Mẹo học phần Công dân với các quyền dân chủ

GD&TĐ - Cô Nguyễn Thị Sao - GV môn Giáo dục Công dân (GDCD), Trường THPT Tô Hiệu (huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) chia sẻ bí quyết ôn tập giúp HS lớp 12 ghi điểm cao trong bài Công dân với các quyền dân chủ (bài 7).

Cô Sao trong giờ ôn tập môn GD Công dân cho học sinh lớp 12.
Cô Sao trong giờ ôn tập môn GD Công dân cho học sinh lớp 12.

Nắm vững, phân biệt 3 nhóm quyền

Đề thi minh họa Bộ GD&ĐT công bố là cơ sở để học sinh bám sát “ma trận” để ôn tập một cách hiệu quả và đúng trọng tâm. Theo cô Nguyễn Thị Sao, đề thi môn Giáo dục Công dân (GDCD) năm 2021 cơ bản đáp ứng được 2 mục tiêu cùng lúc là thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Nếu học trò chăm chỉ, nắm vững kiến thức trọng tâm có thể đạt được điểm cao.

Để học sinh nắm vững và xuyên suốt nội dung đã học, cô Sao xây dựng các chuyên đề giảng dạy cụ thể như: Công dân với sự phát triển kinh tế; Hàng hóa - tiền tệ - thị trường; pháp luật và đời sống; Thực hiện pháp luật, Công dân với các quyền tự do cơ bản và Công dân với các quyền dân chủ…

Mẹo học phần Công dân với các quyền dân chủ ảnh 1
Click vào ảnh để xem nội dung

Chuyên đề Công dân với các quyền dân chủ, cô Sao lưu ý, học sinh cần nắm vững 3 nhóm quyền: Quyền bầu cử và quyền ứng cử vào các cơ quan đại biểu của nhân dân; Quyền tham gia quản lí Nhà nước và xã hội; Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân.

Đồng thời phân biệt được 3 nhóm quyền trên bằng cách nắm vững: Những biểu hiện vi phạm quyền bầu cử, ứng cử, trường hợp không được quyền bầu cử; Nội dung cơ bản của quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội: Ở phạm vi cả nước, cơ sở, phân biệt những việc “dân biết”, “dân bàn”, “dân làm”, “dân kiểm tra”; Phân biệt quyền khiếu nại và tố cáo.

Ở nhóm quyền thứ nhất, cô Sao nhấn mạnh: Học sinh cần nắm chắc khái niệm quyền bầu cử và ứng cử; Các nội dung quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan đại biểu của nhân dân.

Những trường hợp được quyền và không được quyền bầu cử và ứng cử vào cơ quan đại biểu của nhân dân. Cách thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của công dân theo các nguyên tắc: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Quyền ứng cử của công dân được thực hiện theo hai con đường: Tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Bằng cách nhấn mạnh các kiến thức trọng tâm về quyền bầu cử, nguyên tắc bầu cử, cô Sao dạy học sinh nhớ mẹo để khắc sâu bài học. Học sinh có thể xác định những từ khóa trong câu hỏi để đánh giá đúng các nguyên tắc bầu cử như: Cụm “từ 18 tuổi...” là nguyên tắc phổ thông; “giá trị một lá phiếu như nhau” - nói đến nguyên tắc bình đẳng...

Quá trình dạy, cô Sao cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về quyền bầu cử, ứng cử. Bên cạnh những kiến thức nền của SGK lớp 12, cô còn cập nhật những văn bản mới nhất về quyền này để cung cấp cho học sinh. Đặc biệt, năm nay diễn ra ngày bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, vì thế những kiến thức pháp luật về quyền bầu cử, ứng cử được cập nhật và cung cấp rất thiết thực cho học sinh.

Bên cạnh việc truyền giảng lý thuyết bài học, cô Sao cho học trò học qua sơ đồ. Theo cô đó là cách nhớ kiến thức nhanh và chính xác (xem hình 1).

Hình 1
Hình 1

Đề thi minh họa có câu 95 hỏi về quyền bầu cử, ứng cử. Theo cô Sao nắm vững lý thuyết các em có thể làm dễ dàng câu hỏi này.

Với nhóm quyền thứ 2, ngoài nắm được khái niệm về quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, học sinh cần nhớ nội dung cơ bản của quyền này.

Các em dựa vào sơ đồ để nhớ kiến thức lý thuyết (xem hình 2):

Hình 2
Hình 2

Đặc biệt, các em cần phân biệt rõ quyền tham gia quản lý Nhà nước và quyền tự do ngôn luận. Dựa vào khái niệm, có thể chưa phân biệt được, học sinh cần đi vào nội dung cụ thể. Bởi giữa 2 quyền này có những kiến thức giao thoa, đan xen nhau nếu đọc không kỹ dễ bị nhầm lẫn.

Quyền tự do ngôn luận là quyền của con người trong việc tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến của mình với mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Còn quyền tham gia quản lý Nhà nước là tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản luật; thảo luận, biểu quyết các vấn đề trọng đại khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Học sinh cần nhớ cụm từ “trưng cầu ý dân” là từ khóa để hiểu đó là quyền tham gia quản lý Nhà nước.

Với nhóm quyền thứ 3, học sinh cần hiểu và phân biệt được thế nào là khiếu nại, tố cáo. Quyền khiếu nại là quyền của công dân khi phát sinh một quyết định hành chính, một hành vi hành chính ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Bất kỳ ai cũng có quyền tố cáo nếu thấy hành vi vi phạm pháp luật (xem hình 3).

Hình 3
Hình 3

Trong đề thi minh họa, câu 120 liên quan đến nhóm quyền thứ 3: Quyền khiếu nại, tố cáo. Đây là một câu hỏi khó, học sinh không chỉ nắm vững kiến thức lý thuyết mà phải có tư duy, lập luận và kỹ năng tư duy bằng cách lập sơ đồ.

Rèn bản lĩnh

Để đạt điểm tốt môn GDCD, cô Sao hướng dẫn học sinh, với những câu hỏi dễ, các em cần đọc kỹ câu hỏi và đáp án trước khi điền vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Với câu hỏi khó, tức là những dạng câu hỏi tình huống, sĩ tử nên đọc kỹ đề bài nhiều lần đến khi hiểu và gạch chân dưới các từ khóa, dùng phương pháp loại trừ, từ đó, đối chiếu với các đáp án để đưa ra lựa chọn chính xác nhất.

Các câu hỏi vận dụng cao thường là phần kiến thức rất khó, là câu “chốt điểm 10”.  Với những câu này, dữ kiện đưa ra nhiều để gây nhiễu nên cách gỡ rối và làm được bài là vẽ sơ đồ.

Khi làm bài, các em cần căn giờ hợp lý cho các câu hỏi, câu nào dễ làm trước, câu khó làm sau. Khi hoàn thành không vội nộp luôn mà phải kiểm tra bài làm thật kỹ. Đặc biệt, với bài thi trắc nghiệm, thí sinh phải điền hết đáp án các câu hỏi, tuyệt đối không để trống, kể cả những câu khó nhất.

Theo cô Sao, để hoàn thành tốt bài thi các môn, trong đó có môn GDCD bên cạnh việc học ôn tập trung, học sinh cần chú ý đến sức khỏe và rèn bản lĩnh khi đi thi.

Trước khi đến trường thi,  các em cần chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, bút mực. Đặc biệt, môn GDCD là môn thi thứ 3 trong bài thi tổ hợp nên các em cần chuẩn bị vệ sinh cá nhân thật tốt, tâm lý vững vàng để không bị sao nhãng khi làm bài thi môn cuối. Thực tế qua kỳ thitrước, nhiều em không làm được bài thi môn Lịch sử, Địa lý gây tâm lý không tốt khi bước vào bài thi môn GDCD. Vì thế, cô Sao mong muốn học sinh cần bản lĩnh khi làm bài và giữ tinh thần thoải mái trong suốt quá trình thi.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ