Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen (HSU): Tôi chấp nhận thử thách và rủi ro

GD&TĐ - “Ghế” hiệu trưởng tại các trường đại học tư thục thời gian gần đây liên tục thay đổi.

PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy cùng sinh viên HSU.
PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy cùng sinh viên HSU.

Xoay quanh vấn đề này, Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy - Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, người mới đây vừa ngồi vào vị trí cần bản lĩnh đương đầu với nhiều áp lực, thử thách. 

Quyết liệt để làm, khiêm tốn để tiếp thu

- Người ta vẫn nói, ghế hiệu trưởng tại các trường tư không khác gì ghế giám đốc ở các doanh nghiệp. Làm không được việc phải chấp nhận ra đi, bà nghĩ sao về quan điểm này?

- Bất kỳ sự thử thách nào cũng hấp dẫn nhưng đồng thời luôn tiềm ẩn rủi ro. Tôi chấp nhận thử thách và rủi ro. Hiệu trưởng đại học tư phải biết dung hòa chất lượng đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh, tạo môi trường cho người học, người làm. Người học muốn chất lượng, người dạy cũng cần môi trường làm việc tốt, bảo đảm lợi ích cuộc sống. Do đó, phải tính toán đầu tư làm sao để trường ngày càng phát triển. Vì vậy, hiệu trưởng đại học tư ngoài có phẩm chất giáo dục cũng phải là người biết đầu tư, vận hành bộ máy để tạo nguồn thu, chăm lo đời sống người lao động, tái đầu tư cho giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo…

Nhưng có cái khó thì mới máu lửa để làm, êm đềm quá dễ ru tôi ngủ. Khát khao của Tập đoàn Nguyễn Hoàng là giáo dục chất lượng và tầm quốc tế. Điều đó chạm đến khát khao của tôi trong giáo dục. Tôi đặt hết đam mê và tâm huyết để tiếp nối những giá trị tốt đẹp của Trường ĐH Hoa Sen - HSU, đưa HSU tiếp tục phát triển theo hướng ĐH chuẩn quốc tế, ĐH ứng dụng và chất lượng giáo dục khai phóng.

- Là nữ quản lý trẻ tuổi nhất trong các đời hiệu trưởng 5 năm trở lại đây của HSU, bà có cảm thấy áp lực khi ngồi vào vị trí này?

- Độ tuổi không nói lên tất cả năng lực, kỹ năng quản trị và khả năng đóng góp của mỗi người. Khi trẻ, khả năng tìm tòi, cầu thị học hỏi tốt hơn, luôn chưa bằng lòng với những gì mình có. Đó là lợi thế.

Tôi cho rằng, thế mạnh của mình là quyết liệt, dám làm, trẻ và khiêm tốn để có thể tiếp thu, giúp tôi không áp đặt. Tôi có 14 năm làm giáo dục, nghiên cứu khoa học. Với những am hiểu của mình, tôi nghĩ mình đủ đúng đắn khi đưa ra những quyết định tạo sự đồng thuận, tự tin thuyết phục mọi người. Và tất nhiên, tôi không cảm thấy áp lực khi ngồi vào ghế hiệu trưởng. 

PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy - Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen.
PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy - Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen.

Nhà giáo dục kiêm đầu tư

- HSU đã và đang có những giá trị nhất định. Bà có dự định gì để tiếp tục phát huy và giữ “chất riêng” của HSU?

- Chất lượng đào tạo luôn là nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng hàng đầu ở HSU. Bên cạnh chương trình đào tạo, giảng viên, hoạt động trải nghiệm của sinh viên đã sôi động nay sẽ càng sống động hơn. Sinh viên sẽ học và hành song song từ những hoạt động trải nghiệm sống động của 20 CLB được nhà trường hỗ trợ phát triển trong thời gian tới. Các em được thụ hưởng hệ sinh thái khởi nghiệp và những cơ hội việc làm trong quá trình học sau khi tốt nghiệp. Trường hướng tới một môi trường học quốc tế không chỉ cho người Việt mà còn với sinh viên khu vực.

HSU hiện nay có những chương trình quốc tế hay chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh chất lượng – Hoa Sen Plus. Với các chương trình có yếu tố quốc tế luôn có một nhà giáo dục nước ngoài điều phối. Trong thời gian tới, sẽ có sự hiện diện của một số trường ĐH tên tuổi ở HSU mà trường là đối tác chiến lược và độc quyền để tổ chức đào tạo. Bên cạnh đó, trường sẽ phát triển những chứng chỉ hành nghề quốc tế, đúng như định vị ĐH ứng dụng của trường.

Tôi không thay đổi hệ sinh thái quản trị hiện nay nhiều vì HSU từ trước đến nay đã vận hành rất tốt. Tôi chỉ đổi mới để phù hợp với sự phát triển lớn mạnh không ngừng cả về chương trình đào tạo lẫn số sinh viên. Sự đổi mới vẫn dựa trên nguyên tắc tinh gọn nhưng bảo đảm chất lượng trong đào tạo và chăm sóc sinh viên. Và như bất cứ trường ĐH nào, hệ sinh thái quản trị của HSU không chỉ nội bộ mà còn liên kết trong quản trị với các đối tác bên ngoài để tăng chất lượng đào tạo như định vị mô hình ĐH ứng dụng và chuẩn quốc tế.

- Cách thức quản lý, làm việc giữa hai môi trường Nhà nước và tư nhân rất khác biệt. Bà tự tin vào điều gì ở mình mà chấp nhận dấn thân cho thử thách chưa từng bước qua?

- Nhiều người nghĩ công - tư sẽ khác biệt rất nhiều. Nhưng trường tư cũng có tính hệ thống, tập đoàn - trường. Sở cần chủ trương của TP, trường có chủ trương của tập đoàn nhưng tính độc lập khá cao. Thầy cô trường tư linh hoạt, thích ứng khá nhanh. Tôi đang điều hành theo cách của mình trên cơ sở tiếp thu những cái tốt trước đây.

Tính nguyên tắc ở môi trường công khiến nhiều người nghĩ khó áp dụng cho trường tư. Nhưng dân chủ, phản biện phải có nguyên tắc. Tôi dung hòa hai yếu tố này. Thời gian làm việc ở chính quyền và cả thời gian làm việc ở Đại học Quốc gia đều có tính hệ thống thì ở HSU bây giờ cũng thế. Tôi cũng có thời gian học tập ở nước ngoài. Thay đổi nhiều môi trường học tập, làm việc và sinh sống nên sự linh hoạt và quyết liệt trong những quyết định của tôi đã là tính cách.

- Một trường ĐH cần ổn định bộ máy quản lý đủ lâu mới phát triển một cách bền vững cũng như tạo ra “sức bật” lớn từ chiến lược. HSU thì khác, 5 năm qua đã có 4 hiệu trưởng được mời về. Sau thời gian tiếp nhận công việc, bà cảm thấy thách thức lớn nhất trong quản trị trường ĐH tư là gì?

- Nhân sự ở ĐH tư tôn trọng sự dân chủ, cá tính và khác biệt, vừa thích nguyên tắc nhưng cũng không muốn những khuôn mẫu, rào cản. Thành công của người quản trị ĐH tư là ở chỗ biết cách để phát huy những đặc trưng này. Nếu phát huy tốt, người quản lý có nguồn lực rất mạnh, những con người dám nghĩ, dám làm những điều lớn và khác biệt.

Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất trong quản trị ở trường ĐH tư là phải quản lý hiệu quả để liên tục đầu tư vào chất lượng giáo dục và sự phát triển của trường. Do đó, như tôi nói ở đầu, hiệu trưởng ĐH tư ngoài có phẩm chất giáo dục cũng phải là người biết đầu tư, vận hành bộ máy để tạo nguồn thu chăm lo đời sống người lao động, tái đầu tư cho giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo…

- Xin cảm ơn bà!

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.