Phát triển giáo dục thường xuyên theo lời huấn đức của Bác

Phát triển giáo dục thường xuyên theo lời huấn đức của Bác

Mỗi cá nhân phải “3 trong 1”

PGS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh: Lĩnh vực này đòi hỏi phải quán triệt được Tâm nguyện/Huấn đức của Bác Hồ. Chúng ta có thể thu hoạch ba điều Bác đã dạy về GDTX. Thứ nhất: Tháng 2/1947 Bác có chỉ thị: Xây dựng được “Gia đình học hiệu”, bồi dưỡng công dân thành “tiểu Giáo viên”. 

Bác giao cho cụ Lê Thước (một nhân sĩ khả kính) và ông Đặng Thai Mai (từng đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giáo dục) với sự gợi ý tìm thêm các vị khác có uy tín xã hội lập ra Ban Văn hóa với trách nhiệm: Xây dựng được các “Gia đình học hiệu”, bồi dưỡng người dân thành “tiểu giáo viên”.

“Đến cuối Thế kỷ 20 vấn đề Gia đình học tập/Gia đình học hiệu, Gia đình là một nhà trường, vấn đề mỗi Công dân được Giáo dục thành người thầy giáo cho bản thân mình mới được UNESCO quảng bá rộng rãi. 

Như vậy là Minh triết Giáo dục ở lĩnh vực giáo dục không chính quy do Hồ Chí Minh đề xuất theo các khía cạnh vừa nêu ít nhất đã đi trước UNESCO nửa thế kỷ” - PGS Đặng Quốc Bảo trao đổi.

Theo PGS Đặng Quốc Bảo, ngày nay ở nước ta hàng năm các cộng đồng đều có phong trào bình chọn Gia đình văn hóa, Gia đình hiếu học. 

Các thiết chế của GDTX cần hỗ trợ cho ngành văn hóa làm việc này đạt tới thực chất hơn, chống các hiện tượng đi vào bề nổi với động cơ thành tích. 

Thiết chế GDTX nên chia sẻ trách nhiệm để việc tổ chức ngày Gia đình Việt Nam (ngày 28/6) có tính giáo dục cao, tính khuyến học cao mang lại nhiều ý nghĩa cho việc chấn hưng văn hóa trong bối cảnh hiện nay.

Thứ hai: Ngày 4/10/1945 Bác có lời kêu gọi “Nâng cao dân trí”. Đọc lời kêu gọi này trong cuộc sống hiện nay, có cảm xúc như đang tiếp nhận một mệnh lệnh thôi thúc, để GDTX tổ chức các chương trình hành động kiến tạo được “Xã hội chia sẻ Giáo dục” trong hoàn cảnh mới. 

Mọi người Việt Nam phải hiểu hết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.

Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào Bình dân học vụ như các anh chị em trong sáu, bảy năm nay đã gây phong trào Truyền bá Quốc Ngữ giúp đồng bào thất học. 

Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng… 

Phụ nữ lại càng phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử. Công việc này mong anh chị em thanh niên sốt sắng giúp sức.

Theo PGS. TS. Đặng Quốc Bảo, nếu vận dụng nội dung lời kêu gọi này cho cuộc sống hôm nay, thì ý tưởng của Bác còn giữ nguyên tính cổ vũ để đất nước hiện thực được các mục tiêu tiến vào bối cảnh có tác động Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. 

Ngày nay, mỗi người trong cuộc sống của mình phải đồng thời làm tròn được cả ba vai trò: Người dạy (Thầy), Người học (Trò), Người bạn của nhau giúp nhau thấm nhuần được đạo lý, tuân thủ được pháp lý, trân trọng với công lý, kịp thời nắm vững các công nghệ kỹ thuật tiên tiến (đặc biệt Tin học) và loại trừ được các kiểu sống độc hại, lạc điệu, phi văn hóa trong đời sống chung.

Trong thế giới hiện đại, thế giới phẳng, thế giới số, thế giới 4G và Smartphone, phải thiết kế đổi mới hoạt động giáo dục dịch chuyển từ học tập cá thể lên kết nối- chia sẻ. 

Thay đổi sách giáo khoa và chương trình không thể đem lại nhiều hiệu quả nếu không thay đổi tận gốc cách dạy của người thầy. Con người là trung tâm và là chủ thể. 

Mỗi cá nhân phải “3 trong 1”: vừa là trò - học, thầy - dạy và quan trọng nhất là bạn - chia sẻ.

Phát triển giáo dục thường xuyên theo lời huấn đức của Bác ảnh 1
PGS Đặng Quốc Bảo

Giá trị thời đại

Thứ ba: Ngày 2/9/194 - kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 3, Bác Hồ có bức thư đầy ân tình gửi Cán bộ bình dân học vụ. Người mong mỏi họ thực hiện được nội dung phương pháp bồi dưỡng để học viên trở thành người công dân đúng đắn.

Hơn 70 năm qua, lời Bác dạy vẫn còn giữ nguyên tính thực tiễn trong cuộc sống hôm nay. GDTX đã biết phối hợp Giáo dục trường quy phi chính quy và Giáo dục phi trường quy tạo nên nhiều hình thức học tập hiệu quả. 

Các Trung tâm học tập cộng đồng đã được triển khai trên mọi vùng đất nước. Nhiều Trung tâm học tập cộng đồng đã đạt những thành tựu ấn tượng.

Tuy nhiên, sự tổng kết các kinh nghiệm tiên tiến của thiết chế này chưa được chú ý đúng mức. Cho nên việc tìm ra các điển hình, kiểu như Giáo dục Cẩm Bình đã có ở thế kỷ trước còn chưa được phát lộ. GDTX phải làm tốt việc này. 

Sự nghiệp Giáo dục bình dân trước đây và sự nghiệp GDTX ngày nay đã đạt biết bao thành tựu trong việc xây dựng người công dân biết: Yêu nước - Yêu lao động - Dũng cảm - Tự trọng.

Công cuộc đổi mới đất nước vẫn cần tiếp tục bồi dưỡng cho người công dân giữ gìn được Nhân tính, kiên trì được Quốc tính, khẳng định được Cá tính lành mạnh. 

GDTX giúp cho con người luôn luôn có sự cải thiện con tim, đôi tay, bộ óc, xác định nhu cầu sống hợp lý biết nâng cao năng lực sống và mở rộng cơ hội sống một cách lành mạnh.

Ngày 3/9/1945 trong buổi họp Hội đồng Chính phủ phiên đầu tiên Bác Hồ nêu luận điểm “Một Dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. 

Tháng 10/1946 khi đi công tác ở Pháp về đến Hải phòng Bác có lời kêu gọi nhân dân toàn quốc: “Ra sức chống giặc dốt làm cho Dân tộc Việt Nam thành Dân tộc thông thái”. 

“Những lời kêu gọi của Bác còn giữ nguyên sự thôi thúc cho cuộc sống hôm nay. Đất nước mong những người có trách nhiệm với sự nghiệp GDTX sẽ vạch ra được các Chính sách, Chiến lược, Kế hoạch một cách thiết thực để Lĩnh vực này đạt tới các thành tựu mới, các giá trị cao quý mới” – PGS Đặng Quốc Bảo khẳng định.

Sự phát triển GDTX của nước ta trong bối cảnh hiện nay cần đặt trọng tâm xác định các vấn đề như: Tổ chức sư phạm và Kinh tế xã hội mô hình Người công dân học tập, Dòng họ học tập, Tổ chức học tập, các mô hình mà trong đó mỗi thành viên thực hiện được 4H (Học - Hỏi - Hiểu – Hành) như Bác Hồ đã dạy khi đến dự lễ khai giảng của Trường Đảng cao cấp - tháng 9/1949”PGS Đặng Quốc Bảo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ