Những điều tạo nên sức hút cho ngành Sư phạm

GD&TĐ - Những năm gần đây, với những nỗ lực từ chính sách vĩ mô cùng nhu cầu và vị thế xã hội được nâng cao, ngành sư phạm nhận được sự quan tâm của học sinh khi lựa chọn ngành nghề, thu hút nhiều sinh viên giỏi.

Ảnh minh hoạ/INT
Ảnh minh hoạ/INT

Tố chất của sinh viên sư phạm

Hiện nay, sinh viên sư phạm không chỉ được miễn học phí, mà còn được nhận trợ cấp 3,63 triệu/tháng. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến sư phạm trở thành ngành hấp dẫn người học. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh khả năng về lực học, để trở thành người giáo viên thành công trong tương lai, sinh viên sư phạm cần hội đủ các tố chất của một nhà tâm lý học với suy nghĩ luôn tích cực, lạc quan.

GS. TS Huỳnh Văn Sơn chỉ ra những điều làm nên sự thành công của một giáo viên tương lai, để học sinh lựa chọn ngành sư phạm tham khảo: Sự nhiệt tình và cẩn thận; Tôn trọng nghề nghiệp và học sinh; Xác định rõ các mục tiêu của bài học; Kĩ năng tổ chức, lãnh đạo và quản lý lớp học; Khả năng thiết kế chương trình giảng dạy; Đam mê công việc giảng dạy; Giao tiếp với phụ huynh; Học hỏi và phát triển bản thân không ngừng.

Theo GS. TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM một sinh viên sư phạm cần có các tố chất: Lòng cảm thông và bao dung, niềm đam mê và hoài bão cũng như sự kiên trì, sẵn sàng đối mặt với thử thách và sự tìm tòi và thay đổi bản thân.

Luôn lạc quan và tích cực, hướng đến giá trị nhân văn và sự phát triển của con người, thương yêu và nâng đỡ đời sống tinh thần của người khác, động viên và khuyến khích người khác hoàn thiện… Về năng lực, cần có sự linh hoạt và tư duy tổng hợp, tư duy hệ thống và thực tiễn, có khả năng quan sát và diễn đạt, có khả năng rèn luyện cho học sinh những giá trị, kỹ năng cần thiết… Dĩ nhiên, lòng yêu nghề, yêu thương con người bằng sự rung cảm đích thực, hướng đến sự phát triển là điều cần thiết không kém.

Từ góc độ người học, sinh viên Đậu Đăng Thiện - ngành Sư phạm Hóa học, Viện Sư phạm Tự nhiên, Trường ĐH Vinh chia sẻ: Nếu theo ngành sư phạm chỉ vì mục tiêu đầu ra thì không nên. Nghề giáo không chỉ là công việc để kiếm thu nhập, mà sản phẩm là học sinh. Một người thầy, người cô, ngoài kiến thức giảng dạy, sẽ có ảnh hưởng nhất định nào đó, đến hành vi, sự hình thành nhân cách của các em học sinh. Vậy nên, nếu chưa thấy yêu nghề dạy học, yêu học sinh thì bạn có thể hướng tới nhiều ngành nghề khác thay vì sư phạm. 

“Thứ quan trọng nhất khi theo đuổi một công việc nào đó là đam mê. Ngành Sư phạm không chỉ cần đam mê mà cả sự nỗ lực, kiên trì. Đồng thời cần một thế giới quan đặc biệt, hình thành một nhân cách đặc biệt. Vì sư phạm có nghĩa là chuẩn mực của người thầy, nên khi theo đuổi ngành sư phạm, chính là theo đuổi cái chuẩn mực đó. Lao động mà thầy cô giáo thực hiện là lao động đặc biệt và được gọi là lao động sư phạm. Sản phẩm của nó không phải là tiền, mà là nhân cách của học sinh. Do đó, nhân cách của thầy, cô giáo là nhân cách đặc biệt, mô phạm” - sinh viên Đậu Đăng Thiện nêu quan điểm.

Ảnh minh hoạ/INT (chụp trước thời gian giãn cách do dịch)
Ảnh minh hoạ/INT (chụp trước thời gian giãn cách do dịch)

Đào tạo đáp ứng xu hướng đổi mới

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đổi mới chương trình, sách giáo khoa, các trường sư phạm cũng nỗ lực trong việc cập nhật phương pháp, điều chỉnh nội dung đào tạo sinh viên.

Theo PGS. TS Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Mô hình đào tạo và chương trình đào tạo của nhà trường đã được xây dựng theo tiêu chí: vừa hướng tới đáp ứng việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vừa hướng tới đào tạo giáo viên có các năng lực nền tảng và chuyên ngành có thể thích ứng với các bối cảnh tương lai.

Theo đó, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội không thiết kế riêng chương trình đào tạo cử nhân sư phạm dạy tích hợp (ví dụ: Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý), nhưng sinh viên các ngành Khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học xã hội (Lịch Sử, Địa lý…) có thể đăng ký học thêm 1 gói các học phần đáp ứng yêu cầu về dạy học tích hợp, để có thể dạy được các môn tích hợp trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Định hướng này được đặt cơ sở ngay trong chương trình đào tạo của các ngành, đó là:  Trong chương trình của nhóm ngành đã có các học phần chung (ví dụ các học phần chung của nhóm ngành Khoa học tự nhiên, học phần chung của nhóm ngành Khoa học xã hội..). Các học phần dạy học tích hợp cũng đã được thiết kế thành chương trình bồi dưỡng cho giáo viên đang dạy học ở các trường phổ thông có nhu cầu dạy các môn tích hợp.

Với Trường ĐH Sư phạm TPHCM,  GS. TS Huỳnh Văn Sơn cho hay: Ngay từ năm 2016, Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã nghiên cứu, tìm hiểu các xu hướng đổi mới trong giáo dục và rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Những năm sau đó, trường đã tổng rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo để chương trình cập nhật sát hơn những thay đổi trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông, nhằm giúp cho sinh viên ra trường không bỡ ngỡ và có thể dạy ngay được theo chương trình mới.

Song song với đổi mới, cập nhật chương trình, nhà trường cũng có nhiều cải tiến trong hoạt động dạy và học để những giờ học trên giảng đường sẽ là những buổi "thực tập" về phương pháp dạy và học giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm nhiều hơn và vững vàng hơn khi ra trường giảng dạy.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ