Giờ học không có trong sách vở

GD&TĐ - Thực tiễn dạy học cho thấy có những điều triệt tiêu sáng tạo trong dạy Văn, gây khó cho GV và HS đổi mới phương pháp dạy và học. “Cách kiểm tra, thi cử…  trong nhà trường hiện có những rào cản sự sáng tạo của HS. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nói cách khác, khi học Văn, làm bài kiểm tra, bài thi, HS không được sáng tạo vượt ra khỏi những khuôn phép” - cô Nguyễn Thanh Mai (Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) chia sẻ.

Rào cản sáng tạo

Dạy môn Ngữ văn bậc THPT đã 20 năm, cô giáo Thanh Mai nhận thấy, với cách kiểm tra, thi và đánh giá như hiện nay: “HS hầu như không được nói lên những gì các em nghĩ và mong muốn về môn học, theo góc nhìn của từng cá nhân của con người hiện đại hôm nay, nhất là với những vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn chương cổ”.

Hơn nữa khi chấm bài kiểm tra, thi… GV cũng phải bám theo đề cương, hệ thống ý, theo cách tiếp cận đã thành mẫu mực của những người biên soạn sách giáo khoa và định hướng tác phẩm văn học. “HS không được nói lên cảm xúc, suy nghĩ khác đi so với định hướng. Thậm chí, những HS bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc về tác phẩm ngược lại so với “chuẩn mực” sẵn có có thể không được chấm điểm, không được chấm điểm cao.

Điều này không chỉ thấy trong giảng dạy, kiểm tra, thi Văn ở bậc THPT, ngay từ bậc tiểu học, lên THCS đều có tình trạng đó. Chính cách dạy, định hướng kiểm tra, ra đề thi bắt buộc theo “khuôn mẫu”, “chuẩn mực”, khiến HS cảm thấy có “khoảng cách” với các tác phẩm văn học trong nhà trường” - cô Thanh Mai phân tích.

Theo cô Thanh Mai, vẫn còn “cái thiếu” trong quá trình dạy học Văn. Bản thân người GV phải thích ứng được với thời đại, hiểu sâu sắc tâm lý, nắm rõ tâm sinh lý lứa tuổi, để từ đó tìm ra được cách tiếp cận tác phẩm văn học phù hợp với HS. “Để khi truyền đạt tác phẩm văn học có thể lôi cuốn HS theo đúng ngôn ngữ, cách cảm thụ của cá nhân, của thời đại, bản thân GV cũng phải am tường kiến thức nhiều mặt văn hóa, lịch sử, xã hội… suy nghĩ đúng thời đại”, cô Thanh Mai đúc rút. Như vậy, HS sẽ thích học Văn hơn. “Nói đổi mới cách dạy và học trong nhà trường, chính người GV phải đổi mới đầu tiên”, cô Thanh Mai nói.

“Vấn đề dạy Văn như thế nào cho sinh động, hấp dẫn HS, còn nằm ở khâu đào tạo GV sư phạm Văn”, cô Thanh Mai nhận xét, “để trở thành GV dạy Văn có khả năng thu hút HS quan tâm đến giờ học, ngay từ khâu tuyển chọn (xét tuyển) sinh viên học sư phạm Văn phải lựa được những người có tư chất, đạt được “chuẩn” nhất định. Bản thân những người có tư chất để cảm thụ được văn học, tư chất trở thành GV dạy Văn, khi đã được đào tạo bài bản sẽ trở thành những GV có năng lực làm cầu nối cảm thụ văn học giữa HS và tác phẩm văn học trong nhà trường. SV sư phạm Văn không chỉ cần có năng khiếu mà còn cần đạt những “chuẩn” nhất định để có thể trở thành GV dạy Văn đúng nghĩa”.

Lôi cuốn HS bằng trải nghiệm và sự tinh tế

Cô giáo Lương Thị Kim Thanh (GV Ngữ văn Trường THPT Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: Nếu GV có sự trải nghiệm, đưa sự trải nghiệm một cách tiết chế và phù hợp vào các giờ dạy Văn có thể khiến giờ học hấp dẫn hơn. “HS bây giờ không biết nhiều kiến thức, chi tiết trong tác phẩm văn học được học trong nhà trường. Bởi thế, trong các giờ Văn tôi luôn có gắng đưa vào những trải nghiệm thực tế, những hiểu biết của mình. Ví dụ, khi dạy tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, HS hiểu hơn và thích thú những chi tiết trong tác phẩm nhờ được nghe tôi kể những trải nghiệm liên quan” - cô Kim Thanh mô tả.

Trong giờ học, HS có thể hỏi GV những câu: Những chiếc váy xòe của người phụ nữ Mông như thế nào? Để trả lời những câu hỏi như thế, tôi thường chuẩn bị sẵn những hình ảnh sưu tầm được hoặc chụp lại được để cho HS xem”.

Nhằm giúp HS yêu thích tác phẩm văn học, cô Kim Thanh còn kể cho HS nghe về tập tục của những cô gái Mông: “Suốt cả năm cô gái Mông mới thêu xong một váy xòe có hàng trăm nếp gấp, có rất nhiều họa tiết thêu chỉ màu lộng lẫy, để chuẩn bị cho đi chơi xuân. Bởi thế, hình ảnh chiếc váy hoa đem ra phơi như những con bướm sặc sỡ trong tác phẩm có thể được HS hình dung ra qua những miêu tả của cô giáo”.

Ở một góc độ khác liên quan đến lồng ghép thực tế vào quá trình giảng dạy môn Ngữ văn, theo cô Thanh Mai, cũng không hẳn GV phải có trải nghiệm tương tự kiến thức và nội dung trong tất cả các tác phẩm văn học ở sách giáo khoa thì mới dạy Văn hấp dẫn học trò. Bởi có rất nhiều tác phẩm văn học đòi hỏi cảm thụ của người dạy qua nội dung, ngôn ngữ văn chương, chứ không phải qua hiện thực cuộc sống mà GV đã trải qua.

Chẳng hạn, với đoạn trích “Nỗi thương mình” trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (trong sách Ngữ Văn lớp 10), miêu tả tình cảnh nhân vật Thúy Kiều ở lầu xanh, GV không cần có “trải nghiệm” như cô Kiều mới nói được về những cái hay, cái đẹp của tác phẩm, hay sự đau khổ, nỗi xót xa của Kiều.

Cô Thanh Mai cho rằng: Các tác phẩm văn học được đưa vào giảng dạy trong nhà trường đều có những ý nghĩa thiết thực với cuộc sống. Tuy nhiên, khoảng cách về thời đại, hàng rào về ngôn ngữ… góp phần tạo khó khăn cho việc thu hút HS yêu thích giờ Văn. “Độ vênh” về thời đại của tác phẩm văn học giảng dạy trong nhà trường so với hiện thực cuộc sống của HS đòi hỏi người GV phải nỗ lực rất nhiều để tìm phương pháp truyền thụ phù hợp.

Do vậy, nếu GV không có cảm xúc, tình cảm với tác phẩm văn chương thì không thể dạy Văn hay, không thể truyền đạt tác phẩm văn học tới HS một cách say mê. Điều này có thể khiến bài giảng trở nên rời rạc, vô hồn.

Vấn đề dạy Văn như thế nào cho sinh động, hấp dẫn HS, còn nằm ở khâu đào tạo GV Sư phạm Văn. Để trở thành GV dạy Văn có khả năng thu hút HS quan tâm đến giờ học, ngay từ khâu tuyển chọn (xét tuyển) sinh viên học Sư phạm Văn phải lựa được những người có tư chất, đạt được “chuẩn” nhất định. Bản thân những người có tư chất để cảm thụ được văn học, tư chất trở thành GV dạy Văn, khi đã được đào tạo bài bản sẽ trở thành những GV có năng lực làm cầu nối cảm thụ văn học giữa HS và tác phẩm văn học trong nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.