Sáng tạo hoạt động "trải nghiệm 5" góc ở Điện Biên

GD&TĐ - Sau gần 3 năm xây dựng, mô hình hoạt động trải nghiệm cho HS trường THPT ở Điện Biên phát huy hiệu quả tích cực.

Học sinh Trường THPT Mường Nhé hứng thú với việc nghiên cứu văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Hà Nhì. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Học sinh Trường THPT Mường Nhé hứng thú với việc nghiên cứu văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Hà Nhì. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bên cạnh hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực theo hướng trải nghiệm, các em còn thỏa sức thể hiện sự sáng tạo, đam mê, sở trường của mình.

Cô Chinh Dương – GV Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Mô hình được xây dựng theo cấu trúc 5 góc: Góc trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa lịch sử, nghệ thuật, ngôn ngữ giao tiếp, trải nghiệm khoa học công nghệ. 

“Hoạt động trải nghiệm thiên nhiên có thể tổ chức dựa theo mức độ tương tác khác nhau: Quan sát, lắng nghe, nhận biết vẻ đẹp và giá trị của thiên nhiên; nghiên cứu, tìm hiểu về tiềm năng thiên nhiên địa phương, thực trạng bảo tồn thiên nhiên, tác động của đời sống sinh hoạt và sản xuất địa phương đến môi trường, đề xuất các giải pháp. Mức độ cao hơn là biến các giải pháp thành hành động cụ thể, tham gia thực hiện bảo vệ môi trường thiên nhiên địa phương”, cô Dương chia sẻ.

Cũng theo cô Dương, góc trải nghiệm văn hóa lịch sử định hướng nội dung trải nghiệm theo cụm di tích như: Cụm di tích thời kì phong kiến, các di tích lịch sử thời kì chống Pháp, Mỹ, công trình lịch sử thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.  

Góc trải nghiệm nghệ thuật gợi ý hai hướng tổ chức vừa chuyên sâu vừa đại trà. Góc trải nghiệm khoa học công nghệ hướng tới tổ chức hoạt động trải nghiệm đối với các hiện tượng tự nhiên và hoạt động trải nghiệm đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Theo đó, HS được lựa chọn các hiện tượng độc đáo hoặc thông thường trong môi trường tự nhiên địa phương để tìm hiểu, khám phá.  

Học sinh tham gia góc trải nghiệm ngôn ngữ giao tiếp theo lĩnh vực nghề nghiệp, đa dân tộc và trong các sự kiện văn hóa cộng đồng. Không chỉ được phát triển năng lực ngôn ngữ, thông qua các hoạt động giao tiếp trong thực tế, HS còn nhận biết được các trạng thái, sự tác động của ngôn ngữ giao tiếp đến sự phát triển của cộng đồng,  tâm lý cá nhân.

Theo cô Chinh Dương, điểm nhấn của mô hình là hoạt động trải nghiệm được tổ chức tại các trường THPT trên địa bàn. Có thể kể đến góc trải nghiệm thiên nhiên được tổ chức tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn với chủ đề “Trải nghiệm không gian nước ở khu vực lòng chảo Điện Biên” giúp HS tham quan, tìm hiểu về không gian sông, suối, hồ. Từ đó, HS sẽ nhận thức được giá trị của không gian nước vùng lòng chảo và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nước. 

Đặc biệt là hoạt động tại THPT Mường Nhé với chủ đề “Góp phần làm giàu nhận thức, tình cảm của người Hà Nhì ở Mường Nhé về các giá trị văn hóa truyền thống”. Quá trình trải nghiệm, HS được rèn luyện nhiều kĩ năng như: Khai thác mạng, giao tiếp, thuyết trình, làm video, tổ chức sự kiện, phỏng vấn, điều tra, trình bày bản thảo sách. 

“Qua hoạt động trải nghiệm, HS được hình thành, phát triển các năng lực và phẩm chất, đặc biệt là bồi dưỡng lòng nhân ái, sự thân thiện, tích cực với môi trường sống. Ngoài ra, mô hình còn là nguồn tài liệu thiết thực, có vai trò như một cẩm nang trải nghiệm cho các trường THPT trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Từ những ưu điểm này, chúng tôi dự kiến mô hình sẽ được chuyển giao cho các trường THPT tỉnh Điện Biên vào năm 2021”, cô Chinh Dương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ