Hãy là bạn của con

Hãy là bạn của con

Giúp các con, giúp trò sao cho đúng, cho hiệu quả – Đó là điều mà tôi luôn trăn trở. Qua kinh nghiệm của bản thân trong việc nuôi dạy 2 con trai, tôi thấy rằng cha mẹ hãy là bạn của con để hiểu con mình. Các con tôi bây giờ đã trưởng thành rồi song tôi vẫn luôn là bạn của chúng như những ngày chúng còn thơ dại.

Nhớ hồi cháu lớp 5,6 tôi thấy cu cậu hay chú ý đến đầu tóc. Hôm nào cũng đứng trước gương rất lâu để ngắm nghía, lại thấy cháu ra thùng nước vẩy cho ướt tóc mới chải đầu, có hôm lại nằm dài lên giường vừa chải vừa soi gương. Bố nó mắng con vì điều ấy, tôi đã phải gọi anh vào nhà nói để anh thôi gắt cháu. Tôi hiểu con mình đã biết “làm dáng” rồi. Tôi bắt đầu trò chuyện với con về kiểu tóc con trai. Tôi góp ý với cháu cách rẽ ngôi sao cho mặt mũi sáng sủa, thông minh. Có hôm tôi bảo cháu “con muốn tóc đẹp thì gội đầu rồi hãy đi học, đừng vẩy nước lên mà hôi con ạ”. Cháu có vẻ thẹn nhưng tỏ ý biết ơn mẹ. Nhiều hôm chải đầu xong cháu còn hỏi tôi “Mẹ thấy có được không?”. Nhiều khi trước khi đi đâu đó tôi cũng “tham khảo” con về kiểu tóc và quần áo của mình; “Con xem mẹ chải tóc thế này được không?”. Tôi bắt đầu nhận ra rằng các con rất thích chia sẻ với mẹ. Chúng sửa lưng áo cho tôi khi tôi vội vàng trước giờ đi công việc…

Hãy là bạn của con (Ảnh minh họa)
Hãy là bạn của con (Ảnh minh họa)

Mỗi buổi con học về đến nhà là tôi hỏi “Ở lớp có gì đặc biệt không con?”, thế là chuyện gì các cháu cũng kể. Lâu thành thói quen, hễ về tới cổng là cháu tự nhiên kể bao nhiêu chuyện của bạn bè, thầy cô cho tôi. Nào là “Lớp con hôm nay bị phạt…”, “Ba bạn bị Thầy Hiệu Trưởng gọi”; năm cháu lớp 10, kể cho tôi một chuyện và yêu cầu mẹ “bí mật”. Chả là chúng nó không thích thầy giáo dạy Anh văn nên bôi lá mắt mèo lên ghế GV cho thầy “biết tay”. Mỗi chuyện cháu kể tôi đều thăm dò ý kiến của các con, tranh luận xem như thế nào là tốt. Cũng qua ý kiến của chúng mà tôi biết điều chỉnh hành vi của mình.

Nhiều hôm 2 cháu có bài khó, cả 3 mẹ con thi nhau đọc diễn cảm một bài văn, bài thơ hay tranh luận một vấn đề mà các cháu thắc mắc… . Trong lúc vui vẻ, tôi thường gợi chuyện về bạn bè của con như “Lớp con bạn gái nào học giỏi nhất/ xinh nhất…? rồi khi con trai học lớp 12, là cô giáo ở trường của con nên tôi biết có không ít bạn gái thích con mình. Tôi hỏi cháu “con thấy bạn gái nào đáng yêu nhất trong lớp?”. Cháu không ngại cho tôi biết ý nghĩ của nó. Tôi đã giúp cháu có tình bạn đẹp với bạn gái nhờ những cuộc trò chuyện cởi mở này.

Một việc rất ý nghĩa nữa trong việc dạy con là hãy tham gia trò chơi với con. Hãy tỏ ra thích điều mà con thích để tìm cách hướng niềm đam mê của chúng cho đúng theo ý của mình. Mỗi ngày trước giờ ăn tối, 3 mẹ con tôi có thói quen thi nhau đá cầu, nhảy dây… Ai đá được ít nhất thì “rửa bát”! Ba mẹ con thỉnh thoảng cũng chơi trò chơi Ô Ăn Quan, cũng đánh tú lơ khơ. Có hôm tôi bị thua bị 2 con phết đầy nhọ nồi lên mặt. Thấy bẩn quá chúng tôi bàn nhau thay đổi hình thức phạt: Nếu ai thua thì phải uống một ly nước! Theo các con, uống nước nhiều chống được bệnh sỏi thận mà. Lúc nào nhà cũng đầy ắp tiếng cười vui, tinh nghịch của các con. Giờ “chơi ra chơi, học ra học!”- đó là khẩu hiệu của chúng tôi. Nhiều hôm đang học thấy buồn ngủ, các con lại rủ tôi giải lao, chơi trò chơi.

Nay chúng đã vào ĐH, mỗi lần về thăm nhà, chúng tôi vẫn không quên những trò chơi thuở nhỏ. Các con không dấu mẹ chuyện riêng tư. Con trai lớn thổ lộ với mẹ nỗi niềm tâm sự khi cháu còn du học mà bạn gái lại ở nhà… Con trai nhỏ kể chuyện vài cặp trai gái cùng lớp ở trọ chung với nhau một phòng như vợ chồng…! Tôi luôn lắng nghe các con và cho chúng những chia sẻ của mình như một người bạn. Cho chúng lời dạy bảo của cha mẹ. Tôi không bao giờ áp đặt các con mà chỉ gợi ý, nhưng hết thảy các con đều theo sự gợi ý của mẹ. Tôi thấy mình thật may mắn nên muốn chia sẻ với mọi người, mong sao ai cũng hạnh phúc với con mình. Hãy dành thêm thời gian cho các con để giảm bớt sức ép cho thầy cô chúng ở trường!

Lê Thị Vuôn

(Trường THPT Đông Sơn I, Đông Sơn,Thanh Hóa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ