Nâng cao khả năng tự học Hóa học với kỹ năng đọc SGK

GD&TĐ - Tăng cường hoạt động học tập của HS với sách giáo khoa (SGK) dưới sự hướng dẫn của giáo viên là một trong những hướng đổi mới phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của HS. Từ SGK, HS có thể tiếp cận được những kiến thức cơ bản, hiện đại, có tính hệ thống của môn Hóa học.

Nâng cao khả năng tự học Hóa học với kỹ năng đọc SGK

Tăng hiệu quả chuẩn bị bài mới với SGK

Để chuẩn bị bài học mới, thầy Trần Thanh Tường - Giáo viên Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) - cho biết, thường cố gắng tận dụng thời gian ít ỏi khoảng 3 - 5 phút trong phần củng cố dặn dò của tiết học trước, hướng dẫn HS về nhà đọc SGK và trả lời các câu hỏi mà SGK yêu cầu, ghi lại phần trả lời vào tập. Hoặc giáo viên có thể cho những câu hỏi không có trong SGK, đến tiết học sau yêu cầu một vài HS trả lời, có cho điểm đánh giá kết quả.

“Hoạt động này phải diễn ra liên tục mới có hiệu quả cao. Giáo viên cần thường xuyên kiểm tra dưới nhiều hình thức như: Kết hợp với kiểm tra bài cũ; thu vở của HS kiểm tra có nhận xét đánh giá; nhắc nhở kịp thời HS không chuẩn bị bài mới trước khi đến lớp; tuyên dương những HS chuẩn bị bài tốt ở nhà” - thầy Trần Thanh Tường lưu ý.

Tuy nhiên, khi cho câu hỏi về nhà, giáo viên nên chọn những câu hỏi dựa trên nền kiến thức cũ, tạo cho HS kết nối, kế thừa giữa vốn kiến thức cũ với việc tìm hiểu kiến thức mới. Câu hỏi có tính định hướng làm HS dễ hiểu, dễ tìm dựa vào SGK hoặc các tài liệu có liên quan mới kích thích được HS. Nếu cho câu hỏi quá khó dễ làm cho HS chán nản, không hứng thú khi được yêu cầu chuẩn bị bài trước ở nhà.

Thầy Tường đưa ví dụ, để chuẩn bị bài “Clo” cho HS khối 10, giáo viên yêu cầu HS về nhà đọc SGK và trả lời các câu hỏi: Hãy cho biết trạng thái, màu sắc, mùi vị, khối lượng riêng của Clo ở điều kiện thường? Hãy dựa vào độ âm điện và số oxi hóa của Clo trong các hợp chất HCl, HClO, HClO2, HClO3, HClO4. Hãy cho biết Clo có những tính chất hóa học đặc trưng nào? Viết phương trình phản ứng minh họa? Hãy trình bày các phương pháp điều chế khí Clo? Viết phương trình phản ứng minh họa?

Sử dụng SGK khi học bài trên lớp

Sử dụng SGK vào bài học trên lớp thực ra là sự tiếp nối liền mạch quá trình HS chuẩn bị bài mới ở nhà. Sau khi kiểm tra bài cũ xong, giáo viên yêu cầu một vài HS trả lời các câu hỏi đã cho về nhà lên bảng, qua phần trả lời của HS giáo viên chỉnh sửa liên hệ để vào bài mới.

Chia sẻ điều này, thầy Trần Thanh Tường cho rằng, trên lớp, giáo viên chỉ hướng dẫn HS tự chiếm lĩnh kiến thức trong SGK. Hướng dẫn HS sử dụng SGK trên lớp không có nghĩa là lúc nào HS cũng chăm chăm theo dõi vào SGK mà quên mất lời giảng của giáo viên. Giáo viên nên nêu câu hỏi cho cả lớp, yêu cầu suy nghĩ từ 1 - 2 phút và chỉ định HS trả lời. Số còn lại lắng nghe để sau đó có nhận xét bổ sung. Cuối cùng, giáo viên hoàn chỉnh câu trả lời.

“Câu hỏi cần kích thích suy nghĩ, phát huy được trí tuệ của HS, đòi hỏi phải động não mới sáng tỏ được những điều giáo viên đặt ra; cần đưa câu hỏi phù hợp, gắn liền với kiến thức trọng tâm bài học. Giáo viên có thể dựa vào tranh ảnh trong SGK để đặt câu hỏi cho HS tự nghiên cứu trả lời. Cần thiết phải có các câu gợi ý, dẫn dắt để HS trả lời các ý, từ đó hoàn chỉnh vấn đề cần trả lời.

Ví dụ, với bài “Clo”, giáo viên có thể đặt các câu hỏi: Hãy xác định số oxi hóa các chất trên phương trình phản ứng đã được trình bày lên bảng và nêu vai trò của Clo ở mỗi phương trình phản ứng? Cho biết tại sao Clo là một chất khí độc, nhưng vẫn được sử dụng sát trùng nước trong hệ thống cung cấp nước sạch? Tại sao khi điều chế khí Clo trong công nghiệp, bằng phương pháp điện phân dung dịch muối Natri Clorua bão hòa người ta phải dùng màng ngăn giữa hai điện cực?” - thầy Tường gợi ý.

Lưu ý với giáo viên khi hướng dẫn HS sử dụng SGK

Để rèn HS đọc SGK, nâng cao khả năng tự học môn Hóa học, theo thầy Tường, trước hết giáo viên cần nắm vững và lựa chọn một số phương pháp dạy học thường vận dụng với môn học này; phối hợp linh hoạt các phương pháp; đặc biệt không quá lệ thuộc vào SGK, không cố dạy hết toàn bộ nội dung kiến thức theo sách. Việc khai thác sâu kiến thức trong SGK phải phù hợp với khả năng tiếp thu của HS. Vì trong chương trình có bài quá dài không thể truyền đạt hết nội dung ở một tiết học nên giáo viên cần tập trung vào kiến thức cơ bản tối thiểu mà chuẩn kiến thức, kĩ năng yêu cầu cần đạt được.

Một yêu cầu hết sức quan trọng là giáo viên cần chuẩn bị một số câu hỏi liên quan nội dung bài học, dựa vào những hoạt động hệ thống câu hỏi như: Nhận biết, gợi mở, nêu vấn đề, câu hỏi định hướng, câu hỏi tình huống, câu hỏi tái hiện, câu hỏi mang tính suy luận, cần có các hoạt động dẫn dắt vào bài, chuyển ý tạo hứng thú học tập cho HS.

“Hệ thống câu hỏi trong từng bài học có ý nghĩa cực kì quan trọng. Câu hỏi phải thực sự tạo được tình huống có vấn đề, từ đó phát huy tính tích cực của HS trong học tập. Để xây dựng được một hệ thống câu hỏi đạt yêu cầu đòi hỏi người giáo viên phải dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, tìm tòi, cân chỉnh, rút kinh nghiệm qua soạn bài, qua sự thể hiện ở các giờ lên lớp, qua nhiều năm công tác.

Mỗi tiết dạy đưa ra nhiều hay ít câu hỏi còn tùy thuộc vào từng bài và đối tượng HS. Điều quan trọng nhất là đưa ra được các câu hỏi cần thiết vừa đủ, có chất lượng, có tác dụng thiết thực tạo được các tình huống có vấn đề, kích thích tư duy của HS khám phá kiến thức. Có bài hầu như chỉ phù hợp với phương pháp thuyết trình, tuy nhiên nếu chịu khó tìm tòi, cân nhắc, người giáo viên vẫn có cơ hội đưa ra được một số câu hỏi tạo tình huống có vấn đề làm tăng hiệu quả giờ dạy” - thầy Trần Thanh Tường nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.