Người cựu chiến binh hơn 20 năm tìm mộ đồng đội

GD&TĐ - Với lời hứa: “Người còn sống bằng mọi giá phải ghi chép thông tin đồng đội, tìm kiếm nơi chôn cất và đưa thông tin đó đến thân nhân đồng đội”, ông Phạm Song Toàn (thôn Văn Xá, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội) suốt hơn 20 năm đã có hàng chục lần trở lại chiến trường xưa để ghi chép thông tin, tìm mộ đồng đội đã hi sinh tại chiến trường Quảng Trị.

Cựu chiến binh Phạm Song Toàn vẫn ghi hàng ngày ghi chép thông tin, tìm đồng đội đã hi sinh tại chiến trường Quảng Trị.
Cựu chiến binh Phạm Song Toàn vẫn ghi hàng ngày ghi chép thông tin, tìm đồng đội đã hi sinh tại chiến trường Quảng Trị.

Hơn 20 năm tìm mộ đồng đội

Tìm ông Phạm Song Toàn ở thôn Văn Xá,  chúng tôi được biết người dân nơi đây ai cũng biết đến anh bộ đội Cụ Hồ năm xưa, giờ luôn là điểm sáng ở địa phương.

Tham gia chiến đấu chiến trường Quảng Trị từ năm 1966-1973, nơi đây luôn là trận địa “đi dễ, khó về” trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Kể với chúng tôi về những ngày tham gia chiến đấu, ông Toàn chia sẻ: Mình may mắn còn sống trở về quê hương, nhưng biết bao đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Tôi luôn tự hứa với lòng mình: “Người còn sống bằng mọi giá phải ghi chép thông tin đồng đội, tìm kiếm nơi chôn cất và đưa thông tin đến thân nhân”.

Là người trực tiếp kề vai sát cánh cùng chiến đấu, ông Toàn biết rõ nơi chôn cất những đồng đội của mình. Vì vậy, suốt 20 năm qua, ông Toàn đã có 39 chuyến đi đến 29 nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế để ghi chép thông tin gần 3.000 liệt sĩ. Bằng những nỗ lực đó, ông Toàn đã cung cấp thông tin giúp hàng trăm gia đình đưa được hài cốt liệt sĩ về với quê hương.

“Phải có thông tin chính xác từ đồng đội còn sống, chính quyền thì hãy đi tìm còn không tìm mà vô định thì đi chỉ mất công. Tuyệt đối không nên tin vào những nhà ngoại cảm vì hiện nay rất nhiều nhà ngoại cảm lợi dụng lòng tin của thân nhân mà lừa đảo trục lợi”. Ông Phạm Song Toàn chia sẻ

20 năm vào chiến trường xưa tìm đồng đội là quãng thời gian ông phải tranh thủ nhờ người thân làm giúp công việc những lúc ông vắng nhà. Rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ vào nhiều nghĩa trang tìm mộ đồng đội, cũng không ít lần ông bị nghi ngờ là người bán thông tin để trục lợi.

Để minh chứng cho việc làm của mình, người lính già ấy luôn phải mang theo những tờ báo của ông Trịnh Tiến Hòa là người chuyên ghi chép thông tin đồng đội đăng trên báo Hà Tây (cũ), để mọi người tin việc làm của ông vì nghĩa tình đồng đội.

Trò chuyện với PV báo GD&TĐ, ông Phạm Song Toàn nhớ lại: “Có lần cả đoàn vào đến Thanh Hóa để đưa mộ một đồng đội về thì bị lật xe xuống ruộng, nhưng rất may không ai bị thương. Nhìn thấy các bà, các mẹ đầu tóc đầy bùn đất, lúc đó vừa sợ mà cũng vừa mừng cười ra nước mắt. Rồi những khi vào rừng muỗi đốt đỏ kín tay, ngứa đến mấy ngày mới hết. Hay những lúc đi dưới cái nắng miền Trung hơn 40 độ khiến tôi phải nghỉ đến 5 lần mới đến được nghĩa trang tiếp theo”.

Nỗi vất vả cũng đã từng khiến ông có lần muốn từ bỏ công việc đang làm, nhưng khi nhớ lại những bà mẹ Việt Nam anh hùng trên vùng đất Sơn Tây, hay niềm hạnh phúc của các thân nhân khi mang được hài cốt liệt sĩ trở về quê hương, ông lại tiếp tục lao vào công việc. Ông Toàm tâm sự: “Gặp những bà mẹ xúc động, khóc nghẹn ngào khi đón được hài cốt liệt sĩ, tôi lại thấy động lực tiếp tục lao vào tìm kiếm những đồng đội vẫn còn nằm lại nơi chiến trường xưa”.

Đến nay, tuổi đã cao, sức khỏe không còn cho phép ông Toàn thực hiện được những chuyến đi tìm mộ đồng đội, ông tiếp tục làm công việc trồng hàng cây xanh làm bóng mát cho dân làng nghỉ ngơi. Đồng thời, chăm lo hương khói cho những đồng đội ở nghĩa trang liệt sỹ tại quê hương.

Hãy truyền cảm hứng lịch sử cho lớp trẻ

Chia sẻ với chúng tôi về lý do lên đường nhập ngũ, giọng người cựu chiến binh hào sảng nói: “Thời chúng tôi, chính những trang sách lịch sử của dân tộc được các thầy cô truyền cảm hứng là động lực thôi thúc chúng tôi lên đường chiến đấu giành độc lập”.  

Được biết, đây cũng là lý do mà người con trai duy nhất trong gia đình quyết tâm cầm súng lên đường ra mặt trận.

Ông Phạm Song Toàn chia sẻ, nay đọc những thông tin học sinh chưa thực sự yêu môn Lịch sử, mà chỉ học Lịch sử vì điểm số để qua môn, ông không khỏi trăn trở. Bởi theo ông, điều này sẽ khiến học sinh không nhận thức được tầm quan trọng của môn học này.

Trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, việc giao thoa các nền văn hóa của các nước trên thế giới rất mạnh mẽ. Để “Hòa nhập nhưng không hòa tan” thì mỗi người dân phải biết rõ lịch sử đất nước nhà, trước khi tiếp thu văn hóa nước ngoài .

“Lịch sử phải được vun đắp qua nhiều ngày chứ không phải nói là học sinh yêu luôn được. Tầm quan trọng và nhiệt huyết của những giáo viên dạy lịch sử thực sự là quan trọng. Phải có hướng đi đúng đắn để có thể giáo dục học sinh yêu hơn lịch sử đất nước mình” - Ông Phạm Song Toàn chia sẻ về câu chuyện học lịch sử.

Ông Phạm Song Toàn chia sẻ với chúng tôi: “Những người đã anh dũng hi sinh cho đất nước luôn được ghi nhận và thế hệ sau cần biết lịch sử để nhớ ơn những người đã nằm xuống vì độc lập tự do cho đất nước. Nếu không biết lịch sử, thì làm sao biết được tiềm năng của đất nước là gì để phát triển”.

Tâm sự với chúng tôi về chuyện học môn Lịch sử của học sinh để đối phó qua môn. Ông Toàn cho rằng: “Học lịch sử không quá khó, chủ yếu là học sinh yêu và hứng thú với môn Lịch sử. Các nhà trường, các thầy cô giáo cần tạo cảm hứng cho học sinh thấy yêu lịch sử đất nước chứ không phải học qua loa vì điểm số”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ