Giáo viên giỏi chia sẻ cách thiết kế giáo án điện tử lôi cuốn

GD&TĐ - Việc dạy học bằng giáo án điện tử sẽ mang đến những tiết học hấp dẫn, lôi cuốn, giúp học sinh tiếp nhận kiến thức tốt hơn. Tuy nhiên, đằng sau mỗi tiết dạy bằng giáo án điện tử là rất nhiều tâm sức, những đêm dài thao thức của người giáo viên tâm huyết với nghề.

Cô giáo Trần Thị Thu Hương trong một giờ giảng bằng giáo án điện tử
Cô giáo Trần Thị Thu Hương trong một giờ giảng bằng giáo án điện tử

Khâu quyết định thành bại của giáo án điện tử

Là giáo viên giỏi, từng đoạt giải khuyến khích cấp quốc gia cuộc thi Thiết kế bài giảng e-learning, cô giáo Trần Thị Thu Hương (Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ - Quận Lê Chân – TP Hải Phòng) cho biết: Công tác chuẩn bị là khâu vất vả nhất đối với giáo viên và có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của việc soạn giáo án và tiến trình tiết học.

Ưu thế của việc sử dụng giáo án điện tử là chuyển tải dễ dàng, hiệu quả kiến thức. Nhưng để có được một clip phim tư liệu, những hình ảnh sinh động, lược đồ, hình vẽ động là điều không dễ. Nó đòi hỏi giáo viên phải thành thạo kỹ năng tìm kiếm trên internet và khả năng sử dụng thành thạo một số phần mềm hỗ trợ - điều này không phải giáo viên nào cũng tiếp cận được.

“Khi đã có đoạn phim hay hình ảnh rồi thì việc lựa chọn, xử lí, sử dụng như thế nào cũng khiến không ít giáo viên lúng túng. Nhiều giáo viên thậm chí thích đưa tất cả những hình ảnh mình có vào bài giảng. Do tính chất khó khăn của khâu này nên có thầy cô chấp nhận “lấy” giáo án trên mạng về sử dụng hoặc chỉnh sửa, nhưng đa số những giáo án này đều khá sơ sài và không khoa học…” – cô Trần Thị Thu Hương chia sẻ.

Cô Trần Thị Thu Hương nhận Bằng khen trong cuộc thi Thiết kế bài giảng e-learning cấp quốc gia
Cô Trần Thị Thu Hương nhận Bằng khen trong cuộc thi Thiết kế bài giảng e-learning cấp quốc gia

Làm thế nào để có một giáo án điện tử hấp dẫn

Chia sẻ kinh nghiệm, cô Trần Thị Thu Hương cho rằng, để khắc phục những khó khăn nói trên, trước hết người giáo viên phải xác dịnh được trọng tâm nội dung kiến thức cần truyền tải. Sau đó, thiết kế bài giảng trên PowerPoint.

Dùng phần mềm PowerPoint thiết kế bài giảng bình thường nhưng chú ý chỉ thiết kế với các kênh chữ và kênh hình (dạng tranh và ảnh), còn clip và audio thì dùng phần mềm Present để đưa vào sau.

Tiếp theo là phần nội dung các câu hỏi tương tác (quizze) giúp người học chủ động, hứng thú theo dõi bài giảng. Phải tạo những câu hỏi đúng, phù hợp với nội dung bài học (câu hỏi không nhất thiết cứ phải cho điểm). Thiết kế trên PowerPoint thật hoàn thiện với kênh hình và kênh chữ.

“Giáo viên viết lời giảng ra giấy thật cẩn thận chi tiết, chuẩn về ngôn ngữ, chuẩn về kiến thức, trọng tâm tránh dài dòng trong từng slide, để sau này có thể ghi được âm thanh và chèn vào từng trang. Cuối cùng là kết hợp tất cả nội dung và đóng gói bài giảng” – cô Trần Thị Thu Hương lưu ý.

Cô giáo Trần Thị Thu Hương từng tốt nghiệp loại Giỏi khoa Giáo dục Tiểu học - Trường ĐH Hải Phòng. Được Ban giám hiệu tin tưởng phân công chủ nhiệm và giảng dạy các môn văn hóa lớp 3, cô Hương đã kiên trì, nhẫn nại nỗ lực tìm tòi phương pháp mới sinh động, có hiệu quả để vận dụng vào việc giảng dạy sao cho học sinh tiếp thu bài, hiểu bài một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Sau 3 năm công tác, tuy còn khá trẻ nhưng cô liên tục đạt các danh hiệu: Giáo viên dạy giỏi cấp quận năm 2016 – 2017 và 2017 – 2018, giấy Chứng nhận của UBND quận Lê Chân về thành tích xuất sắc trong giảng dạy năm học 2016 - 2017. Trong cuộc thi Thiết kế bài giảng e-learning lần thứ 4, cô đã xuất sắc đạt giải nhất cấp quận và giải khuyến khích cấp quốc gia.

Cùng với nhiều thành tích trong giảng dạy, cô Trần Thị Thu Hương cũng thường xuyên vận động giúp đỡ cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, như trao quà, học bổng, áo ấm, sách vở cho những học sinh nghèo học giỏi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ