Môn Lịch Sử và Địa Lí THCS trong Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Nhóm biên soạn chia sẻ đặc điểm quan trọng của môn Lịch sử và Địa lý THCS; mục tiêu; phẩm chất, năng lực CT góp phần hình thành, cũng như đặc điểm khái quát về nội dung giáo dục của môn học.  

Ứng dụng CNTT trong dạy và học môn Địa lý - Lịch sử THCS. Ảnh: Đức Chiêm
Ứng dụng CNTT trong dạy và học môn Địa lý - Lịch sử THCS. Ảnh: Đức Chiêm

Môn học bắt buộc ở THCS

Lịch sử và Địa lí cấp THCS là môn học bắt buộc, được dạy học ở cả bốn lớp (6, 7, 8 và 9). Môn học tiếp nối môn Lịch sử và Địa lí cấp tiểu học, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc giúp HS học tập các môn Lịch sử, Địa lí ở cấp THPT.

CT môn học tuân thủ quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực và kế hoạch giáo dục được xác định trong CT tổng thể, đồng thời hướng tới phát triển năng lực tư duy khoa học cho HS trên cơ sở sử dụng những kiến thức cơ bản, các công cụ học tập và nghiên cứu lịch sử và địa lí. Thông qua đó, HS có năng lực vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn. CT môn học kế thừa, phát huy ưu điểm CT hiện hành, tiếp thu kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới trong phát triển CT môn học; nội dung môn học vừa đảm bảo tính khoa học, hiện đại, dân tộc, vừa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí và trình độ nhận thức của HS. CT có tính mở, cho phép thực hiện mềm dẻo, linh hoạt tuỳ theo điều kiện của địa phương, đối tượng HS.

Về mục tiêu, CT môn Lịch sử và Địa lí (THCS) góp phần cùng các môn học và hoạt động giáo dục khác hình thành, phát triển ở HS các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, đặc biệt là tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về truyền thống dân tộc, thái độ tôn trọng sự đa dạng của lịch sử thế giới và văn hoá nhân loại, khơi dậy ở HS ước muốn khám phá thế giới xung quanh, vận dụng những điều đã học vào thực tế. Cùng với đó là năng lực lịch sử và năng lực địa lí trên nền tảng kiến thức cơ bản, có chọn lọc về lịch sử, địa lí thế giới, quốc gia và địa phương; các quá trình tự nhiên, kinh tế - xã hội và văn hoá diễn ra trong không gian, thời gian; sự tương tác giữa xã hội loài người với môi trường tự nhiên. CT giúp HS biết cách sử dụng các công cụ của khoa học lịch sử, khoa học địa lí để học tập và vận dụng vào thực tiễn.

Môn Lịch sử và Địa lí là một trong những môn học của CT giáo dục phổ thông nên phải góp phần hình thành và phát triển những phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm dưới góc độ lịch sử và địa lí. Cụ thể là yêu nước, yêu quê hương, yêu thiên nhiên; có ý thức, niềm tin và hành động cụ thể trong việc sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; bảo vệ di sản văn hóa nhân loại; yêu quý người lao động, tôn trọng những giá trị nhân văn khác nhau; rèn luyện được sự tự tin, trung thực, khách quan.

CT môn Lịch sử và Địa lí cấp THCS góp phần phát triển các năng lực chung (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo) và năng lực khoa học, ngoài ra còn góp phần phát triển năng lực tin học cho HS. Đặc biệt, CT góp phần hình thành và phát triển cho HS năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, cụ thể là năng lực đặc thù lịch sử và năng lực đặc thù địa lí, cụ thể:

Các năng lực đặc thù lịch sử, bao gồm năng lực tìm hiểu lịch sử, giúp HS bước đầu nhận biết được tư liệu lịch sử, hiểu được các văn bản chữ viết, hiện vật lịch sử, tranh ảnh, biểu đồ, bản đồ...; năng lực nhận thức và tư duy lịch sử, giúp HS bước đầu trình bày lại được các sự kiện và quá trình lịch sử cơ bản, xác định được các sự kiện lịch sử trong không gian và thời gian cụ thể, trình bày được sự phát triển của các sự kiện, hiện tượng lịch sử theo thời gian; giải thích được nguyên nhân, sự vận động của các sự kiện, quá trình, nhân vật lịch sử, bước đầu giải thích được mối liên hệ và đưa ra ý kiến riêng về các sự kiện lịch sử, các mối quan hệ nhân quả trong tiến trình lịch sử; năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng lịch sử đã học vào thực tiễn, thể hiện ở việc HS bước đầu có thể liên hệ những nội dung lịch sử đã học với thực tế cuộc sống.

Các năng lực đặc thù địa lí, bao gồm năng lực nhận thức khoa học địa lí, thể hiện qua khả năng nhận thức thế giới theo quan điểm không gian và giải thích các hiện tượng và quá trình địa lí (tự nhiên, kinh tế – xã hội); năng lực tìm hiểu địa lí, thể hiện qua khả năng sử dụng các công cụ của địa lí học và tổ chức học tập ở thực địa, khai thác Internet phục vụ môn học; năng lực vận dụng kiến thức địa lí vào thực tiễn, thể hiện qua khả năng vận dụng kiến thức thực tế để bổ sung, làm sáng rõ kiến thức địa lí; đồng thời vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học vào nhận thức hoặc nghiên cứu một chủ đề vừa sức trong thực tiễn.

HS THCS thích thú với tiết thực hành ngoài trời. Ảnh: Quý Trung
HS THCS thích thú với tiết thực hành ngoài trời. Ảnh: Quý Trung 

Khái quát đặc điểm nội dung

Về nội dung giáo dục, môn Lịch sử và Địa lí gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng. Tính tích hợp của môn học được thể hiện ở ba cấp độ: Tích hợp trong từng nội dung giáo dục lịch sử và giáo dục địa lí; tích hợp nội dung lịch sử trong những phần phù hợp của bài Địa lí và tích hợp nội dung địa lí trong những phần phù hợp của bài Lịch sử; tích hợp theo các chủ đề chung.

Mạch nội dung của phân môn Lịch sử được sắp xếp theo logic thời gian lịch sử từ thời nguyên thuỷ, qua cổ đại, trung đại, đến cận hiện đại. Trong từng thời kì, không gian lịch sử được tái hiện từ lịch sử thế giới, khu vực đến Việt Nam để đối chiếu, để tìm mối quan hệ giữa quốc tế và dân tộc, lí giải, làm sáng rõ những vấn đề lịch sử.

Mạch nội dung của phân môn Địa lí được sắp xếp theo logic không gian là chủ đạo, đi từ địa lí tự nhiên đại cương đến địa lí các châu lục, sau đó tập trung vào các nội dung của địa lí tự nhiên Việt Nam, địa lí dân cư và địa lí kinh tế Việt Nam. Chú trọng lựa chọn các chủ đề, kết nối kiến thức và kĩ năng để hình thành và phát triển năng lực ở HS, đồng thời coi trọng đặc trưng khoa học lịch sử và khoa học địa lí.

Mặc dù hai mạch nội dung được sắp xếp theo logic khác nhau, nhưng nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau. Có bốn chủ đề chung mang tính tích hợp cao được phân phối phù hợp với mạch nội dung chính của mỗi lớp, là: Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông; đô thị - lịch sử và hiện tại; văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; các cuộc đại phát kiến địa lí.

Cách thiết kế CT như trên vừa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 88 về dạy học tích hợp, vừa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội “tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong CT, sách giáo khoa mới”, đồng thời tạo điều kiện cho GV thực hiện CT. 

Để bảo đảm chất lượng dạy học môn Lịch sử và Địa lí, cần cung cấp đầy đủ ở mức cần thiết các thiết bị dạy học, nhằm thay đổi căn bản tình hình “dạy chay”, từng bước đưa trang bị và sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại trong dạy học, như bản đồ giáo khoa treo tường; atlat địa lí tự nhiên đại cương, địa lí các châu lục, địa lí Việt Nam, tập bản đồ lịch sử; mô hình hiện vật, sa bàn, tranh lịch sử, ảnh, băng ghi âm lời nói của các nhân vật lịch sử...; mẫu vật về tự nhiên; tranh ảnh, sơ đồ, lược đồ, các video clip phù hợp; các phiếu học tập, tờ bài tập (bản đồ /lược đồ, biểu đồ, sơ đồ); dụng cụ, thiết bị thông thường để quan sát tự nhiên (địa bàn, nhiệt kế, ẩm kế, khí áp kế); một số dụng cụ thực hành, thực địa; thư viện digital chứa các kho tư liệu dạy học Lịch sử và Địa lí; phần mềm dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ