Mùa lạnh: Bảo vệ trẻ bằng cách nào?

GD&TĐ - Bảo vệ sức khỏe và giữ ấm cho học sinh được các gia đình và nhà trường ưu tiên, đặc biệt đối với trẻ vùng cao. Theo lời chuyên của chuyên gia, mùa lạnh, cần bảo vệ trẻ từ bên trong và bên ngoài.

Phụ huynh phòng rét cho con. Ảnh minh họa: Internet
Phụ huynh phòng rét cho con. Ảnh minh họa: Internet

Giữ ấm theo điều kiện thực tế

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết giá rét khiến trẻ em rất dễ bị ốm. Vì vậy, điều  quan trọng với cha mẹ phải biết cách giữ ấm cho con để duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định mà vẫn thấy thoải mái, đặc biệt là vào ban đêm và lúc đi ra ngoài. Nhiều cha mẹ lo lắng không biết con mặc thế nào là đủ ấm. Mặc quá nhiều khiến con khó chịu mà ít quá con sẽ lạnh và dễ mắc cảm lạnh.

Mặc ấm là cách đầu tiên để giữ sức  khỏe cho trẻ. Do vậy, PGS.TS.BS Tôn Nữ Vân Anh (Trung tâm Nhi – Bệnh viện TW Huế) khuyến nghị: 4 điểm trên cơ thể con luôn cần giữ ấm, đó là bàn tay, bàn chân, bụng và lưng. Cha mẹ cần giữ bàn tay con ấm, không bị lạnh, không bị đổ mồ hôi. Cũng như bàn tay, lưng trẻ cần được giữ ấm vừa phải vì nếu đổ mồ hôi ở lưng mà không được lau kịp thời, mồ hôi sẽ thấm ngược vào trong cơ thể trẻ, dẫn đến nhiễm lạnh. Theo PGS Tôn Nữ Vân Anh, nếu cha mẹ thấy cổ và lưng của con lạnh, điều đó có nghĩa là con cần được mặc thêm quần áo.

Bụng được giữ ấm sẽ bảo vệ dạ dày của trẻ. Nếu bụng lạnh, dạ dày lạnh ảnh hưởng đến tiêu hóa và hấp thụ thức ăn của con. Còn bàn chân là một trong những bộ phận nhạy cảm nhất trong cơ thể trẻ bởi dưới bàn chân có nhiều mạch và huyết. Nếu bàn chân không được giữ ấm, trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý giữ ấm đôi bàn chân cho con mình trong những ngày giá rét, đi tất cho con dù ở trong nhà, đi thêm giày khi ra ngoài.

Nguyên tắc đầu tiên để mặc ấm cho trẻ là nên mặc nhiều lớp áo vì giữa các lớp quần áo sẽ có một lớp khí, giúp cách nhiệt và giữ nhiệt tốt. Cùng với đó, khi các lớp vải ma sát với nhau cũng giúp sinh ra nhiệt. Cha mẹ có thể cho trẻ mặc thêm một lớp quần bó sát ở bên trong để giúp giữ ấm phần chân cho trẻ.

Nhất thiết giữ ấm cổ và đầu bằng khăn và mũ. Vùng cổ rất nhạy cảm với nhiệt độ bên ngoài nên cha mẹ lưu ý trang bị và nhắc nhở con luôn bảo vệ cổ để giảm nguy cơ nhiễm lạnh có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Cùng với đó tùy theo nhiệt độ, cha mẹ trang bị tất, găng tay, bịt tai, các loại mũ, giày để hỗ trợ giữ ấm cho con. Với những ngày thời tiết giá lạnh, cách tốt nhất cha mẹ nên tuân thủ nguyên tắc trang bị “kín từ chân đến đầu”.

PGS Tôn Nữ Vân Anh khuyến cáo: Tại trường học, đặc biệt vùng khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế cần lưu ý hơn việc giữ ấm cho trẻ. Nên tránh  gió lùa và nhiệt độ phòng đủ ấm. Nhà trường có thể tùy điều kiện thực tế mà tận dụng các cách giữ ấm cho học sinh như: Đốt củi để sưởi, đun nước đầy đủ để trẻ được uống nước ấm, bảo vệ cổ họng, hạn chế các bệnh về đường hô hấp. Lưu ý, không được đốt than trong phòng kín dễ khiến trẻ bị ngạt khí, gây hại sức khoẻ thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Giữ ấm từ bên trong bằng dinh dưỡng

Trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào, chăm sóc tốt nhất về dinh dưỡng cho trẻ luôn là ưu tiên của các bậc phụ huynh. Trong điều kiện thời tiết lạnh, cha mẹ cần lưu ý phương pháp bảo vệ sức khoẻ cho con mình một cách khoa học. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo cha mẹ nên tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng việc bổ sung thực đơn đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là các loại rau xanh, trái cây chứa nhiều vitamin, cho trẻ uống đủ nước và nước ấm.

Theo BS Đào Thị Hảo (Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện TWQĐ 108), mùa lạnh cơ thể cần tăng cường thêm dinh dưỡng để có đủ năng lượng chống chọi với thời tiết. Phản xạ run rẩy khi thời tiết lạnh một mặt giúp cơ thể sản sinh năng lượng chống rét nhưng cũng khiến trẻ kiệt sức nhanh nếu dinh dưỡng không đủ. Để tăng sức đề kháng của cơ thể, cha mẹ cần cho con ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, trái cây. Ngoài ra, cha mẹ nên hạn chế cho con ăn các món lạnh, đồ ăn vừa lấy từ tủ lạnh ra vì dễ làm cơ thể bị lạnh.

BS Đào Thị Hảo khuyến nghị: Để tăng cường thể lực cho con trong mùa lạnh, các nhóm dinh dưỡng cha mẹ nên bổ sung, tăng cường cho con gồm tinh bột và nhóm cung cấp năng lượng chủ yếu. Chất béo ngoài cung cấp nguồn năng lượng lớn còn chứa acid béo và là dung môi hoà tan các vitamin tan trong dầu. Khi chuyển hóa chất đạm thường sinh nhiệt lượng lớn, điều này giúp giữ ấm cơ thể. Vitamin cần chú trọng các vitamin C, B giúp tăng cường miễn dịch và chuyển hóa chất tinh bột có nhiều trong rau xanh, cà chua, táo. Tinh dầu, tỏi giúp tiêu diệt các vi sinh vật, phòng ngừa cảm lạnh và tăng sức đề kháng, giúp cơ thể giải cảm, ấm bụng, kích thích tiêu hóa.

Bí quyết đơn giản là cho trẻ ăn đầy đủ tinh bột, nhiều rau củ có màu xanh đậm, thịt gia cầm và uống sữa nóng ấm trong mùa lạnh. Với bữa ăn học đường, nhà trường nên lưu ý nhóm dưỡng chất cần thiết, đặc biệt nên quan tâm bữa ăn nóng sốt. Chỉ bằng những lưu ý rất nhỏ trong thực đơn có thể tiếp thêm năng lượng giúp trẻ khỏe mạnh, năng động trong mùa đông. - BS Đào Thị Hảo 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ