Khi học sinh đòi đổi thầy

GD&TĐ - Những ai từng làm chủ nhiệm ắt hẳn không phải một lần đối mặt với yêu cầu này của học sinh. Hiện tượng này xuất hiện nhiều ở các lớp cuối cấp - như nhận xét của một số đồng nghiệp ở trường tôi và cả ở một vài trường bạn.

Một tiết học ở Trường THCS Tân Bình, Hậu Giang
Một tiết học ở Trường THCS Tân Bình, Hậu Giang

Ấn tượng nhất là năm tôi chủ nhiệm lớp 9A. Mọi hoạt động của lớp đều được nhà trường đánh giá tốt, thầy cô hài lòng. Qua tìm hiểu đồng nghiệp và theo dõi nhận xét trong sổ đầu bài, tôi thấy chỉ có tiết học môn X là hay bị xếp loại khá kèm lời phê bình của thầy bộ môn.

Buổi học nào tôi cũng đến thăm lớp chủ nhiệm vài mươi phút trước khi trống đánh vào tiết 1. Các em quen với việc này nên sự xuất hiện của thầy chủ nhiệm không làm em nào bất ngờ. Hôm nọ, sau khi xem lướt qua sổ nhận xét hoạt động của lớp ngày hôm trước, tôi rời bàn giáo viên xuống trò chuyện cùng các em. Khác với mọi ngày, các em tỏ ra ngại ngần, e dè khi đối thoại cùng thầy. Tôi chợt nhìn thấy vài em đang chuyền tay nhau một trang giấy thấp thoáng trên đó có những chữ ký. Tôi hỏi:

- Các em có thể cho thầy biết nội dung của tờ giấy mà các em đang chuyền cho nhau có được không?

Cả lớp lặng yên trong giây lát rồi em lớp trưởng đứng lên trả lời:

- Dạ thưa thầy, tụi em định xong hết sẽ báo cáo thầy nhưng thầy hỏi thì tụi em nói luôn.

Tôi hỏi thăm dò:

- Lớp có việc gì mà thầy chưa biết?

Lớp trưởng liền mang trao tận tay tôi tờ giấy. Liếc nhìn dòng chữ đập vào mắt, tôi giật mình: Đơn xin đổi giáo viên. Tôi tự hỏi: Lớp nào còn hiểu được chứ như lớp 9A này các em có học lực giỏi, hạnh kiểm tốt, phụ huynh quan tâm sao lại dính vào chuyện kiện cáo, thưa gởi như thế này? Đọc xong nội dung, tôi hứa với các em sẽ giải quyết việc này trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm cuối tuần vì cần tìm hiểu thêm một số vấn đề. Tôi cũng nhắc các em từ nay tới đó cứ bình tĩnh, học tốt, không bàn luận gì thêm trước khi thầy có ý kiến.

Nội dung các em phản ảnh trong đơn là không đồng ý để thầy dạy bộ môn X hướng dẫn lớp học trong năm học này. Lý do các em đưa ra là thầy dạy nhanh, khó hiểu, không thân thiện với lớp, không công bằng khi cho điểm số. Bên cạnh đó thầy hay la mắng khi học sinh chưa hoàn thành bài tập được giao. Chưa hết, các em còn thiết tha đề nghị được học với cô Y vì cô đã từng dạy các em năm học trước. Cô được lòng học sinh, dạy đâu, học sinh hiểu đó, cô không trách phạt em nào… Tôi nhìn thấy phía dưới lá đơn là chữ ký của gần hai mươi em. Tên của lớp trưởng ngay dòng đầu tiên. Tôi đoán ra ngay tác giả của “kịch bản” này không ai khác là lớp trưởng của tôi, một học sinh giỏi nhưng có cá tính. Tôi quyết định sẽ trao đổi cùng em trước khi gặp gỡ cả lớp.

Ngày hôm sau tôi mời em lớp trưởng cùng trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp trao đổi trước khi giải quyết yêu cầu của các em. Theo đó vấn đề mà lớp trưởng đưa ra không có gì khác với những điều đã nêu trong đơn. Em cũng xác nhận là người đề xuất và kêu gọi các bạn hưởng ứng nhưng chưa đạt được tỉ lệ cao. Sau khi nghe lớp trưởng trình bày, tôi nêu ý kiến. Trước hết tôi thông cảm với những điều các em gọi là bức xúc vì mục tiêu phấn đấu thi đỗ vào trường chuyên có thể không đạt do chất lượng môn X đem lại. Điều này không có gì sai. Các em có quyền phát biểu như luật giáo dục quy định.

Tiếp đó tôi đặt câu hỏi rằng các em đã chuẩn bị tâm thế học môn X như thế nào, làm bài tập ở nhà, học bài cũ và chuẩn bị bài mới ra sao... Lớp trưởng trả lời có vẻ lúng túng là đôi khi cũng có bạn chưa thực hiện đúng yêu cầu của thầy. Tôi xác định ngay vấn đề, đó là câu trả lời vì sao thầy dạy môn X hay xếp tiết khá, hay nhắc nhở các em. Đó không phải là sự thiếu thân thiện. Còn điểm số là do các em nhận xét chủ quan, bài kiểm tra nào cũng đều có hướng dẫn chấm và đáp án nên khó có thể nói thầy không công bằng trong cho điểm học sinh.

Hơn nữa, nếu chưa nhất trí, các em có quyền phát biểu trong giờ trả bài kiểm tra. Nếu em là thầy dạy bộ môn, em có chấp nhận việc học sinh chưa làm tròn trách nhiệm của mình không? Đến đây, lớp trưởng mới tiết lộ nguyên nhân vì sao nhiều bạn ít chú ý học môn của thầy. Đó là do các bạn đã chọn môn thi chuyên nên chỉ tập trung vào đó, có thể nói đó là sự học lệch có chủ ý. Việc nhiều bạn muốn đổi thầy là hy vọng không bị khống chế do điểm trung bình môn mà thôi.

Tôi phân tích thêm: Các em quá tập trung cho kỳ thi vào trường chuyên mà xem nhẹ môn học của thầy, học lệch, kết quả không như ý rồi quay qua đề nghị nọ kia là không nên. Hơn nữa việc thích cô này, cô khác còn là chủ quan của các em. Thầy cô phải chấp hành sự phân công của nhà trường. Nếu lớp nào cũng đề nghị đổi thay như lớp chúng ta thì làm sao trường hoạt động được. Chưa kể nếu thầy cô biết được lớp viết đơn như thế, tình cảm thầy trò cũng bị ảnh hưởng. Nếu có điều gì chưa thông, thầy đề nghị các em trực tiếp gặp thầy bộ môn. Trong trường hợp cần thiết, thầy chủ nhiệm sẽ là cầu nối để cả lớp và thầy dạy bộ môn hiểu nhau, có phương pháp dạy và học phù hợp. Tôi cũng nói thêm giả sử các em đề nghị đổi thầy bằng cô nhưng cô không thích dạy lớp chúng ta thì sao đây?

Lớp trưởng hiểu ra việc viết đơn xin đổi thầy cô là chưa phù hợp với thực tế khách quan. Em hứa sẽ truyền đạt ý kiến của thầy chủ nhiệm đến cả lớp và xin rút lại lá đơn xin đổi thầy.

Tiết chủ nhiệm cuối tuần trôi qua trong sự vui vẻ, hiểu biết, thân thiện của lớp. Không học sinh nào giữ lại ý kiến xin đổi thầy.

Cuối năm học, lớp 9A có 12 em thi đỗ vào THPT chuyên của tỉnh. Buổi chia tay với lớp có mặt thầy bộ môn. Thầy khen cả lớp biết thay đổi, tích cực học tập bộ môn của thầy dù đó không phải là môn thi chuyên của các em. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.