Nâng chất đội ngũ giáo viên đáp ứng Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Xuất phát từ quan điểm “thành bại của công việc quyết định ở con người”, nên nhà trường coi việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ trọng tâm khi chuẩn bị các điều kiện áp dụng Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Đó là chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Bắc - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (TP Cần Thơ) về bước chuẩn bị để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Nâng chất đội ngũ giáo viên đáp ứng Chương trình GDPT mới

“Thành bại quyết định ở con người”

Theo thầy Nguyễn Văn Bắc: Trường đã tiến hành xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho việc triển khai áp dụng Chương trình, sách giáo khoa GDPT mới phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Xuất phát từ quan điểm “thành bại của công việc quyết định ở con người”, nên nhà trường coi việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ trọng tâm cho cả giai đoạn chuẩn bị 2018 - 2021.

Thầy Bắc, cho biết: Chương trình GDPT mới có những điểm mới căn bản so với chương trình GDPT hiện hành. Cụ thể là thay đổi cấu trúc của mạch kiến thức theo hai giai đoạn: Cơ bản và định hướng nghề nghiệp (ở cấp THPT là định hướng nghề nghiệp). Sự phát triển của các mạch nội dung kiến thức cốt lõi được gắn với sự phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Chương trình đảm bảo tính tích hợp và phân hóa; mang tính mở, mềm dẻo và linh hoạt. Với những điểm mới căn bản ấy, Chương trình GDPT mới hướng đến mục tiêu hình thành ở học sinh năng lực vận dụng tổng hợp các kiến thức đã học để giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra.

Công tác chuẩn bị cho việc tiếp nhận và triển khai Chương trình GDPT mới (đặc biệt là năng lực đội ngũ giáo viên) đã được Bộ GD&ĐT tiến hành từ nhiều năm trước thông qua các đợt tập huấn giáo viên với các chủ đề: Vận dụng phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực của học sinh; Kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy năng lực học sinh; Phát triển chương trình giáo dục môn học theo hướng tích hợp liên môn; Phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực; Công tác tư vấn tâm lý học đường…

Thế nhưng, các nội dung tập huấn ấy có trở thành năng lực nghề nghiệp của giáo viên hay không lại đòi hỏi nhiều yếu tố. Mà yếu tố quan trọng nhất chính là sự chủ động tạo điều kiện và động viên giáo viên học tập, rèn luyện của cán bộ quản lý trường.

Đối với Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, khó khăn lớn nhất trong việc chuẩn bị đội ngũ là trường đang ở giai đoạn chuyển giao độ tuổi. Đến thời điểm áp dụng chương trình mới thì trường có 16 giáo viên nghỉ hưu, hết chu kỳ thay sách giáo khoa năm 2025 có thêm 18 giáo viên nghỉ hưu, chiếm tỷ lệ 39,5% đội ngũ giáo viên của trường.

Nhà trường triển khai linh hoạt

Cũng theo thầy Nguyễn Văn Bắc: Trong việc nâng chất đội ngũ giáo viên, ban giám hiệu trường đặt ra hai nhiệm vụ: Thứ nhất là động viên giáo viên lớn tuổi tiếp tục tự bồi dưỡng để đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ theo chương trình GDPT hiện hành với định hướng mới, vừa là tấm gương cho đội ngũ giáo viên trẻ noi theo trong việc tự học, tự rèn. Thứ hai là xây dựng đội ngũ giáo viên của trường còn thời gian phục vụ từ 8 năm trở lên trở thành lực lượng cốt cán của trường trong việc giáo dục học sinh theo Chương trình GDPT mới.

Theo đó, giải pháp trước tiên là học tập, bồi dưỡng bằng cách tổ chức tìm hiểu chương trình GDPT của môn học. Xây dựng và phát triển chương trình môn học của nhà trường. Sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Xây dựng kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng. Học tập thông qua trải nghiệm…

Ở giải pháp chuyên môn, công tác chỉ đạo của ban giám hiệu sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình nghiên cứu chương trình môn học mới; kiểm tra tiến độ dự thảo kế hoạch giáo dục môn học mới. Tổ chức hội thảo cho các môn cùng nhóm Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội để tìm giải pháp tích hợp liên môn phù hợp nhất. Tổ chức các hội thi với tiêu chí và cách đánh giá phù hợp với chương trình môn học mới nhằm tạo động lực cho giáo viên nghiên cứu. Sử dụng trang mạng “Trường học kết nối” trong bồi dưỡng thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Tiếp theo là củng cố hoạt động của tổ chuyên môn theo hướng trao đổi, bàn bạc khi nghiên cứu chương trình môn học mới, giúp cả tổ cùng nắm rõ những khác biệt giữa hai chương trình.

Lập các nhóm trao đổi của môn học trong và ngoài trường trên trang “Trường học kết nối” nhằm tạo điều kiện nghiên cứu sâu rộng chương trình, sách giáo khoa mới.

Tạo điều kiện cho giáo viên trẻ giảng dạy toàn cấp để có đánh giá tốt hơn khi nghiên cứu chương trình môn học.

Xây dựng các nhóm học tập trong tổ nhằm giúp đỡ nhau mau chóng nắm bắt và triển khai nội dung bồi dưỡng. Kiểm tra, đôn đốc các thành viên trong tổ cùng tham gia các hoạt động chuyên môn chung…

Giải pháp quản lý đội ngũ bằng cách thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại giáo viên; đưa nhiệm vụ phấn đấu để năng lực đáp ứng yêu cầu chương trình mới của giáo viên vào hệ thống tiêu chí đánh giá.

Hoàn thiện quy chế làm việc của đơn vị dựa trên yêu cầu nhiệm vụ của mỗi vị trí việc làm. Nội dung học tập để đáp ứng Chương trình GDPT mới được đưa vào một nhiệm vụ của giáo viên.

Tổ chức phong trào thi đua “dạy và học” trong giáo viên và học sinh, bảo đảm sự tiến bộ của tập thể học sinh là kết quả của phong trào thi đua giáo viên và kết quả phong trào thi đua giáo viên là động lực của phong trào thi đua học sinh.

Trong các phong trào thi đua này thì Công đoàn cơ sở và Đoàn trường sẽ giữ vai trò chủ đạo. Xây dựng môi trường văn hóa nhằm gắn kết con người với con người, con người với nhà trường. Từ đó, mỗi thành viên của trường có động lực phấn đấu để nhà trường ngày một tốt hơn.

Lộ trình thực hiện cụ thể là trong năm 2018 đội ngũ giáo viên của trường phải nghiên cứu kỹ chương trình môn học; nghiên cứu sách giáo khoa mới khi được công bố. Từ cuối năm 2018 - 2021, các tổ chuyên môn vừa điều chỉnh chương trình môn học hiện hành tiếp cận định hướng mới; vừa lần lượt dự thảo kế hoạch giáo dục của môn học theo chương trình môn học mới...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.