Kinh nghiệm xây dựng trường học an toàn

GD&TĐ - Xây dựng trường học an toàn là nhiệm vụ hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện tốt nhiệm vụ này đòi hỏi hiệu trưởng nhà trường phải biết cách triển khai, các biện pháp tổ chức thực hiện phải hết sức khoa học, hợp lý. Có nhiều việc mang tính đồng bộ, có việc phải làm thường xuyên.

Trường THPT Nguyễn Trường Thúy (Nam Định)
Trường THPT Nguyễn Trường Thúy (Nam Định)

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng trường học an toàn, thầy Nguyễn Công Trứ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Thúy (Nam Định) – cho rằng: Điều đầu tiên, người đứng đầu nhà trường phải nghiên cứu kỹ, hiểu mục đích ý nghĩa của các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành.

Bên cạnh đó, nghiên cứu đặc điểm, tình hình của đơn vị, của địa phương. Học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị, cá nhân khác xung quanh. Khai thác thuận lợi, hạn chế khó khăn, “trong cái khó phải biết cách ló cái khôn”.

Lập kế hoạch thực hiện vừa có tính chiến lược dài hạn, vừa có tính cấp thiết. Biết bố trí việc nào làm trước, việc nào làm sau. Đặc biệt là người triển khai thực hiện phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và phải có niềm tin vào sự thành công vào kế hoạch đã đề ra.

Nhất thiết phải thành lập Ban chỉ đạo, các tiểu ban, phân công nhiệm vụ và tập huấn cho từng thành viên, từng tiểu ban phải chủ động trong công việc, có sự phối hợp với nhau để công việc không bị chồng chéo.

Luôn chú trọng khâu bàn bạc dân chủ, làm tốt khâu tuyên truyền vận động, tài chính phải mianh bạch công khai. Nhất thiết phải có sự tham gia của Hội phụ huynh trường.

Các biện pháp tổ chức thực hiện phải phù hợp, hiệu quả, luôn đề cao khâu thực hành tiết kiệm, chống thất thóa lãng phí.

Tăng cường kiểm tra, nghiệm thu từng việc, tổ chức họp rút kinh nghiệm nghiêm túc, kịp thời. Chú trọng khâu khen thưởng động viên kịp thời. Chú trọng khâu nêu gương người tốt, việc tốt.

Dưới đây là những công cụ thể cần triển khai theo chia sẻ của thầy Nguyễn Công Trứ từ những công việc thực tế đã triển khai tại Trường THPT Nguyễn Trường Thúy.

Đảm bảo về cơ sở vật chất

Thầy Nguyễn Công Trứ cho rằng, trường học nhất thiết phải có tường rào. Khi xây tường bao, cần vừa đủ độ cao, đảm bảo độ bền, vẻ đẹp. Xung quanh trường, trong sân trường phải có hệ thống đèn điện cao áp chiếu sáng vừa ngăn kẻ gian đột nhập, vừa giúp bảo vệ có tầm quan sát xa, đi tuần tra thuận lợi. Phải có các dụng cụ, phương tiện chữa cháy như: Bình cứu hỏa, xô, chậu, câu liêm, thang ngắn, thang dài, cờ-lê, kìm, tô-vít…

Bình cứu hỏa phải bố trí đủ và đúng nơi qui định. Các phương tiện phục vụ công tác cứu hỏa phải để ở nơi dễ thấy, có biển ghi nơi để dụng cụ chữa cháy, có bảng hướng dẫn cách sử dụng, cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh ai cũng biết nơi để và biết sử dụng ít nhất một dụng cụ chữa cháy. Không ai được tự ý mang các dụng cụ, phương tiện chữa cháy đi làm việc khác.

Nhân viên bảo vệ, y tế, nhân viên lao động có trang phục riêng và trang bị các phương tiện cần thiết phục vụ công việc.

Hệ thống cổng, cửa các lớp học, các phòng làm việc phải đảm bảo đủ, chắc chắn, không chỉ chống trộm mà còn đảm bảo an toàn khi mưa bão và khi giông tố. Do đó phải được kiểm tra, tu sửa bổ sung thường xuyên.

Nhà trường nên có hòm thư góp ý để học sinh cung cấp thông tin khi có hiện tượng học sinh mâu thuẫn, học sinh bị người ngoài trường đánh,…; công khai số điện thoại bàn để mọi người cung cấp thông tin khi có sự việc mất an toàn đến tài sản, tính mạng của học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.

Hệ thống cột điện, dây điện đường trục phải đầy đủ, đảm bảo đủ tải cho toàn trường. Mỗi dãy nhà, mỗi phòng học, mỗi phòng làm việc đều có cầu dao tự động đảm bảo an toàn khi dùng điện; cầu dao hai chiều để khi mất điện lưới thì dùng điện máy phát điện. Máy phát điện cúng phải đủ công suất phục vụ điện toàn trường.

Tại Trường THPT Nguyễn Trường Thúy có 5 tec nước trên mái các tầng cao, 3 bể nước, 3 giếng nước được bố trí hợp lý, gần các dãy nhà học và làm việc, luôn chứa đầy nước, vừa phục vụ nước sinh hoạt hằng ngày, vừa dự phòng khi có hỏa hoạn xảy ra.

Coi trọng yếu tố con người

Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Công Trứ, Trường THPT Nguyễn Trường Thúy có hai nhân viên bảo vệ, được phân công nhiệm vụ, hướng dẫn rất cụ thể về nghiệp vụ bảo vệ.

Một người luôn đảm bảo trực ở cổng trường. Một người vừa trực vừa tuần tra khu vực trong trường.

Phòng thường trực có sổ trực ban để ghi chép, cập nhật khách đến, khách đi, sự cố đặc biệt diễn ra trong ngày. Đồng thời người trực còn hướng dẫn khách khi vào trường, hướng dẫn nơi để các phương tiện giao thông. Bên cạnh đó còn xử lý học sinh không chấp hành nội qui của trường.

Để đảm bảo không để xảy ra hiện tượng lấy nhầm xe, mất xe, nhà trường đã tiến hành biện pháp giao cho nhân viên bảo vệ của trường trực tại cổng trường còn làm nhiệm vụ phát và thu vé gửi xe. Việc làm này vừa kiểm soát được việc học sinh có chấp hành luật ATGT hay không mà còn đảm bảo không để xảy ra hiện tượng mất xe, lấy nhầm xe khi tan trường. Nếu để xảy ra mất xe thì bảo vệ phải bồi hoàn, đồng thời lập tức báo cho an ninh xã, công an huyện điều tra xử lý.

Bảo vệ được luân phiên vị trí cho nhau, ngày tuần tra, đêm tuần tiễu. Ngày nào có bảo vệ nghỉ thì nhà trường tăng cường người làm thay.

Đoàn trường thành lập đội thanh niên xung kích, mỗi chi đoàn 5 em, vừa làm nhiệm vụ tự quản, chấm điểm thi đua hàng ngày, vừa thường trực làm một số nhiệm vụ như: phòng cháy chữa cháy, phòng chống bão lũ, lao động làm sạch đẹp khu vực ngoài trường, hỗ trợ nông dân cấy, gặt, trồng cây rau màu,….

Mỗi năm một lần, trường mời Công an huyện, tỉnh về tập huấn luật ATGT, tập huấn sử dụng bình chữa cháy, các phương tiện dụng cụ chữa cháy cho nhân viên bảo vệ, cán bộ, giáo viên, và đội thanh niên tình nguyện của trường.

Bên cạnh đó, mời cán bộ Trung tâm y tế dự phòng về tập huấn nghiệp vụ sơ cấp cứu ban đầu, cách phòng chống một số bệnh mà học sinh hay mắc; tập huấn về an toàn thực phẩm.

Học sinh có ban hòa giải gồm những em học giỏi chăm ngoan, học sinh hiểu rõ nhau hơn, dễ cảm thông hơn nên khi có vấn đề sẽ được giải quyết nhanh gọn, hiệu quả.

Nhà trường có đội tự vệ là giáo viên, nhân viên; người làm nhiệm vụ tự vệ của huyện đội giao, các thành viên đội tự vệ còn là lực lượng nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh, an toàn trường học.

Chú trọng công tác trật tự, an ninh

Thầy Nguyễn Công Trứ cho biết, lứa tuổi THPT bồng bột, hiếu thắng, dễ va chạm. Bên cạnh đó, trên đường từ nhà tới trường, các em sẽ phải qua những nơi vắng vẻ, có thể gặp kẻ xấu, trộm cắp, bị trấn xin tiền, lấy điện thoại,….

Để giúp đỡ học sinh, nhà trường cần có sự liên hệ chặt chẽ với công an huyện, an ninh các xã thị trấn phối hợp, giúp đỡ, kịp thời điều tra bắt và xử lý các đối tượng gây mất trật tự an ninh. Bên cạnh đó, cần phổ biến cho học sinh các phương pháp tự vệ, tự phòng như:

Không đi một mình trên quãng đường ít người qua lại; khi bị chặn, nên cố nhớ đặc điểm nhận dạng đối tượng, nhớ giọng nói, nhớ biển số xe, nhanh chóng tìm cách báo cho công an, tìm người lớn giúp đỡ, đoàn kết bảo vệ nhau,…Thấy hiện tượng khả nghi thì tìm cách báo cho người lớn, báo thầy cô, báo cho công an biết.

Trường cũng cần thường xuyên nhắc nhở học sinh nêu cao cảnh giác khi người lạ tìm cách làm quen, không kết bạn trên mạng, không chơi game bạo lực, không chơi bạc đánh đề, không gây bè kéo cánh,…

Nhiều học sinh được bố mẹ cho tiền ăn hàng ngày, tiền đóng học,… nên nhà trường luôn nhắc nhở các em phải cẩn thận, tuyệt đối không có hành vi ăn cắp của nhau, luôn có ý thức coi giữ cho nhau, sống thật thà trung thực, nhặt được của rơi tìm cách trả lại người đã mất.

Giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh

Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Nhiệm vụ này có thể tiến hành bằng nhiều hình thức phong phú như thông qua buổi chào cờ đầu tuần, các buổi lễ kỷ niệm, qua các giờ dạy Giáo dục công dân; tổ chức các hoạt động trải nghiệm; tập huấn kỹ năng thực hành về chữa cháy, về sơ cấp cứu, phòng chống bão; các buổi hòa giải…

“Tại Trường THPT Nguyễn Trường Thúy, hằng ngày, sau tan học 10 phút cổng trường mới mở để thầy và trò ra về. Trong thời gian đó, học sinh em thì cài cửa, em tắt điện, tắt quạt, em trực nhật lớp, em trực nhật nhà để xe. Giáo viên theo dõi, nhận xét, nghiệm thu kết quả lao động của các em. Trước khi ra về, học sinh đội mũ bảo hiểm cẩn thận. Việc làm ấy tưởng như đơn giản song lại có ý nghĩa rất lớn” – thầy Nguyễn Công Trứ chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.