Khi học sinh mê bán hàng online

GD&TĐ - Việc học sinh bán hàng trên mạng không còn là điều mới mẻ. Nhưng hậu quả là phần lớn các em đều thất bại trên thương trường lẫn sút giảm kết quả học tập. Nên giúp các em xác định nhiệm vụ của bản thân là học tốt chứ không phải kiếm tiền khi còn đang đi học.

Vỏ chai nhựa được thu gom làm kế hoạch nhỏ ở Trường THCS Võ Thị Sáu - Sa Đéc, Đồng Tháp
Vỏ chai nhựa được thu gom làm kế hoạch nhỏ ở Trường THCS Võ Thị Sáu - Sa Đéc, Đồng Tháp

1.

Trao đổi với đồng nghiệp là chủ nhiệm của năm học trước bao giờ cũng mang lại cho tôi nhiều thông tin hữu ích. Trong 45 học sinh lớp tôi chủ nhiệm năm ấy, đồng nghiệp nhắc tôi lưu ý em T.

T từng là học sinh ở một lớp được đánh giá cao về chất lượng học tập. Điểm tổng kết năm lớp 8, T không đạt chuẩn theo thống nhất giữa nhà trường và cha mẹ học sinh nên năm cuối cấp T phải ra lớp thường. Đó là lớp của tôi.

Tìm hiểu qua lý lịch, tôi biết cha T công tác trong quân đội. Đơn vị ở xa nên thường xuyên vắng nhà. Mẹ T công tác ở địa phương. Hoàn cảnh gia đình nói chung là ổn so với một số bạn. Tôi thấy bất ngờ vì T là học sinh duy nhất phải chuyển lớp.

Sau vài tuần thực dạy, tôi thấy T thường xuyên sử dụng điện thoại khi đến lớp. Ngay cả lúc thầy cô giảng bài, T vẫn mải nhắn tin. Thầy cô đã nhắc nhở nhưng T chưa thay đổi được.

Ban đầu, tôi nhắc chung cả lớp trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm về việc không được sử dụng điện thoại trong giờ học. Sau đó, tôi gặp riêng T để tìm hiểu. T giải thích nào là mở điện thoại để xem giờ, rồi là trả lời tin nhắn của mẹ. Tôi chắc T chưa thành thật nên nói quanh co như thế.

Tôi tìm gặp các bạn của T trong năm học trước. Các em mang đến cho tôi một bất ngờ. T sử dụng điện thoại để bán hàng online. Tôi không tin cho lắm. Một học sinh mới 15 tuổi thì biết gì mà mua bán trên mạng. Tiền vốn ở đâu, khách hàng là những ai và quan trọng nhất, hàng hóa T bán là gì?

Trước tiên tôi liên hệ mẹ T để cùng phối hợp giúp T tiến bộ trong năm học này. Điều làm tôi ngạc nhiên là mẹ T biết rõ con gái có tham gia mua bán hàng trên mạng.

Mẹ em cũng nhiều lần đưa T đi giao - nhận hàng hóa từ các đơn hàng. Khi tôi thắc mắc vì sao gia đình để cho T tham gia như thế, mẹ T trả lời là theo ý con cho vui, với lại việc làm này cũng mang lại cho T thu nhập kha khá đủ chi trả cho các nhu cầu của em hàng ngày. Song chị cũng hứa sẽ nhắc T giảm dần hoạt động.

Những tháng nối tiếp nhau về sau đều ghi nhận lực học của T ngày càng sa sút. Các bạn của T cho tôi biết việc làm ăn của T ngày một mở rộng.

T từ chỗ bán các mặt hàng lưu niệm của học sinh nay đã là mỹ phẩm, quần áo. Giá trị đơn hàng không dừng lại vài ngàn đồng mà đã đến số trăm ngàn. Tiền lãi có lúc lên đến 20%. Tôi tin đó là lý do làm sức học em thay đổi.

Tôi sắp xếp một dịp chuyện trò cùng T. Qua giây phút e dè, T cho biết em mong ước kiếm nhiều tiền mà không cần dựa vào cha mẹ. T từng bước tham gia vào việc mua bán hàng online.

Số tiền lãi ban đầu không lớn nhưng kích thích T rất nhiều. T bắt đầu nghĩ cách mở rộng thị trường. Không dừng lại ở bạn bè trong lớp trong trường, T hướng hoạt động sang trường bạn trong huyện và tìm cách có thêm khách hàng là các anh chị đang là học sinh bậc THPT.

T hăng hái cho tôi biết, em quyết làm giàu như một số nhân vật được mạng xã hội ca ngợi hết lời vì trong thời gian ngắn đã có nguồn thu nhập khổng lồ từ việc bán hàng online. Những người ấy cũng chỉ lớn hơn T có vài tuổi mà thôi.

Tôi nói gần nói xa, mong T hiểu ở tuổi của em, việc học là chủ yếu. Bỏ quá nhiều thời gian vào việc mua bán thì việc học ắt phải giảm sút. Hơn nữa với độ tuổi và gia cảnh của T, T chưa cần kiếm tiền như vậy. T chỉ ậm ừ cho qua. Tôi chưa tin đã thành công trong việc thuyết phục T chuyên tâm học hành.

2.

Có một kỳ nghỉ tết đã qua mà T vẫn chưa đến trường trở lại. Liên lạc mãi không được, tôi tìm đến nhà T. Mẹ T đón tôi với vẻ mặt không vui. Chị cho biết do tin vào lời chủ hàng trên mạng, T đã gom một số tiền mua về lô hàng mỹ phẩm để bán dịp tết.

Tưởng rằng T sẽ thu về số lợi nhuận to tát nhưng nào có được vậy. Lô hàng đó không đạt chất lượng, bị thông tin lan truyền trên mạng nên T không bán được gì. Chủ hàng cũng biến mất. Giờ đây T không biết làm gì với số hàng đã mang về. Em chán nản và xấu hổ với bạn bè nên muốn thôi học.

Tôi đề nghị được nói chuyện cùng em. T nhìn tôi có vẻ ân hận đã không nghe lời thầy là dừng chuyện mua bán lại chuyên tâm học hành. Tôi không chê trách gì em, nhận xét việc T thích làm giàu qua bán hàng online cũng không có gì sai.

Có điều, tuổi đời non trẻ, kinh nghiệm trên thương trường chưa nhiều, thất bại là đương nhiên. Muốn thành đạt, hay nói rõ ra là muốn làm giàu, trở thành một doanh nhân, không thể bỏ qua giai đoạn tích lũy kiến thức từ lúc ngồi trên ghế nhà trường. Thương trường ẩn chứa nhiều thử thách và có nhiều biến hóa, đâu chỉ là mua đầu chợ bán cuối chợ như T hiểu.

Việc T bị một cú lừa đến độ mất hết vốn tuy chưa phải là nhiều chính là bài học cho em. Thông tin trên mạng xã hội cần phải kiểm chứng không thể đặt vào đấy tất cả niềm tin được. Nếu T nghe theo sự tư vấn của thầy thì không rơi vào tình cảnh ngày hôm nay.

Quay sang mẹ T, tôi bày tỏ mong mỏi gia đình nên gần gũi, chia sẻ với T nhiều hơn. Tán thành và khen ngợi con vì đã biết cách kiếm tiền ở độ tuổi còn bé như thế là việc làm không nên. Các em vì lợi nhuận trước mắt rồi sẽ lơ là việc học, hậu quả không hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ