Kinh nghiệm quý triển khai đánh giá không điểm số

GD&TĐ - Một năm thực hiện hiệu quả cách đánh giá học sinh tiểu học theo quy định mới, ông Ngô Minh Hùng – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu) – đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai Thông tư 30 trên địa bàn.

Kinh nghiệm quý triển khai đánh giá không điểm số

Thành lập tổ công tác kiểm tra, hỗ trợ chuyên môn

Theo ông Ngô Minh Hùng, trong học kì I (năm học 2014 – 2015), Sở GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra và hỗ trợ chuyên môn cho 8/8 đơn vị phòng GD&ĐT huyện/thành phố với 35/141 trường tiểu học.

Sau đợt kiểm tra và hỗ trợ chuyên môn, Sở GD&ĐT đã tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm cho từng đơn vị và tất cả các hiệu trưởng trường tiểu học trên toàn tỉnh; đồng thời chỉ đạo các phòng GD&ĐT tiếp tục thành lập đoàn công tác hỗ trợ cho các trường và đề ra phương hướng chỉ đạo các đơn vị thực hiện hiệu quả hơn ở học kì II.

Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường hoạt động kiểm tra, tư vấn hỗ trợ cho các trường trong việc thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30. 

Trong đó, quan tâm lưu ý việc thực hiện linh hoạt, giảm nhẹ hồ sơ sổ sách ghi chép của giáo viên, việc nhận xét đánh giá học sinh theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Cùng với đó, yêu cầu các đơn vị chú trọng nhiều hơn việc nhận xét, đánh giá trực tiếp bằng lời, nhằm đưa ra biện pháp động viên khuyến khích học sinh kịp thời trong quá trình hoạt động học tập và rèn luyện phẩm chất, năng lực.

Giáo viên cần đưa ra các biện pháp hỗ trợ những học sinh có khó khăn trong học tập, giúp các em nhanh chóng khắc phục và hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu.

“Tính đến thời điểm cuối học kì II, Sở GD&ĐT đã kiểm tra và hỗ trợ chuyên môn cho 75/141 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh” – Ông Ngô Minh Hùng cho biết.

Hình thành năng lực, phẩm chất qua sân chơi kỹ năng sống

Đầu năm 2015, Sở GD&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức tiết dạy minh họa cấp tỉnh về nội dung giáo dục kĩ năng sống. Thông qua tiết dạy minh họa, lãnh đạo Phòng GD Tiểu học cũng đã đặt vấn đề và phân tích việc tổ chức hoạt hoạt động, nhận xét, đánh giá học sinh theo tinh thần Thông tư 30, rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.

Ông Ngô Minh Hùng cho biết, sân chơi về kỹ năng sống đã được Sở tổ chức đặt tại 3 cụm khu vực huyện/thành phố (TP Bà Rịa, huyện Đất Đỏ, huyện Tân Thành). Đối tượng tham gia là học sinh lớp 4, 5 tiêu biểu thuộc các trường tiểu học trên toàn tỉnh do các các đơn vị đăng kí tự nguyện.

Hiệu quả từ các sân chơi đã giúp học sinh hình thành và củng cố kĩ năng về năng lực và phẩm chất; đồng thời giúp cán bộ quản lý, giáo viên vận dụng đánh giá, nhận xét học sinh cũng và giúp học sinh tự nhận xét bản thân, nhận xét bạn mình theo tinh thần Thông tư 30 một cách khách quan, đạt hiệu quả trong giáo dục toàn diện.

Vận dụng linh hoạt nhận xét bằng lời nói, hoặc viết

Trong đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, theo ông Ngô Minh Hùng, giáo viên được quyền linh động vận dụng một cách linh hoạt, có thể bàng “lời nói” hoặc “viết”, phù hợp với đặc điểm của từng học sinh; được quyền chủ động viết nhận xét vào vở hoặc phiếu học tập, bài kiểm tra... Không bắt buộc giáo viên phải ghi nhận xét tất cả học sinh hàng ngày vào vở và hàng tháng trong sổ theo dõi chất lượng.

Sở cũng hết sức chú trọng việc thực hiện các biện pháp giảm nhẹ công việc, thủ tục hành chính, hồ sơ sổ sách; hỗ trợ để giáo viên dành nhiều thời gian hướng dẫn, giúp đỡ, động viên học sinh hoàn thành nội dung học tập. 

Giáo viên có sử dụng file mềm theo mẫu sổ theo dõi chất lượng gợi ý của Bộ GD&ĐT để thực hiện quản lý học sinh của lớp, nhất là giáo viên bộ môn.

Sau 1 năm học, lãnh đạo và giáo viên các trường tiểu học của Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hiện nghiêm túc việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30. Đến thời điểm hiện tại, nội dung đánh giá, nhận xét học sinh bằng lời đã thể hiện khá rõ nét trong các tiết dạy.

Giáo viên vận dụng linh hoạt cách hướng dẫn cho học sinh trả lời theo ý gợi mở đối với các câu hỏi, hạn chế các câu trả lời “đúng”, “sai” trong các môn học.

Giáo viên chủ nhiệm tiếp cận được và thường xuyên phối hợp với các giáo viên bộ môn, với cha mẹ học sinh thực hiện các hoạt động theo dõi và đánh giá học sinh.

Việc nhận xét, đánh giá của giáo viên đối với học sinh cũng rất linh hoạt, có chú ý động viên, khuyến khích học sinh kịp thời cố gắng trong học tập. 

Giáo viên chỉ ra được những mặt còn tồn tại, thiếu sót của học sinh và đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ ngay tại lớp.

Giáo viên cũng được tích lũy kinh nghiệm qua thời gian đánh giá học sinh. Những lời nhận xét học sinh thường ngàỵ qua các bài làm tại lớp, qua kiến thức học sinh được lĩnh hội đã thể hiện chuẩn xác hơn, xác thực hơn với mục tiêu của từng hoạt động, mục tiêu kiên thức bài học.

Giáo viên không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên đối với kết quả mà học sinh thực hiện trong bài học. Chính vì thế, học sinh không còn bị áp lực về điểm số, giáo viên không bị áp lực theo chỉ tiêu.

“Cuối năm học, các phòng GD&ĐT đã tổ chức hội thảo về nội dung tổng hợp đánh giá và đưa ra lời nhận xét cho nội dung khen thưởng học sinh ở học kì I và cuối năm học. 

Trong đó, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hay thành tích đột xuất khác.

Nội dung, số lượng học sinh được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng quyết định. Việc ghi giấy khen về nội dung khen thưởng được vận dụng một cách linh hoạt, không áp dụng theo khuôn mẫu có sẵn” – ông Ngô Minh Hùng chia sẻ.

Một số khó khăn và kiến nghị

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình đánh giá học sinh, ông Ngô Minh Hùng cho biết: Khó khăn đầu tiên là giáo viên phải suy nghĩ ghi lời nhận xét phù hợp với từng nội dung mà học sinh thể hiện cụ thể theo các tình huống thực tế; làm sao vừa phải đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh, vừa phải mang tính động viên, khuyến khích.

Làm được điều này không dễ và mất rất nhiều thời gian. Bởi, mỗi học sinh sai một dạng khác nhau, có lúc sai sót nhiều lỗi trong một bài học mà vận dụng lời khen nhiều chê ít.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng khó khăn trong việc khái quát lời nhận xét ngắn gọn, thể hiện được đầy đủ nội dung cần nhận xét để ghi vào sổ theo dõi chất lượng nên mất nhiều thời gian, lời nhận xét dễ dẫn đến chung chung.

Một số ít phụ huynh chưa quan tâm hoặc có quan tâm nhưng do khả năng hiểu biết hạn chế nên việc phối hợp đề ra biện pháp giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ chưa đạt hiệu quả cao.

Đối với môn tiếng Anh, Bộ GD&ĐT chưa có công văn hướng dẫn mới về việc ra đề, tổ chức kiểm tra định kỳ, tổng hợp thống kê từng kĩ năng theo Thông tư 30 nên hiện tại các đơn vị vẫn thực hiện theo công văn số 3032 về hướng dẫn kiểm tra, đánh giá cuối năm môn tiếng Anh lớp 3, lớp 4, lớp 5 từ năm học 2012 – 2013, tương ứng với Thông tư 32/2009/TT-BGDĐT. Sở đã đề nghị Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn cụ thể cho năm học mới 2015 - 2016.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.