Hỗ trợ học sinh tăng động giảm chú ý bằng những bài học được cấu trúc mạch lạc

GD&TĐ - Theo ThS. Nguyễn Thị Hoa - Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường đại học sư phạm Hà Nội, học sinh tăng động giảm chú ý học tốt nhất với những bài học được cấu trúc, đó là việc nói cho học sinh biết các em sẽ học gì trong bài học hôm nay và kết nối kiến thức và kĩ năng của bài học với bài học hôm trước. Các hỗ trợ bao gồm:

Ảnh có tính chất minh họa/internet
Ảnh có tính chất minh họa/internet

Thứ nhất, cung cấp cấu trúc bài học, con người, thời gian, không gian. Cung cấp cho học sinh tăng động, giảm chú ý (TĐGCY) kế hoạch học tập của ngày bằng cách chỉ ra nhanh gọn trình tự các hoạt động.

Ví dụ, giảng giải một chút về những gì sẽ học tiếp sau bài học trước và những mong đợi của giáo viên dành cho học sinh trong bài học hôm nay, với cả hoạt động cá nhân và hoạt động nhóm.

Học sinh TĐGCY cũng nên được biết các em sẽ học cùng ai, ai sẽ hỗ trợ các em. Ví dụ học toán với cô Thu và bạn Linh sẽ hỗ trợ.

Ngoài ra cần chỉ cho học sinh biết thời gian thực hiện mỗi hoạt động. Giáo viên cũng cần chỉ ra cho học sinh biết nơi các em sẽ tham gia hoạt động. Ví dụ: học toán và tiếng việt sẽ ở trong lớp, học thể dục ở sân trường và học nhạc ở phòng âm nhạc...

Nếu có thể cấu trúc này nên được trực quan hóa. Ví dụ kế hoạch được trực quan hóa:

Thứ hai, kiểm tra bài cũ. Kiểm tra các thông tin trong bài học trước, bao gồm kiểm tra một số vấn đề để gợi nhắc học sinh TĐGCY trước khi giới thiệu bài học mới. Ví dụ, bài học trước các con đã học về vần "an", vần "an" gồm những âm nào ghép lại? Tìm cho cô các từ chứa vần "an"...

Thứ ba, thiết lập những mong đợi về học tập. Chỉ ra những điều học sinh TĐGCY cần phải học trong bài học này. Ví dụ, hôm nay các con sẽ học bài đọc "Dòng giống tiên rồng" và tìm trong bài các từ có chứa vần "ong" và vần "ông".

Thứ tư, thiết lập những mong đợi về hành vi. Mô tả những mong đợi về cách cư xử của học sinh TĐGCY trong suốt bài học. Ví dụ, nói với học sinh rằng các em có thể nói nhỏ với bạn bên cạnh khi các bạn đang làm việc hoặc các em có thể giơ tay để thu hút sự chú ý.

Thứ năm, chuẩn bị những đồ dùng cần thiết. Xác định những đồ dùng học tập học sinh TĐGCY cần trong suốt bài học hơn là việc để cho học sinh tự mường tượng về những đồ dùng cần thiết. Ví dụ, xác định những thứ các em cần cho tiết học thủ công như: kéo, keo, giấy màu, bút sáp, bút chì.

Thứ sáu, nói về những hỗ trợ bổ sung. Nói về học sinh TĐGCY cách làm để có được sự trợ giúp để nắm được bài học. Ví dụ: Khi thấy bài khó có thể giơ tay hoặc giơ thẻ xin trợ giúp để có được sự trợ giúp của giáo viên. Hoặc dùng bảng cửu chương để hỗ trợ làm bài tập toán...

Thứ 7, đơn giản hóa những hướng dẫn. Đơn giản hóa cách hướng dẫn dành cho học sinh TĐGCY sẽ giúp các em hiểu và hoàn thành bài tập đúng giờ và hiệu quả hơn. Đó là việc dùng lời nói ngắn gọn, tập trung vào từ khóa hoặc dùng hình ảnh hỗ trợ trong quá trình hướng dẫn học sinh TĐGCY.

Bài viết được biên tập, lược dẫn từ tham luận "Hỗ trợ học sinh tăng động giảm chú ý trong tiết học tại lớp tiểu học hòa nhập" của Ths Nguyễn Thị Hoa tại hội thảo quốc tế "Phát triển hệ thống dịch vụ hòa nhập người khuyết tật: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ