Hấp dẫn phương pháp vấn đáp trong dạy học Văn

GD&TĐ - Cô Lê Thị Hoa – giáo viên Trường THPT Triệu Thị Trinh (Thanh Hóa) – cho rằng: Vấn đáp là một trong những phương pháp dạy học tích cực, đem lại kết quả cao trong học tập, phát huy được tính chủ thể của học sinh trong dạy học Văn.

Hấp dẫn phương pháp vấn đáp trong dạy học Văn

Đây là phương pháp mà giáo viên đặt ra các câu hỏi để học sinh trả lời, hoặc tranh luận với nhau và với cả giáo viên, qua đó học sinh lĩnh hội được nội dung bài học.

Theo cô Lê Thị Hoa, phương pháp vấn đáp, đàm thoại khác với thuyết trình ở chỗ nội dung cần truyền thụ không được thể hiện qua lời giảng của người dạy mà được thực hiện bởi hệ thống câu trả lời của người học, dưới sự gợi mở bởi các câu hỏi của người dạy đề xuất. Các câu hỏi này được tổ chức thành một hệ thống phù hợp với nội dung bài học, đối tượng học sinh.

Từ kinh nghiệm bản thân, cô Lê Thị Hoa chia sẻ các phương pháp vấn đáp hiệu quả trong dạy học Văn và những lưu ý với các phương pháp này.

Vấn đáp tái hiện

Đây là phương pháp GV đặt ra câu hỏi yêu cầu HS chỉ cần nhớ lại và tái hiện nội dung bài học. Đây là dạng vấn đáp ở mức độ bình thường, không đòi hỏi HS phải tư duy mà chỉ cần huy động trí nhớ hoặc dựa vào văn bản văn học.

Ví dụ: GV cho HS tìm hiểu phần tiểu dẫn của đoạn trích Việt Bắc, có thể đặt câu hỏi: Nêu hoàn cảnh ra đời của bài ? HS dựa vào tiểu dẫn trả lời: Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Tháng 7- 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được kí kết. Hòa bình lập lại, miền Bắc nước ta được giải phóng và bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới . Tháng 10- 1954, những người kháng chiến từ căn cứ miền núi về miền xuôi, nhân sự kiện có tính lịch sử ấy Tố Hữu đã sáng tác bài thơ Việt Bắc.

Vấn đáp tái hiện có thể xem là bước đầu khi đi sâu tìm hiểu, khám phá, phát hiện giá trị của văn bản văn học. Đây còn là cơ sở để giáo viên đặt ra những câu hỏi nêu vấn đề nhằm hướng dẫn, giúp HS phát hiện giá trị, vẻ đẹp của văn bản văn học.

Vấn đáp giải thích, chứng minh

GV phải xây dựng hệ thống câu hỏi yêu cầu HS phải tư duy, biết vận dụng các thao tác lập luận giải thích(dùng lí lẽ, lí giải nội dung, bản chất của vấn đề để mọi người cùng hiểu vấn đề ), phân tích, chứng minh ( chia tách đối tượng thành từng khía cạnh, từng phần xem xét đánh giá, kết hợp dùng dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề, đối tượng ).

Với phương pháp này, GV tổ chức hướng dẫn HS đi sâu khám phá các giá trị của tác phẩm văn học nay bản chất vấn đề của bài học.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là GV xây dựng hệ thống câu hỏi vấn đáp giải thích, chứng minh như thế nào để hấp dẫn HS đồng thời đảm bảo được mục tiêu cần đạt.

Theo kinh nghiệm của cô hoa, người GV nên căn cứ vào mục tiêu cần đạt kết hợp với hệ thống câu hỏi Hướng dẫn học bài trong sách giáo khoa, thể loại văn bản, dung lượng bài học.

Ngoài ra, còn phải chú ý đến đối tượng HS từng lớp, từng nhóm, thậm chí từng cá nhân trong lớp trong lớp về các mặt như lứa tuổi, tâm sinh lý, trình độ, vốn sống, khả năng nhận thức, khả năng diễn đạt... Trên cơ sở đó GV xây dựng hệ thống câu hỏi vấn đáp .

Chẳng hạn, khi tìm hiểu vẻ hung bạo của con sông Đà trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân, GV nêu câu hỏi: Có ý kiến nhận xét cho rằng : Nguyễn Tuân đã có sự quan sát công phu, tìm hiểu kĩ càng để khắc họa sự hung bạo trên nhiều dạng vẻ. Em có đồng ý với ý kiến trên không? Vì sao?

HS thảo luận rồi trả lời: Đúng là Nguyễn Tuân đã có sự quan sát công phu, tìm hiểu kĩ càng để khắc họa sự hung bạo trên nhiều dạng vẻ. Từ đó, HS vận dụng thao tác giải thích, chứng minh để làm sáng tỏ vấn đề.

Kết quả HS trả lời: Sông Đà được miêu tả chỗ thì chẹt lại như chiếc yết hầu. Lại có những quãng sông hàng cây số của một thế giới đầy gió gùn ghè, đá giăng đến chân trời và sóng bọt tung trắng xóa...

Tả cái hút nước quãng Tà Mường Vát, những cái hút nước xoáy tít lôi tuột mọi vật xuống đáy sâu... Những trùng vi thạch trận sẵn sàng nuốt chết con thuyền và người lái. .. Âm thanh luôn thay đổi...

Vấn đáp tìm tòi, phát hiện, sáng tạo

Đây là dạng câu hỏi vấn đáp đòi hỏi HS không chỉ biết giải thích, chứng minh mà hơn thế phải biết khái quát, phát hiện ra bản chất của vấn đề, tầng lớp nghĩa ẩn của văn bản văn học, hơn thế HS phát hiện ra những tầng nghĩa mới.

Vận dụng những câu hỏi vấn đáp ở mức độ này, đòi hỏi GV phải lưu ý tới mục đích, hình thức hỏi tránh đưa ra những câu hỏi mang tính chất đánh đố HS, đặc biệt phải chú ý tới đối tượng tiếp nhận (HS khả năng nhận thức, tư duy).

Khi đặt ra câu hỏi này GV thường hướng tới đối tượng là HS khá, giỏi nhằm phát huy khả năng nhận thức, tư duy, sáng tạo của các em. Tuy nhiên GV có thể đưa ra câu hỏi dẫn dắt gợi mở nhằm giúp các em có sức học trung bình cũng có thể khám phá, phát hiện và trả lời.

Chẳng hạn, khi tìm hiểu mạch cảm xúc, bố cục của văn bản văn học GV nên đặt câu hỏi dạng này.

Ví dụ khi tìm hiểu bố cục bài thơ Tây Tiến(Quang Dũng), GV nêu câu hỏi: Sau khi nghe xong bài thơ, em hãy căn cứ vào mạch cảm xúc của bài thơ cho biết bài thơ chia thành mấy đoạn? Nêu nội dung chính của từng đoạn?

HS suy ngẫm, thảo luận và trả lời: Theo mạch cảm xúc, bài thơ có thể chia làm 4 đoạn( 4 khổ): Khổ 1: Nhớ núi rừng Tây Bắc, nhớ con đường hành quân. Khổ 2: Nhớ những kỉ niệm về cuộc sống và con người nơi núi rừng Tây Bắc. Khổ 3: Nhớ đoàn quân Tây Tiến. Khổ 4: Lời thề quyết tâm chiến đấu và lời thề không thể nào quên “Tây Tiến”

Những bước cơ bản tổ chức dạy học vấn đáp

Theo cô Lê Thị Hoa, để tổ chức một giờ học vấn đáp hoàn chỉnh trong dạy văn, GV có thể tiến hành theo một số bước cơ bản sau:

Thứ nhất: Xác định vấn đề cần vấn đáp (đàm thoại). Thông qua việc hướng dẫn đọc, GV phải hướng dẫn hay gợi ý cho HS những chi tiết, hình ảnh tiêu biểu chứa đựng nội dung bao quát cơ bản để trong quá trình đọc HS cảm nhận được vấn đề mình cần phải trả lời hay tìm hiểu trong giờ học đó.

Vấn đề đưa ra vấn đáp với HS có khi chỉ là một hình ảnh, một chi tiết, một khía cạnh nội dung hay một nhân vật nào đó trong tác phẩm. Nhưng chi tiết hoặc hình ảnh đó phải tiêu biểu, đóng vai trò then chốt mà qua đó giúp HS nắm được tư tưởng của đoạn trích hoặc tác phẩm.

Thứ hai: Hướng dẫn học sinh vấn đáp. Đây là một việc làm quan trọng của GV trong giờ học văn. Khi đã đưa ra một hệ thống câu hỏi, nếu học sinh không thể tìm ra câu trả lời ngay được thì người GV cần phải dẫn dắt, gợi mở vấn đề bằng những câu hỏi phụ để từ đó HS tìm ra ý cho câu hỏi chính.

Trong thực tế, HS có thể nắm được nhiều các chi tiết của tác phẩm nhưng chưa biết kết nối các chi tiết đó để có thể rút ra được các nhận định đánh giá. Đây cũng là lý do khiến các em rụt rè khi trả lời, vì vậy đòi hỏi GV gợi mở, dẫn dắt.

"Trong giờ học văn, giáo viên (GV) phải là người điều khiển, hướng dẫn để học sinh (HS) tự khám phá ra vẻ đẹp của văn bản văn học. HS là một chủ thể trực tiếp tiếp nhận, chiếm lĩnh tác phẩm. HS có điều kiện phát huy những khả năng mới vốn tiềm ẩn mà lâu nay bản thân các em chưa khám phá, bộc lộ hoặc còn rụt rè, lúng túng... Từ đó, tạo cho các em sự mạnh dạn, tự tin khi diễn đạt một vấn đề trước tập thể.

GV cần phải nắm vững bản chất của phương pháp vấn đáp, đặc biệt là phải phân biệt được các loại, mức độ vấn đáp để từ đó xây dựng hệ thống câu hỏi thích đáng, trọng tâm, then chốt, có tình huống, khơi gợi được hứng thú tham gia hoạt động của HS, phù hợp với nội dung bài học".

Cô Lê Thị Hoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ