Đề thi Ngữ văn phù hợp với tình hình thực tế nhưng vẫn có tính phân loại tốt

Sáng nay (7/7), hơn 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1 đã hoàn thành bài thi môn Ngữ văn. Đánh giá về đề thi Ngữ văn, nhiều GV nhận xét đề thi không mang tính đánh đố học sinh, số lượng học sinh đạt điểm khá sẽ nhiều...

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THTP năm 2021  tại Hà Nội
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THTP năm 2021 tại Hà Nội
 Đề thi Ngữ văn phù hợp với tình hình thực tế nhưng vẫn có tính phân loại tốt ảnh 1

>> Gợi ý đáp án đề thi môn Ngữ Văn tốt nghiệp THPT năm 2021

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

report

Đề thi phù hợp với cấu trúc đề minh họa

 

Cô giáo Nguyễn Thị Tăng, trường THPT chuyên Nguyễn Du (Đắk Lắk).
Cô giáo Nguyễn Thị Tăng, trường THPT chuyên Nguyễn Du (Đắk Lắk).

Nhận định đề thi Ngữ Văn năm nay, cô giáo Nguyễn Thị Tăng, giáo viên môn Ngữ văn, trường THPT chuyên Nguyễn Du (Đắk Lắk) cho biết, cấu trúc đúng như đề tham khảo và đề thi của những năm trước, gồm hai phần: Đọc hiểu và Làm văn.

Phần Đọc hiểu, ngữ liệu là một đoạn trích văn xuôi và thí sinh thực hiện yêu cầu 4 câu hỏi theo các mức đô: Nhận biết (Câu 1, Câu 2); Thông hiểu (Câu 3); Vận dụng (Câu 4).

Khác với đề thi những năm trước và đề thi tham khảo, năm nay Câu 1 không hỏi Phương thức biểu đạt chính mà hỏi Theo đoạn trích... Nhìn chung phần Đọc hiểu vừa tầm với thí sinh.

Phần Làm văn.

Câu 1, yêu cầu thí sinh viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải biết sống cống hiến.

Đây là vấn đề thuộc tư tưởng đạo lí, dạng quen thuộc với Thí sinh. Trong bối cảnh thực tế hiện hay, thí sinh dễ dàng liên hệ và trình bày được suy nghĩ của bản thân một cách cụ thế. Bản thân tôi đánh giá câu nghị luận xã hội hay.

Câu 2, Nghị luận văn học - Yêu cầu thí sinh cảm nhận về một đoạn trích trong bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân. Cụ thể là khổ thơ thứ 3,4,5 trong bài thơ.

Đối với đề văn này, thí sinh có những thuận lợi trong làm bài như: Đây là đoạn thơ hay, giàu cảm xúc trong bài thơ. Bài thơ/đoạn thơ viết về một trong những tình cảm thiêng liêng trong cuộc sống con người: Tình yêu đôi lứa... nên dễ dàng khơi gợi cảm xúc đẹp ở những tâm hồn trẻ trung, trong sáng lãng mạn.

Tuy nhiên, từ Đề thi tốt nghiệp THPT 2020 và Đề thi năm 2021 đều tập trung vào nội dung học kì I và các đoạn thơ nên có cảm giác chương trình môn Ngữ văn 12 Học kì II chưa được coi trọng.

Yêu cầu thứ, nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh là yêu cầu nhằm mục đích phân hóa. Qua cảm nhận về nội dung của đoạn thơ (Từ sóng, nhà thơ tìm cách lí giải cội nguồn của tình yêu; Từ sóng, nhà thơ khẳng định nỗi nhớ là gương mặt lỗng lẫy nhất trong câu chuyện tình yêu). Đề này, thí sinh có thể xử lí được yêu cầu một cách tương đối.

Cô Tăng cũng tự tin đánh giá: “Với kiến thức và kĩ năng đã học, đã được trang bị, tích lũy, rèn luyện, tôi tin học sinh của mình sẽ làm tốt bài thi của mình”.

Nguyễn Văn Đạt

report

Đề thi có yếu tố thời sự

 Đề thi Ngữ văn phù hợp với tình hình thực tế nhưng vẫn có tính phân loại tốt ảnh 3

Cô Lê Hải Châu - GV Ngữ Văn, Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) nhận định: Nhìn chung đề thi Ngữ văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Câu nghị luận văn học bám sát đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT.

Đề thi Văn THPT 2021 về cơ bản không thay đổi so với mọi năm, vẫn gồm có hai phần, ba câu, phần Đọc hiểu 3 điểm, phần Làm văn 7 điểm với hai câu: câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm. 

Phần Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi nhỏ. Bốn câu hỏi đọc hiểu đã lần lượt đặt ra yêu cầu theo các mức độ của Nhận biết (câu 1và 2), nhận biết kết hợp thông hiểu (câu 3), vận dụng và vận dụng cao (câu 4). Đó là các mức độ phù hợp với quá trình nhận thức của học trò, bám sát cấu trúc đề thi tham khảo và cũng là các kĩ năng mà học sinh đã được ôn luyện trong suốt năm học lớp 12. Riêng câu 4 là ở mức độ vận dụng cao yêu cầu học sinh phải vận dụng những hiểu biết về cuộc sống xã hội cùng những trải nghiệm cá nhân để thể hiện quan điểm độc lập của mình về lẽ sống. Với 3 câu hỏi nhận biết, học sinh hoàn toàn có thể đạt được điểm tối đa. Và như vậy, phần đọc hiểu sẽ không làm khó và không làm mất thời gian của thí sinh

Phần 2 Làm văn (7,0 điểm): Giữ nguyên cấu trúc gồm 2 phần là viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm).

Câu 1 (2 điểm) Đoạn văn nghị luận xã hội vẫn yêu cầu học sinh nghị luận về 1 khía cạnh của vấn đề rút ra từ phần Đọc hiểu đó là sự cần thiết phải biết sống cống hiến – “sự cần thiết” được hiểu là ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc sống cần phải biết cống hiến. Có thể thấy, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội đảm bảo đúng form, cấu trúc, dung lượng mà học sinh ôn luyện, phù hợp với thời lượng và quỹ điểm; khía cạnh của vấn đề nghị luận cũng hướng tới một trong những điều quan trọng của cuộc sống mỗi cá nhân. Đề có yếu tố thời sự, học sinh có thể liên hệ với tình hình Covid 19, sự cống hiến và hi sinh thầm lặng của các ý bác sĩ, lực lượng chức năng... đang ngày đêm chiến đấu mang lại cuộc sống yên bình cho đất nước

Câu 2 (5 điểm) Câu nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất, 5 điểm, cũng là dạng bài bám sát đề thi minh họa của Bộ Giáo dục. Vấn đề xác định phạm vi kiến thức và kĩ năng trong câu nghị luận văn học khá rành mạch khi yêu cầu cảm nhận về đoạn thơ gồm 3 khổ. 3 khổ thơ nói về suy nghĩ, trăn trở về cội nguồn, quy luật của tình yêu và nỗi nhớ, lòng thủy chung son sắt của người con gái khi yêu.

Học sinh cần làm trọn vẹn nội dung và nghệ thuật. Yêu cầu thứ 2 của đề là yêu cầu nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh, với vế 2 của đề bài học sinh cần chỉ ra vẻ đẹp nữ tính như sau Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng, là tiếng nói tâm hồn của người phụ nữ khi yêu với những nét đẹp đằm thắm, dịu dàng, đôn hậu, vị tha, sâu lắng…, là tiếng nói của một tâm hồn giàu trắc ẩn, hồn hậu, chân thực và luôn da diết trong khát vọng về một hạnh phúc đời thường bằng tiếng thơ với những cảm xúc, suy tư, thao thức, khát khao… rất đời, rất gần gũi. Và vẻ đẹp nữ tính đó có lẽ bắt nguồn từ mong muốn hiểu và được hiểu mà khi yêu của người con gái. Câu 2 trong đề thi có tính phân hóa, nếu học sinh khá giỏi muỗn được điểm cao thì không chỉ làm trọn vẹn nội dung và nghệ thuật ở vế cảm nhận mà cần sâu hơn ở vế 2 -nhận xét vẻ nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.

Nhìn chung, với cấu trúc quen thuộc, mức độ các câu hỏi vừa sức, có xu hướng giảm tải khá rõ khi gia tăng câu hỏi nhận biết so với các kì thi THPT trước đây, phần Đọc hiểu sẽ là phần kiến thức và kĩ năng hứa hẹn khả quan cho quĩ điểm của thí sinh trong quá trình thực hiện các yêu cầu của đề bài.

Nguyễn Nhung

report

Vấn đề đặt ra rất ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid – 19

Điểm thi Trường THPT Giồng Ông Tố (TP Thủ Đức, TPHCM) làm thủ tục mở đề thi.
Điểm thi Trường THPT Giồng Ông Tố (TP Thủ Đức, TPHCM) làm thủ tục mở đề thi.

Theo ThS Hồ Tấn Nguyên Minh (Tổ trưởng tổ Văn, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên), đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2021 (diễn ra vào sáng ngày 7/7/2021) được ra theo cấu trúc  gồm 2 phần: phần Đọc hiểu (3 điểm); phần làm văn (7 điểm) với 2 câu: câu Nghị luận xã hội (2 điểm) yêu cầu viết đoạn và câu Nghị luận văn học (5 điểm) yêu cầu viết bài. Cụ thể:

Phần đọc hiểu cho một đoạn trích trong văn bản “Bí mật của nước” của tác giả Masaru Emoto và hỏi 4 câu hỏi nhỏ. Câu 1, 2 mức độ nhận biết, câu 3 mức độ thông hiểu và câu 4 mức độ vận dụng. Cách hỏi rõ ràng, mạch lạc. Sự phân hóa trong các câu hỏi được thể hiện rõ.

Câu Nghị luận xã hội yêu cầu viết 1 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về sự cần thiết phải cống hiến. Tuy vấn đề đặt ra cũ nhưng giữa lúc Covid – 19 đang phức tạp, cần sự chung tay góp sức, cần sự cống hiến của mỗi người thì vấn đề đặt ra có ý nghĩa.  

Câu Nghị luận văn học yêu cầu thí sinh cảm nhận một đoạn thơ trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh từ đó đưa ra nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh. Yêu cầu thứ nhất là yêu cầu cơ bản, văn bản “Sóng” được học kĩ trong chương trình nên học sinh dễ dàng làm được. Còn yêu cầu thứ hai mức độ nâng cao hơn, dành cho học sinh khá giỏi với yêu cầu xét đại học. Sự phân hóa như vậy tôi cho là hợp lý.

Từ đề thi này có thể nhận thấy, cấu trúc đề thi ổn định trong những năm trở lại đây, học sinh đã quen với cấu trúc này nên không cảm thấy bỡ ngỡ. Sự phân hóa của đề thi được thể hiện tương đối rõ. Câu hỏi được ra với những dạng quen thuộc, học sinh đã được chuẩn bị nhiều nên không cảm thấy bỡ ngỡ. Theo tôi, tuy đề thi vẫn được ra theo lối cũ, không có gì phá cách, sáng tạo nhưng về cơ bản, một đề thi như vậy đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tôi đánh giá đề thi năm nay cao hơn năm trước.  

Hồ Tấn Nguyên Minh - Công Chương (ghi)

report

Nhà giáo Triệu Thị Huệ: “Đề thi phù hợp, ngữ liệu có nhiều mới mẻ"

Nhà giáo Triệu Thị Huệ và học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM lúc chưa có dịch Covid-19. Ảnh: Thu Tâm

 Nhà giáo Triệu Thị Huệ  và học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM lúc chưa có dịch Covid-19.  Ảnh: Thu Tâm

Theo nhà giáo Triệu Thị Huệ  (nguyên tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM), đề thi Ngữ văn năm nay phù hợp với trình độ học sinh, đáp ứng được những yêu cầu của chuẩn kiến thức và kĩ năng, đặc biệt phù hợp với tình hình thực tế nhưng vẫn có tính phân loại tốt.

Phần Đọc hiểu bao gồm 4 câu hỏi trong đó có 2 câu hỏi nhận biết, một câu hỏi ở cấp độ thông hiểu và một câu vận dụng. Theo tôi, học sinh có thể đạt được điểm ở phần này vì các dạng thức câu hỏi khá quen thuộc, có độ tương thích cao so với đề tham khảo của Bộ. Tuy vậy, học sinh phải có sự suy ngẫm, thẩm thấu ngữ liệu mới có thể trả lời tốt các câu hỏi 3, 4.  

Nét mới mẻ ở phần này chính là ngữ liệu được chọn. Tôi đánh giá đây là một ngữ liệu hay vì đã thoát ra khỏi những khuôn mẫu cũ, giàu chất văn và khơi gợi những nhận thức có tính giáo dục cao.

Ở phần làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu viết đoạn văn ngắn (200 chữ) về sự cần thiết phải biết sống cống hiến. Đây là một yêu cầu khá nhẹ nhàng với học sinh vì dạng đề bài này khá quen thuộc.

Câu nghị luận văn học yêu cầu học sinh cảm nhận một đoạn thơ trong bài Sóng của Xuân Quỳnh, từ đó nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh. Đây là kiểu dạng đề học sinh đã được quan sát trong đề thi tham khảo của Bộ trước đó nên khá thuận lợi.

Để làm được đề bài này, học sinh phải biết cảm nhận về nội dung và nghệ thuật đoạn thơ, sau đó nhận xét về vẻ đẹp nữ tính (được thể hiện qua sự dịu dàng đằm thắm mang tính chất truyền thống của người phụ nữ Việt Nam nhưng lại được thể hiện với nét riêng, mới mẻ của Xuân Quỳnh). Yêu cầu ở vế thứ hai trong đề bài dù nhẹ nhàng nhưng vẫn có tính phân loại tốt, tạo điều kiện cho học sinh khá giỏi phát huy khả năng của mình.

Công Chương (ghi)

report

Đề Văn hay, "dễ thở", sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm cao

Cô Nguyễn Thị Thu Hà.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà.

Theo cô Nguyễn Thị Thu Hà - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông: Đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2021 là một đề thi hay, bám sát nội dung và chương trình học, vừa sức học sinh. Trong điều kiện học sinh phải học và ôn thi thời dịch Covid-19 phức tạp, đây là đề thi mà số lượng học sinh đạt điểm khá sẽ nhiều, những học sinh học chưa tốt môn Văn cũng có thể tránh được điểm liệt.

Đề thi có mức độ phân hóa rõ rệt. Học sinh khá- giỏi có đất để phát huy khả năng sáng tạo, đề thi không mang tính đánh đố học sinh.

Đặc biệt, trong tình hình xã hội hiện nay, phần đọc hiểu có đổi khác, không yêu cầu chỉ ra phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt hay các biện pháp tu từ mà đơn thuần chỉ là đọc và hiểu. Đoạn văn nói về sự đóng góp và cống hiến, rất thực tế nên học sinh dễ có điểm.

Trong phần làm văn yêu cầu cảm nhận về một đoạn thơ trong bài “Sóng”, là bài thơ quen thuộc nên học sinh chỉ cần vận dụng kiến thức về cơ bản cảm thụ văn học cũng có thể hoàn thành tốt bài viết của mình, đề văn giúp học sinh vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.

Bảo Minh

report

Đề thi không đánh đố, đảm bảo tính phân hoá

Thầy Nguyễn Văn Song.
Thầy Nguyễn Văn Song.

Thầy Nguyễn Văn Song – Trường THPT Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên nhận định: Đề thi không làm khó học sinh song vẫn đảm bảo tính phân hoá.

Cấu trúc đề không thay đổi so với đề Ngữ văn tốt nghiệp THPT những năm gần đây và đề minh họa của Bộ năm 2021.

Phần đọc hiểu lấy ngữ liệu là một đoạn trích trong cuốn “Bí mật của nước “ nói về hành trình của nước từ suối thành sông rồi ra biển. 4 câu hỏi trong phần đọc hiểu được chia theo các mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng.

Các câu hỏi bám sát ngữ liệu, câu lệnh rõ ràng, phù hợp, có sự phân hoá. Câu hỏi vận dụng khá sâu sắc khi yêu cầu thí sinh liên hệ hành trình của sông ra biển với lẽ sống của con người.

Câu 1 phần làm văn yêu cầu viết một đoạn văn nghị luận xã hội từ phần đọc hiểu. Yêu cầu là trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của việc phải biết sống cống hiến. Đây là yêu cầu phù hợp với tuổi trẻ, với thế hệ công dân bắt đầu đứng trước ngưỡng cửa cuộc sống.

Câu 2  phần làm văn yêu cầu cảm nhận một đoạn trích trong bài thơ Sóng, từ đó thấy được nét nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.

Đề bài khá quen thuộc và vừa sức với học sinh, có giá trị giáo dục thẩm mỹ với những rung cảm sâu sâu, tinh tế trong tình yêu. Đề Ngữ văn 2021 phù hợp với yêu cầu của kỳ thi, có sự phân hóa nhất định, có tính giáo dục, thẩm mỹ và nhân văn. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, ôn tập không thuận lợi, đề thi Văn "dễ thở" cũng góp phần tạo tâm lý thoải mái cho thí sinh tiếp tục bước vào các môn thi tiếp theo.

Với mức độ của đề thi năm nay, dự đoán, sẽ có nhiều điểm khá – giỏi.

Kim Thoa

report

Đề thi bảo đảm yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp

Cô Trịnh Thu Tuyết – Giáo viên Hệ thống Giáo dục Hocmai nhận định: Đề thi chính thức môn Ngữ văn kì thi Tốt nghiệp THPT 2021 bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Cụ thể như sau:

Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi phân loại theo các mức độ nhận thức. Hai câu đầu (câu 1 và 2) là câu hỏi nhận biết về 1 khía cạnh của nội dung văn bản. Câu 3 ở mức độ thông hiểu yêu cầu học sinh trình bày cách hiểu của mình về một hiện tượng cụ thể, từ đó khái quát lên những quy luật trong cuộc sống con người – đây là câu hỏi đòi hỏi thí sinh không chỉ nhận thức được nội dung ý nghĩa của cấu trúc ngôn từ mà còn cần kết hợp với trải nghiệm cá nhân trong cuộc sống để hướng tới những vấn đề lớn lao, mang tính vĩnh hằng trong cuộc sống con người – do đó đây là 1 câu hỏi thông hiểu ở mức độ khó.

Câu hỏi số 4 là câu vận dụng cao yêu cầu học sinh rút ra bài học về lẽ sống qua hành trình từ sông ra biển của nước trong đoạn trích – nếu kết hợp với vấn đề đặt ra trong câu nghị luận xã hội, học sinh có thể dễ dàng trả lời được câu hỏi số 4 về lẽ sống cống hiến. Nhìn chung, các câu hỏi đọc hiểu vừa sức với học sinh, nhất là 2 câu đầu ở mức độ nhận biết, học sinh hoàn toàn có thể được điểm tối đa; câu hỏi vận dụng cao cũng đã có phần gợi ý từ câu lệnh của bài làm văn số 1; khó khăn duy nhất với học trò là câu 3 ở mức độ thông hiểu – và đây có thể coi là câu hỏi mang tính phân loại cho bài làm của thí sinh.

Phần II – Làm văn (7,0 điểm): Giữ nguyên cấu trúc gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm).

Câu 1 (2,0 điểm):  Câu lệnh đã cung cấp đầy đủ và chuẩn xác các yêu cầu cụ thể để thí sinh có thể viết 1 đoạn văn với dung lượng khoảng 200 chữ về 1 khía cạnh của vấn đề rút ra từ đoạn trích của phần đọc hiểu, đó là “sự cần thiết phải biết sống cống hiến”. “Sống cống hiến” là một vấn đề quen thuộc trong cả cuộc sống và văn chương; chọn bình diện nhỏ của vấn đề là “sự cần thiết phải biết sống cống hiến” chính là yêu cầu học trò đề cập đến ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, giá trị….của ý thức “sống cống hiến” đối với mỗi con người cũng như toàn xã hội.

Một vấn đề rất lớn lao, rất ý nghĩa và cũng đồng thời quen thuộc trong thi ca, văn học, trong cuộc sống hàng ngày…hoàn toàn sẽ không làm khó cho học trò. Điều băn khoăn duy nhất là có thể học sinh sẽ gặp sự giao thoa giữa câu hỏi số 4 của phần đọc hiểu với khía cạnh cần bàn luận trong câu viết đoạn văn nghị luận xã hội; và đó cũng là nguyên nhân khiến bài viết ít có khả năng khơi gợi hứng thú và sự sáng tạo của thí sinh.

Câu 2 (5,0 điểm): Câu nghị luận văn học vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc, trong đó câu lệnh thứ nhất là nội dung chính của bài nghị luận yêu cầu thí sinh cảm nhận về 3 khổ 3,4,5 trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh; câu lệnh thứ 2 mang tính chất khái quát và nâng cao khi yêu cầu học trò nhận xét về “vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh”. 

Khổ 3 và 4 thể hiện những trăn trở, suy tư của người phụ nữ về sự bí ẩn, kì lạ, cũng là kì diệu của tình yêu khi liên tưởng tới sóng và gió; khổ 5 thông qua sóng, người phụ nữ bày tỏ một trong những xúc cảm mang tính đặc thù nhất của tình yêu đó là nỗi nhớ… – đó là những nội dung gắn với suy tư và xúc cảm thường gặp của người phụ nữ trong tình yêu, cũng đồng thời thể hiện “ vẻ đẹp nữ tính” trong hồn thơ Xuân Quỳnh nói chung và bài thơ Sóng nói riêng.

Vấn đề không mới, càng không hề khó với học trò, và “vẻ đẹp nữ tính” là một nét đặc sắc rất phù hợp với đoạn thơ và bài thơ - đó là những vấn đề mà thí sinh hoàn toàn có thể đồng thời phân tích trong quá trình cảm nhận, hoặc tách thành 2 luận điểm một cách mạch lạc như yêu cầu của đề.

Nhìn chung, đề thi Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp THPT 2021 đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Mức độ phân hóa của đề nếu có cũng chỉ  xuất hiện trong câu hỏi Đọc hiểu số 3,4 và trong mức độ thực hiện các yêu cầu của phần Làm văn.

Nguyễn Nhung

report

Đề thi phù hợp, không đánh đố học sinh

Cô Trần Thị Thanh Xuân.
Cô Trần Thị Thanh Xuân.

Cô Trần Thị Thanh Xuân, giáo viên Trường THCS - THPT Hà Thành (Hà Nội) nhận định: Đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 không khó, phù hợp với tình hình thực tế khi học sinh bị gián đoạn liên tiếp bởi Covid-19 trong năm học.

Về cấu trúc: Đề thi chính thức bám sát cấu trúc đề thi minh họa.

Phần đọc hiểu: Câu 1, 2: Là câu hỏi nhận biết khi học sinh chỉ cần đọc văn bản và tìm đáp án ngay trong đề. Đây là kiểu câu hỏi học sinh dễ dang lấy được điểm.

Câu 3: là câu hỏi thông hiểu, vận dụng khi yêu cầu lý giải dòng chảy của nước và cuộc sống con người. Câu 4: là kiểu câu hỏi vận dụng cao từ văn bản đọc hiểu để rút ra bài học cho bản thân

Phần Nghị luận xã hội: vẫn là vấn đề rút ra từ văn bản đọc hiểu, vấn đề này khơi gợi được những hiểu biết xã hội và mang tính cập nhật thời sự cao “sự cần thiết phải biết sống cống hiến”. Đây là vấn đề nghị luận xã hội có nhiều ưu thế dành cho học sinh.

Phần Nghị luận văn học: Nghị luận về 3 khổ thơ (3, 4, 5) của bài “Sóng”. Đây là một tác phẩm không khó và là chủ đề gần gũi với học sinh. Hơn nữa 3 khổ thơ đề ra lại là 3 khổ thơ hay nhất của bài, vì thế trong quá trình ôn tập chắc chắn học sinh được rèn luyện kĩ.

Về yêu cầu đề bài, đề thi chính thức vẫn rõ ràng rành mạch giữa hai yêu cầu “cảm nhận” và “nhận xét” như đề thi minh họa. Vì thế học sinh chắc chắn sẽ dễ dàng nắm bắt và làm tốt. Dự đoán, sẽ có nhiều điểm khá – giỏi.

Bảo Minh

report

Quảng Bình: Cảm thấy đề Văn vừa sức

Sáng nay, khoảng 9h30 các thí sinh tại Quảng Bình đã kết thúc 120 phút thời gian làm bài thi môn Ngữ văn.

Các tình nguyện viên đội mưa hỗ trợ thi sinh ra phía ngoài cổng trường.
Các tình nguyện viên đội mưa hỗ trợ thi sinh ra phía ngoài cổng trường.

Mặc dù thời tiết Quảng Bình có mưa, thế nhưng những tình nguyện viên của Đội tình nguyện đã đội mưa đón các thí sinh ra phía ngoài khu vực thi để cùng người thân trở về nghỉ ngơi, chuẩn bị cho môn thi Toán vào buổi chiều.

Thí sinh kết thúc môn thi Ngữ Văn với tâm lý thoải mái, phấn khởi.
Thí sinh kết thúc môn thi Ngữ Văn với tâm lý thoải mái, phấn khởi.

Em Ngô Thị Minh Ngọc, lớp 12 không chuyên trường THPT Võ Nguyên Giáp cho biết: “Đề thi Ngữ Văn năm nay vừa sức nên bản thân em làm bài tương đối tốt. Và em nghĩ các bạn hầu hết ai cũng có thể làm được bài’”.

Do thời tiết có mưa nên đội tình nguyện đã chuẩn bị các cây dù lớn để thí sinh trú mưa, đợi người thân.
Do thời tiết có mưa nên đội tình nguyện đã chuẩn bị các cây dù lớn để thí sinh trú mưa, đợi người thân.
Phụ huynh đợi đón các thí sinh, đảm bảo an toàn về khoảng cách phòng chống dịch Covid-19
Phụ huynh đợi đón các thí sinh, đảm bảo an toàn về khoảng cách phòng chống dịch Covid-19

Theo báo cáo nhanh của Hội đồng thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Quảng Bình, trong buổi thi đầu tiên có 11.796 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó số thí sinh dự thi là 11.751. Số thí sinh vắng thi là 45 (trong đó có 9 thí sinh do cách ly Covid 19). Buổi sáng kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế.

 

Quốc Việt

report

Đề thi vừa sức, phù hợp với điều kiện chung của đất nước

 

Thầy giáo Lê Hồng Phong – Tổ trưởng chuyên môn, Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa).
Thầy giáo Lê Hồng Phong – Tổ trưởng chuyên môn, Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa).

Nhận xét về đề thi môn Ngữ Văn, thầy giáo Lê Hồng Phong – Tổ trưởng chuyên môn, Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), cho hay: “Năm nay, kỳ thi rơi vào đúng dịp dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nên nhìn chung đề thi của Bộ GD&ĐT ra khá căn bản, phù hợp với điều kiện chung của cả đất nước.

Phần đọc hiểu, lấy một đoạn văn yêu cầu thí sinh trả lời 4 câu hỏi nhỏ. Ở  đó, thí sinh chỉ cần vận dụng kiến thức thông thường của kỹ năng đọc hiểu, là đã có thể trả được tương đối đạt yêu cầu của đề bài.

Câu nghị luận xã hội, đây là cơ hội cho thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ của bản thân mình về lẽ sống. Từ trên cơ sở của phần đọc hiểu, thí sinh sẽ thấy được lẽ sống của sự hy sinh, cống hiến.

Do đó, trong điều kiện hiện nay, thí sinh có thể liên hệ thực tế đến những hành động của thanh niên trong giai đoạn này. Đây là cơ hội để các em thể hiện được suy nghĩ, cũng như trách nhiệm, sứ mệnh của người thanh niên trong xã hội hiện đại.

Đối với câu nghị luận văn học, nhìn chung với đề bài này khá là căn bản. Tuy nhiên, nó là một bất ngờ, thú vị đối với thí sinh. Bởi, nếu thí sinh có cách phỏng đoán thông thường, thì năm ngoái đề thi đều ra bài thơ.

Tuy nhiên, năm nay Bộ lại ra đề về thơ của Xuân Quỳnh, ở một góc độ tình yêu của người phụ nữ, tình yêu lứa đôi. Thường thì học trò hay phỏng đoán, năm nay đề sẽ hướng đến vấn đề mang tính đại chúng, cộng đồng, xã hội cùng quan tâm, chứ ít khi hướng về tình yêu lứa đôi, cá nhân.

Vì thế, nếu học trò mà “học tủ” về câu nghị luận văn học này, sẽ có một chút bất ngờ và bị hẫng. Tuy nhiên, nếu học trò mà học một cách cơ bản, thì sẽ đáp ứng được. Bởi lẽ, đề bài ra một cách khá là cơ bản. Câu hỏi rất trọng tâm, phản ánh  đúng được tinh thần của đề minh họa”.

Cũng theo thầy Phong, năm nay đề thi môn ngữ Văn có điểm thú vị nữa là, việc quay trở lại với thuật ngữ mà bấy lâu nay học sinh khá quen: “Đó là cụm từ “cảm nhận”. Nếu so với năm ngoái, Bộ ra đề và dùng thuật ngữ là “phân tích”, thì năm nay đề lại ra câu hỏi khá quen thuộc là “cảm nhận”.

Xét một cách toàn diện, đề thi môn ngữ Văn năm nay vừa sức, phù hợp với điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành ở xã hội hiện nay. Do đó, có điều kiện để học sinh phát huy được khả năng liên hệ thực tiễn của mình. Nếu em nào học ở mức căn bản, thì mức 5-6 điểm là không khó.

Nhưng với câu nghị luận văn học, điều kiện cần ở học sinh là phải có vốn kiến thức khá rộng, để có thể liên hệ và bình xét sâu sắc, thì mới có điểm cao.

Nhìn chung, cả bài thi, nếu học sinh trung bình, vẫn có thể làm được khoảng 5-6 điểm nhẹ nhàng”, thầy Phong chia sẻ.

Thế Lượng - Lường Toán

report

Hà Tĩnh: Giáo viên nhận xét đề Văn năm nay hay và khá nhẹ nhàng

Theo cô Thái T.H. Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh giáo viên dạy môn Ngữ văn cho rằng: "Đây là thời điểm thí sinh cả nước bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 mà tình hình dịch bệnh lại diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của tôi, đề Văn năm nay khá hay khi cho "vẻ đẹp nữ tính" trong bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh".

Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp. (tại điểm thi Trường THPT Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên) cũng đánh giá tổng thể đề thi không có gì khó và không quá đánh đố học sinh. Đề ra đúng với tinh thần chống dịch Covid-19, phù hợp năng lực học và ôn thi của học sinh, không gây khó dễ cho thí sinh. Nói chung, đề thi Ngữ văn dễ thở.

Đề Văn năm nay, theo các giáo viên tại Hà Tĩnh nhận định là dễ thở.
Đề Văn năm nay, theo các giáo viên tại Hà Tĩnh nhận định là dễ thở.

"Phần ngữ liệu đọc hiểu văn bản lựa chọn phù hợp có chất văn chương, vừa khoa học lại vừa rất lãng mạn, giàu tính trữ tình. Câu 4 của phần đọc - hiểu và câu 1 của phần làm văn sự phân định khác biệt chưa rõ ràng. Đúng hơn là 2 câu này rất dễ trùng lặp về nội dung trong bài làm" - cô Diệp nói thêm.

Cô Diệp cũng cho hay, câu 2 của phần làm văn không có gì khó với lứa tuổi thanh niên được nói về những điều mà mình đang ấp ủ. Chưa kể "Sóng" là bài thơ rất hay về tình yêu, và đoạn thơ trích dẫn cũng là đoạn có nhiều cảm xúc và hình ảnh đẹp.

Một số giáo viên tại Hà Tĩnh cũng đánh gia chung: Đề Văn năm nay, thí sinh muốn đạt điểm cao chỉ cần bám sát vào các ý về vẻ đẹp: vẻ đẹp nữ tính của người phụ nữ - dịu êm, dịu dàng và trăn trở, có tính chất chủ động, không phải vẻ đẹp mang kiểu cổ điển thụ động trong cuộc sống; luôn luôn khát vọng về tình yêu; luôn nghĩ cả về anh và em - có nghĩa là không ích kỷ, nghĩ về anh để hiểu anh, nghĩ về em để hiểu mình.  Đây là tính chất hiện đại của người phụ nữ thể hiện rất thú vị trong bài thơ.

Một giáo viên khác dạy môn Ngữ văn tại Trường THPT Trần Phú (huyện Đức Thọ) khẳng khái nói: Đề Văn năm nay dễ đối với thí sinh, quá trình ôn luyện tại trường giáo viên cũng tập trung bám sát khung đề của Bộ nên học sinh khi làm bài thi không quá bỡ ngỡ. 

 Đề thi Ngữ văn phù hợp với tình hình thực tế nhưng vẫn có tính phân loại tốt ảnh 15

"Đặc biệt, phần đọc - hiểu khá ấn tượng. Văn bản của phần này không chạy theo các vấn đề thời sự mà nhẹ nhàng, có độ dài vừa phải, có ý nghĩa và mang tính giáo dục cao. Đặc biệt của đề Văn ở phần đọc - hiểu năm nay là người ra đề đã "thoát" hoàn toàn ra khỏi việc kiểm tra kiến thức về ngữ pháp tiếng Việt. Không còn dạng câu hỏi về phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ…như trước mà các câu hỏi đúng nghĩa là kiểm tra khả năng đọc - hiểu của thí sinh" - giáo viên này cho hay.

Giáo viên Ngữ văn Trường THPT Trần Phú cũng nhận định rằng: "Riêng câu hỏi phần nghị luận xã hội thì dự đoán sẽ có nhiều thí sinh "trúng tủ" bởi vấn đề rất quen thuộc với học sinh trung học".

Tóm lại, với nhận định chung từ các giáo viên dạy Ngữ văn tại Hà Tĩnh cho rằng, đề văn như năm nay, các thí sinh sẽ dễ dàng đạt từ 7,8 điểm trở lên nếu có ôn luyện đàng hoàng và có kỹ năng làm bài", thầy nói.

 

Trương Hoa

report

Đề thi có ý nghĩa giáo dục sâu sắc

Huỳnh Thị Như Quỳnh, tổ trưởng chuyên môn Trường THCS và THPT Phạm Kiệt, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi nhận định:

Đề thi môn Ngữ Văn vừa sức với các em, lượng kiến thức tương đối phù hợp với năng lực của học sinh ở các vùng miền trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, nhưng vẫn đảm bảo tính phân hóa đối tượng.

Phần Đọc hiểu thể hiện rõ các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Vấn đề đặt ra trong phần đọc hiểu khá hay. Câu 1,2 ở mức độ nhận biết đảm bảo mọi đối tượng học sinh đều có thể làm được. Tuy nhiên, Ở câu 3, 4 yêu cầu trình bày suy nghĩ, quan điểm là ở mức độ thông hiểu, vận dụng. phải có kỹ năng sống mới có thể làm được.

Câu nghị luận xã hội yêu cầu khá thực tế, học sinh dễ vận dụng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục cho học sinh những lẽ sống cao đẹp.

Phần nghị luận Văn học yêu cầu đề khá quen thuộc, bám sát đề minh họa.  Đề hay và có độ phân hóa cao, đòi hỏi 2 thao tác là học sinh cần cảm nhận và đưa ra ý kiến bình luận đánh giá dựa vào những thao tác nghị luận văn học cụ thể học sinh đã được học và nắm được. Đề bài có ý nghĩa giáo dục sâu sắc giúp các em hình thành quan niệm về một tình yêu đẹp.

 

Nguyễn Nhung

report

Nhiều đổi mới ở đề thi môn Ngữ văn

Thầy giáo Nguyễn Đình Hòa (Trường THPT Trần Phú, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nhận xét:

Những câu hỏi ở phần đọc hiểu chủ yếu hỏi đọc hiểu về nội dung chứ không hỏi phần tiếng việt. Như vậy HS rất dễ trả lời bởi nó không đòi hỏi phải có sự chính xác cao. Ví dụ như khi hỏi về các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn, thì HS phải trả lời chính xác mới có điểm. Nhưng với đề thi này thì HS chỉ cần dựa vào văn bản, hiểu nội dung là có thể trả lời dễ dàng và chỉ chấm ý. Từ đoạn văn sử dụng làm ngữ liệu, chuyển sang phần nghị luận xã hội, HS giữ được cảm xúc để viết về sống cống hiến. Chủ đề này cũng phù hợp với tuổi trẻ và cũng đánh động đến một bộ phận HS sống ích kỷ, đề cao lối sống cá nhân. 

Phần nghị luận văn học rất hay khi chọn 3 khổ thơ có thể nói là rất hay trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Bài thơ cũng khá phù hợp với tâm lý của HS lớp 12 nên các em dễ dàng cảm thụ và làm bài sẽ trôi chảy. Tuy nhiên, trong câu hỏi của đề vẫn có câu hỏi để phân loại, đó là từ cảm nhận khổ thơ để phân tích, chứng minh được vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh. HS phải thực sự tốt mới làm được phần yêu cầu này của đề thi. Nếu không cẩn thận thì HS sẽ sa đà vào phân tích, cảm nhận đoạn trích chứ không làm nổi bật được vẻ đẹp nữ tính của thơ Xuân Quỳnh qua đoạn trích. 

Ánh Ngọc

report

Văn không tách rời cuộc sống

Nhà giáo Trần Văn Toản tuyên dương HSG của trường.

Nhà giáo Trần Văn Toản tuyên dương HSG của trường.

Theo ThS Trần Văn Toản (Tổ trưởng tổ Văn, Trường THPT chuyên Quốc Học Huế, Thừa Thiên- Huế), với đề văn năm nay, thứ nhất các em đã làm quen với đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, đã được trải nghiệm dạng đề này trong các lần thi thử, trong quá trình giảng dạy của thầy cô.

Thứ hai, ở phần đọc hiểu, đề chọn ngữ liệu là một đoạn văn trong cuốn Bí mật của nước của Masaru Emoto với 4 câu hỏi theo các mức độ nhận thức: Nhận biết ( câu 1,2), thông hiểu (câu 3), vận dụng (câu 4). Ma trận này không còn xa lạ với người dạy và người học.

Nội dung đoạn trích trong ngữ liệu đọc hiểu có ý nghĩa sâu sắc khi đi từ câu chuyện nước mà nghĩ về cuộc đời, con người, hành trình cuộc sống; đánh thức  khát vọng đóng góp, cống hiến của bạn trẻ.... Điều đó chứng tỏ Ban ra đề đã trăn trở, suy nghĩ làm sao văn không tách rời cuộc sống.

Thứ ba, ở câu 1 (nghị luận xã hội ) của phần làm văn đề yêu cầu viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải biết sống cống hiến. Theo tôi, đây là vấn đề nóng. Bởi lẽ, trước tác động của xã hội, ảnh hưởng thời đại, nhiều người, nhất là bạn trẻ đã sống phai nhạt lý tưởng, thụ động, được bao bọc dẫn đến tâm lý hưởng thụ hơn là đóng góp, cống hiến.

Viết về lẽ sống cống hiến là dịp để bạn trẻ nhìn lại mình, tự thức tỉnh mình. Vì thế câu nghị luận xã hội này đang “chạm” vào vai trò, giá trị, ý thức bản thân nên chắc chắn có sự cộng hưởng, gây chú ý.

Thứ tư, cũng như năm trước, ở câu 2 (nghị luận văn học) của phần làm văn đề thi tập trung vào chương trình lớp 12 là phù hợp với mọi đối tượng học sinh.

Hơn nữa, đề thi yêu cầu học sinh cảm nhận một đoạn thơ trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh là vừa sức, “dễ chịu”, học sinh nắm tác phẩm và có kỹ năng phân tích, cảm thụ thơ thì không khó để ăn điểm.

Công Chương (ghi)

report

Nghệ An: Giáo viên tâm đắc với đề văn hay, vừa thời sự vừa sâu sắc

Theo cô Nguyễn Thị Lam Thủy – giáo viên môn Ngữ văn - Trường THPT Nguyễn  Xuân Ôn, huyện Diễn Châu, Nghệ An, đề thi môn Ngữ văn nhẹ nhàng, thú vị. Có thể không đúng dự đoán của thí sinh là ra vào phần thơ, tuy nhiên vấn đề này không quan trọng, vì 3 khổ thơ trong bài Sóng không quá khó với học sinh. Các em cũng đã được thầy cô ôn tập đầy đủ vì giáo viên sẽ không bỏ lọt bất cứ kiến thức nào.

Cô Thủy đánh giá ngữ liệu phần đọc hiểu và câu nghị luận xã hội hay. Cái mới của đề là phần đọc hiểu không chú trọng vào kiến thực tập Tiếng Việt thông thường mà chú trọng vào về nhận thức văn bản để tìm kiềm thông tin như tìm ngày trên văn bản.

Thí sinh Nghệ An dự thi môn Ngữ văn
Thí sinh Nghệ An dự thi môn Ngữ văn

Phần nghị luận xã hội là hay phù hợp trong bối cảnh  dịch Covid – 19. Đây là vấn đề chúng tôi đã nói rất nhiều trong các bài giảng và nằm trong 10 vấn đề quan tâm. Trong đó sự cống hiến xếp ở vị trí thứ 2.

Đề này, đảm bảo ở tính phân loại ở câu nghị luận văn học. Học sinh ngoài cảm nhận đoạn văn thì còn cảm nhậ thêm vẻ đẹp của tình yêu, của  tính nữ. Đây là cơ hội để học sinh thể hiện sự sâu sắc trong cảm nhận, cảm thụ văn chương của mình.

Cô Trần Thị Thương (GV Trường THPT Hoàng Mai, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) nhận xét đề thi bám cấu trúc theo đề tham khảo theo đề ra của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nội dung của đề cũng là nội dung đã học trong trường phổ thông.

Câu đọc hiểu, cũng được phân làm 4 câu với 4 mức độ. Trong đó câu 3 hơi khó, còn lại các câu 1,2,4 dễ và tìm ngay trong đoạn trích của phần đọc hiểu. Ngay trong câu 1 tính phân loại ra và thí sinh có thể làm được.

Thí sinh hoàn thành bài thi môn Ngữ văn với tâm lý thoải mái
Thí sinh hoàn thành bài thi môn Ngữ văn với tâm lý thoải mái

Câu làm văn, và câu nghị luận xã hội trong đề khiến giáo viên dạy văn như tôi rất tâm đắc. Lý tưởng sống cống hiến thì bất cứ bạn trẻ nào và bất cứ trong thời đại nào cũng cần. Điều này cũng phù hợp trong dịp dịch bệnh Covid-19 bùng phát hiện nay, và cả trong truyền thống, tâm lý người Việt.

Về câu nghị luận văn học, nhiều thí sinh bất ngờ là điều dễ hiểu. Vì năm trước, cả 2 đề thi lần 1 và lần 2 đề ra về thơ bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm và Việt Bắc của Tố Hữu. Vì vậy, thí sinh sẽ nghiêng dự đoán đề ra văn xuôi Vợ chồng A Phủ hoặc Vợ nhặt.

Dù bất ngờ những không phải là thí sinh không làm được. Lệnh chính cảm nhận về đoạn thơ thì cơ bản thí sinh nào cũng làm được bằng năng lực cảm nhận văn học, phân tích bình luận qua ngữ liệu đã cho cho. Đây cũng là 3 đoạn đặc sắc của bài thơ Sóng.

Câu 2 có tính phân loại, đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ 1 chút. Bản thân nhà thơ Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ, nữ tính. Để làm tốt, thí sinh không chỉ phân tích gói gọn trong 3 khổ thơ, mà phải mở rộng ra phong cách nghệ thuật thơ Xuân Quỳnh. Đồng thời phải đặt bản thân mình vào thời điểm Xuân Quỳnh sáng tác bài thơ là năm 1967 để cảm nhận được vả đẹp nữ tính của phụ nữ truyền thống nhưng cũng mới mẻ và hiện đại, khát khao tình yêu, hạnh phúc.

Học sinh có nền tảng kiến thức văn học vững chắc, sẽ nhận ra giáo viên trước khi dạy vào bài thơ, văn đều nhắc đến giai đoạn văn học và bối cảnh lịch sử, phong cách nhà thơ. Cô Thương đánh giá, đây là đề thi hay, vừa phù hợp với học sinh vừa có tính phân loại cao.

Hồ Lài

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ