Những sáng kiến hướng học trò tới điều tốt đẹp

GD&TĐ - Bằng hình thức sân khấu hóa, giáo dục pháp luật tưởng chừng khô khan đã trở nên sinh động, tác động mạnh mẽ đến nhận thức, trái tim của học trò nhưng theo một cách vô cùng tự nhiên.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà cùng học sinh tại thư viện của nhà trường. Hiện nay, ngoài sách giáo khoa, nhà trường còn bổ sung nhiều đầu sách pháp luật.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà cùng học sinh tại thư viện của nhà trường. Hiện nay, ngoài sách giáo khoa, nhà trường còn bổ sung nhiều đầu sách pháp luật.

Không chỉ dạy tri thức mà còn giáo dục tâm hồn

“Giáo dục pháp luật cho học sinh lứa tuổi THCS là vô cùng quan trọng, để giáo dục pháp luật thành công lại càng quan trọng hơn nữa”. Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Minh Khai (TP Thanh Hóa).

Cô Thu Hà là một trong 30 nhà giáo, nhà quản lý giáo dục có sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) được xếp loại cấp tỉnh năm 2021.

Sáng kiến gần nhất của nữ nhà giáo được vinh danh là: “Một số giải pháp tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, triển khai nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động giáo dục pháp luật (GDPL) cho học sinh ở Trường THCS Minh Khai, TP Thanh Hóa”.

Chia sẻ về SKKN này, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng điều này được đúc rút từ thực tiễn. Bởi, học sinh (HS) lứa tuổi THCS vẫn đang hình thành nhân cách và trên “con đường” này, không phải HS nào cũng hoàn toàn hướng theo những điều tích cực.

“Đối với HS, nhiều khi các em còn ngộ nhận giữa những điều tích cực và tiêu cực, thậm chí những điều tiêu cực lại ảnh hưởng nhanh hơn. Vì vậy, GDPL cho HS lứa tuổi THCS là vô cùng quan trọng.

Để làm được điều đó, người quản lý phải có biện pháp, ngoài ra cũng cần có sự phối hợp đồng bộ cả hệ thống chính trị trong nhà trường”, cô Hà nói.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hà là một trong những nhà quản lý giáo dục hăng say viết SKKN.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hà là một trong những nhà quản lý giáo dục hăng say viết SKKN.

Theo nữ Hiệu trưởng, điều đầu tiên là cần nâng cao nhận thức về GDPL, bởi khi nhận thức quan trọng sẽ hành động nghiêm túc. Từ đó, góp phần thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện cả Đức – Trí – Thể - Mỹ cho học trò.

“Khi đã có nhận thức tốt, thì cần phải có lộ trình thực hiện trong năm học và bồi dưỡng nguồn nhân lực để thực hiện hoạt động này. Bởi, không phải ai cũng có kiến thức pháp luật, ngoại trừ giáo viên (GV) Giáo dục công dân.

Ngoài bồi dưỡng thông qua các buổi chuyên đề do Phòng GD&ĐT thành phố tổ chức, Ban Giám hiệu cũng thường xuyên dành thời gian phổ biến cho giáo viên. Đồng thời xây dựng nguồn học liệu phục vụ cho hoạt động phổ biến pháp luật”, cô Hà chia sẻ.

Theo cô Hà, một trong những thuận lợi của nhà trường đó là GV rất nhiệt tình, xác định được nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của mình. Ngoài thư viện, hiện nay nhà trường cũng có tủ sách pháp luật phục vụ nhu cầu đọc, học tập và nghiên cứu của GV và HS.

Một trong những giải pháp quan trọng để GDPL thành công, theo cô Hà đó là chỉ đạo triển khai các hoạt động ngoại khóa bằng hình thức sân khấu hóa. Những năm qua, Trường THCS Minh Khai vẫn duy trì hoạt động ngoại khóa tối thiểu mỗi năm 1 lần, ngoại trừ thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

“Thay vì đứng trước cả nghìn HS, tuyên truyền cả giờ đồng hồ, thì sân khấu hóa thông qua các tiểu phẩm, kịch nói, thơ ca… lại tác động đến nhận thức, trái tim của học trò một cách vô cùng tự nhiên”, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ.

Bằng các hình thức GDPL khác nhau, bao gồm cả lồng ghép vào môn học phù hợp, nhiều năm qua HS Trường THCS Minh Khai luôn có xếp loại hạnh kiểm tốt trên 98% và không có HS hạnh kiểm yếu.

Đặc biệt, theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hà, về cơ bản HS nhà trường không vi phạm các quy định về an toàn giao thông, không tệ nạn xã hội và bạo lực học đường.

Một buổi ngoại khóa tuyên truyền, phổ biến về pháp luật, an toàn giao thông cho học sinh Trường THCS Minh Khai.
Một buổi ngoại khóa tuyên truyền, phổ biến về pháp luật, an toàn giao thông cho học sinh Trường THCS Minh Khai.

17 năm cống viên trong vai trò là giáo viên và 15 năm trên cương vị là nhà quản lý giáo dục, cô Nguyễn Thị Thu Hà có hơn 10 SKKN được xếp loại cấp tỉnh, ngành… Nhiều SKKN đã mang lại hiệu ứng tích cực tới đồng nghiệp và học trò.

“Mỗi lần viết SKKN là một lần có thêm những kinh nghiệm quý giá và thật hạnh phúc khi lan tỏa điều đó tới đồng nghiệp, học trò”, cô Hà bộc bạch.

Trau dồi kỹ năng

Với SKKN “Dạy học tích hợp kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho HS lớp 8 Trường THCS Thiết Ống, huyện Bá Thước”, cô Trần Thị Ánh Nguyệt cũng là một trong 30 nhà giáo có SKKN được xếp loại cấp tỉnh, năm 2021.

Là GV môn Sinh học, công tác ở vùng cao của tỉnh Thanh Hóa, cô Nguyệt không khỏi đau đáu trước vấn nạn xâm hại và lạm dụng tình dục trẻ em ở những nơi từng đặt chân qua. Xuất phát từ những trăn trở ấy, cô Nguyệt đã đi sâu vào nghiên cứu vấn đề này từ những năm 2018 – 2019.

“Viết SKKN này, tôi mong muốn trang bị cho các em những kỹ năng quan trọng để ứng phó tích cực trước những tình huống xấu có nguy cơ trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục trẻ em”, cô Nguyệt bộc bạch.

Cô Trần Thị Ánh Nguyệt – giáo viên Trường THCS Thiết Ống trong giờ Sinh học.
Cô Trần Thị Ánh Nguyệt – giáo viên Trường THCS Thiết Ống trong giờ Sinh học.

Vì vậy, bên cạnh truyền dạy kiến thức liên quan đến môn học, nữ GV cũng đồng thời tích hợp những kỹ năng cho HS như: Kỹ năng thể hiện cảm xúc, chia sẻ; cách ứng phó với những tình huống xấu và có thêm những kiến thức sinh sản, phòng tránh về xâm hại tình dục…

“Khi viết SKKN này tôi cũng đồng thời triển khai dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật về Ứng phó với xâm hại tình dục trẻ em. Điều đặc biệt là tôi khuyến khích HS tham gia cùng để các em vừa củng cố kiến thức về sinh sản vừa trang bị những kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục”, nữ GV chia sẻ.

Hơn 15 năm gắn bó với nghề dạy học, điều khiến cho nữ GV xứ Thanh ấn tượng và hạnh phúc đó là HS nơi đây rất mộc mạc và chân thật. Hơn nữa, các em cũng không có sự phân biệt giữa môn chính hay môn tự chọn.

Với phương pháp giảng dạy “lấy trò làm trung tâm” và gắn liền với thực tiễn cuộc sống… cô giáo vùng cao Trần Thị Ánh Nguyệt luôn được học trò đón nhận, tin yêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ