Hàng loạt vụ xâm hại trẻ: Giáo dục giới tính quá muộn, thiếu trực quan

Nhiều chuyên gia cho rằng sách giáo khoa lớp 5 mới có những bài học đầu tiên về giáo dục giới tính là quá muộn.

Hàng loạt vụ xâm hại trẻ: Giáo dục giới tính quá muộn, thiếu trực quan

Tại thông tư 05 mới được ban hành đầu tháng 4/2019, có hiệu lực từ 21/5, Bộ GD&ĐT yêu cầu danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 phải có bộ tranh về phòng tránh bị xâm hại.

Bộ tranh gồm 2 tờ, trong đó một tranh minh họa quy tắc bảo vệ cơ thể bé trai và bé gái phải có dòng chữ: “Hãy nhớ! Không để ai sờ, động chạm vào cơ thể được đồ lót che kín. Trừ khi học sinh cần được bác sĩ thăm khám”.

Một tranh khác minh họa 3 bước phòng tránh xâm hại thông qua hình ảnh như bỏ chạy để thoát khỏi tình huống nguy hiểm hoặc kể lại với người thân…

Dù hoan nghênh việc học sinh lớp 1 được học về kỹ năng phòng chống xâm hại, nhiều chuyên gia cho rằng phương pháp trên vẫn còn "sơ khai", thiếu bài học về tình huống, kỹ năng cụ thể.

Sách giáo khoa đang dạy gì về giới tính?

Hàng loạt vụ việc xâm hại tình dục học sinh nghiêm trọng xảy ra gần đây một lần nữa khiến dư luận đặt ra câu hỏi nhà trường đang dạy giáo dục giới tính như thế nào? Trẻ được trang bị kỹ năng gì để bảo vệ bản thân?

Sách giáo khoa Khoa học lớp 5 có bài tập số một về sự sinh sản, tìm hiểu “bé là con ai”, mang đến thông điệp mọi trẻ em đều do cha, mẹ sinh ra và có những đặc điểm giống cha mẹ mình. Nhờ có sự sinh sản, các thế hệ trong mỗi gia đình, dòng họ được duy trì kế tiếp nhau.

Bài học về cơ thể được hình thành như thế nào trong sách giáo khoa lớp 5. Ảnh: Q.Q.

Bài tập lớp 2-3 nói về nam và nữ với nội dung, đến độ tuổi nhất định, cơ quan sinh dục mới phát triển làm cho cơ thể nam và nữ có nhiều điểm khác nhau. Trong đó, nam có râu, cơ quan sinh dục tạo ra tinh trùng. Nữ có kinh nguyệt, cơ quan sinh dục tạo ra trứng.

Bài tập 4, trẻ học về cơ thể được hình thành như thế nào. Trong đó, trứng và tinh trùng được kết hợp với nhau thành hợp tử. Các tinh trùng gặp trứng. Một tinh trùng đã chui được vào trong trứng. Hợp tử phát triển thành phôi và bào thai.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - nêu quan điểm sách giáo khoa lớp 5 mới dạy những nội dung về giới tính là quá muộn.

"Tôi nhớ câu chuyện bé gái 17 tháng tuổi ở Bắc Giang bị xâm hại tình dục, từ đó chúng ta phải thấy thực tiễn vấn đề cần được giáo dục sớm hơn, ngay từ tuổi mẫu giáo", bà Hòa nói.

Bài số 9 nói về vệ sinh tuổi dậy thì bao gồm phải giữ thân thể sạch sẽ, thường xuyên tắm giặt, gội đầu, thay quần áo; đặc biệt phải thay quần áo lót, rửa bộ phận sinh dục bằng nước sạch và xà phòng tắm hàng ngày. Nữ giới, khi hành kinh, cần thay băng vệ sinh ít nhất 4 lần trong ngày.

TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, người nhiều năm gắn bó với công việc giáo dục giới tính - cho hay kiến thức trong sách giáo khoa đã đi thẳng vào vấn đề và khoa học, tuy nhiên lớp 5 mới dạy là quá muộn. Nhiều học sinh lớp 5 đã dậy thì, kiến thức về giáo dục giới tính phải được dạy sớm hơn, khoảng lớp 3, 4.

Ngoài ra, sách giáo khoa còn thiếu nhiều kiến thức trẻ cần. Ví dụ, hiện tượng kinh nguyệt và xuất tinh rất gần gũi, cần lý giải cụ thể đó là hiện tượng gì và giữ vệ sinh, xử lý trong một số trường hợp ra sao. Nhiều bé gái sợ hãi, thậm chí nghĩ mình mắc bệnh ung thư, khi thấy kinh nguyệt.

Theo nữ tiến sĩ, dạy muộn, không đúng trọng tâm, thời lượng ít sẽ khiến trẻ không nhớ lâu được, không hiệu quả.

Quy tắc vòng tròn giúp trẻ tránh bị xâm hại. Ảnh: Lee Mew.

Cần dạy giáo dục giới tính từ lớp 1, chú trọng kỹ năng và tình huống

TS Vũ Thu Hương cho rằng ngay từ lớp 1, sách giáo khoa nên dạy trẻ về khu vực đồ lót, hướng dẫn phòng tránh nguy cơ bị xâm hại. Sách lớp 2 có thể nêu quá trình hình thành thai nhi. Lớp 3 làm rõ hiện tượng kinh nguyệt, xuất tinh.

Ở lớp 4 và 5, sách cần dạy trẻ về pháp luật như việc quan hệ tình dục với trẻ em dưới 16 tuổi, các trường hợp dưới 18 tuổi là phạm tội. Quan hệ tình dục có thể dẫn đến hậu quả như mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh truyền nhiễm… Từ cấp hai, sách có thể dạy trẻ về đồng tính.

TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng giáo dục phòng chống xâm hại phải bắt đầu từ mầm non, ngay khi các em 3 tuổi, bắt đầu khám phá bộ phận sinh dục trên cơ thể.

Cha mẹ dạy con thế nào là động chạm an toàn và không an toàn; thế nào là không gian an toàn và không an toàn; đâu là khu vực thuộc về riêng tư; nhận diện tình huống nào nguy hiểm; hành vi nào gây khó chịu; cách ứng xử với hành vi bị quấy rối.

Người lớn cần dạy con dám lên tiếng ngay từ cấp tiểu học, để trẻ có lòng tự trọng và biết rằng trong tình huống nào cần phải nói với bố mẹ, người thân.

Đặc biệt, nhà trường cần có đường dây nóng để phổ biến đến học trò. Trẻ cần nhớ số điện thoại và yên tâm không bị trù dập, nếu báo. Các trường nội trú ở miền núi càng cần lựa chọn người có phẩm chất đạo đức, chú trọng sức khỏe, tinh thần với giáo viên.

Bên cạnh yếu tố cần dạy trẻ giáo dục giới tính từ sớm, các chuyên gia cho rằng bài học hiện nay còn khô cứng, thiên về sách vở, thiếu thực tế về đào tạo kỹ năng qua tình huống cụ thể. Giáo viên chuyên về giới tính, sức khỏe thiếu và ít được quan tâm đào tạo.

Theo news.zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ