ sở dựa trên sự phân tích về tác phẩm, nhân vật, tình huống, cách xử sự, hành động của nhân vật đang học.

Lưu ý, tránh những câu hỏi kiểu có - không, “phải không” có tính áp đặt và trả lời thụ động không cần suy nghĩ, tạo thói quen nói đế, nói leo. Những câu sử dụng kiến thức ngoài văn bản để liên hệ giáo dục chỉ thích hợp sau khi đã đọc hiểu tác phẩm rồi, mở rộng suy nghĩ. Nếu những câu hỏi đưa ra học sinh không thể trả lời ngay, giáo viên nên có phương án câu hỏi gợi ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...