Khen thưởng, kỷ luật học sinh cũng cần có nghệ thuật

GD&TĐ - Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM vừa tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề Nghệ thuật khen thưởng-kỷ luật học sinh.

 Khen thưởng với nhiều hình thức, từ lời nói đến những món quà nhỏ, nhưng đúng người, đúng việc, đúng thời điểm sẽ khích lệ rất lớn đối với học trò
Khen thưởng với nhiều hình thức, từ lời nói đến những món quà nhỏ, nhưng đúng người, đúng việc, đúng thời điểm sẽ khích lệ rất lớn đối với học trò

Hình thức khen thưởng đa dạng

Mở đầu buổi tọa đàm, TS Nguyễn Thị Bích Hồng nhấn mạnh bản chất của khen-thưởng chính là bày tỏ thái độ thừa nhận, đồng tình, ủng hộ, khích lệ, động viên, khen ngợi kịp thời những thành tích tạo động lực, sự lan tỏa trong các em; trách phạt hay nói nặng hơn là kỷ luật chính là bày tỏ thái độ không đồng tình, phê phán, không cổ súy cho việc làm các em đã sai sót, nhắc nhở và cảm hóa, định hướng cho các em tiến bộ, sửa sai.

“Khen thưởng đạt mục tiêu động viên, khơi gợi, tạo động lực cho các em, để các em thấy được-Tôi được thừa nhận. Trách phạt không phải để đánh giá thấp một tư cách mà là cảm hóa các em, giúp các em nhìn ra được sai sót, tạo cơ hội để sửa sai, hướng dẫn, giúp các em tiến bộ… Và khen thưởng, trách phạt như thế nào đế phù hợp với môi trường giáo dục chính là vấn đề chúng ta đặt ra ở buổi tọa đàm này”, TS Nguyễn Bích Hồng nhấn mạnh. Cũng theo TS Bích Hồng, ở môi trường giáo dục không thể rập khuôn mà phải linh hoạt, sáng tạo trong việc thực hiện.

Cô Nguyệt Lệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai chia sẻ, nhà trường lấy khen nhiều hơn, từ khen trong lớp và khen trước toàn trường. Những hành động nhỏ như các em mang bình đựng nước, mang khay đựng thức ăn trong giờ trưa để hạn chế rác thải nhựa; từ việc nhặt được của rơi hay là các giải thưởng trong học tập; đôi bạn cùng tiến… các em đều được khen, khích lệ.

Cô Nguyễn Nguyệt Lệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM chia sẻ
 Cô Nguyễn Nguyệt Lệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM chia sẻ 

Tương tự, thầy Huỳnh Thanh Phú cho hay: Nếu trước đây nặng về việc khen thưởng học sinh có thành tích trong học tập, thì hiện nay nhiều nhà trường, trong đó có trường Nguyễn Du đã linh hoạt, mở rộng hình thức khen thưởng các em ở các lĩnh vực từ văn nghệ, thể thao, về bảo vệ môi trường, …

Đặc biệt, khen các em cũng phải thực sự trang trọng. Trường mời phụ huynh đến cùng dự, lưu lại hình ảnh với con. Thậm chí mẫu giấy khen, logo của nhà trường cũng được nhà trường rất chú trọng, tạo ấn tượng, tạo sự tự hào cho các em khi được nhận phần thưởng.

“Khen thưởng không đặt nặng về vật chất mà chính là tinh thần, làm sao để các em thấy mình được tôn vinh, động viên kịp thời, đúng thời điểm. Khen thưởng từ lời nói, từ lời động viên với các em của các giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, rồi cao hơn là những tấm giấy khen, phần thưởng…”.

Theo TS Hà Thanh, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dù khen thưởng, kỷ luật như thế nào cũng phải có bộ quy chuẩn, triết lý của từng nhà trường. Bởi có thể với người này đó là việc đáng khen, nhưng với người khác đó là việc chưa đáng khen. Vì vậy phải có tiêu chí, sứ mệnh, triết lý chung của nhà trường để tạo quy chuẩn.

Các đại biểu thống nhất, cần xây dựng bộ tiêu chí khen thưởng rõ ràng, dân chủ, cụ thể; tạo cơ hội cho học sinh thể hiện ở nhiều lĩnh vực; Khen với nhiều hình thức: từ lời nói, lời phê, nhận xét, tuyên dương, thái độ ủng hộ, đến phần thưởng.

Khen dựa trên nguyên tắc: chú trọng hành vi đạo đức sự chuyển biến tích cực của các em; quá trình phần dấu; công bằng, kịp thờ đúng người, đúng việc; chú trọng giá trị tinh thần trong khen thưởng. Hình thức trang trọng; linh hoạt trong thực hiện và đảm bảo động lực phấn đấu cho học sinh. 

Cần thay đổi một số hình thức về trách phạt học sinh

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, rất nhiều ý kiến đồng tình rằng, việc Bộ GD&ĐT sửa đổi Thông tư số 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT về khen thưởng và kỷ luật học sinh là rất hợp lý. Bởi qua 30 năm, xã hội phát triển, giáo dục phát triển, có một số nội dung đã không còn phù hợp, và có một số vấn đề cần cập nhật mang hơi thở thời đại. Theo đó, cần khen công khai và chê kín đáo, nên cần xem xét và bỏ quy định: buộc thôi học học sinh; cảnh cáo trước toàn trường và thông tư phải cập nhật những vấn đề mới, mang hơi thở thời đại. 

  Tôi nghĩ rằng, bản chất kỷ luật các em, giáo dục biến điều chưa tốt thành tốt, là muốn ngăn ngừa, không muốn học sinh không vi phạm, tạo điều kiện cho các em sửa sai, nắm lấy tay các em. Vì vậy, những quy định như khiển trách trước toàn trường đề nghị cần xóa bỏ trong thông tư vì nó không phù hợp. Chúng ta nên khen công khai, chê kín đáo. 
Thầy Sỹ Đăng

Thầy Sỹ Đăng, giáo viên Trường Nguyễn Du tâm tư, ở trường đánh giá các em chủ yếu qua tiêu chí học lực và hạnh kiểm; tuy nhiên, HS giỏi được tuyên dương, mà yếu tố hạnh kiểm bị mờ nhạt hơn, không được tuyên dương. Biểu hiện kém về học lực thì chẳng ai khiển trách, kỷ luật nhưng biểu hiện chưa tốt về mặt hạnh kiểm sẽ trách phạt, thậm chí có hội đồng kỷ luật. Chúng ta đang đặt “Tiên học lễ, hậu học văn” lên hàng đầu, mà lại không tuyên dương các em về mặt hạnh kiểm tốt là có sự bất cập.

Niềm hãnh diện hạnh phúc của học sinh khi được nhận huy hiệu của nhà trường trong ngày tri ân trưởng thành. Ảnh minh họa Tuấn Anh
 Niềm hãnh diện hạnh phúc của học sinh khi được nhận huy hiệu của nhà trường trong ngày tri ân trưởng thành. Ảnh minh họa Tuấn Anh

Cô Nguyệt Lệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho rằng, “kỷ luật là phải tỏ thái độ, phải cho học sinh nhận khuyết điểm, và phải có sự cảm hóa, có tình thương, tính nhân văn trong đó. Mọi quyết định đều xuất phát từ cái tâm, nhưng rõ ràng, minh bạch. Trên một tình huống nào xảy ra, đều có bản chất của sự việc, phải tìm hiểu, rồi mới đưa ra quyết định. Tôi đồng tình rằng, phải thổi hơi thở thời đại này vào bản thông tư 08.

Chúng ta ở môi trường giáo dục, chứ không thể vì sai phạm mà đẩy các em ra ngoài… nên tôi cũng tán thành việc bỏ quy định buộc thôi học với học sinh. Không thể đuổi học các em 1 năm, các em ra đời sẽ ra sao, ai quản lý? Các em quay lại có tự tin, bị áp lực không khi quay lại, kiến thức thay đổi ra sao? Và cũng cần bỏ nội dung khiển trách trước toàn trường. Khen nơi đông, chê nơi kín đáo”.

Tương tự, theo nhiều giảng viên, giáo viên, việc trách phạt, kỷ luật học sinh phải lấy nguyên tắc cảm hóa các em, giúp các em sửa sai, hướng dẫn và đồng hành để các em thay đổi, tiến bộ.

Phải thấu hiểu hoàn cảnh của các em, nắm được nguyên nhân dẫn đến sai phạm; Cư xử nhân văn, khéo léo; cân nhắc kĩ càng trước khi trách phạt các em, tham khảo ý kiến của ban giám hiệu, hội đồng, của các chuyên gia tâm lý; trao đổi với gia đình và quan trọng là tôn trọng nhân phẩm các em; kết hợp lý với tình, có tính thiện chí, không phán xét. 

Hình thành xử phạt có thể cho các em đi làm công tác xã hội ở các trung tâm, mái ấm nhà mở trong thời gian ngắn; hỗ trợ lao động dọn vệ sinh.

Quang cảnh buổi tọa đàm Nghệ thuật khen thưởng - kỷ luật học sinh
 Quang cảnh buổi tọa đàm Nghệ thuật khen thưởng - kỷ luật học sinh 

Các đại biểu đều có chung quan điểm: Khen thưởng hơn là trách phạt; giáo dục hơn là kỷ luật. Đặc biệt: Khen đúng người, đúng việc, đúng thời điểm; Cần có bộ tiêu chí rõ ràng, công khai minh bạch của từng trường dựa trên thông tư của Bộ GD&ĐT để linh hoạt thực hiện. Bởi bản chất của giáo dục chính là sự linh hoạt, sáng tạo, chứ không phải rập khuôn và máy móc.

Nói về những sai phạm của học sinh, nhiều giáo viên, phụ huynh cho rằng, các em tuổi còn trẻ, biểu hiện bộc phát của tuổi trẻ, bốc đồng… và mỗi một sai phạm đều có nguyên nhân, bản chất của nó, nên vai trò của nhà trường, của phụ huynh cũng để đồng hành cùng nhà trường giáo dục, uốn nắn cho các em.

Theo các nhà giáo, hãy đặt mình vào vị trí các em để thấu hiểu, để tìm ra cách giúp các em sửa sai, không tái phạm, thậm chí cho các em tự đề xuất cách sửa sai như thế nào và có những cam kết. 

"Của cho, không bằng cách cho", "Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại", Khen công khai, chê kín đáo, Khen chê học trò-xuất phát từ cái tâm của người thầy, xuất phát từ tính giáo dục, tính nhân văn của môi trường giáo dục... là ý kiến chung của nhiều đại biểu. 

Chủ trì buổi tọa đàm gồm có TS Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cùng với sự góp mặt của các giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Tôn Đức Thắng; Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, lãnh đạo một số trường THPT trên địa bàn, các giáo viên chủ nhiệm và các bậc phụ huynh của trường Nguyễn Du.

Buổi tọa đàm ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm thực hiện khen thưởng - kỷ luật học sinh còn hướng đến việc lấy ý kiến, đóng góp cho dự thảo sửa đổi Thông tư số 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT về khen thưởng và kỷ luật học sinh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ