Hiệu ứng đám đông

GD&TĐ - Mới đây, một clip được đưa lên YouTube với tiêu đề “Cô giáo hướng dẫn cách đánh vần tiếng Việt lạ và độc” được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Một số báo lập tức khai thác nội dung này, nhân thêm rất nhiều tranh luận, dù trên thực tế, đây là nội dung không mới.

Phản ứng tích cực của xã hội sẽ giúp giáo dục phát triển đúng hướng
Phản ứng tích cực của xã hội sẽ giúp giáo dục phát triển đúng hướng

Đúng theo chia sẻ của người đăng tải clip, cách đánh vần trên được giáo viên dạy theo sách “Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại.

Nếu thực hiện tìm kiếm trên Google với từ khóa “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục” có thể ngay lập tức ra hàng chục triệu kết quả. Với một người chưa hề từng được nghe đến mô hình này, chỉ bằng thao tác tìm kiếm đơn giản cũng có thể lấy được thông tin trên Internet, rằng GS Hồ Ngọc Đại là người đưa ra khái niệm “công nghệ giáo dục” và triển khai ở Việt Nam với mô hình thực nghiệm ra đời từ năm 1978 (Trường Thực nghiệm) tại Giảng Võ, Hà Nội. Đến năm 1985, Trường Thực nghiệm được phép mở rộng ra các tỉnh đăng ký triển khai. Năm 1986, bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại ra đời, hiện nay được áp dụng đại trà với hơn 40 tỉnh, thành lựa chọn.

Năm học 2016 - 2017, cả nước có 48 tỉnh, thành phố đã triển khai dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục theo Quyết định số 2222/QĐ-BGDĐT ngày 1/7/2016 của Bộ GD&ĐT. Dù còn những khó khăn, hạn chế, nhưng dạy và học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục được đánh giá đã làm thay đổi phương pháp dạy của giáo viên và phương pháp học của học sinh và là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt cho học sinh, nhất là học sinh vùng dân tộc thiểu số. Hội đồng thẩm định quốc gia cũng đã thẩm định và chấp nhận cho phép địa phương nào muốn thì tổ chức dạy học theo tài liệu của chương trình này.

Năm 2016, GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ trên báo chí: Sau gần 40 năm nhìn lại mô hình này, công nghệ giáo dục dựa trên 3 nguyên tắc: Ai cũng học được; học gì được nấy; học đâu chắc đó. Do vậy giúp học sinh đọc thông viết thạo, đúng chính tả, không thể tái mù chữ. Bất kỳ tiếng nào miễn là nghe được, nhắc lại được thì viết được.

Điều mà nhiều người “hoang mang”, cho là “lạ” và là trọng tâm của tranh luận khi video nói trên được chia sẻ chính là cách đánh vần theo bộ sách Công nghệ giáo dục. Nguyên tắc đánh vần trong Công nghệ giáo dục là theo âm, không đánh vần theo chữ. Do đánh vần theo âm nên khi viết phải theo luật chính tả: Âm /cờ/ đứng trước âm /e/, /ê/, /i/ phải viết bằng chữ k (ca); âm /cờ/ đứng trước âm đệm phải viết bằng chữ q (cu), âm đệm viết bằng chữ u... Tất cả các nguyên tắc này cũng được các chuyên gia chia sẻ công khai và có thể dễ dàng tìm thấy chỉ bằng một click chuột.

Có thể khẳng định rằng, nội dung clip tạo làn sóng tranh luận trong những ngày cuối tuần vừa qua không hề “lạ” với nhiều người, đặc biệt những người lựa chọn cho con theo học chương trình Công nghệ giáo dục. Với những người chưa từng biết đến mô hình nói trên, quen với cách đánh vần theo mô hình đại trà, thiết nghĩ, chỉ cần ít phút tìm hiểu trên mạng cũng có thể tránh được hoang mang không cần thiết, nhất là thời điểm đầu năm học mới.

Hiện nay, vẫn rất nhiều người thường có phản ứng ít tích cực với cái mới, cái “phi truyền thống”, trong đó có vấn đề giáo dục. Người ta thường chạy theo những cái mà đám đông cho là hay, là đúng, nhưng bản thân lại không thực sự suy nghĩ về ý nghĩa của sự việc.

Một phụ huynh khi nói về những tranh luận xung quanh clip cô giáo hướng dẫn cách đánh vần theo công nghệ giáo dục đã thở dài rằng: “Ở nhiều nước, trước cái mới, phụ huynh thường chủ động tìm hiểu để về dạy con thì chúng ta hoặc phản ứng, hoặc trăm sự nhờ thầy cô”. Muốn giáo dục tốt hơn lên, rất nhiều thứ cần thay đổi; thay đổi ngay từ việc nhỏ như nói không với việc đưa ra những nhận định khi bản thân chưa tìm hiểu kĩ và thói quen phản ứng tức thì, cảm tính, theo đám đông trước mỗi thông tin về giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ