Nhìn thấy cô, con khóc toáng lên thì cần chuyển lớp ngay

GD&TĐ - Đến trường mầm non là một bước ngoặt quan trọng với trẻ. Đây là thời điểm đánh dấu sự thay đổi lớn trong cuộc đời của trẻ. Để trẻ nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, cha mẹ cần có sự lựa chọn trường mầm non an toàn cho trẻ.

Ảnh minh họa - nguồn internet
Ảnh minh họa - nguồn internet

Tâm lý lo lắng

Chuyển tiếp từ môi trường gia đình vốn quen thuộc sang môi trường mầm non xa lạ mang lại nhiều khó khăn, thách thức và bỡ ngỡ với trẻ. Đối với các bé lần đầu đến trường mầm non, đa số trẻ đều có phản ứng khóc, vì lần đầu đến với một môi trường lạ, con người cũng xa lạ, và cảm giác bị người thân bỏ rơi.

Đối với các bậc phụ huynh, việc cho con đi học khi tuổi còn quá nhỏ (tuổi mầm non) luôn luôn có cảm giác bất an, lo lắng về mọi mặt. Nhiều phụ huynh lần đầu đưa con đến lớp đã đứng tại lớp khóc cùng con khi thấy con khóc, khiến cô giáo không biết phải vỗ về con thế nào.

Thậm chí có phụ huynh còn tâm sự rằng “1 tháng đầu cho con đi học, họ ngồi xem camera từ sáng đến chiều, không rời mắt khỏi màn hình và thậm chí không dám đi ăn uống mà yêu cầu người nhà mang tận bàn máy tính vừa ăn vừa xem cho đến lúc đón con về”…Chính vì vậy, phụ huynh cần có sự chuẩn bị về mặt tâm lý cũng như có kiến thức khi chuẩn bị chọn trường mầm non cho con.

Tìm hiểu cẩn thận về trường mầm non

Theo TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội, trường mầm non sẽ là ngôi trường đầu tiên trong cuộc đời con. Vì thế cha mẹ cần tìm hiểu cẩn thận về trường mầm non trước khi cho trẻ đến học.

Trường mầm non là một bước ngoặt quan trọng đầu tiên của trẻ (ảnh internet)
Trường mầm non là một bước ngoặt quan trọng đầu tiên của trẻ (ảnh internet) 

TS Vũ Thu Hương đưa ra 5 lưu ý khi chọn trường mầm non cho con:

Thứ nhất, Giấy phép hoạt động của trường. Cha mẹ không cần lo lắng nếu đó là trường công lập. Nếu là trường tư, ở biển hiệu có ghi thêm chữ Phòng Giáo dục Quận thì bố mẹ không phải quá lo lắng. Tuyệt đối không đưa con vào các cơ sở trông giữ trẻ không có biển hiệu hay giấy phép.

Thứ 2, Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì con sẽ ăn ở đó nên bố mẹ khéo léo yêu cầu xem giấy phép này. Các cơ sở chui thường không bao giờ có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thứ ba, Bằng cấp của cô giáo. Các cha mẹ có thể thỏ thẻ: "Em ơi, giờ ở khắp nơi có quá nhiều các cô giáo không có bằng cấp đi dạy con, làm con sợ. Chị biết trường mình không thế nhưng ông bà nội cháu không tin, cho chị mượn bằng của em, photo công chứng cũng được, chị chụp cái ảnh đem về cho ông bà xem được không?" sau đó chụp lại rồi mang về nhà nghiên cứu.

Thứ tư, Khuôn viên trường có sạch không? Có phù hợp với trẻ không? Nếu phù hợp thì cầu thang phải thấp (Các bậc cầu thang thấp độ chừng 10cm thôi thì con mới bước mà không ngã).

Trường nào có sân chơi cát thì gửi ngay, không cần suy nghĩ. Vì chơi cát là việc cực kì cần thiết và quan trọng với sự phát triển trí não của trẻ. Trường có sân chơi cát là đã chứng tỏ người đứng đầu trường có hiểu biết sư phạm mầm non rất tốt.

Thứ năm, Khuôn viên lớp học phải rộng, bố trí phù hợp và không quá ngăn nắp. Nếu lớp học có nhiều đồ chơi mà ngăn nắp quá chứng tỏ đồ chơi chỉ để đó để phụ huynh nhìn thấy chứ các con chẳng bao giờ được chơi.

Nếu trường nào dán nhiều tranh các bé vẽ mà không ngay ngắn lắm thì càng tốt, chứng tỏ các cô rất chú trọng việc dạy con và đưa sản phẩm của con lên tường. Các sản phẩm của trẻ và đồ dùng học tập quá ngăn nắp thì không nên gửi con, vì có nghĩa là cơ sở đó không hoạt động sư phạm thực chất.

Sau khi xem xét các yếu tố trên thấy ổn thì bố mẹ có thể yên tâm gửi con được. Tuy nhiên, có 1 nhà thông thái mà các cha mẹ có thể tham khảo ý kiến rất tốt đó là các em bé. Trẻ con rất giỏi trong việc nhận ra ai là người tốt với chúng. Nếu tập cho con quen trường lớp rồi, con vui vẻ đi học, không khóc, nhưng cứ nhìn thấy cô giáo đó là khóc toáng lên thì cần chuyển lớp ngay, "chuyên gia" đã cảnh báo cho chúng ta về một giáo viên không phù hợp.

Theo TS Vũ Thu Hương, khi con về nhà, liên tục hỏi han con về trường lớp. Nhiều khi, người giữ trẻ đánh không để lại dấu vết trên cơ thể. Không nên hỏi "Hôm nay con học gì?", thay vào đó hãy hỏi con theo kiểu: "Ngày xưa bố/mẹ đi học vui lắm, cô giáo thường cho ăn bánh này, cho ăn kẹo này, cho hát này"... Lập tức trẻ sẽ "buôn dưa" về lớp học của nó nếu nó đủ khả năng ngôn ngữ để trả lời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ