Tăng sức hấp dẫn giờ Văn từ “củng cố - dặn dò”

GD&TĐ - Cô Đồng Thị Thanh Thủy - Trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ sáng kiến kinh nghiệm “Phát huy tính hiệu quả và sức hấp dẫn của giờ đọc- hiểu văn bản Ngữ văn từ phần việc củng cố - dặn dò”.

Tăng sức hấp dẫn giờ Văn từ “củng cố - dặn dò”

Trong hoạt động dạy và học, tiến trình bài giảng chia thành nhiều bước. Phần việc “củng cố - dặn dò” là thao tác cuối cùng sau khi tìm hiểu xong toàn bộ giá trị của tác phẩm, trước khi kết thúc giờ học. Mỗi một phần việc đều có phương pháp riêng thích hợp.

Tuy là phần việc cuối cùng chiếm khối lượng thời gian ít ỏi nhưng có vai trò quan trọng, cũng là một phần tạo nên sự hoàn thiện của một giờ lên lớp. 

Nên nếu biết vận dụng linh hoạt sáng tạo phương pháp chắc hẳn phần việc này sẽ có tính hiệu quả và sức hấp dẫn hơn cho hoạt động dạy và học của thầy trò.

Theo cô Đồng Thị Thanh Thủy, nhiệm vụ chính của người giáo viên trong phần việc “củng cố- dặn dò” gồm hai nội dung cơ bản:

Thứ nhất, nhằm khắc sâu kiến thức bài học, giáo viên chủ động cung cấp thêm thông tin, tư liệu để mở rộng kiến thức, liên hệ, so sánh... giúp học sinh hiểu được bản chất, sâu sắc bài học

Thứ hai, chú trọng đến hệ thống câu hỏi để học sinh thảo luận, trao đổi,trình bày những hiểu biết và kiến giải của mình về bài học.

Để phần việc này thực sự đạt hiệu quả và sức hấp dẫn, như mong muốn của đề tài, khi thiết kế giáo án, người giáo viên cần lưu ý:

- Cần nắm vững chuẩn kiến thức- kĩ năng và yêu cầu cần đạt của mỗi bài học. Đây là “kim chỉ nam” giúp cho phần củng cố của bài học không bị chệch hướng và xác định được nội dung trọng tâm.

- Cần phối hợp nhiều phương pháp, trong đó chú ý đến phương tiện dạy học hiện đại (dùng công nghệ thông tin, màn ảnh, máy chiếu, âm thanh...) để phần “Củng cố bài” được hấp dẫn hơn, tạo nên sự hứng thú của học sinh.

Một số phương pháp cụ thể cô Đồng Thị Thanh Thủy đề xuất như sau:

Cung cấp thêm thông tin, tư liệu... để khắc sâu kiến thức

Với nội dung này, giáo viên có thể chủ động cung cấp thêm những tư liệu liên quan đến bài học để học sinh có được những hiểu biết, cảm nhận sâu sắc hơn, nắm vững bản chất bài học. Giáo viên có thể chú ý đến một vài hình thức sau:

- Cung cấp thêm những tư liệu liên quan đến tác giả, tác phẩm hoặc những lời bình về tác phẩm: chẳng hạn như:

Nhà văn nói về tác phẩm: Huy Cận nói về sự ra đời và cảm xúc của mình khi viết bài “Tràng giang”.

Giới thiệu thêm tác phẩm có liên quan đến cùng nội dung chủ đề của cùng tác giả: sau khi học xong bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu, đọc thêm cho học sinh nghe bài thơ “Giục giã”.

- Nghe những bài thơ được ngâm hoặc xem một vài đoạn video clip về tác phẩm:

+ Ngâm thơ bài “Tràng giang”

+ Nghe bài hát được phổ nhạc từ bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”

+ Xem video clip “Số đỏ” (có trường đoạn thể hiện “Hạnh phúc của một tang gia”)

+ Xem video clip “Làng Vũ Đại ngày ấy” (có những trường đoạn về Chí Phèo)

+ Xem lớp kịch “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”...

- Đọc những bài thơ, câu thơ được khơi gợi cảm xúc từ những hình tượng nhân vật văn học: ví dụ những bài thơ viết về nhân vật Chí Phèo, Thị Nở, về nhân vật Huấn Cao...

- Dùng sơ đồ, biểu bảng... để tổng kết những nội dung cơ bản hoặc cấu trúc bài học:

Sử dụng hệ thống câu hỏi để kiểm tra, đánh giá năng lực nhận thức, rung động cảm xúc và khả năng sáng tạo của học sinh

Để xác lập hệ thống câu hỏi vừa đáp ứng được việc tổng kết củng cố kiến thức, vừa kiểm tra đánh giá được nhận thức của học sinh, vừa khơi gợi sự chủ động tích cực tham gia của học sinh vào hoạt động của giờ giảng, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số kiểu câu hỏi theo cấp độ tăng dần như sau:

- Những câu hỏi mang tính chất tái hiện lại, liệt kê lại kiến thức:

Ví dụ: Sau khi học xong bài thơ “Tràng giang”, hãy nêu nội dung cảm xúc chủ đạo và những biện pháp nghệ thuật đặc sắc nhằm chuyển tải nội dung đó?

Nghệ thuật trào phúng đặc sắc của Vũ Trọng Phụng trong trích đoạn “Hạnh phúc của một tang gia” được thể hiện qua những yếu tố, phương diện nào?

- Những câu hỏi để tìm hiểu cảm xúc chủ quan của học sinh về một vấn đề:

Cảm nhận của em về khung cảnh phố huyện dưới ngòi bút của Thạch Lam trong tác phẩm “Hai đứa trẻ”?

Em có suy nghĩ gì về hình tượng viên quản ngục trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân?

Ở những câu hỏi thuộc kiểu dạng này, giáo viên dần đưa các em vào việc khám phá nội dung đồng thời bày tỏ suy nghĩ, thái độ của cá nhân mình về một vấn đề của bài học trước tập thể lớp. Điều này giúp các em dần chủ động hơn trong việc lĩnh hội và khám phá tác phẩm.

- Cho học sinh tìm hiểu và tranh luận về tên tác phẩm, tên đoạn trích:

Tên tác phẩm, tên đoạn trích (có thể do người biên soạn đặt) đều bao hàm chứa đựng nội dung của tác phẩm, được biểu đạt ở dạng khái quát nhất. Do đó, tìm hiểu tiêu đề tác phẩm là một phương thức khá lý thú, hấp dẫn lại có hiệu quả trực tiếp.

Ví dụ: Tại sao tác giả lại đặt tên tác phẩm là “Hai đứa trẻ”? Nếu được đặt tên lại em sẽ đặt là gì?

+ Tại sao đoạn trích lại có tiêu đề rất vô lí “Hạnh phúc của một tang gia”?

+ Nguyễn Tuân đặt tên tác phẩm là “Chữ người tử tù” nhằm mục đích gì?

+ Sau khi học xong bài thơ, em cảm nhận như thế nào về nhan đề “Vội vàng”?

Rõ ràng khi trả lời được câu hỏi này học sinh phải nắm chắc nội dung bài học. Đồng thời với việc đưa ra câu hỏi tình huống (nếu...), học sinh sẽ hết sức phấn khởi khi được tham gia vào việc tạo dựng tác phẩm (dù chỉ dừng lại tên gọi của nó). Với những câu hỏi này giáo viên nên hết sức chú trọng đến ý kiến cá nhân học sinh để có thể bổ sung hoặc điều chỉnh hợp lí.

Đưa ra những nhận định xác đáng của những nhà phê bình, nghiên cứu để từ đó yêu cầu học sinh lý giải.

Ví dụ: Tại sao Xuân Diệu lại cho rằng bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận là “dọn đường cho lòng yêu giang san tổ quốc”?

+ Về bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, Hoài Thanh nhận định: “Bài thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó ra đời giữa những buồn vui của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế”. Dựa vào đâu Hoài Thanh đã nhận định như vậy?

+ Huy Cận đã dành những lời trân trọng cho Thạch Lam- tác giả của truyện ngắn “Hai đứa trẻ”: Thạch Lam đã giúp chúng ta “một cách cảm nhận cuộc đời, một lối rung cảm trước cảnh đời. Thạch Lam cho ta thêm kích thước để hiểu và để sống cuộc sống vốn giàu đẹp tình người”. Vì lẽ gì Huy Cận khẳng định như vậy?

Những câu hỏi thuộc kiểu loại trên đòi hỏi học sinh phải tư duy thấu đáo. Đây là câu hỏi đòi hỏi tư duy của học sinh. Học sinh cần phải hiểu nội dung bài học và nhận định của nhà nghiên cứu, từ đó phải huy động kiến thức để lí giải, chứng minh. Những câu hỏi này giúp học sinh phát triển tư duy và cách lập luận.

- Cung cấp cho học sinh những cách tiếp cận khác nhau về tác phẩm, sau đó cho học sinh lựa chọn cách hiểu phù hợp với năng lực của mình và lí giải:

Ví dụ:

+ Có ý kiến cho rằng: Chủ đề của tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao) là viết về tình trạng người nông dân có bản chất lương thiện bị đẩy vào con đường tha hoá, lưu manh hoá trong xã hội cũ. Có quan điểm khác: Chí Phèo viết về người nông dân bị tha hoá nay trở về con đường lương thiện nhưng gặp bi kịch trên con đường này. Vậy ý kiến của em như thế nào?

+ Về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử có những nhận xét sau:

• Bài thơ là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước.

• Bài thơ thể hiện nỗi đau xót, tuyệt vọng của một tâm hồn cô đơn

• Bài thơ là tiếng lòng của một con người thiết tha yêu đời, yêu người.

Ý kiến của anh (chị) ?

Xuất phát từ đặc trưng của bộ môn văn học: vừa là bộ môn nghệ thuật ngôn từ, vừa là bộ môn khoa học cho nên có nhiều cách khám phá giá trị tác phẩm là điều bình thường. 

Điều cần lưu ý là giáo viên có thể cung cấp những cách hiểu khác nhau nhưng không khiên cưỡng học sinh phải hiểu theo một ý kiến chủ quan, quan trọng là xem xét đến sự lí giải của các em. Từ đó các em được biết nhiều “kênh” khác nhau, đồng thời giúp các em rèn luyện “bản lĩnh” nghiên cứu...

Ngoài ra có thể kết hợp với các hình thức sau:

- Sử dụng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm khách quan. Hình thức kiểm tra này rất phù hợp bởi trong một khoảng thời gian ít ỏi nhưng có thể kiểm tra được nhiều đơn vị kiến thức

- Sử dụng các hình thức kiểm tra theo kiểu “vừa học vừa chơi” như câu đố, chơi ô chữ.

Những câu hỏi nêu trên là những câu hỏi cần thiết mang tính gợi mở, nêu vấn đề, định hướng giúp học sinh tiếp tục khám phá tác phẩm ngoài thời gian lên lớp.

Xem chi tiết sáng kiến kinh nghiệm của cô Đồng Thị Thanh Thủy TẠI ĐÂY.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ